THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh B

Chủ nhật - 11/04/2021 10:30
Tin Mừng Ga 20:19-31: Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa luôn tuôn đổ xuống các thánh tông đồ và trên mỗi chúng ta.
Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh B

SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH B

NGÀY 11-04-2021




 

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 20:19-31)

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM
 

Chúa Nhật II Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật của lòng thương xót. Đây cũng là ngày thứ tám trong tuần Bát Nhật Phục Sinh. Chính Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa luôn tuôn đổ xuống các thánh tông đồ và trên mỗi chúng ta.

Quả thế ngay khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, những con người đang âu sầu vì sự ra đi của Chúa. Nỗi sợ hãi làm các ông không dám đi lại nơi công cộng cách công khai. Các ông phải ở lại trong nhà đóng kín cửa. Chính trong nỗi thất vọng buồn chán ấy, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các ông trao ban bình an. Đây là tâm điểm của ơn ban do lòng Chúa thương xót. Được Chúa xót thương là được Chúa ban ơn bình an trước mọi khó khăn, mọi khổ đau và mọi lo lắng. Và điều quan trọng hơn nữa của ơn lòng Chúa xót thương là được sai đi loan báo và chia sẻ lòng xót thương của Chúa cho người khác. "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Thánh Tôma, vì không ở cùng với anh em trong ngày Chúa Giêsu phục sinh hiện đến, nên đã không có cơ hội đón nhận ơn của lòng thương xót. Ông đã không cảm nhận được tình yêu xót thương ấy khi anh em chia sẻ. Ông đã trở nên cứng tin khi tuyên bố: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Một khi đã xót thương, Thiên Chúa sẽ xót thương đến cùng. Vì thế, tám ngày sau khi phục sinh, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ. Trong lần hiện ra này, Chúa đặc biệt tỏ lòng xót thương đối với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.  Lòng thương xót của Chúa đã biến đổi Tôma.

Tình yêu xót thương của Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta qua mọi thời đại. Cách cụ thể, Chúa Giêsu đã tỏ lộ tình yêu xót thương ấy cho thánh nữ Faustina - một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Xót Thương tại Krakow, Ba Lan, vào năm 1931. Thánh nhân đã thú nhận điều này trong nhận ký ngày 22 tháng 02 năm 1931: “Vào tối hôm đó, khi tôi đang ở trong phòng, tôi thấy thị kiến Chúa Giêsu hiện ra trong trang phục màu trắng.  Một tay giơ cao chúc lành. Tay còn lại thì chỉ vào phía ngực. Từ giữa ngực Chúa xuất phát hai tia sáng, một màu đỏ, một màu xanh nhạt. Trong sự thinh lặng, tôi chiêm ngắm Chúa cách chăm chú. Linh hồn tôi tràn đầy sợ hãi, nhưng cũng đầy tràn niềm vui. Sau một lát, Chúa Giêsu nói với tôi: “Hãy vẽ một bức tranh như con đã thấy, cùng những dòng chữ sau ‘Lạy Chúa Giêsu, Con tín thác vào Chúa’. Sau đó Chúa đã giải thích cho tôi hiểu thị kiến này: ‘tia màu xanh nhạt tượng trưng cho nước làm cho linh hồn nên công chính; tia màu đỏ tượng trưng cho máu, đó là sự sống của linh hồn. Cả hai tia này đều tuôn ra từ trái tim thương xót thẳm sâu của Chúa, khi bị lưỡi đồng đâm thâu trên thánh giá… Hạnh phúc cho những ai được cư ngụ trong lòng thương xót này”.

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng xót thương, xin ban ơn để chúng con hiểu rõ về lòng Chúa thương xót. Xin giúp chúng con biết mở lòng đón nhận lòng xót thương của Chúa. Và khi đón nhận lòng xót thương của Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ và nhất là trở nên dụng cụ của lòng xót thương Chúa cho anh chị em mình. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay5,248
  • Tháng hiện tại207,617
  • Tổng lượt truy cập15,494,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây