Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Vậy gánh nặng nề này là gánh nặng nề gì? Xin thưa đó chính là gánh nặng của lề luật trong Do thái giáo. Tôn giáo Do thái chính thống là một gánh nặng, và Chúa Giêsu khi nói về các kinh sư và các người Pha-ri-sêu Ngài đã nói như thế này “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 25,4)
Đối với người Do thái tôn giáo bao gồm những luật lệ, những qui tắc bất động mà họ phải tuân thủ. Họ sống giữa một rừng nguyên tắc và rờm rà, chúng chỉ đạo mọi hoạt động của họ, lúc nào họ cũng nghe những tiếng thôi thúc "ngươi chớ..... ngươi chớ.....", quay bên trái cũng đụng luật, quay sang bên phải cũng đụng luật.
Câu chuyện minh họa sau đây cho thấy những đòi hỏi của luật pháp luôn luôn ràng buộc, dồn ép nặng nề, và không thể thực hiện được. Korak kể: Người láng giềng tôi là một bà góa, bà có hai con gái và một miếng ruộng. Khi bà bắt đầu cày, thì Môsê (ý nói luật Môsê) bảo: ngươi không được cày bò và lừa chung với nhau.
Khi bà bắt đầu gieo giống thì ông phán: ngươi không được gieo trong ruộng ngươi hai thứ giống.
Khi bà bắt đầu thu hoạch ông bảo: ngươi không được mót lúa sót hay lấy lại những gì ngươi bỏ quên (Tl 24,19), cũng đừng gặt đến cuối ruộng (Lv 19,9).
Bà bắt đầu đập lúa thì ông bảo: hãy giao cho ta của lễ phần mười thứ nhất và phần mười thứ hai, bà thuận và dâng hết cho ông. Sau đó người đàn bà đáng thương kia làm gì?
Bà bán ruộng, mua hai con chiên để hớt lông may áo và để nó đẻ con kiếm lợi. Nhưng khi chiên sinh sản thì Aaron bèn đến và nói: hãy dâng cho ta chiên con đầu lòng của ngươi, bà chấp nhận đòi hỏi đó và trao nó cho ông.
Đến kỳ xén lông chiên, bà hớt lông và Aaron lại đến: hãy trao cho ta lông chiên hớt đầu tiên của ngươi (Tl 18,4). Người đàn bà nghĩ thầm rằng: ta không thể chịu nổi ông tư tế Aaron này, ta sẽ làm thịt chiên mà ăn. Nhưng thưa cộng đoàn, người đàn bà này làm thịt con chiên ăn có thoát khỏi ông tư tế Aaron này không?
Xin thưa là không. Ông tư tế Aaron khi nghe tin bà làm thịt con chiên ông ta lại đến và bảo: hãy giao cho ta cái bả vai, cái hàm và cái bụng của con chiên (Tl 18,3). Người đàn bà nói: ngay đến lúc tôi làm thịt nó ông cũng không để tôi yên, thôi tôi sẽ dâng nó luôn. Aaron bèn nói: trong trường hợp đó, nó sẽ hoàn toàn thuộc về ta (Ds 18,4). Tư tế Aaron liền mang nó đi bỏ lại bà góa đang khóc với hai đứa con gái.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Câu truyện kể trên là một thí dụ về những đòi hỏi triền miên mà lề luật đặt trên con người trong mỗi sinh hoạt và hành động của đời sống. Những đòi hỏi của lề luật thật là một gánh nặng.
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy mang lấy ách của Ngài. Người Do thái dùng thành ngữ "cái ách" để chỉ sự thuận phục, phó thác. Họ nói đến cái ách của Luật, của điều răn, cái ách của Nước Trời, cái ách của Chúa Trời.
Nhưng Chúa Giêsu dùng những chữ đó trong lời kêu gọi của Ngài với một ý nghĩa rất gần gũi với chúng ta hơn. Ngài nói: "ách của Ngài thì êm ái" tiếng dễ chịu, êm ái trong tiếng Hi lạp có nghĩa là vừa vặn, sít sao. Ở xứ Palestine người ta làm ách bằng gỗ cho bò cái. Con bò được mang đến cho người ta đo kích thước, sau đó người ta bào cho cái ách thật nhẵn và đem bò đến để thử. Người ta điều chỉnh cái ách thật cẩn thận sao cho thật vừa để khỏi làm trầy cổ con thú.
Chúa Giêsu phán: "ách Ta rất vừa" Ngài muốn nói rằng: "sự sống Ta ban cho các ngươi để sống không phải là một gánh nặng làm trầy trụa các ngươi; đời sống các ngươi, công tác các ngươi đều được làm sẵn kích thước vừa vặn với các ngươi!" Bất cứ điều gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta đều đã được làm sẵn để thật thích hợp với nhu cầu và khả năng của chúng ta. Chúa có công tác cho mỗi người chúng ta, tất cả đã được đo sẵn vừa vặn với chúng ta.
Chúa Giêsu phán: "gánh của Ta nhẹ nhàng". Có một rabbi nói: "ách ta trở thành bài ca của ta". Điều đó không có nghĩa là gánh nặng dễ mang, nhưng gánh nặng được đặt trên chúng ta trong tình yêu, được mang trong tình yêu, và tình yêu khiến gánh nặng nhất trở nên nhẹ nhàng. Khi chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa, khi chúng ta biết gánh nặng của chúng ta là yêu Chúa và yêu người thì gánh nặng đó trở thành một bài ca.
Có một câu truyện xưa kể về một người đàn ông gặp một cậu bé đang cõng một em nhỏ hơn bị què, ông ta hỏi: "Em phải cõng một gánh quá nặng phải không? Cậu bé trả lời: nó đâu phải là gánh nặng, nó là đứa em của cháu mà". Gánh nặng được ban cho trong tình yêu, và được mang trong tình yêu thì luôn luôn nhẹ nhàng.
Trên kênh 14. Vn có viết một câu chuyện cảm động về một người cha tên Lê Xuân Hồng ở tỉnh Phú Thọ suốt 20 năm qua cõng con đến trường, cậu con trai tên là Lê Xuân Bách 22 tuổi, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Hà Nội), chàng sinh viên sở hữu một khuôn mặt rất sáng nhưng tay chân không có cơ, nên không thể tự đi được.
Để giúp con nuôi dưỡng trọn vẹn giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, ông Hồng đã bỏ việc ở quê nhà, theo chân con lên Hà Nội trọ học. Ngày Bách nhập học cũng là ngày đầu tiên ông đi làm bảo vệ trông xe cho nhà trường, chỉ cần Bách alo một tiếng thì ông Hồng nhờ anh em bảo vệ trông xe hộ chạy đi cõng con.
Ông Hồng tâm sự, 20 năm qua chăm sóc cho cháu Bách đã đi vào máu tôi rồi, bây giờ vắng một ngày chịu không được. Cái gánh suốt 20 năm qua của người cha ròng rã cõng đứa con mình đến trường, đến giảng đường đại học có nặng không thưa cộng đoàn?
Chắc chắn là không. Bởi vì người cha cảm nhận rằng đó là một sứ mạng cao cả hơn hết mà ông có thể làm trên thế gian này. Bách không có đôi chân, ông nguyện làm đôi chân cho con. Từ khi cậu bắt đầu nhận thức được về thế giới xung quanh, cũng là lúc cậu biết rằng, không có ngả đường nào mình đi qua mà không có bước chân của cha đồng hành.
Chính vì thế Chúa Giêsu nói “Hãy mang ách của Ta và hãy học cùng Ta , vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng…Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”
Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cái cốt lõi của đạo, đạo luật là chính Chúa, đạo là tình yêu nhập thể, sống đạo là sống thần linh của Chúa Giêsu, sống đạo là sống tình yêu của Ngài trong an bình. Đó là cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn tiếp tục qua Giáo hội và qua mỗi người chúng ta. Amen
Tác giả bài viết: Lm. Matthia Võ Nhân Thọ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn