SUY NIỆM HẰNG NGÀY
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT I MÙA CHAY A
DẤU LẠ GIÊSU
Tin mừng Lc 11: 29-32
"Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập Giá.” Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.
Người Do Thái xưa kia luôn đòi các Luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đòi dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.
Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền Thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập Giá, lúc này Ngài bị thách thức :"Nếu ông là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá.”
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại.
Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Niềm tin vào Chúa thật sự là một niềm tin do ân huệ Chúa ban cách nhưng không, cho những ai thành tâm tìm kiếm Ngài, chứ không phải do điều kiện mà có được niềm tin ấy. Người thành tâm như thế, sẽ nhận ra Chúa ở mọi nơi, mọi lúc qua các dấu chỉ trong đời thường, cũng như lúc cầu nguyện, làm các việc đạo đức, khi gặp gỡ người khác, hay khi làm việc tông đồ. Từ đó, họ sẽ có kinh nghiệm về Chúa, tin Chúa, đón nhận những tác động của Chúa mà sám hối, hoán cải trở về với Chúa. Biết được ý Chúa mà thi hành như một sứ mạng Chúa trao, đem lại cho họ một niềm vui thiêng liêng trong đời sống làm người Kitô hữu.
Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin và sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của Luật sĩ và Biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn.
Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.
Người Biệt Phái luật sĩ đòi dấu lạ, đó cũng là điều thông thường của chúng ta hôm nay, để thỏa mãn tính hiếu kỳ, sự đắc thắng của mình. Phép lạ chỉ có giá trị nâng đỡ niềm tin chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Cũng chính vì Chúa tôn trọng tự do con người Chúa không dùng phép lạ làm áp lực con người, nên Chúa đã không làm phép lạ như Biệt Phái và luật sĩ yêu cầu.
Qua lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với Biệt Phái và luật sĩ, chúng ta hãy thức tỉnh lại, chúng ta có gian ác khi đòi Chúa làm phép lạ mới tin, khi chúng ta chai đá trước lời giảng dạy của Hội Thánh. Chúng ta ngoại tình khi chúng ta sống đạo vụ hình thức, hoặc chưa thực sự sống trọn vẹn cho Chúa mà còn để lòng mình quyến luyến thụ tạo hơn Chúa, đam mê các thú vui trần thế hơn việc đạo đức. Có khi chúng ta phản bội tình thương của Chúa, để chạy theo những đam mê xác thịt.
Trong ngày phán xét chúng ta có thể bị kết án nặng nề hơn người khác vì chúng ta đã làm mất ơn Chúa, không dùng ơn Chúa để sinh lợi ích cho linh hồn mình và tha nhân. Phép lạ đã xảy ra hằng ngày trong Thánh lễ, trong các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, trong đời sống chúng ta, chúng ta có dùng để nâng cao đời sống đức tin, đi sâu vào đời sống đạo hơn không?
Trong bầu khí mùa Chay, chúng ta hãy sám hối và trở về với Chúa, tin Chúa và sống đạo chân thật không cần dấu lạ nào hơn là chính Chúa đã chết và sống lại. Chúng ta cũng noi gương Chúa trong việc truyền bá đức tin bằng cách dùng lời Chúa, đời sống của Chúa, những việc Chúa đã làm để yêu thương chúng ta, hơn là áp đảo bằng những việc làm thỏa mãn sự hiếu kỳ đắc thắng của người chúng ta phục vụ.