THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

MỘT QUAN NIỆM ĐÚNG VỀ TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

Thứ bảy - 26/04/2014 23:43

MỘT QUAN NIỆM ĐÚNG VỀ TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

MỘT QUAN NIỆM ĐÚNG VỀ TÂN PHÚC-ÂM-HÓA
 

ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Trong diễn từ nói với các Giám mục của CELAM (9 tháng 3 năm 1983) tại Port-au-Prince (Haïti), chính Đức Gioan Phaolô II đã đề cập đến sự cần thiết phải dấn thân vào một cuộc ‘tân Phúc-Âm-hóa’, được xác định là « mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả ».[1] Chín năm sau, trong diễn văn khai mạc Hội Nghị tại Santo Domingo, ngài đã minh định ý nghĩa của tân Phúc-Âm-hóa bằng những lời như sau :

  « Tân Phúc-Âm-hóa là ý tưởng trọng tâm của toàn bộ chủ đề trong Hội Nghị này. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với các Giám mục CELAM tại Haïti vào năm 1983, tôi đã làm nổi bật thành ngữ ấy để làm thức tỉnh trong thế giới này một nhiệt tình mới với những khát vọng mới cho việc loan báo Tin Mừng tại Mỹ Châu cũng như trong toàn thế giới. Tất cả điều này nhằm đem lại cho hoạt động mục vụ ‘một đà mới có khả năng tạo ra - trong một Giáo Hội vẫn còn bén rễ sâu trong sức mạnh và quyền năng thường hằng của lễ Ngũ Tuần - những thời đại mới trong việc loan báo Tin Mừng ».[2]

Một lần nữa, ngài nhắc lại tư tưởng này trong thông điệp Veritatis Splendor khi nói rằng : « Công cuộc Phúc-Âm-hóa được kể là thách đố mãnh liệt nhất và hào hứng nhất mà Giáo Hội được kêu mời đảm nhận ngay từ buổi đầu. [...]. Thế nhưng thời đại chúng ta đang sống, ít ra nơi nhiều dân tộc, đúng hơn phải nói là thời đại của một thách đố dữ dội đối với công cuộc ‘tân Phúc-Âm-hóa’, nghĩa là đối với việc loan báo Tin Mừng luôn luôn mới và lúc nào cũng mang sự mới mẻ, một cuộc Phúc-Âm-hóa phải ‘mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả ».[3]

Tính chất mới mẻ của công cuộc tân Phúc-Âm-hóa có lẽ không thể được hiểu dưới khía cạnh thời gian như một cái gì xuất hiện lần đầu tiên, nhưng đúng hơn phải được hiểu theo phẩm chất. Một sự mới mẻ như thế phát sinh nhờ sức mạnh sáng tạo của Thần Khí Đức Kitô là nhân vật chính của toàn thể sứ vụ. Do đó, có thể suy ra rằng tân Phúc-Âm-hóa đúng nghĩa không phải là một sự khước từ hay kết án công cuộc Phúc-Âm-hóa trước, nhưng đúng hơn là lấy lại và hoàn thiện nó.[4]

Thế nhưng đâu là khuôn mặt của công cuộc tân Phúc-Âm-hóa theo Đức Gioan Phaolô II ? Đó là suy tư lại một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề truyền giáo và khởi động công trình truyền giáo đồ sộ trong thế giới hiện đại.  Đó cũng là « trình bày một tổng hợp mới đầy sáng tạo giữa Tin Mừng và cuộc sống ».[5]

Trong tông huấn Christifideles Laici, công cuộc tân Phúc-Âm-hóa được trình bày như một sứ vụ hữu hiệu nhằm « bảo đảm sự phát triển của một đức tin sáng ngời và sâu đậm » và « tái tạo mô Kitô giáo trong xã hội nhân loại » khởi đi từ một cuộc đổi mới ‘mô’ Kitô hữu của chính các cộng đoàn Giáo Hội » đang sống trong những quốc gia mà tôn giáo và đời sống Kitô hữu « đang gặp những thử thách khắc nghiệt và đôi khi còn bị biến dạng cách sâu xa, do sự lan tràn không ngừng của sự dửng dưng đối với tôn giáo, của sự tục hóa và chủ thuyết vô thần ».[6] Qua sứ vụ này Giáo Hội ngày nay đang thực hiện « một bước dài về phía trước trong việc Phúc-Âm-hóa » và bước vào « một giai đoạn lịch sử mới của năng động truyền giáo »,[7] với một nỗ lực đào sâu và ngày càng làm cho đức tin thấm nhập vào lương tâm và đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khác nhau, tất cả các hình thức diễn tả ấy chỉ là một sự triển khai những gì mà Đức Giáo Hoàng đã trình bày trong diễn từ nói với các Giám mục CELAM về một cuộc Phúc-Âm-hóa « mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả », và công thức này sẽ được lặp lại trong những văn kiện khác.

Sự mới mẻ của một sứ vụ như thế trước tiên hệ tại sự nhiệt tình hay sự thánh thiện : đó là ơn gọi của tất cả những người đã chịu phép rửa tội và là linh hồn của mọi việc tông đồ.[8] Giáo Hội được sinh ra trong Thánh Thần cũng là Thần Khí của sự thánh thiện và của công cuộc tông đồ. Vậy cần phải lấy lại nhiệt tình của ngày lễ Ngũ Tuần để mở màn một cuộc tân Phúc-Âm-hóa trong bối cảnh mới của thế giới hiện tại. Đàng khác, nhiệt tình tông đồ cũng phát sinh từ một nỗ lực đổi mới tâm hồn cách liên tục và triệt để noi theo Đức Giêsu là người rao giảng Tin Mừng đầu tiên. Đó chính là những gì Đức Phaolô VI đã viết trong Evangelii Nuntiandi về sự khẩn cấp và tầm quan trọng của một sứ vụ được thực hiện « với nhiệt tình của các thánh ».[9]

Nhiệt tình tông đồ là một điều kiện không thể thiếu của cuộc tân Phúc-Âm-hóa, tuy nhiên nó phải đi kèm với những phương pháp và những cách diễn tả mới. Cần phải sử dụng mọi phương pháp có thể giúp cho Tin Mừng đạt đến trung tâm của con người và xã hội. Trong số những phương pháp ấy phải để ý đến chứng từ của cuộc sống, sự gặp gỡ cá vị, sự đối thoại, hội nhập văn hóa, sự hiện diện của Kitô hữu trong tất cả những gì liên quan đến con người và sự tham gia tích cực của mọi thành phần Giáo Hội. Công cuộc tân Phúc-Âm-hóa cũng được đánh giá như thế qua những hình thức diễn tả. Điều đó muốn nói rằng Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng bằng một thứ ngôn ngữ có khả năng làm cho Tin Mừng ngày càng trở nên gần gũi hơn với các thực tại văn hóa hiện nay.

Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong tông huấn Evangelii Gaudium vừa được ban hành như sau: « Những thay đổi văn hoá sâu rộng và nhanh chóng hôm nay đòi chúng ta không ngừng tìm kiếm những cách thức diễn tả các chân lý bất biến bằng một ngôn ngữ làm nổi bật sự mới mẻ vững bền của chúng. ‘Kho ký thác đức tin là một chuyện... cách diễn tả nó lại là chuyện khác’.[10] Có khi người Kitô hữu nghe một ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, nhưng lại hiểu về một cái gì xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, bởi vì ngôn ngữ kia khác với cách họ dùng để nói với nhau và hiểu nhau. Với ý hướng thánh thiện muốn thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người, chúng ta đôi khi [vô tình] cống hiến cho họ một vị thần giả tạo hay một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo. Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng ‘chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó’[11] ».[12]

Nhiệm vụ đặc biệt của đối thoại và hội nhập văn hóa chính là tìm kiếm những cách diễn tả thích hợp nhất để sứ điệp Kitô giáo được đón nhận tốt nhất nơi các dân tộc thuộc những nền văn hóa khác nhau.

Như thế, việc Phúc-Âm-hóa được gọi là mới theo nghĩa nó phải đáp ứng cách có hiệu lực đối với các thách đố của con người ngày nay ; nó phải cho thấy rằng sự tiến bộ kỹ thuật và chủ nghĩa duy vật không đem lại hạnh phúc thực sự, nếu người ta không đi đến một sự phát triển toàn diện, nhân bản và luân lý, và nếu người ta không nhận biết Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là thiện hảo tối thượng của mọi người. Việc Phúc-Âm-hóa được gọi là mới đối với thái độ, phong cách, nỗ lực, lập trình, sự tìm kiếm những phương pháp tông đồ mới và một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với những nền văn hóa khác nhau mà không làm thay đổi nội dung sứ điệp.



[1] GIOAN PHAOLÔ II, ‘Diễn văn tại Hội Nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM (9-3-1983)’, trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II (1983) VI/1, tr. 698.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, ‘Diễn văn khai mạc tại Hội Nghị khoáng đại các Giám mục Mỹ Châu La-tinh lần thứ IV ở Santo Domingo (12-10-1992)’, trongInsegnamenti di Giovanni Paolo II (1992) XV/2, tr. 317-318. 
[3] Veritatis Splendor 106
[4] Theo P. Giglioni, để hiểu ý nghĩa của tính từ ‘tân’ đi với từ ‘Phúc-Âm-hóa’, cần phải để ý đến cách dùng của Thánh Kinh đối với 2 từ Hy-lạp : néos vàkairós. Theo nghiên cứu của H. Haarbeck, từ thứ nhất diễn tả khía cạnh thời gian, để nói về điều xuất hiện lần đầu tiên ; trái lại, từ thứ hai chỉ khía cạnh phẩm chất, để nói về điều lạ lùng, kỳ diệu. Mặc dầu qua dòng thời gian, những dấu nhấn giữa hai từ này đã biến mất đến độ chúng trở nên đồng nghĩa, tuy nhiên thật là ý nghĩa khi Tân Ước đã sử dụng từ kairós với một dấu ấn mang tính phẩm chất mạnh mẽ để diễn tả tính mới mẻ của biến cố Kitô giáo : giao ước mới (x. Lc 22, 20 ; 1Cr 11, 25 ; 2Cr 3, 6 ; Dt 8, 8.13 ; 9, 15), điều răn mới (x. Ga 13, 34 ; 1Ga 2, 7.8), sự sống mới và tinh thần mới (x. Rm 6, 4 ; 7, 6), tên mới (x. Kh 2, 17 ; 3, 12), Giêrusalem mới (x. Kh 3, 12 ; 21, 2), bài ca mới (x. Kh 5, 9 ; 14, 3) ; xem P. Giglioni, ‘Nuova evangelizzazione o evangelizzazione nuova’, trong Euntes Docete 53(2001)1, tr. 24-25.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, ‘Diễn văn tại Hội Nghị chuyên đề lần thứ VI của các Giám mục Âu Châu (11-10-1985)’, trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II(1985) VIII/2, tr. 912.
[6] Christifideles Laici 34.
[7] Ibid. 35.
[8] Xem Lumen Gentium 11.
[9] Evangelii Nuntiandi 80.
[10] GIOAN XXIII, ‘Diễn từ khai mạc công đồng Vaticanô II (11-10-1962)’: AAS 54 (1962), 792.
[11] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ut Unum Sint (25-5-1995), 19.
[12] Evangelii Gaudium 41.

Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Nguồn tin: gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay4,875
  • Tháng hiện tại193,411
  • Tổng lượt truy cập15,480,301
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây