THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A

Thứ bảy - 22/07/2017 04:01
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi cơn cám dỗ, vì lúc chúng ta không ngờ, lúc chúng ta thiếu cảnh giác ma quỷ sẽ gieo vào lòng chúng ta cỏ lùng. Như Khổng Tử trong câu chuyện trên, nếu Ông không tạo điều kiện để cho học trò giải thích thì có lẽ sự hiểu lầm đó sẽ gây ra nhiều điều tai hại đáng tiếc.
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A

(Kn 12, 13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13, 24-30)

Kính thưa quý ÔBACE thân mến,

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta phải đối mặt với biết bao những đau khổ bởi bệnh tật, tai nạn, bất công, nghèo đói và cả tội lỗi nữa… Tất cả những điều đó, có thể gọi chung là sự dữ. Đối diện với sự dữ nhiều người đã phải tự hỏi về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong vũ trụ. Lời Chúa qua dụ ngôn “Cỏ lùng” chúng ta vừa nghe giúp chúng ta hiểu được phần nào về mầu nhiệm sự dữ trong thế giới hôm nay, cũng như giúp chúng ta cảnh giác trước sự dữ là tội lỗi đang hiện diện trong bản thân mỗi người.

Trước hết, chúng ta cần xác tín lại một lần nữa: Thiên Chúa là Đấng Thánh như lời ngôn sứ Isaia, khi ông tuyên xưng Ngài là Đấng ba lần Thánh. Không chỉ là Đấng Thánh, Thiên Chúa còn là nguồn mọi sự thánh thiện. Điều này được sách Sáng thế diễn tả thật cụ thể qua điệp khúc: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Như thế, mọi sự tốt lành, thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa. Vậy cỏ lùng hay sự dữ từ đâu mà có? Đứng trước câu hỏi này, người chủ ruộng trong dụ ngôn đã trả lời: “Kẻ thù của ta đã làm như thế”. Kẻ thù ở đây chính là ma quỷ đã gieo vào lòng thế giới này tội lỗi và sự dữ.

Vậy sự dữ là một thực tế có thật trong cuộc sống chúng ta. Thế nhưng ranh giới giữa sự dữ và sự thiện; giữa “lúa” và “cỏ lùng” trong thực tế thì không thật rõ ràng và khó nhận diện. Trong bản thân mỗi người cũng có điều tốt, điều xấu. Và con người cũng có thể biến đổi từ xấu sang tốt. Bởi đó, nên Thiên Chúa rất nhân hậu và khoan dung khi xét đoán. Tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 viết: “Vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người… vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành”. Lòng nhân hậu này còn được diễn tả thật rõ nét qua lời đáp của ông chủ với những người đầy tớ, khi họ xin đi nhổ cỏ lùng trong ruộng lúa: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”. Thiên Chúa không đồng lõa hay dung túng kẻ có tội, nhưng đã đối xử với họ theo lòng khoan dung và nhân hậu. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối và hoán cải tâm hồn.

Trong thời gian chờ đợi này con người luôn bị ma quỷ gieo vào tâm trí những cỏ lùng để chia rẻ, đánh mất niềm tin lẫn nhau, như câu chuyện sau đây:

Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát.

Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo.

Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh, rồi từ từ đưa cơm lên miệng.

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau, Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ. Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước.

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng? Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau.

Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi, nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em.

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau.

Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!

Kính thưa quý ÔBACE,

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi cơn cám dỗ, vì lúc chúng ta không ngờ, lúc chúng ta thiếu cảnh giác ma quỷ sẽ gieo vào lòng chúng ta cỏ lùng. Như Khổng Tử trong câu chuyện trên, nếu Ông không tạo điều kiện để cho học trò giải thích thì có lẽ sự hiểu lầm đó sẽ gây ra nhiều điều tai hại đáng tiếc.

Cỏ lùng đó có thể là một cơn nóng giận, một sự tự ái, hay lòng tự trọng của chúng ta bị người khác gièm pha. Đồng thời, chúng ta cũng phải hết sức vun xới và chăm bón cho “cây lúa” trong mỗi người chúng ta được phát triển nhờ việc luôn gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần như lời nhắc bảo của thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Có Thánh Thần, Ngài sẽ nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8, 26).

Giờ đây, chúng ta hãy dọn mình lãnh nhận Thánh Thể Chúa cách sốt sắng. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đủ sức mạnh để vượt thắng sự lấn át của cỏ lùng để ngày sau hết đáng nhận được phần thưởng vinh quang thiên quốc muôn đời. Amen.

 

Tác giả bài viết: Lm. Simon Nguyễn Thanh Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,796
  • Tổng lượt truy cập15,594,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây