Người Do Thái dùng thành ngữ “cái ách” để chỉ sự tuân phục, phó thác. Khi nói đến “cái ách” thì cũng đồng nghĩa nói đến sự tuân phục lề luật, tuân phục các điều răn. Trong Cựu ước chúng ta thấy có rất ít luật lệ, chỉ có các nguyên tắc chung mỗi người phải nhận biết và giải thích dưới sự soi dẫn của Chúa để áp dụng cho từng trường hợp cá nhân. Chúng ta không thấy luật lệ trong Mười điều răn. Vì mỗi điều răn hàm chứa những nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra những luật lệ riêng cho đời sống. Đối với người Do Thái, nếu một sự việc không được rõ ràng trong luật thì cũng ẩn ý bên trong luật. Vì thế, từ luật người ta có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Từ đó nẩy sinh ra hạng người gọi là “kinh sư”, suốt đời luôn suy luận những nguyên tắc lớn của luật để lập ra hàng ngàn, hàng vạn luật lệ khác.
Đối với một người Do Thái chính thống thời Chúa Giêsu thì phục vụ Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn luật lệ này. Họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Chính vì thế, việc tuân phục luật lệ trở thành gánh nặng cho đời sống. Khi Chúa Giêsu kêu gọi “anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, điều này không có nghĩa là Người giảm bớt những đòi hỏi của luật. Nhưng là mời gọi chúng ta tuân phục luật với một tinh thần mới, một động lực mới.
Nếu như trước kia chúng ta tuân phục là để thỏa mãn đòi hỏi của luật nhằm thoát khỏi hình phạt nào đó, thì nay việc tuân phục là để xây dựng một tương quan với Thiên Chúa - Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Như vậy, sự tuân phục luật bây giờ được thúc đẩy bởi một động lực mới, động lực của tình yêu. Tình yêu làm mọi gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustin đã nói: “Nơi nào có tình yêu, nơi ấy chẳng có gian khổ”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng và định hướng cuộc sống của mình trong tương quan với Chúa là Đấng hiền lành, khiêm nhường. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn