Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ bảy - 03/04/2021 20:30
Tin mừng Ga 20, 1-9: Chính niềm tin vào Chúa phục sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các tông đồ bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20: 1-9)
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
Suy niệm
Chúng ta đang cùng với Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh, là một trong những mầu nhiệm cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Bởi vì theo lời thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng,… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (x. 1Cr 15,14-19). Tuy nhiên, đối với nhiều người, có lẽ do ảnh hưởng của óc thực dụng, người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được chứng minh bằng khoa học, thì việc Chúa sống lại từ cõi chết vẫn là điều khó chấp nhận. Chính vì thế, chúng ta cần phải dựa vào các bài đọc Lời Chúa vừa nghe, để khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.
Đối với người Kitô hữu chúng ta, phục sinh là một biến cố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng vào bậc nhất. Thế mà biến cố quan trọng ấy lại chỉ được Tin Mừng Gioan ghi nhận bằng một sự kiện hết sức bình thường và đơn giản: “Ngôi mồ trống”. Tuy nhiên, điều tưởng chừng như đơn giản ấy, lại là dấu chỉ mở ra và hướng về một thực tại khác, đó là niềm tin phục sinh qua những chặng đường khám phá. Đúng vậy, “ngôi mồ trống” là một dấu chỉ mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ vào buổi sáng ngày ngày thứ nhất trong tuần. Đứng trước “ngôi mồ trống”, mỗi người có một phản ứng khác nhau.
Trước hết là cái nhìn của bà Maria Mađalêna. Đây là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi cảm tính. Thánh Gioan nhấn mạnh chi tiết: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”. Trời tối ở đây không chỉ tối về không gian, mà bầu trời trong tâm hồn của người phụ nữ này cũng đang bị màn tối che phủ. Đó là sự tối tăm của sợ hãi, bà không còn chút hy vọng, bởi vì bà chỉ tìm kiếm một Đức Kitô đã chết và cần được tẩm liệm theo đúng tập tục. Chính vì thế, khi thấy ngôi mồ trống, bà đã không thể nghĩ được gì khác hơn, không thể nhớ Lời Chúa Giêsu đã nói về việc phục sinh của Người, mà chạy vội về báo tin cho các môn đệ: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.
Cái nhìn thứ hai là cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mồ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh Kinh mà Đức Kitô đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Đức Kitô đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui: “Ông đã thấy và đã tin”.
Chính niềm tin vào Chúa phục sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các tông đồ bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh. Điển hình nhất là Phêrô, từ một con người chối Chúa Giêsu tới ba lần trong cuộc thương khó của Người, giờ đây đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người, như sách Công vụ Tông đồ ghi lại (x. Cv 10,39-41). Như vậy, điều đã cải biến ông chính là Tin Mừng phục sinh: nếu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, quyền lực thế gian đã không thắng nổi quyền lực Thiên Chúa, thì chẳng còn gì để sợ hãi nữa.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Niềm tin phục sinh đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên các tông đồ như vậy, nhưng liệu biến cố Đức Kitô sống lại có mang lại ích lợi gì cho đời sống hiện tại của tôi không? Quả thật, nếu Đức Kitô chỉ sống lại trong lịch sử, cách đây gần 2000 năm, mà không sống lại trong lòng tôi, thì việc sống lại ấy chẳng ích lợi gì cho tôi cả. Vậy, tin vào Chúa phục sinh thì tôi phải làm gì? Thưa, “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1), như lời thánh Phaolô đã dạy cho chúng ta.
Mừng lễ Phục Sinh hôm nay, xin cho niềm tin của mỗi chúng ta ngày càng trở nên vững mạnh trong cuộc sống của mình. Đồng thời, xin Chúa biến đổi chúng ta nên những nhân chứng sống động cho mầu nhiệm Phục sinh của Người qua ánh mắt, qua nụ cười, qua đời sống vui tươi và hy vọng. Để qua đó, mỗi người khi gặp gỡ và tiếp xúc với chúng ta, họ có thể cảm nhận được Đấng phục sinh đang hiện diện và chi phối cuộc đời mình. Amen.
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập27
Máy chủ tìm kiếm2
Khách viếng thăm25
Hôm nay8,507
Tháng hiện tại139,088
Tổng lượt truy cập15,702,751
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.