CHÚ GIẢI TIN MỪNG
NGÀY 09 THÁNG 04 NĂM 2020
THỨ NĂM TUẦN THÁNH A
Tin mừng Ga 13: 1-15
Học viện Piô Giáo hoàng - Chú Giải
RỬA CHÂN CHO MÔN ĐỒ
LOAN BÁO GIUĐA PHẢN BỘI
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Chi tiết “hôm trước lễ Vượt qua" phải chăng chỉ là một xác định thời gian'?
2. Tại sao Gioan liên kết hai việc “xuất tự Thiên Chúa" và "đi về cùng Thiên Chúa" (c.3)? Phương thức này nhằm diễn tả chân lý thần học nào?
3. Tại sao Phêrô chống đối việc Chúa Giêsu rửa chân cho ông Trong quá khứ, ông có phản ứng nào tương tự như vậy chăng và đã bị Chúa Giêsu trả lời ra sao?
4. Việc rửa chân này cho thấy phải định nghĩa đức ái Kitô giáo bằng hình ảnh gì?
5. Gioan cố ý nói lên sự tương phản nào qua việc trích dẫn Tv 41, 10 (Ga 13, 18)?
NHẬP ĐỀ TỔNG QÚAT CHO LỜI DI CHÚC THIÊNG LIÊNG (13, 1)
Trong bản Hy lạp, câu 1 chỉ có một mệnh đề, muốn dịch dễ dàng thì phải phân thành ba mệnh đề độc lập: Lúc đó là ngày áp lễ Vượt qua. Chúa Giêsu biết đã đến giờ Người qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha. Đã yêu mến các kẻ thuộc về mình còn trong thế gian, thì Người vẫn yêu mến họ đến cùng. Chi tiết thời gian: trước lễ Vượt qua xem ra mơ hồ (x. 11, 55; 12, 1) nhưng có thể xác định được nhờ 18,28 và Lc),14: "hôm áp lễ Vượt qua". Theo cách người Do thái tính một ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn, thì lễ Vượt qua khối sự từ chiều ngày 14 tháng Nisan (tháng ba-tháng tư). Như vậy, đối với Gioan, tiệc ly đã xảy ra chiều ngày 13 tháng Nisan, tức là hôm trước ngày cử hành bữa ăn Vượt qua. Trái lại, các tác giả Nhất lãm trình bày Tiệc ly như là chính bữa ăn Vượt qua (Mt 26,17-19; Mc 14,12-16; Lc 22,7-13.15; x.Mc 14,22) mà thường phải xảy ra vào chiều ngày 14. Chẳng có một giải đáp nào về vấn đề thời biểu này làm ta thỏa mãn cả. Dù sao, không có lý do để quả quyết rằng Gioan đã thay đổi ngày giờ Chúa Giêsu chịu chết để đặt nó vào chính giờ sát tế các chiên chuẩn bị lễ Vượt qua (19,14) hầu trình bày người như là chiên vượt qua của Giao ước mới (19, 32- 37).
Mặc dù trình thuật của Gioan không có một chi tiết nào trực tiếp liên hệ đến bữa ăn Vượt qua vẫn hợp lý hơn nếu nhìn nhận Tiệc ly này chính là bữa tiệc ly được kể lại trong Nhất lãm: trong cả hai trình thuật, lời loan báo Giuđa bội phản, Phêrô chối Thầy, các môn đồ bấn loạn hoàn toàn phù hợp nhau. Dù cho hay không cho rằng bữa ăn này trùng với bữa ăn Vượt qua Do thái, thì đây vẫn là bữa ăn lập phép Thánh Thể, bữa ăn Vượt qua của Giao ước mới. Thành ra ta không được quên cái hậu cảnh thánh thể của bữa Tiệc ly khi đọc những chương 13 đến 17.
Vì vậy chi tiết hôm trước lễ Vượt qua không hẳn là một chỉ dẫn thời gian cho bằng là một tiêu đề long trọng đặt ở đầu toàn thể phần này, để tức khắc lưu ý độc giả rằng đây là lễ Vượt qua cuối cùng mà Chúa Giêsu đã dự. Bởi vì trước đó, vào dịp Lễ Lều (7,8) Người đã từ chối lên Giêrusalem cách chính thức với tư thế Đấng Messia, và xác định thêm là sẽ không dự lễ "ấy”, (ngụ ý rằng sẽ đì vào một lễ khác sắp tới) nên người ta đã tiên cảm lễ Vượt qua này sẽ có tính cách quyết định. Ngoài ra chi tiết đầu tiên nói trên còn được tăng cường bằng nhiều ám chỉ về những âm mưu hạ sát Chúa Giêsu (Ga 7, 30. 33. 44; 8, 20. 59; 10, 31. 39; 11, 47- 53. 57; 12, 10-11.19). Do đó, ngay từ những chỗ đề cập đầu tiên về lễ Vượt qua ấy (11, 55; 12, 1), độc giả biết đang đứng trước chuyện gì; trong 11, 53 Đại công nghị quyết định giết Chúa Giêsu và cho những chỉ thị để bắt Người (11, 57); ở 12,7 Chúa Giêsu được xức dầu thơm, ám chỉ việc khâm liệm; ở 12, 11 Đại công nghị nghĩ tới việc thủ tiêu Ladarô: đây chính là thử thách quyết định (12,19). Như vậy với một chi tiết mà các sử gia thường thấy là một chỉ dẫn thời gian, thì độc giả Tin Mừng thứ bốn sẽ nhận ra đó là dấu hiệu minh bạch của thảm kịch đang bắt đầu, của "Giờ" đang đến".
Bởi vì độc giả đang chờ nó, chờ "Giờ" ấy. Nhiều lần Giờ đã được ám chỉ với những hạn từ huyền bí; đó là giờ của tối tăm (lễ 22,53), tức là của cái chết, nhưng cũng là giờ của mặc khải vinh hiển (Ga 7, 6- 8. 30; 8, 20; 12, 23. 27). Trước đấy ở Cana, vào lúc khởi đầu sứ vụ công khai (2, 4), Chúa Giêsu đã đi đến cái giờ cuối cùng này như là giờ sẽ thấy sứ mạng thiên sai của Người được hoàn thành, và chắc Người cũng đã nghĩ tới một bữa tiệc cưới khác, khi “rượu của thời cứu độ" sẽ được rót ra để cử hành lễ tạ ơn. Vào lúc cuối sứ vụ công khai, ngay trước hồi kết thúc, tiếng từ tiên đã đến xác nhận lời của Chúa Giêsu: "Bây giờ hồn Ta những xao xuyến và Ta sẽ nói gì đây? Cha ơi, xin cứu con khỏi Giờ này! Nhưng chính vì thế mà con đã đạt thấu Giờ này. Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!
Chúa Giêsu biết giờ đó, biết lúc nào nó sẽ đến (Ga 7, 33- 35; 8, 21; 9, 4; 10, 15- 17; 12, 7. 23. 24. 27. 31- 35). Thật là hữu ích khi nhấn mạnh điều này thêm một lần nữa trước ngưỡng cửa thảm kịch, bởi vì nếu để người ta nghĩ rằng Đấng Messia có thể đã bị sa lưới, thì sẽ gợi lên mọi nghi ngại và thật đọng nơi tâm trí bất cứ độc giả Do thái nào. Chính với cũng một chủ đích minh giáo ấy mà nhiều lần Tin Mừng đã xác quyết Chúa Giêsu biết trước sự bội phản của Giuđa (Ga 6, 64. 70- 71; 13,10- 11. 18. 26- 27; 17, 12), đã nhắc lại lời tiên báo của Thánh Kinh và ngay cả lời của chính Chúa Giêsu về số phận Ngươi (Ga 13, l8; 17, 12; 18, 9; 13, 38; l8, 27; 18, 32; 19, 24. 37). Thành ra không thể nghi ngờ chuyện Chúa Giêsu đã biết trước chi tiết của tất cả những gì chờ đợi mình (Ga 18,4; x.8,14; 16,28). Người đã hoàn thành cách tự do và với tất cả ý thức hiểu biết đến cái chấm cuối cùng của chương trình mà, theo Kinh Thánh (19,28), Chúa Cha đã chỉ định cho Người (Ga 10, 17- 18; 14, 30- 31; 19, 11; 18, 4- 11).
Như vậy, lời xác quyết đầu bài về "tiên thức của Chúa Giêsu" có một hậu quả kép, trên bình diện tâm lý và văn chương. Như một sợi chỉ nổi xuyên qua suốt cả phần, nó góp công duy trì bầu khí căng thẳng càng lúc càng cao, đồng thời đem lại cho những lời khuyên cuối cùng của Chúa một âm điệu đầy cảm kích, một âm vang càng lúc càng lớn.
Vào mỗi giai đoạn của những biến cố bi thảm này (13, 3; 18, 4; 19, 28), từ ngữ Hy lạp eidôs, diễn tả tiên thức ấy, lại được sử dụng như một tiếng cồng trầm hùng vang dội, như một lời kêu gọi chú ý trước một tuyên bố long trọng, và cung cách trang nghiêm của câu văn càng làm nổi bật bản lãnh trầm tĩnh, uy nghi của Chúa Giêsu, Đấng vượt lên trên những hiểu lầm và giao động băn khoăn của các môn đồ cũng như những âm mưu quỷ quyệt của các người Do thái: Vào hôm trước lễ Vượt qua, biết rằng đã đến giờ qua khỏi thế gian này dể đến cùng Cha.
Từ lâu, thánh sử đã vượt qua nỗi khắc khoải hẳn đã làm cho ông nghẹn ngào trong giây phút ấy; từ biến cố dữ dằn, từ tai họa tuyệt vọng, ông làm nổi lên một ý nghĩa mới: đó là cuộc Vượt qua từ thế gian kiêu căng, bất định và bị Satan chế ngự này để đến với Cha; đó là điểm hội tụ tất cả mọi nỗi mong chờ, mọi niềm hy vang Kitô giáo. Trong diễn từ giã biệt, cuộc Vượt qua tới với Cha này vừa là biến cố cốt yếu sẽ tỏ lộ nguồn gốc đích thực của Chúa Giêsu vừa là căn nguyên đầu hết của mọi an ủi cho các môn đồ, là cơ sở của niềm vui, là động lực của lòng can đảm trong suốt cuộc đời của họ. Cách phê phán các sự kiện theo tầm mức của chúng trên bình diện mặc khải và cứu dộ, chứ không theo những vẻ bên ngoài như vậy, chứng tỏ một sự già dặn tư tưởng thần học, sự già đặn mà người ta chỉ có được sau một đời chiêm niệm lâu dài và bình thản.
Cuộc đời Chúa Giêsu đã không được thuật lại hẳn như là một chuỗi liên tiếp những biến cố là sự kiện có thể quan sát những chỉ được phác họa để làm nổi bật chủ đề trọng tâm là tình thương mà Thầy có đối với những thuộc nhân: Người đã yêu mến các kẻ thuộc về Người còn trong thế gian và đã yêu mến họ đến cùng. Quả thực đời Người đã được thúc đẩy bằng tình thương đó, như cái chết của Người làm chứng. Khi xác định đang còn trong thế gian, Gioan cho thấy ông nhìn tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu dưới ánh sáng của cái chết ấy đến chừng nào. Bởi vì cái chết của Người sẽ là căn do khiến họ cô đơn trong thế gian. Những chữ đó, cũng như thành ngữ có vẻ vô nghĩa nhưng rất nồng nàn: các kẻ thuộc về Người, thực ra nói lên mối ưu tư cốt yếu của Chúa vào lúc Người sắp sửa để những kẻ đã theo Người ở lại một mình.
Đã hẳn, đấy chỉ là những tiểu tiết, nhưng lại bộc lộ rõ một lòng âu yếm gần như băn khoăn của Chúa khi nghĩ tới những bất trắc và sự cô đơn đang rình chờ họ. Trong bầu không khí đã được tạo ra như thế, lời loan báo ra đi, lời vĩnh biệt mới có thể vang lên. Tình yêu của Chúa đối với những kẻ thuộc về Người thúc đẩy Người chuẩn bị họ bước vào thảm kịch, sửa soạn cho họ trước khi để họ một mình.
Thực ra, sự ra đi này sẽ là dấu tinh tế nhất, là cách biểu lộ hoàn hảo nhất của tình thương Người đối với họ. Ngữ điệu Hy lạp được dùng eis telos có thể có hai nghĩa. Khi là sự trung thành trong tình thương cho đến lúc chết (Mc 13, 13), khi là "cao đỉnh" của cường độ tình thương (1Tx 2, 16). Ở đây cả hai nghĩa đều có, mặc dù ý nghĩa thứ hai được nhấn mạnh hơn: bởi vì cái chết quả là bảo chứng tối thượng của tình yêu (Ga 13, 34; 15, l3; 1Ga 3, 16; Gl 2, 20; Rm 8, 32. 35. 39; Ep 3, 19; 5, 2. 25; x. Pl 2, 8).
2. NHẬP ĐỀ CHO VIỆC RỬA CHÂN (13, 2- 3)
Bữa ăn tối bắt đầu, mọi người ngồi vào bàn. Ít nhất đó là cách đọc của những chỉ cảo giá trị nhất, phù hợp với mạch văn (c.4. 12. 26), trái với bản Phổ thông: caena facta, sau bữa ăn lối Thật là hoàn toàn bất thường chuyện các thực khách đứng lên trong bữa ăn để rửa chân (Lc 7,44; St 18,4.5; 24,32-33).
Việc rửa chân này chứa đựng một ý nghĩa tượng trưng mà ta chỉ hiểu được khi chú ý đến sự tương phản của những trạng huống tâm lý giữa các nhân vật. Một đàng là sự hèn nhát của tên phản bội mà bóng u ám của Satan đang phủ lên (Ga 6, 70- 71; 13, 27; Lc 22, 3; 1Cr 2, 8; x. Ga 8, 44; 12, 31; 16, 11), đối diện với tình thương của Thầy đã khiến Thầy chấp nhận cái chết (c. 1), đối diện với sự khiêm hạ đầy âu yếm của Thầy đã khiến Thầy rửa chân cho các môn đồ; đàng khác là dịch vụ nô lệ được chọn lựa bởi Đấng hoàn toàn ý thức mình đã nhận lãnh tất cả từ nơi Cha. Không phải là ngẫu nhiên mà chữ eidôs, biết trong của câu 1 trở lại ở đây. Chúa Giêsu biết rằng Người tham dự vào quyền năng thống trị của Chúa Cha trên thế gian và Người đã nhận lãnh từ nơi Cha toàn quyền để ban sự sống muôn đời hay kết án muôn kiếp (Ga 3, 25; 5, 22- 29; 8, 16; 17, 2). Địa vị tối cao của Người sắp được tỏ lộ ra với tất cả vẻ vinh quang, nhờ cái chết của Người, vì cái chết ấy đánh dấu sự trở về với Chúa Cha là nơi Người đã phát xuất.
Nhưng đồng thời, sự trở về ấy lại là mặc khải rực rỡ nhất về nguồn gốc và bản chất thâm sâu của Người. Đó là một cái nhìn thần học mà gian cho là cơ bản; vì thế, ta nên dừng lại một chút, và nên chú ý hơn nữa; bởi ta sẽ gặp lại cái nhìn lần học này nhiều lần trong những chương tiếp theo. Trước đấy cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, trong một mức độ nào đó đã là một mặc khải về vinh quang của Chúa Cha tỏ lộ trong Con (1, 18); quả thật. sứ mạng ấy đã đ.ược khai mạc (2, 11) và hoàn thành (11, 4. 40) bằng một dấu chỉ biểu lộ vinh quang của Chúa Giêsu (2, 11); nghĩa là tư cách “Đấng thiên sai" của Người, tước vị căn bản của Người; nói tóm lại là bản chất sâu xa nhất của Người; đồng thời dấu chỉ ấy cũng biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa Cha Người (11, 4. 40). Tuy nhiên, nói cho đúng, vinh quang thần linh ở nơi Người chỉ xuất hiện không che dấu vào lúc cuối đời Người, trong (cái chết cái chết này là một sự "tôn lên") và trong việc Người lên trời (cái chết và việc lên trời được xem như là một biến cố duy nhất). Những gì xảy ra trước chỉ cô tính cách mặc khải bằng dụ ngôn (16,25-28). Mặc khải đích thực hệ tại việc làm cho các môn đồ nhận biết Chúa Cha trong Chúa Giêsu. Và chính bây giờ (14,7) mà mặc khải này saá¨p được thực hiện. Chỉ vào lúc lên trời, bởi việc trở về với Cha của Người, mà các môn đồ - và chính Gioan nữa – mới hoàn toàn hiểu, nếu không phải là khám phá, nguồn gốc thần linh đích thực của Chúa Giêsu và bản.chất sâu xa nhất của Người. Trong khi chiêm ngưỡng Người trở về trong vinh quang của Chúa Cha, họ hiểu rằng Người đã từ Cha mà phát xuất. Ai thấy điều đó và tin nhận thì là kẻ có đức lin sung mãn. Đấy là tín khoản thứ nhất của một Kitô hữu: tin rằng Người đã xuất tự Cha, rằng Cha đã sai Người (Ga 3, 34; 5, 36. 38; 6, 29. 57; 7, 29; 8, 42; 10 ,36; 11, 42; 17, 3. 8. 21. 23. 25; 20, 21 ). Nếu cho tới đây họ đã biết nhận ra Chúa Giêsu là lời của Chúa Cha, cùng nhìn thấy các công việc và phép lạ của Người là những dấu chỉ xác nhận một sứ mạng thần linh của Người, thì từ lúc Người trở về với Chúa Cha, họ thấy chính nguồn gốc thần linh của Người. Cái kinh nghiệm cơ bản về sự trở về với Cha ấy, được nhận ra như là cơ sở của lòng tin vào nguồn gốc thần linh của Chúa
Giêsu, Gioan đã diễn tả bằng cách đề cập cùng một lần hai việc "đến từ Chúa Cha" và "trở về với Chúa Cha" như hai dữ kiện song song chặt chẽ với nhau (Ga 13, 3; 8, 14. 21. 23; x 13, 36).
Về kinh nghiệm này ta có một trình bầy đầy đủ hơn trong chương 16,25- 31 thời kỳ của những dụ ngôn đã qua, mặc khải lớn lao nay tới gần: Ta đã xuất tự Cha và đã đến trong thế gian; bây giờ Ta lại bỏ thế gian mà đi đến cùng Cha. Các môn đồ - tức là Gioan -cuối cùng có cảm giấc nghe được một ngôn ngữ trong sáng. Từ nay họ hiểu rằng Người biết hết mọi sự, Người đem đến mặc khải tràn đầy về Thiên Chúa, Người đón trước những thắc mắc chứng tỏ họ không hiểu gì (14, 16; 16, 19.30), tóm lại họ biết Người từ Thiên Chúa mà ra (16, 31): Trong thực tế, Người trở về lại nơi Đấng đã sai Người đến (Ga 7, 33; 16, 5. 10. 17).
Cái kinh nghiệm về việc lên trời này được xem là mặc khải cốt yếu đến nỗi nó đã được đề cập tới, trước cả khi xảy ra, trong phần đầu cuốn Tin Mừng (1, 51; 3,10- 14; 5, 17- 20; 6, 60- 63; 8, 23- 28). Tất cả những bản văn này đều được xây dựng theo một lược đồ đồng nhất: trước hết là một lời nói hay một cử chỉ của Chúa Giêsu làm lạc hướng những quan niệm trần tục thông thường. Rồi từ sự kiện đó, các thính giả hay nhân chứng cảm thấy bị đặt trước một mầu nhiệm cứu rỗi, đối diện với một mặc khải còn che dấu về - sứ mạng thần linh của Người. Tiếp đấy các người có mặt chứng từ sự ngạc nhiên của họ, tức là lòng cứng tin hay ít nhất là sự thiếu đức tin. Ngay tức khắc, Chúa Giêsu phản ứng, tố cáo sự kinh ngạc cứng tin đó, xác quyết lời nói hay cử chỉ của Người - Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi bằng lời loan báo một phép lạ lớn, một mặc khải rực rỡ. Dầu sao, lời loan báo này vẫn còn huyền bí, nhưng đối với chúng ta là người đã biết câu chuyện, thì mỗi lần như' vậy đều có ám chỉ rất rõ ràng về những biến cố cuối cùng của đời Người, đặc biệt là việc Người lên trời.
Chính vì thế mà ở 13,3, việc đề cập tới cuộc trở về với Chúa Cha nhắm mục đích xác quyết một cách công khai nhất tước vị tối thượng của Chúa Giêsu, nguồn gốc thần linh của Người. Nét tương phản giữa tước vị ấy và sự tự hạ khiến Người làm một công việc dành cho nô lệ được nhấn mạnh đặc biệt ở đây cũng như ở Pl 2,6-8. Không còn nghi ngờ về chủ ý của tác giả nữa: đây là một tác dụng bi kịch!
3. RỬA CHÂN (l3, 4- 11)
Trình thuật chi tiết này về những sự kiện và cử chỉ của Chúa Giêsu không phải là không có ý nghĩa. Khi. cởi chiếc áo khoác ngoài ra, Chúa Giêsu làm những cử chỉ của người nô lệ hay người thợ chuẩn bị vào việc, cũng như họ, Người xắn cao áo trong với một khăn thật lưng để làm việc cho thoải mái. Vì thời đó, phận sự của nô lệ, đặc biệt các nô lệ không phải-người Do thái, là rửa chân cho khách (1Sm 25, 41). Hơn nữa, ngay cử chỉ Người cởi áo ra và lấy mặc lại (c. 12) gợi nhớ những chữ mà Người đã dùng trong Ga 10,17-18 để nói về cái chết hoàn toàn tự nguyện và sự sống lại của Người.
Hình như đầu hết là rửa chân cho Phêrô. Sự phản đối của ông sẽ thiếu tự nhiên nếu giả thiết nhiều môn đồ khác đã được rửa trước.
Chúa Giêsu không chấp nhận sự phản đối bộc phát đó vì đối với Người, nó chứng tỏ Phêrô chẳng hiểu gì. Không nên phê phán cách hành động của Người từ bên ngoài, theo những tiêu chuẩn nhân loại. Phêrô vẫn còn tù túng trong quan niệm thiên sai cũ nên không thể chấp nhận rằng Đấng Thiên sai tự hạ làm một dịch vụ của nô lệ. Thế nhưng, trong ý tưởng của Chúa Giêsu, dịch vụ này còn nặng ý nghĩa hơn Phêrô tưởng: đó và một dịch vụ nô lệ tiên trưng cái chết của Người. Chắc hẳn Người đã loan báo cho họ biết mình sẽ phủi chết: Và trong một trường hợp tương tự, Người đã quở trách Phêrô vì phản đối Người (Mt 16, 22; Mc 8, 32). Thành ra Phêrô đã không hiểu gì. Chúa Giêsu sẽ cho ông một bài học khác về điểm đó sau này, tức là ngay sau khi rửa chân. Ít nhất đó là ý nghĩa đầu của chữ “rồi đây". Nhưng đối với chúng ta và nhất là đối với Gioan, thật khó mà không nghĩ tới ngày hôm sau: ngày hôm sau sẽ phải hiểu khi họ sẽ thấy Đấng Thiên sai của họ bị treo trên thập giá và đổ máu cho đến giọt cuối cùng. trái lại, nếu dịch “rồi đây" (par la suất) ra về sau" (plus tard) và tìm ở đó một ngụ ý về sự hiểu biết hoàn toàn mà các môn đồ sẽ nhận được từ Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh, thì thật là đã nới rộng quá đáng ý nghĩa của chữ ấy (Ga 2, 22; 7, 39; 12, 16; 14, 17. 25- 26; 16, 13; 20, 9; quả thực ý nghĩa này (sự hiểu biết hoàn hảo) phải loại bỏ vì trong trường hợp đó, bản văn Hy lạp sẽ dùng usteron hơn là me ta tanta; x. câu 36).
Nhưng ngư phủ ngày xưa ấy, với đầy lương tri dù có hơi thô lỗ, không cần bao lời giải thích cũng biết rằng việc của Thầy không phải là rửa chân cho trò. Vì thế, ông không chịu lùi bước. Chẳng đời nào Ngài sẽ rửa chân tôi!
Chắc chắn câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho độc giả cũng chưng hửng không kém Phêrô lúc đó. Tại sao Người đáp lại cách cứng rắn và đầy đe dọa như thế? Nếu Phêrô không chấp nhận cử chỉ khiêm hạ của Thầy, ông sẽ chẳng có "phần" với Thầy nghĩa là sẽ không được nhận vào trong Vương quốc của Người. Nhìn sát chữ, ta thấy Gioan viết: người không có phần, ở thì hiện tại; nhưng điều đó không hề có nghĩa là những lời ấy chẳng bao hàm mối đe dọa về tương lai, như thể chúng chỉ có công dụng nói lên sự không hiểu của Phêrô, như trường hợp tương tự trong Mt 16,21-23: Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. Nơi Gioan, thì hiện tại thường có giá trị như thì tương lai, và chính ở đây là trường hợp điển hình. "Có phần với ai " là một đặc ngữ Do thái có nghĩa: "Chia sẻ giữa nhau một tài sản đang hy vọng" (thí dụ
một mảnh.đất hay một chiến lợi phẩm).
Phêrô còn chưa đón nhận được mặc khải của Chúa Kitô trong những góc cạnh sâu thẳm nhất của nó. Trước đấy, sau cuộc Biến hình, ông đã không thể chấp nhận Đấng Thiên sai của ông phải đau khổ và phải chết (Mt 16,21-23); bây giờ cái chết ấy đang gần kề, ông cũng vẫn không thể chịu được rằng Chúa tự hạ làm một dịch vụ nô lệ như thế. Vì, chẳng phải ông phản đối chính ngay việc rửa chân - "nếu cần, xin rửa cả đầu, cả tay nữa" - nhưng là phản đối quyết định của Chúa Giêsu đích thân rửa chân, phản đối chính sự khiêm hạ tự nguyện của Người: Thưa Ngài, Ngài mà lại rửa chân cho tôi ư? Phêrô đã không hiểu rằng Chúa Giêsu, qua cử chỉ ấy, tự đặt mình trong cái viễn tượng đã điều khiển cả đời Người, cái viễn tượng mà sự chết của Người sẽ làm cho hoàn hảo (19,30). ông cũng chưa quan niệm được rằng một môn đồ theo gương Chúa Kitô phải có cùng một thái độ phục vụ kẻ khác như vậy, cho đến cùng kiệt sức mình (Mc 10, 38- 45; 9, 30- 35; Mt 20, 21- 28; Lc 22, 24- 30; 9, 44- 48; Pl 2, 5- 8); ông cũng chẳng hiểu được rằng quan
niệm Kitô giáo về cuộc đời lại có thể thu gọn trong nét đơn giản là mối tương trợ huynh dê ấy (Mt 18, 1; 23 ,8- 12; Lc 14, 11; 18, 14). Dù sao, ai không biết điều đó thì không ở đúng chỗ của mìmh trong Vương quốc Thiên Chúa hiện tại, do đấy cũng sẽ chẳng có chỗ trong Vương quốc vinh quang sắp tới. Vậy nếu lời khiển trách của Chúa Giêsu thực ra không phải là một lời quở mắng tố cáo một lỗi thực sự của Phêrô, thì nó cũng vẫn là một lời cảnh cáo nghiêm trọng thôi thúc ông phải hiểu hơn ý nghĩa cuộc đời của Chúa Kitô, và rồi cả ý nghĩa cuộc đời Kitô hữu. Theo chương trình cứu chuộc của Chúa Cha, Chúa Kitô phải chịu chết. Người chấp nhận một cái chết sỉ nhục trong sự từ bỏ bản thân hoàn toàn. Đó chính là điều mà đến lượt mình, mỗi Kitô hữu đều phải thực hiện (Ga 13, 34; 15,12; x. Rm 15, 1- 7; Ep 5, 2; Pl 2. 5. 8).
Độc giả chắc sẽ khôn.g khi cảm thấy khó chịu phần nào khi lưu ý đến vài chữ do Chúa Kitô thốt lên một cách tình cờ ngay giữa bài diễn từ về tình huynh đệ: Các ngươi đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu. Trong cái ngắn ngủi thoáng qua của chúng, những tiếng này như một nốt nhạc sai xé toang bầu không khỉ thân hữu nồng nàn của cuộc lễ từ lúc đầu đến giờ Trên nền sân khấu, cái mặt nạ của tên phản phúc vừa thoáng hiện. Nối tiếp việc rửa chân, vốn đã nhuốm màu chết chóc, sự xuất hiện này bỗng làm cho bầu khí thêm căng thẳng; một huyền nhiệm nặng nề đè ụp xuống trên bữa ăn giã từ.
4. LỜI GIẢI THÍCH VỀ CỬ CHỈ TƯỢNG TRƯNG (13, 12 - 17)
Chúa Giêsu vừa hoàn thành công việc của một nô lệ. Sở dĩ Người nhấn mạnh đến sự bất tương xứng tự nhiên giữa dịch vụ ấy với phẩm cách của Người xem (c. 3-4), chính là để thôi thúc các sứ đồ rút ra kết luận hợp lý mà Người diễn tả bằng một cách nói đặc biệt Hy bá: Thế thì các ngươi phải làm như vậy hơn biết bao!
Lời giải thích biểu trưng này về việc rửa chân thật là đúng chỗ. Các môn đồ đến lượt họ phải giúp đỡ lẫn nhau, không những theo gương Người mà còn vì Người. Đức ái và lòng khiêm hạ (Kitô giáo), trong Tân ước, không đặt cơ sở trên những nguyên tắc thuần luân lý tự nhiên mà gương của Thầy sẽ chỉ là một cách diễn tả, nhưng trên chính cách hành động của Người: Đức ái là một nhân đức đặc biệt của Kitô giáo, bởi vì nó có cơ sở trong thực tại của sự kiện Kitô giáo và bởi vì nó tỏ hiện trong tình yêu của Chúa, một tình yêu cho đến chết (Ga 13, 34; 15,12- 13; 1Ga 3, 16; 4, 7- 11. 19-20). Đức ái là luật cơ bản điều hành đời sống cộng đoàn Kitô giáo sau khi Chúa ra đi và cũng là nguồn suối của sự vững tâm và bền chí của cộng đoàn khi phải sống cô đơn (13, 33- 34). Nhờ đức ái ấy, cộng đoàn này sẽ ý thức mình sống một kinh nghiệm hết sức mới mẻ (Ga 13, 34; 1Ga 2, 8- 11. 24; 3, 11) mà nguồn gốc chỉ có thể là Chúa Kitô (1 Ga 2, 7; Ga 1, 6). Vì thế, để định nghĩa đức ái này, phải nói về tình huynh đệ hơn là về tình thương mến tha nhân n (1 Ga 3, 4- 18. 23).
Như vậy, tình huynh đệ tự bản chất là một cách đi theo Chúa Kitô và theo Người cho đến chết. Đó là điều mà câu nói dưới hình thức châm ngôn khôn ngoan muốn ghi khắc với một giọng tha thiết trang trọng như một lời đoan chứng. Quả thật quả thật, Ta bảo các ngươi: Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai mình. Câu nói này, Tin Mừng Nhất lãm cũng có truyền lại cho ta (Mt 10, 24; Lc 6, 40; x. Ga 15,20).
5. VIỆC PHẢN BỘI (13, 18- 30)
Một bóng mây lại che mờ trên những lời hòa bình vừa nói, bởi lẽ không phải tất cả đều xứng với lời chúc phúc trên. Phải chăng Chúa Giêsu đã lầm khi gọi Giuđa vào Nhóm Mười Hai. Không! Người đã biết các biến cố sẽ có mối bi thảm thế nào, nhưng Thánh Kinh phải được thực hiện (x. 17,12). Phải như vậy dù một trong Nhóm Mười Hai là quỷ, dù kẻ phản bội là một trong những người đồng bàn của bữa ăn thân hữu ấy (Mc 14, 20; Mt 26, 21; Lc 22, 21). Và các môn đồ cần phải được cảnh giác trước về gương xấu này để lòng tin của họ khỏi lung lay, lảo đảo.
Vì thế ở đây vẫn còn có một sự mờ tỏ hữu ý. Đối với Gioan, Giuđa là kẻ ác tâm, là người đến làm hỏng mọi chuyên chính lúc chẳng ai ngờ, là người không ở đúng chỗ của mình. Trước đó, chương sáu đã cho tiên cảm điều sắp xảy ra, qua những ám chỉ rõ ràng và việc cố ý dùng động từ trôgô (nhai, ăn) ở 6,54-58; nay 13, 18 lại đến nhấn mạnh mối tương quan giữa diễn từ bánh sự sống vàdiễn từ giã biệt. Thế mà hai lần, cuối chương 6, sự phản bội của Giuđa đã được loan báo, tương phản rõ ràng với lòng tin mà các môn đồ phải có. Nay Thánh vịnh 41, 10 được trưng dẫn ở 13, 18 chính là để nhấn mạnh sự chênh lệch đau đớn ấy, sự chênh lệch giữa vinh hạnh được ban cho và hành vi đê tiện đã phạm. Lời trưng dẫn thánh vịnh này hẳn phát sinh một tác dụng bi thảm giữa bữa ăn giã biệt được cử hành dưới dấu chỉ agapè, và cộng đoàn Kitô hữu sẽ không quên được gương xấu đau đớn này. Nhưng, theo Thánh Kinh, đây là ý muốn phải được thực hiện. Đàng khác Gioan trưng dẫn cảnh Thánh vịnh ở thì quá khứ (đã giơ lên) để xác nhận rằng lời sấm đã hoàn thành.
Việc tiên liệu - và tiên báo - sự phản bội có mục đích đem lại sau đó một sự nâng đỡ cho các môn đồ (Ga 14, 29; 16, 4; x: 6, 64. 70. 71): ngay từ lúc này, Ta nói với các ngươi trước sự xảy ra, ngõ hầu khi đã xảy đến, các ngươi tâm Ta là Ta. Lời xác quyết Ta là Ta đã gặp ở 8,24.28 nơi đề cập đến vấn đề đức tin vào tước vị tối cao của Chúa Kitô. Các người Do thái đã từ chối nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng phải đến từ Chúa Cha, vì bị những tiêu chuẩn hoàn toàn nhân loại (8,15) che mờ, bị những nguyên tắc trần tục chế ngự. Dù vậy, sự tôn vinh Người sẽ bó buộc họ, nếu họ chân thành, nhìn nhận rằng “Người là Người”. Dĩ nhiên, chính các môn đồ sẽ bấn loạn vì sự phản bội, và cái chết của Người sẽ nhận chìm họ trong tuyệt vọng. Nhưng Người đã tiên liệu vấn đề này và đã bác bỏ trước, khi cảnh giác họ về điều sấp xảy ra, để họ khỏi nghi nan về Người trong những lúc khó khăn và tưởng mình bị dối gạt hầu đứng vững và làm chứng rằng "Người là Người".
Bởi vì sự bất xứng của tên phản bội không miễn cho họ hoàn thành sứ mệnh chứng nhân. Sự'phản bội chẳng thay đổi gì hết trong những tương quan giữa họ với Chúa Giêsu: họ đã được Người chọn và trao phó một trọng trách khiến họ trở thành sự nối dài sống động của Người, cũng như chính Người là sự hiện diện hữu hình của" Chúa Cha (Ga 13, 20; 12, 44; x. Mt 10 40; Mc 9, 37; Lc 9, 48; 10,16).
Sự cao cả của ơn gọi, sự bất xứng của môn đồ! Lối chơi tương phản vẫn tiếp tục. Khi củng cố họ trong sứ mạng, Chúa Giêsu chiếu một ánh sáng chói chang trên gương xấu của sự phản bội. Cho tới đây Người đã vượt lên trên mọi tranh luận của họ với một sự dễ dàng vô song (x. 13, 10- 11. 18). Hôm này Người bị họ ảnh hưởng, như thể chẳng còn chịu nổi cái bóng đen ngòm vẫn không ngừng đeo đuổi Người (11, 33; 12, 27). Với tư cách là một ngôn sứ đọc được trong sâu thẳm cõi lòng, Người vén màn che cái thực tế đen tối bằng một cử chỉ tỏ tường: Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, một trong các ngươi sẽ nộp Ta! Như một gáo nước lạnh, lời mặc khải này rơi xuống giữa bầu khí ấm áp của buổi tiệc. Tâm thần trì trệ của các môn đồ đã không thức tỉnh nhờ những ngụ ý trước đó về tên phản bội. Lần này, họ choáng váng: Ai vậy? Họ dào dác nhìn nhau; nhưng chẳng ai dám nói lên câu hỏi chót lưới đầu môi ấy (x.Mt 26,22-25; Mc 14, 19; Lc 22,23); thinh lặng càng lúc càng nặng nề. Chính Phêrô sẽ phá tan sự khó chịu đó, nhưng dù vừa mới tỏ ra rất can đảm, ông vẫn không dám liều lĩnh, mà làm hiệu cho người môn đồ nằm bên hữu Chúa Giêsu; ông này quay mặt về phía Thầy mà không ai để ý: người môn đồ nằm sát lòng Chúa Giêsu. Để hiểu được cử chỉ này và những thành ngữ tương tự khác, ta nên nhớ lại phong tục đông phương về những bữa ăn nghi lễ. Các thực khách nằm trên giường (sắp thành hàng 2 cái), người nằm bên hữu thì đầu ngang ngực người bên tả. Như vậy, khi nói một người môn đồ nằm sát lòng Chúa Giêsu, điều đó chỉ có nghĩa là ông ấy nằm bên hữu Người, ở chỗ danh dự và khẽ nghiêng đầu về phía tả. Thưa Ngài, ai vậy! Bằng một cử chỉ kín đáo và đầy thân tình, Chúa Giêsu cho biết tướng mạo của tên phản bội: sau khi chấm một mẩu bánh vào dĩa Người đưa cho Giuđa. Bản Hy lạp viết: một mẩu, một miếng nên không thể xác quyết đó là một mẩu bánh hay thức ăn gì. Dầu sao, đấy là một cử chỉ thân hữu.
Thế nhưng về sau, cử chỉ ấy đối với con mắt của thánh sử sẽ mang ý nghĩa một phán xử của Thiên Chúa. Sự phản bội đang âm ỉ trong tim Giuđa (c.2) bị tố cáo công. khai; Satan vồ lấy con mồi đến nỗi biến người môn đồ thành một Satan khác (8, 44; Lc 22, 3). Sự úp mở đã kéo dài quá đủ rồi: Ngươi tính làm gì thì làm mau đi. Chính Chúa đích thân ra hiệu cho tấn bi kịch, khi khai mạc Giờ đã được Chúa:Cha định cho Người. Sự kiện này, được nhắc đến hai lần, ở câu 27 và 30, chứng tỏ tầm quan trọng mà thánh sử muốn gán cho. Các môn đồ không hề ngờ rằng một phán xử như thế lại ẩn đàng sau cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu. Trong tâm trí họ, cuộc sống vẫn tiếp diễn: họ chỉ nghĩ tới những công việc phải làm cho lễ Vượt qua và nhưng của bố thí phải phân phát cho người nghèo (12,6). Thế nhưng cử chỉ ấy và lời nói ấy đã làm cho thời gian ngừng trôi. Satan khởi sự công trình của nó (tiếng "y?', "tên ấy " (ékeinos) (c.30) nói lên một sự ghê tởm tột cùng đối với Giuđa). Trời đã tối!
Lễ Vượt qua được cử hành vào đêm trăng tròn, thế nhưng trời đã tối. Rõ ràng thánh gian muốn gán cho chi tiết này một ý nghĩa đặc biệt. Ba chữ đó nằm giữa hai lần nói đến việc Giuđa ra đi, như một câu ngắn xen vào, như một chặng nghỉ nhẹ nhàng giữa trình thuật để trầm tư một lát. Trước đó độc giả đã nghe nói về cái đêm tối ấy, đêm sẽ đánh dấu tận điểm sứ mạng lịch sử của Chúa Giêsu và kết thúc giai đoạn thứ nhất của mặc khải (Ga 9, 4; 11, 9- 10; 12, 35). Lúc này là cuộc chiến đấu cuối cùng của ánh sáng với tối tăm; thực ra đây là giờ của tăm tối (Lc 22, 53), vì hình như Chúa Ki.thánh sáng đã tắt. Nếu chỉ thấy trong đêm này cái tối tăm trong đó Giuđa đang chìm dằm và mọi tia sáng đều tắt ngấm trong tâm hồn y, thì thực là hiểu lầm chủ ý bi thảm của trình thuật. Toàn thể con người Giuđa là bóng tối, y và bóng tối đồng hóa với nhau, ý là hiện thân của Satan. Đêm đã xuống, Giờ bắt đầu!
Và chính trong cái giờ của tối tăm này mà ánh sáng bừng lên (12, 31); bài diễn từ giã biệt mở đầu bằng một tiếng kêu chiến thắng: bây giờ Con Người đã được tôn vinh! (13, 31).
(H. van den Bussche, Jean. DDB, 1967. Trang 372-384)
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Qua bài Tin Mừng thứ Năm Tuần thánh hôm nay, thánh Gioan và Giáo hội muốn ban cho chúng ta một giáo huấn thần học căn bản. Tại sao Gioan không tường thuật Tiệc ly? Tại sao hôm nay, ngày kỷ niệm bữa Tiệc ly, bài Tin Mừng lại chẳng nói về bữa ăn đó? Tại sao các tác giả Nhất lãm đều nói dài dòng về việc lập phép Thánh Thể, trong lúc cũng ó chỗ ấy, Gioan lại đưa ra câu chuyện Rửa chân với một ít suy tử thần học. Thưa vì Gioan muốn áp dụng ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể và đó là viễn tượng quan trọng đối với Kitô hữu. Chúa Giêsu hiến mình trong phép Thánh Thể bởi vì cuộc đời của Người đã là một sự trao ban. Chúa Giêsu hiến mình dưới các dấu hiệu bánh và rượu bởi vì Người đã phục vụ nhân loại suốt cả cuộc sống. Việc rửa chân là biểu tượng của việc Chúa Kitô phục vụ như tiệc ly (bánh và rượu) là dấu chỉ việc Người hiến thân. Tái hiện Thánh Thể trong các nghi thức sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không có việc hiến mình thật sự, việc chia sẻ bản thân trong đời sống cụ thể hằng ngày.
2. Theo kiểu các ngôn sứ Cựu Uớc, Chúa Giêsu diễn tả giáo huấn tối hậu của Người qua một thí dụ, một loại trò chơi thiêng thánh, một loại diễn điệu mà người ta sẽ phải nhớ mãi mãi. Như một nô lệ, Người cúi xuống rứa chân cho môn đồ và cử chỉ khiêm tốn ấy là dấu hiệu của tình yêu. Người là Chúa và là Thầy, nhưng cũng là Tôi tớ. Người yêu các kẻ thuộc về mình cho đến cùng, cho đến thí mạng sống. Người thanh tẩy vết nhơ củahọ, Người phục vụ tất cả Phêrô lẫn Giuđa. Nhờ ánh sáng gương lành của Chúa, Giáo hội khám phá ra ơn gọi của mình: phục vụ mọi người trong tình yêu với tư cách tôi tớ khiêm cung.
3. Người ta có lý để nhấn mạnh đến hành vị đức tin cá nhân: đi theo Chúa Giêsu. Nhưng theo Chúa Giêsu không chỉ là: đi lễ ngày Chúa nhật. Theo Chúa Giêsu là chấp nhận gương Người làm, lời Người nói: "Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân chúng con, thì chúng con cũng phải rửa chân cho nhau".
4. Thánh Thể vừa là khởi điểm vừa là đích điểm của cuộc sống: Tiệc ly, đối với Chúa Giêsu, là khởi điểm của thảm kịch Tử nạn và là đích điểm của cuộc đời Người, của việc trao ban chính mình mà Người đã thực hiện mỗi ngày. Người đã như thu tóm việc hiến thân ấy dưới dấu hiệu bánh và rượu được chia sẻ Trong Thánh Thể, chúng ta cử hành chính sự "hữu hiệu" của cuộc đời Chúa Kitô. Chúng ta sẽ đi vào trong viễn tượng ấy khi đón nhận mình và máu Chúa Kitô, và khi chia sẻ chính mình cho mọi anh em.
5. Nếu một cử chỉ thân hữu không tượng trưng được tình yêu, nó sẽ vô nghĩa; nếu tôi tặng đồ vật bởi vì đó là một thói quen, và rồi cử chỉ ấy không biểu thị tình bạn của tôi, thì tặng vật chẳng có ai thèm muốn đón nhận. Nhưng nếu cử chỉ của tôi là một dấu chỉ thân hữu thì nó tăng cường sự hiệp thông. Giữa vợ chồng cũng vậy, nếu tình yêu xác thịt không phải là dấu chỉ của tình yêu trọn vẹn, toàn diện, thì nó chỉ là một bắt chước lố lăng của tình yêu; nhưng nếu là dấu chỉ của tình yêu toàn diện, nó sẽ tăng cường tình yêu đó.