THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Xin ơn bình an Giáng Sinh

Thứ tư - 23/12/2015 19:55

Xin ơn bình an Giáng Sinh

Giáng Sinh không còn là lễ dành riêng cho các Kitô hữu nữa nhưng đã trở thành ngày đại lễ cho muôn người. Không phân biệt sắc tộc hay màu da, dù là Kitô hữu hay không, người ta vẫn hòa chung với niềm vui Giáng Sinh.
Giáng Sinh không còn là lễ dành riêng cho các Kitô hữu nữa nhưng đã trở thành ngày đại lễ cho muôn người. Không phân biệt sắc tộc hay màu da, dù là Kitô hữu hay không, người ta vẫn hòa chung với niềm vui Giáng Sinh.

Dường như con người cảm thấy một bầu khí vui tươi nào đấy trong ngày lễ Giáng Sinh. Họ trao tặng nhau những món quà và những lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày lễ. Trong vô vàn những lời chúc tốt đẹp ấy, bình an là điều con người khát khao mong mỏi nhất cho chính mình cũng như tha nhân. 

Khao khát bình an là vì cõi lòng con người đã chất chứa quá nhiều nỗi bất an. Mải miết chạy theo vòng xoáy của kim tiền, niềm vui giàu có chẳng trọn vẹn vì thủ đoạn bất lương. Tìm kiếm danh vọng như cái lọng che thân, đến khi trở thành “ông nọ bà kia”, ta chỉ toàn thấy xung quanh là kẻ thù và cô đơn cùng cực. Đắm chìm mình trong khoái lạc của dục vọng và đam mê, làm sao ta an nhiên tự tại được khi phần “con” lấn át phần “người”? Càng ẩn nấp trong tháp ngà điện ngọc ta đang tự thú nhận mình chẳng có bình an. Sự bình an chỉ có được khi “mặt hồ cõi lòng” thật phẳng lặng, nước trong veo nên nhìn thấy đáy tỏ tường. Thay vì để yên cho mặt hồ lắng đọng, con người lại thích khuấy nước cho đục ngầu. Như thế, bình an chẳng phải chạy theo một điều gì đó ở bên ngoài nhưng làm sao bình ổn cõi sâu thẳm bên trong. 

Bình an đích thực chỉ có được khi Thiên Chúa ở với con người. Đêm Giáng Sinh là đêm hồng phúc vì Thiên Chúa đến với con người. Đấng Emmanuel ngự đến để bày tỏ tình yêu đích thực của Thiên Chúa dành cho con người. Và tình yêu ấy được diễn tả bằng sự bình an như lời hát của sứ thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Thiên Chúa từ trời cao nhận máng cỏ hôi tanh làm ngai uy linh, và hang đá trở nên cung vàng điện ngọc nhưng Ngài chẳng cảm nhận chút bất an. Bởi lẽ, Ngài chính là sự bình an và bất kỳ đâu Ngài hiện diện, sự bình an của Thiên Chúa sẽ đổ tràn. 

Lời hát của các thiên thần mang lại hy vọng sẽ có được bình an đích thực của Thiên Chúa dành cho những người được Chúa thương. Trước tiên, các mục đồng được bình an khi thấy rằng Đấng Cứu Thế không phải là người xa lạ, nhưng thật gần gũi với họ, khi Ngài chọn sinh ra trong nơi ở của súc vật. Chiêm ngắm Hài Nhi, các mục đồng có thể yên tâm rằng, Con Thiên Chúa chắc chắn cảm thông được thân phận bé nhỏ của họ, Ngài là người thuộc về họ. Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo và luôn trung thành với lề luật của Thiên Chúa. Còn chúng ta lại luôn than thở và trách móc, bất mãn về cảnh sống của mình. Thậm chí, chúng ta còn nhân danh cái nghèo để vi phạm lề luật của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài chẳng xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống chúng ta. Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp người với chúng ta để có thể dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn thân phận của một con người, chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15). Không có gì của con người mà lại xa lạ với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã sống trọn vẹn từng phút giây của cuộc sống con người một cách bình an. 

Không phải bất kỳ ai cũng có được sự bình an của Chúa khi Ngài đến, nhưng chỉ có những ai được Chúa thương mà thôi. Hê-rô-đê đã mất bình an vì Chúa đến, thực ra là ông chưa hề có bình an và sự ra đời của tân vương mới của Ít-ra-en càng khiến ông bất an. Để có được thứ “bình an giả tạo”, ông đã tắm máu biết bao trẻ nhỏ vùng Bê-lem. Những ông bà chủ của những quán trọ đã từ khước sự bình an của Con Thiên Chúa khi chẳng muốn biến quán trọ của họ thành nhà hộ sinh vì Maria đã sắp lâm bồn. Chỗ trống đáng lẽ thuộc về Con Thiên Chúa trong quán trọ của họ lại trở nên ổ chứa cho biết bao những tệ nạn khác. Ngày nay, mỗi dịp lễ Giáng Sinh trôi qua, những “Hê-rô-đê đương đại” tiếp tục sát hại biết bao thai nhi chỉ bởi vì chúng là “ cục nợ ngoài ý muốn” của những cuộc mây mưa chớp nhoáng trong các nhà nghỉ, khách sạn. Con Thiên Chúa xuống thế làm người dầu có ở trong hang đá máng lừa, vẫn còn may mắn hơn bao thai nhi vô tội ấy, khi Ngài có cơ hội mở mắt chào đời trong sự yêu thương và bảo bọc của mẹ cha. 

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đến và sẵn sàng ban bình an cho con người nhưng chúng con không muốn đón nhận vì thích những bình an giả tạo từ tiền bạc, quyền lực, và dục vọng hơn. Xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sự bình an đích thực của Chúa, sự bình an đến từ sự hủy mình ra như không chỉ vì yêu. Chỉ khi cảm được sức nóng từ ngọn lửa tình yêu của Chúa, chúng con mới đủ can đảm nói không với những bất an phù phiếm và chóng qua ở đời này, để dám yêu Chúa và để Chúa yêu mình ngõ hầu bình an đích thực của Chúa sẽ ngự trị cõi lòng chúng con Giáng Sinh năm nay. Amen. 

Jos. Nguyễn Huy Mai, RadioVaticana 22.12.2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay4,194
  • Tháng hiện tại192,730
  • Tổng lượt truy cập15,479,620
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây