Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Sự khôn ngoan thời nay về mặt tự nhiên cần phải hội tụ nhiều yếu tố khác nữa, cần phải có một khả năng cảm xúc tốt, cần có khả năng sáng tạo, cần có khả năng biết vượt qua mọi nghịch cảnh trong đời sống của mình.
Khi chúng ta nhìn từ góc độ đó, nếu chuyển giao trong đời sống đức tin, chúng ta thấy các bản văn tin mừng hôm nay đang mở ra, và chỉ cho chúng ta hướng đi thật tuyệt vời.
Trước tiên, chúng ta có thể nói sự khôn ngoan là một ân ban của Thiên Chúa. Khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã trao ban cho con người sự tự do. Cùng với sự tự do được trao ban, Thiên Chúa trao ban cho con người chính sự khôn ngoan của Người. Bởi vì khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thổi vào đó sự sống thần linh của Người, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được trao ban cho con người.
Thế nhưng, chúng ta thấy ngay từ khởi đầu, ông bà nguyên tổ đã sử dụng sự tự do và kể cả sự khôn ngoan để làm điều sai trái, điều sai trái chính yếu ở chỗ, ông bà đang tận dụng sự tự do khôn ngoan đó để đi tìm kiếm sự khôn ngoan vĩnh hằng cho mình, một sự khôn ngoan để vượt mặt Thiên Chúa, đó là sự sai lầm trầm trọng mà ông bà nguyên tổ đã mắc phải.
Trong câu chuyện của bài đọc một hôm nay trích từ sách các vua quyển thứ nhất thuật lại tiến trình đời sống của Salomon.
Salomon sau khi được vua cha trao lại ngai vàng lúc đó ông còn rất trẻ, chính Salomon đã thú nhận điều đó“con chỉ là một trẻ nhỏ”, vì là một trẻ nhỏ như vậy nên Salomon xác nhận một điều rằng “không biết đường đi nước bước.” Ông cảm nhận rằng gánh nặng của giang sơn mà cha ông là vua Đavid đã gầy dựng đã đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của ông một đứa trẻ mới lớn. Ông không đủ khôn ngoan để điều hành một đất nước mà cha ông đã gầy dựng. Bởi vì xác nhận điều đó và biết được thân phận của mình, chính vì thế Salomon đã chạy đến với Chúa nài xin Chúa ban cho ông một điều, đó chính là sự khôn ngoan “Xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”
Salomon là một vị vua trẻ, ông không xin Chúa cho mình có một quyền lực mạnh mẽ, quân đội hùng binh để bảo vệ đất nước, mà ông chỉ xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan để thẩm định trong quyền hạn của một nhà lãnh đạo trên đất nước, trên dân tộc mà Chúa trao phó cho ông ngang qua tay đấng tiền nhiệm là chính cha ông.
Chính trong lời ngỏ của Salomon, chúng ta đọc thấy một con người đã thẩm định được rằng, ông cần phải xin điều cần xin. Nói cách khác, Salomon đã tận dụng khả năng của sự khôn ngoan mà Chúa ban trong mỗi con người để biết rằng mình phải cần xin Chúa điều gì, và điều ông xin Chúa bộc lộ rõ sự khôn ngoan.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Phải nói rằng Salomon là một người trẻ trong tư cách là một người lãnh đạo dân Chúa xưa, đã bắt đầu thể hiện và tìm kiếm con đường khôn ngoan bằng chính những sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã phú ban cho ông. Chính lời cầu xin này đã được Thiên Chúa nhậm lời, Thiên Chúa phán cùng ông “vì người đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nổi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”
Quả thật, cho tới nay lịch sử vẫn còn ghi lại Salomon là một vị vua khôn ngoan vượt bậc không chỉ trong lich sử dân Chúa mà còn trong lịch sử thế giới người ta vẫn nhìn nhận điều này, một sự khôn ngoan hiếm có của một vị vua trẻ.
Chúng ta đọc điều này để thấy rằng, nếu như sự khôn ngoan là một ân ban của Thiên Chúa thì con đường tìm kiếm của chúng ta dành cho sự khôn ngoan, phải là con đường quay trở lại với chính Đấng là khôn ngoan để khám phá và kiếm tìm.
Sang bài tin mừng, thánh Matthêu cho chúng ta thấy con đường khôn ngoan không phải là con đường xin, mà phải là con đường tìm kiếm, phải đánh đổi, phải trả giá.
Trong câu chuyện dụ ngôn thứ nhất, chúng ta đọc thấy điều này “Chúa Giêsu bảo nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.” Câu chuyện kể về một người đi làm thuê, chính khi anh ta đang cày trên thửa ruộng của ông chủ thuê anh ta làm, anh đã phát hiện ra kho báu này. Chắc chắn một điều không có ai dại dột đến nỗi chôn kho báu hời hợt dưới ruộng để cho người làm thuê này dễ dàng tìm thấy.
Qua dụ ngôn thứ nhất cho chúng ta một giả định rằng, mặc dù anh ta là một người làm thuê, thế nhưng anh đã sống vai trò của người chủ thật sự trên thửa ruộng mà anh được trao phó.
Anh không cày cuốc hời hợt, nhưng anh đã cày sâu cuốc bẫm, chính khi anh đang thi hành sứ vụ là được ông chủ mảnh ruộng thuê anh cày thửa ruộng của ông. Anh đã cày với tất cả ý thức trách nhiệm của mình, và anh đã khám phá ra kho báu trong ruộng. Chính vì thế “anh ta về bán tất cả những gì anh có để mua thửa ruộng ấy cho bằng được”
Sang câu chuyện dụ ngôn thứ hai chúng ta thấy người buôn đi tìm ngọc quý. “Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.” Câu chuyện không nói anh ta đi buôn gì, không biết được. Nhưng ít nhất trong hành trình đi buôn anh ta có một thứ quý giá đó là viên ngọc quý cần phải kiếm tìm, và anh ta đã gặp được điều đó. Ngay khi anh ta đang sử dụng sự khôn ngoan ít ỏi của mình để thi hành sứ vụ của một người buôn, thì anh ta bắt đầu khám phá ra có một viên ngọc quý, cũng giống như người cày thuê ở trên, “anh ta cũng về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”
Khi đọc hai câu chuyện trên chúng ta được gợi nhắc, kho tàng nằm trong thửa ruộng hay viên ngọc được tìm ở chỗ nào đó, không nằm ở đâu xa xôi trong hành trình kiếm tìm của mình, hóa ra nằm ngay trong sứ vụ của chúng ta. Khi người làm thuê đang cố gắng cày sâu trên thửa ruộng anh ta phát hiện kho báu, và khi người đi buôn đang đi buôn bán trong đời thường, anh ta phát hiện một viên ngọc. Và chúng ta cũng có thể phát hiện những kho báu ở trong cuộc đời chúng ta, khi chúng ta đang nhận sứ vụ trong gia đình như vai trò làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị… trong tư cách của những người công nhân ở trên công xưởng, trong tư cách của những người học sinh, sinh viên trên giảng đường, kho báu vẫn nằm ẩn dấu ngay trên cuộc đời của mỗi chúng ta. Có lẽ đôi lúc chúng ta phát hiện ra nó, nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm để đánh đổi và chọn lựa như người làm cày thuê và người đi buôn trong câu chuyện không?
Có lẽ chúng ta cho rằng hai người này đã quá mạo hiểm, nhưng chính sự mạo hiểm đó, đã dắt hai người này đến chỗ họ đã thành công. Thế nhưng ở đây Chúa Giêsu không kể chuyện đơn thuần kho báu hay viên ngọc, mà Chúa Giêsu đang nói chuyện nước trời. “ nước trời giống như kho báu, nước trời giống như viên ngọc”.
Rõ ràng Chúa Giêsu đang gợi nhắc chúng ta đi tìm sự khôn ngoan của nước trời, nó phải là hành trình nằm trong giá trị của đời thường, đây là một hành trình gợi nhắc cho chúng ta về nước trời mai sau.
Chính điều này dẫn chúng ta đến ý tưởng thứ ba, sự khôn ngoan dù là một ân ban cho chúng ta, đó là một hành trình mà chúng ta tìm kiếm và đánh đổi, nó vẫn là một hành trình của một chọn lựa trong sự trung tín.
Câu chuyện lưới cá gợi nhắc cho chúng ta điều này, bởi vì “ngày cuối cùng người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, cá xấu thì ném ra ngoài.”
Vậy chúng ta có thể tìm kiếm nhiều giá trị, nhưng quyết định để chọn lựa vào thời cuối cùng không còn là chúng ta mà thuộc về người thả lưới. Quyết định cuối cùng không còn thuộc về chúng ta mà thuộc về Đấng trao ban cho chúng ta sự khôn ngoan. Chính Đấng đó sẽ thẩm định sự khôn ngoan thật giả mà mỗi người chúng ta đang theo đuổi, đang kiếm tìm, và nếu như chúng ta biết phát huy giữ gìn.
Được bỏ vào giỏ hay vứt ra ngoài là tùy thuộc vào hành trình kiếm tìm và giữ gìn của chúng ta. Đây cũng chính là thái độ mà chúng ta cần trở lại với bản văn của bài đọc một. Bài đọc một chỉ dừng lại với lời nguyện của Salomon xin sự khôn ngoan, và sự đáp trả của Thiên Chúa đã ban cho ông. Nhưng chúng ta đọc tiếp câu chuyện về cuộc đời của Salomon thì sẽ thấy ông là một vị vua nổi tiếng khôn ngoan về lẽ đạo và sự đời như thế. Ấy vậy mà cuối cùng ông đã vấp ngã một cách thê thảm trong sứ vụ của ông.
Salomon xin Chúa ban cho ông khả năng để thẩm định giá trị của lẽ đạo và sự đời để ông điều hành đất nước. Thế nhưng cuối cùng ông đã rời bỏ Đấng đã trao ban cho ông sự khôn ngoan để rồi ông chạy theo các tà giáo khác ngang qua các bà vợ của ông.
Ông biết rằng chính Đấng trao ban cho ông sự khôn ngoan để ông điều hành đất nước trong tư cách của một vị vua, một con người đạo đức, ông đã sụp bẫy vào trong những giá trị luân lý hèn kém ngang qua đời sống dục vọng của ông.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Chính con đường chọn lựa được ân ban, được đánh đổi, nhưng con đường không được giữ gìn đó đã đẩy Salomon đi vào bước đường cùng, không chỉ cuộc đời ông, mà ông đã đưa đất nước, cả triều đại mà cha ông đã gìn giữ trước đó.
Sở sĩ chúng ta đọc lại điều này để nhắc nhở với nhau rằng, nếu như con đường của sự khôn ngoan mà chúng ta đang cần sự kiếm tìm thì Thiên Chúa cũng sẵn sàng trao ban cho chúng ta, thực sự Ngài đã trao ban cho chúng ta rồi. Vấn đề tùy mức độ tin tưởng biết mình là con cái Thiên Chúa có một phẩm giá thần linh, và một định mệnh vĩnh cửu, nghĩa là biết ý nghĩa cuộc sống và sống đời sống ấy như thế nào.
Đâu là hạnh phúc đích thực của con người, đâu là cứu cánh của cuộc đời, đâu là hy vọng cho đời sống mai sau? Trả lời được những vấn nạn ấy là chúng ta đã tìm được viên ngọc quý, đã tìm được kho báu chôn trong ruộng lúa để trở hành cá tốt được chọn bỏ vào giỏ mà không bị vất bỏ ra ngoài vào ngày cánh chung.
Đâu là kho báu đích thực để “Kho tàng ở đâu thì lòng ở đó”? Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Nguyễn Hoàng Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn