Khi đọc lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, chúng ta có cảm tưởng rằng Thiên Chúa “giấu giếm” điều gì đó đối với một số người này, và chỉ mạc khải điều đó cho một số người khác. Và nếu như vậy, một câu hỏi được đặt ra là, tại sao người ta lại phải chịu trách nhiệm về những điều mà Thiên Chúa không muốn mặc khải cho họ?
Nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu chúng ta thấy, lời cầu nguyện này được khởi đi từ chính đời sống cụ thể của Người. Chúa Giêsu giảng dạy cho tất cả mọi người. Thế nhưng, thực tế cho thấy: những thầy dạy luật và các kinh sư là những người được coi là khôn ngoan thông thái đã từ chối Người. Họ tìm cách loại trừ Người. Lời của Chúa Giêsu không đến được với họ. Ngược lại những người khiêm nhượng và nghèo khó lại lắng nghe chấp nhận và tiếp đón Người. Như vậy phải chăng lời của Chúa Giêsu không phù hợp với những người khôn ngoan thông thái mà chỉ phù hợp cho những người bé mọn?
Khi cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”,Chúa Giêsu không kết án trí tuệ, không kết án sự khôn ngoan thông thái, nhưng Người muốn thừa nhận một thực tế là: trí tuệ thì thật quý báu và đáng trân trọng, nhưng trí tuệ cũng dễ dẫn con người ta đến chỗ kiêu ngạo mù quáng vì tự phụ. Thật vậy, Chúa Giêsu không gắn liền đức tin với sự ngu dốt, Người gắn liền sự hạ mình với đức tin. Sự khôn ngoan thông thái không xua đuổi Tin Mừng nhưng chính là lòng kiêu ngạo; không phải sự ngu dốt đón nhận Tin Mừng mà chính là lòng khiêm nhường. Con người đón nhận Lời Chúa bằng tấm lòng chứ không phải bằng đầu óc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa với một con tim khiêm hạ để “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn