14Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. 15Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai”.
Suy niệm
Thánh Mátthêu thuật lại việc Đức Giêsu trả lời cho các môn đệ của ông Gioan về việc các môn đệ của Người: “Tại sao không ăn chay”. Đức Giêsu nói gì về việc ăn chay để trả lời cho những người hỏi Người và cho chúng ta hôm nay.
Trước hết, Đức Giêsu đã từng nói về việc ăn chay: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả… ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy. Nhưng khi ăn chay: hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để không ai thấy… ngoại trừ Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (x. Mt 6, 16-18). Đức Giêsu đã mang đến ý nghĩa mới cho việc ăn chay. Ăn chay không chỉ dừng lại ở việc giữ luật định: khi nào phải ăn chay? Được phép ăn những thức ăn nào? Bao nhiêu bữa trong ngày? Phải ăn làm sao? v.v. Rồi phải tỏ vẻ buồn rầu để cho thiên hạ thấy “đang ăn chay”. Việc chay tịnh phải vượt trên những hình thức bên ngoài và quan trong hơn đó là nội tâm: ăn chay trong tâm hồn.
Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn cho chúng ta thấy “tại sao các môn đệ của Người không ăn chay” bởi chính Người là Tin Mừng phải được loan báo. Tin Mừng ấy phải trở nên nguồn vui, là niềm hạnh phúc cho những ai đang ở với Người. “Thực khách không thể ăn chay khi đang dự tiệc cưới, đang ở với chàng rể”. Đức Giêsu chính là chàng rể trong tiệc cưới Nước Trời. Có Chúa đang hiện diện trong chúng ta thì cớ sao chúng ta buồn sầu.
Có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời thì hãy vui như lời Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận viết: “Vui với người thương con. Vui với người ghét con. Vui lúc con hớn hở. Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. Vui lúc mọi người theo con. Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay, hãm mình” (ĐHV, số 539).
Chính vì vậy, là Kitô hữu - những người mang danh Chúa Kitô, là người có Chúa và ở cùng với Người - chúng ta cũng phải trở nên niềm vui cho anh chị em, nhất là những người đau khổ, những người bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi.
Lạy Chúa, xin ở cùng chúng con để chúng con trở nên khí cụ của bình an, là niềm vui và hạnh phúc cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn