THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Thứ sáu - 23/06/2017 03:29
Khi nhắc đến thánh Gioan Tẩy Giả, có thể điều đọng lại nơi tâm trí chúng ta là tâm tình của Mùa Vọng với tiếng kêu đầy chất vấn trong hoang địa và cuộc tử đạo hào hùng của một con người luôn đứng về phía chân lý.
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Kính thưa cộng đoàn
Hai hình ảnh nhưng cùng một hướng đi và có cùng một điểm xuất phát. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Is 1,5). Chúng ta đang muốn nói đến ngày sinh của Gioan Tẩy Giả, với bậc Lễ trọng mà hàng năm Giáo hội cử hành, bên cạnh lễ sinh nhật của Chúa Giêsu và Mẹ Maira.
Thưa cộng đoàn,
Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội lại cử hành trọng thể lễ sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả. Bởi lẽ chính biến cố này đem lại cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta muôn hồng phúc phát xuất từ Thiên Chúa. Thánh nhân là vị ngôn sứ cuối cùng, đúng hơn là ngôn sứ “gạch nối” giữa Cựu ước và Tân ước, là người trực tiếp chỉ cho muôn dân nhận biết Đấng là Chiên Thiên Chúa (x Ga 1,29), để ai tin sẽ được cứu độ. Hơn nữa, Thánh nhân gợi lại trong mỗi một kitô hữu chúng ta điểm xuất phát và hướng đi của cuộc đời mình.
Cả ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay như là sợi chỉ xuyên suốt, không những cùng hướng về ơn gọi của Gioan mà còn xuyên suốt từ thời của Ngài đến thời đại chúng ta hôm nay. Bài đọc thứ nhất nói về ánh sáng của người tôi tớ Thiên Chúa. Bài đọc thứ hai cho ta thấy hình ảnh của một ngôn sứ. Và bài Tin Mừng, thi vị hơn, gần gũi hơn, khi nhắc đến cái Tên. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đặt tên cho ai thì cuộc đời người đó gắn liền với một sứ mạng cao cả. Gioan là cái tên được Thiên Chúa đặt cho đứa trẻ được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt khi cha mẹ đã cao niên, tức ông Giacaria và bà Êlisabet. Từ đó một vị ngôn sứ cao cả xuất hiện, một ngọn đèn luôn tỏa sáng.
Trong sách tiên tri Amốt có lời chép:
Sư tử đã gầm lên: ai mà không sợ hãi
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?” (Am 3,8)
 Chúa đã đặt tên cho Gioan, cũng có nghĩa là Chúa mời gọi, Chúa đã phán. Và Gioan đã mở lời. Tiếng nói của Gioan không chỉ là tiếng nói của lương tâm cá nhân mà còn là tiếng nói của chính Thiên Chúa. Tiếng đó có thể kêu to như tiếng kêu trong hoang địa (x Lc 3, 4-5), nhưng cũng có thể âm thầm đi sâu, chạm thấu vào lòng người như cái ngày bên dòng sông Giođan (x Lc 3, 10-18). Tiếng đó có thể được mọi người kính trọng (x Mc 6, 17- 20; 11,32) mà cũng có thể đụng chạm đến sự ganh ghét, thù oán của người khác. Nhưng dẫu trong hoàn cảnh nào, tiếng đó phải được định hướng bởi một tiếng nói của ơn gọi, của cái tên: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Đúng vậy, cũng như tiếng kêu, ngọn đèn mang tên Gioan không bao giờ tắt nhưng chiếu sáng mãi mãi dù xung quanh tiềm ẩn nhiều bóng tối, dù còn đó những ngọn gió muốn thổi tung tất cả từ tứ phía. Ánh sáng đó vẫn chiếu tỏa cho nhân loại nhưng vẫn luôn hạ mình trước quyền năng Thiên Chúa: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
Con người và tiếng nói của Gioan trong ngày mừng sinh nhật cách trọng thể hôm nay, đã vang vọng và đụng chạm đến mọi thời của nhân loại, đến cuộc sống của từng người chúng ta hôm nay. Cũng như Gioan, ai trong chúng ta cũng đều có một điểm xuất phát với cái tên, và theo đó là một ơn gọi và một đích nhắm để bước đi. Cái tên không hẳn theo nghĩa đen như mong muốn của cha mẹ nhưng tên mỗi người được Thiên Chúa khắc ghi, gắn liền với con người độc đáo, với ơn gọi, từ trước khi được thành hình trong dạ mẹ, trước khi chúng ta chào đời. Điều quý giá nơi con người không hệ tại ở cái họ , cái họ LÀM mà chính yếu nơi cái họ . Chúng ta là ánh sáng, là phát ngôn của Thiên Chúa . Ánh sáng của chúng ta không phải là ánh sáng nhân tạo, do chính ta hay ai đó làm ra nhưng là ánh sáng phát xuất từ Thiên Chúa chân thật. Tính cách ngôn sứ nơi chúng ta không là sự tùy hứng, không lập lờ nước đôi theo kiểu gió hướng nào ngả về hướng đó, cũng càng không phải là cái cớ để trục lợi nhưng được gắn liền với công lý. Có như thế tên của chúng ta được tinh tuyền từ khởi sự cho đến hoàn thành và mãi mãi được khắc ghi trong tình yêu của Thiên Chúa. Dẫu cho “tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. (Is 49, 3)
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,678
  • Tổng lượt truy cập15,594,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây