THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ

Thứ tư - 28/06/2017 22:08
Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài đã trở nên những trụ cột của Hội Thánh Chúa Kitô bằng chính đời sống chứng tá của mình. Với sự lãnh đạo khôn ngoan, lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, với những giáo huấn vừa uyên thâm vừa thiết thực, và với niềm tin kiên trung, hai vị tông đồ cả đã xây dựng nên những nguyên lý nền tảng cho đời sống Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
1. THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ
 
Phêrô là tên mà Chúa đặt cho Simon, có nghĩa là “Đá” Simon và Anrê em ông là những dân chài chất phác ở biển Galilea. Anrê theo làm môn đệ của thánh Gioan Tẩy giả. Lần kia, khi Chúa Giêsu đi qua, thánh Gioan đã giới thiệu với hai môn đệ của mình là Anrê và Gioan: “Đây là Con Thiên Chúa”.
 
Anrê và Gioan liền theo Chúa Giêsu. Về nhà, Anrê nói lại với Phêrô rằng: mình đã gặp Đấng Thiên Sai. Hai anh em dẫn nhau đến gặp Chúa Giêsu. Nhìn họ với cặp mắt thần linh, Chúa Giêsu bảo:
 
  • Anh là Simon, nhưng từ nay tên là Phêrô (Ga 1,35-42).
 
Simon Phêrô gắn bó với Chúa Giêsu mặc dầu vẫn tiếp tục nghề chài lưới. Ông đến được tiệc cưới tại Cana và được chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu cho thấy thiên tính của Người.
 
Vài tháng sau, Phêrô và Anrê giặt lưới bên bờ hồ, Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền để giảng dạy dân chúng. Sau đó Người nói với Phêrô:
 
  • Ra khơi mà thả lưới đánh cá.
 
Sau một đêm làm việc mà không bắt được gì. Nhưng bây giờ Phêrô vẫn mau mắn vâng lời. Kết quả thật lạ lùng, mẻ cá nhiều quá đến như muốn làm rách lưới. Bối rối trước sự lạ và cảm thấy mình bất xứng không đáng ở gần Chúa Giêsu, Phêrô quỳ sụp dưới chân Người mà nói:
 
  • “Xin hãy xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi”.
 
Chúa Giêsu trả lời:

- “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới bắt người”.

Rồi đây ông sẽ lôi kéo nhiều tâm hồn về với Chúa như số cá nhiều vô kể ông đã lưới được. Ông đã từ bỏ tất cả: gia đình, thuyền lưới mà theo Chúa Giêsu. Khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đặt ông đứng đầu cả nhóm, vào đầu tháng 4, sau khi hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ qua bên kia bờ hồ. Gió nổi lên dữ dội: Chúa Giêsu đến với các ông. Mệt nhọc chèo chống ngược gió trong đêm tối, các ông tưởng là bóng ma và lên tiếng kêu la. Chúa Giêsu trấn an:
 
  • “Hãy vững lòng, chính là Ta, đừng sợ”.
 
Phêrô liền kêu ngay:
 
  • “Lạy Thầy, xin truyền cho tôi được đi trên mặt nước mà đến với Thầy”.
 
Người bảo:
 
  • “Hãy đến đây”.
 
Và Phêrô gieo mình đến với Chúa Giêsu. Nhưng sau phút giây tin tưởng ban đầu, thấy gió thổi mạnh, ông sợ và bắt đầu chìm xuống hốt hoảng ông kêu cứu:
 
  • “Lạy Chúa xin cứu tôi”. Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông và trách ông đã yếu tin (Mt 6,22-33).
 
Hôm sau, Chúa Giêsu đề cập đến mầu nhiệm Thánh Thể lần đầu tiên. Một số môn đệ bỏ đi, lúc đó Người quay lại hỏi các tông đồ xem có muốn bỏ đi không? Phêrô trung tín đáp lời:
 
  • “Lạy Ngài, chúng tôi sẽ bỏ đi theo ai, Ngài có những lời mang đến sự sống đời đời” (Ga 6,67-68).
 
Một năm sau Chúa Giêsu đặt vấn đề với các tông đồ:
 
  • “Còn các anh, các anh nói tôi là ai ?”
 
Mau mắn, Phêrô đã chứng tỏ đức tin của mình:

- “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Đáp lại, Chúa Giêsu đã khen thưởng Phêrô và hứa hẹn:
 
  • “Và Ta, Ta bảo ngươi. ngươi là đá và trên đá này. Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền môn Âm phủ sẽ không thắng nổi. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khoá Nước Trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên Trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt 16,13-19).
 
Phêrô đã nhận được lời khen thưởng và lời hứa hẹn rất cao trọng. Nhưng khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới, ông đã vội vàng can ngăn, khiến Chúa Giêsu phải quở trách ông. Đức tin của ông chưa thực sự kiên vững như đá. Phải còn qua nhiều thăng trầm nữa, Phêrô mới thực sự trở thành mẫu người Thủ lãnh của Giáo hội.
 
Nhằm đào tạo ông, Chúa Giêsu đã cho ông trực tiếp tham gia vào cuộc phục sinh cho con gái ông Giairô (Mc 5,37). Bấy giờ, Người dẫn các ông lên núi để cho chứng kiến cuộc biến hình đầy uy nghi sáng láng như mặt trời, áo Người với Môsê và Êlia; đã nghe tiếng nói từ trời cao nhắn nhủ:
 
  • “Ngài là Con Chí Ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,1-8).
 
Những săn sóc đặc biệt kia phải gây ảnh hưởng mạnh nơi tâm hồn Phêrô. Một lần kia khi có người thanh niên giàu có đến gặp Chúa Giêsu mà không theo Chúa được chỉ vì của cải. Phêrô đã mạnh dạn thưa:
 
  • “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày” (Mt 19,27).
 
Đối với ông chỉ có điều này là quan trọng. Còn nhiều điều ông chưa hiểu được, chẳng hạn như việc Thày khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ ngày thứ năm tuần thánh (Ga 13,7).
 
Tuy nhiên Phêrô vẫn xác tín vào điều kiện cấp thiết phải trung kiên theo Chúa. Ông đã thưa với Chúa trọn cả tâm tình quả cảm của mình:
 
  • “Tôi sẽ thí mạng sống tôi vì Thầy”.
 
Dĩ nhiện nhiệt tình còn phải được chứng nghiệm bởi việc làm. Phêrô chưa biết, chưa lượng định nổi khả năng của mình. Đầy cảm thông Chúa Giêsu báo trước cho ông biết rằng:
 
  • “Quả thật, ta bảo ngươi: gà sẽ không gáy cho tới lúc ngươi sẽ chối Ta ba lần” (Ga 13,36-38).
 
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu, Phêrô rút gươm chém đứt tai một binh lính để mong bảo vệ Thầy. Sau hành vi bộc phát ấy, Phêrô như nhụt hết nhuệ khí cùng với lưỡi gươm, ông trút trở lại bao theo lời Thầy, đúng như lời tiên tri báo trước, ba lần ông đã chối Thầy. Gà lên tiếng gáy, Chúa Giêsu nhìn lại và Phêrô bừng tỉnh và hối hận nước mắt chảy dài (Ga 18,1-27).
 
Sau cuộc khổ nạn và tử nạn, Chúa Giêsu sống lại, hiện ra nhiều lần. Tại bờ hồ Tibêria, Người đã hiện ra với Phêrô và các bạn khi họ đang thả lưới đánh cá. Gioan nhận ra Người và nhắn nhủ cho Phêrô biết:
 
  • “Chúa đó”.
 
Với một nhiệt tình xưa, Phêrô vội cuốn áo gieo mình xuống biển đến gặp thầy. Ba lần Chúa Giêsu đã hỏi ông:
 
  • Con có mến Thày không ?
 
Phêrô trả lời:
 
  • Lạy Chúa, Chúa thông biết mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa.
 
Ba lần xác quyết tình yêu xóa bỏ ba lần chối Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh cho ông:

- “Hãy chăn dắt đoàn chiên Ta”.

Và Người thêm:
 
  • “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tuỳ ý, nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Ga 21,15-18).
 
Từ đây Phêrô lãnh nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Ngài đã đề nghị chọn một tông đồ thế chân cho Giuda. Ngày lễ Hiện Xuống, ngài là tông đồ đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô Phục Sinh 3000 người trở lại sau bài giảng ấy. Thật là một mẻ lưới lạ lùng.
 
Tại cửa Đền thờ, Phêrô thấy một người què từ lúc mới sinh, ngài nói với hắn:
 
  • “Vàng bạc tôi không có, song có gì tôi cho anh: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy bước đi.
 
Người què liền khỏi bệnh và nhảy lên vì vui sướng. Sau phép lạ này, thánh Phêrô giảng lần thứ hai cho dân. Lần này số người trở lại lên tới 5000 người. Thành công lớn lao này một cho các đầu mục trong dân bực tức. Họ cấm các tông đồ không được rao giảng về Chúa Kitô nữa. Nhưng đầy can đảm thánh Phêrô trả lời:
 
  • Vâng lời các ông hơn là vâng lời Thiên Chúa có phải lẽ không ?
 
Các tín hữu quây quần bên các thánh tông đồ, họ mang của cải đặt dưới chân các Ngài để mưu ích chung cho mọi người. Annanya và Saphira tiếc của còn muốn nên danh giá. Vợ chồng hắn nói dối là đã dâng hết, khiến lần lượt họ ngã chết ngay dưới chân Phêrô (Cv 5,1-11). Các phép lạ Ngài thực hiện ngày càng nhiều: tại Lyda, Ênêa liệt giường được lành mạnh, tại Giophê, chị Tabihta đã chết hai ngày được sống lại. Bóng của ngài cũng chữa lành các bệnh nhân.
 
Thánh Phêrô rảo khắp xứ Giuđêa rao giảng nước Chúa. Ngài bị Hêrôđê ra lệnh tống giam, nhưng đã được cứu thoát cách lạ lùng. Ngài chủ tọa công đồng Giêrusalem, quyết định rằng: các lương dân gia nhập Kitô giáo không phải giữ luật cắt bì.
 
Thánh Phêrô còn đi rao giảng bên ngoài đất Palestina, ngài tới Antiôkia, xây dựng Giáo hội tại đây. Sau đó ngài đi Rôma và biến nơi này thành trung tâm của Kitô giáo. Thời Nêrô cầm quyền, Giáo hội bắt đầu bị bách hại. Thánh Phêrô bị tù và được giải cứu bởi các lính gác trở lại đạo. Ngài trốn đi khỏi thành.

Nhưng vừa tới cửa, ngài gặp thấy Chúa Giêsu vác thập giá tiến vào, thánh tông đồ hỏi Chúa:
 
  • Thầy đi đâu đây
  • Ta vào Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.
 
Thánh tông đồ đã hiểu, ngài trở vào thành để lãnh nhận án đóng đinh thập giá. Theo chứng của Ôrigênê, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh lộn đầu xuống đất vì thấy mình không đáng được chết cùng một cách như Thầy.
 
+ Mộ ngài được tìm thấy tại chính đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày nay.
 
 
2. THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
 
Phaolô thành Tarsê không phải là vị thánh của hết mọi người. Nhiều Kitô hữu tốt cảm thấy đối nghịch với ngài vì thấy ngài cứng cỏi, khô khan, thiếu hòa giải. Những người đương thời với ngài cũng cảm nghĩ về ngài như vậy. Không kể chi đến các bạn đồng liêu của ngài. Ngay đến các thánh trong Giáo hội như Phêrô, Marcô và Barnaba đều có lần xích mích với ngài. Dịu dàng như Giacôbê mà cũng phải khuyên thánh nhân phải biết khéo léo hơn.
 
Nhưng rồi cuối cùng, tất cả đều phải nhìn nhận ngài với niềm kính phục và tình thương mến. Đó là kinh nghiệm chung đối với những ai lúc đầu cảm thấy đối nghịch với Phaolô, rồi sau đó ngỡ ngàng khi biết rõ ngài trong các thư tín và sách Công vụ sứ đồ. Ngài thật là một con người bất khuất, trung tín và rất thân tình với anh em. Sớm hay muộn, sau khi cởi bỏ lớp vỏ sần sùi bên ngoài đi người ta thấy rõ tính chất nhân bản và sự thánh thiện hàm ẩn của ngài.
 
Thánh Phaolô sinh tại thành Tarsê một thành phố trù phú miền nam Tiểu Á.
 
Cha mẹ ngài là những người thế giá, có quyền công dân Rôma. Ngài được giáo dục để trở thành một người biệt phái đúng nghĩa. Ngài được thầy Gamaliel dạy dỗ thần học. Người người đều kỳ vọng ở người thanh niên thông minh này khi anh về Giêrusalem khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Kỳ vọng ấy đã thành sự, nhưng theo một đường lối không lường trước được. Mọi người đều biết là anh Phaolô đã có mặt trong cuôc tử đạo thánh Stêphanô và đã nghe ngài cầu nguyện cho những kẻ sát hại mình.
Chẳng bao lâu sau trên đường về Đamas, Saolê (tên cũ của Phaolô) đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh. Người biến đổi Phaolô từ một kẻ bách hại thành một lãnh tụ Kitô giáo.
 
Ngay sau khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, Phaolô, lui vào sa mạc để suy nghĩ cầu nguyện trong hai năm. Sau đó ngài trở lại Đamas. Như vậy phải đợi ba năm sau, Phaolô mới lên Giêrusalem bàn luận với các tông đồ. Và thánh nhân lại trở về Tarsê. Trong khoảng 10 năm (34 – 44). Chúng ta không thấy Phaolô xuất hiện. Đây phải là khoảng thời gian mà với sự trợ lực của Thiên Chúa, trí khôn của thánh nhân xây dựng cây cầu nối giữa Do thái giáo với Kitô giáo, giữa dân Do thái với dân ngoại. Việc nối kết này là món quà lớn lao nhất thánh nhân đã trao tặng cho thế giới.
 
Dĩ nhiên thánh Phaolô không phải là người đầu tiên rửa tội cho một lương dân. Thánh Phêrô đã rửa tội cho Cornêliô. Thánh Philipphê đã rao giảng Tin Mừng ở Samaria và rửa tội cho hoạn quan người Ethiôpia. Nhưng việc rao giảng có hệ thống cho những người không phải là Do thái chỉ bắt đầu ở Antiôkia vào đầu thập niên 40. Thánh Barnaba được các tông đồ sai đi xem xét tình hình. Nhưng thánh nhân đã đi xa hơn. Ngài nghĩ tới Phaolô còn đang sống âm thầm ở Tarsê và đến tìm ông. Thánh Phaolô trở về Antiôkia với thánh Barnaba. Từ đó thánh nhân hiến trọn đời cho công cuộc truyền giáo. Ngài bỏ vai trò của Maria và lãnh lấy vai trò của Mattha. Nhà học giả và chiêm niệm trở thành thầy dạy và nhà giảng thuyết.
 
Hết cuộc hành trình này tiếp đến cuộc hành trình khác, thánh Phaolô không ngừng bước chân đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã đi truyền giáo ở Chypre, Tiểu Á và Maceđônia, Hy Lạp. Mỗi khi ngài đi đến đâu là ở đó nổi lên cơn giông tố nhiệt tình một bên và ghen ghét bên kia, nhốt tù, bị ném đá, đánh đập, bị đắm tàu và yếu đau và cả đến thất vọng nữa, nhưng ngài vẫn tiếp tục công việc. Mỗi khi đến nói chuyện ở hội đường, ngài trích Thánh Kinh, ở công đường, ngài trích thơ văn cổ và từ nơi đó phát sinh một trung tâm Kitô giáo. Trong 12 năm trời, ngài đã biến đổi cộng đoàn Do thái nhỏ bằng thành bào thai của một tôn giáo hoàn cầu.
 
Năm 57, thánh Phaolô trở về Giêrusalem. Bạn bè xin ngài đừng đi. Họ biết rằng: hội đồng công tọa ghét ngài, ghét cây ghét đắng mà Giáo hội nhỏ bé không đủ sức bảo vệ cho ngài, ngài vẫn bất khuất ra đi và trong vòng một tuần lễ, mọi sự xem ra đều ổn thỏa, nhưng rồi lộn xộn xảy ra, Phaolô lại được cứu thoát khỏi bọn đấu tố, nhờ sự can thiệp của đội lính canh người Rôma. Tiếp sau đó là hai năm tù tội (bất công vì nhà cầm quyền Rôma muốn được quà hối lộ). Trong thời gian này, Phaolô vẫn dùng cơ hội thuận tiện để rao giảng Tin Mừng.
 
Bị áp bức bởi Festô, Phaolô nại đến sự che chở của hoàng đế (đối với công dân Rôma) và được gởi về Rôma. Con tàu bị bão đánh và bể nát ở bờ biển Malta. Dip này cho thấy tài điều khiển bẩm sinh của Phaolô trong trường hợp khẩn trương. Tới mùa Xuân năm 60 (hay 61 ) đoàn người tới thủ đô. Thánh Phêrô đã có mặt ở đây và Phaolô lui vào bóng tối. Về những chuyến du hành của Phaolô đi Tây Ban Nha và về cận Đông, chúng ta không có đủ tài liệu. Truyền thống nói tới việc ngài bị tù tội lần thứ hai dưới thời Nêrô và cho biết ngài bị chém đầu khoảng năm 66 ở Tre Fontana.
 
Khi Phaolô tới Rôma, Phêrô đã có mặt, Tin Mừng đã được rao giảng, bí tích đã được cử hành, có lẽ Phúc âm đã được Marcô khởi soạn. Vậy đâu là phần đóng góp của Phaolô như là cột trụ Chúa Giáo hội?
 
Trước hết phải kể đến nhiệt tâm và gương mẫu cuộc sống của thánh nhân. Nhưng phần chính yếu thánh nhân mang lạị là nền tảng vững chắc về tri thức của Giáo hội giúp con thuyền của ngư phủ đương đầu với bão tố. Ngài không thích mơ hồ, nhưng quan tâm tới từng hệ luận tàng ẩn bên trong giáo thuyết. Thực ra nói “giáo thuyết của Phaolô” thì không chính xác lắm, ngài không sáng nghĩ ra giáo thuyết. Nhưng ngài khai sáng ra những gì đã lãnh nhận được. Chẳng hạn khi nói “Chúa Giêsu là Đức Kitô” ngài dựa ra một giải thích hoàn toàn mới mẻ về Cựu ước, với những ý niệm: Giáo hội là Israel mới, ơn thánh thay thế luật Môisê. Đức Kitô là Adam mới, là “hình ảnh” hoàn hảo của Thiên Chúa.
 
Từ lời gọi “Saolê, Saolê, sao ngươi tìm bắt Ta?” ngài đã khai triển giáo thuyết về nhiệm thể: “Đức Kitô là tất cả mọi sự trong mọi người” (Cl 3,11). Từ dụ ngôn những người làm vườn nho, ngài diễn nghĩa cho thấy Israel cũ và Giêrusalem cũ bị thay thế bởi Giêrusalem mới “nơi không còn lương dân hay Do thái, man rợ hay Scythia, nô lệ hay tự do”.
 
Có lẽ giáo thuyết về Công giáo tính của Giáo hội là phần đóng góp tiêu biểu nhất của Phaolô, khiến ngài được mệnh danh là tông đồ dân ngoại. Thánh Phêrô còn ngập ngừng chứ như thánh Phaolô thì không chịu thỏa hiệp. Chính Ngài cho thấy rõ thế nào và tại sao Giáo hội phải là Công giáo phổ quát và Công giáo tính bao hàm những gì.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay5,053
  • Tháng hiện tại207,422
  • Tổng lượt truy cập15,494,312
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây