THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay B - Lễ Truyền Tin

Thứ năm - 25/03/2021 09:55
Mỗi lần chúng ta đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi hay lắng nghe Lời Chúa, là một lần biến cố “truyền tin” xảy đến với chúng ta. Bởi vì khi đó, chúng ta được mời gọi hãy mở lòng ra đón nhận cưu mang Lời Chúa.
Thứ Năm Tuần V Mùa Chay B - Lễ Truyền Tin
SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY B


LỄ TRUYỀN TIN - LỄ TRỌNG



 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1: 26-38)

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".
 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Suy niệm
 

       Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin. Qua cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáprien và Đức Maria, chúng ta thấy: Đức Maria là Đấng đầy ân sủng bởi vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Mà Thiên Chúa ở cùng Mẹ là bởi vì Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ đã dám mở lòng mình để cưu mang Thiên Chúa với tất cả con người của mình. Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa một cách tự do và đầy chủ động. Việc Mẹ không hiểu vì Mẹ không biết đến chuyện vợ chồng không những không ngăn cản được Mẹ mà ngược lại làm cho Mẹ chủ động và tự do trong việc cộng tác với Thiên Chúa. Mẹ chủ động xin sứ thần chỉ cho cách để Mẹ có thể công tác vào chương trình của Chúa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào!”. Và khi được sứ thần cho biết ý định của Thiên Chúa thì Mẹ hoàn toàn vâng theo: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

      Biến cố truyền tin là một biết cố rất gần gũi với người Kitô hữu. Sự gần gũi này không chỉ vì biến cố này được chúng ta nghe đi nghe lại nhiều lần trong năm, nhưng là vì biến cố này vẫn hằng ngày xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi lần chúng ta đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi hay lắng nghe Lời Chúa, là một lần biến cố “truyền tin” xảy đến với chúng ta. Bởi vì khi đó, chúng ta được mời gọi hãy mở lòng ra đón nhận cưu mang Lời Chúa. Thánh Augustinô là một nhà hùng biện thời danh, đồng thời cũng là người sống buông thả trong thú vui nhục dục. Nhưng trong một lần tình cờ, Augustinô nghe được tiếng hát của một bé gái: “cầm lấy và đọc”, ông làm theo và mở Kinh Thánh ra vào đúng đoạn thư của thánh Phaolô gởi tín hữu ở Rôma: “Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13, 13-14). Thế là Augustinô đã mở lòng ra đón nhận và bắt đầu một hành trình nên thánh. Hay như thánh Phanxicô Xaviê là giáo sư môn Triết học ở Paris. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?”, thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Lời Chúa đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng hành trình nên thánh của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn luôn biết mở lòng mình ra trước những biến cố “truyền tin” của đời sống thường ngày, để tình yêu Chúa được tràn ngập trong môi trường chúng ta đang sống.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay4,205
  • Tháng hiện tại206,574
  • Tổng lượt truy cập15,493,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây