Cheryl Dickow
Biết Thiên Chúa bằng tên gọi, điều đó cho phép chúng ta đi vào trong mối tương quan với Ngài cách thẳm sâu và có tính cá nhân. Trong khi nhiều người trong chúng ta chỉ biết Ngài là “Thiên Chúa” hoặc “Cha” thì còn có hàng loạt các tên gọi khác mà mỗi tên gọi đều nói lên chỉ một khía cạnh nào đó của Ngài.
Đấng Hằng Hữu
Tên của Thiên Chúa thường được viết bằng 4 chữ cái trong tiếng Do Thái là Yud-Hay-Vav-Hay (mẫu tự tiếng Do Thái là: יהוה - hay gọi theo mẫu tự Latinh là YHWH [yahweh]) và không bao giờ được đọc lên. Các vị thượng tế trong Cựu Ước chắc đã biết cách đọc đúng tên gọi ấy nhưng vì sự thánh thiêng của nó, họ chỉ thốt lên trong thinh lặng của tâm hồn mình.
4 chữ này (tiếng Hy Lạp gọi là “Tetragrammaton”) là tên mà Thiên Chúa tự giới thiệu mình với Môisen như là “TA LÀ ĐẤNG TA LÀ”, và như vậy tự cho mình là Đấng Hằng Hữu.
Adonai
Để tránh phải gọi một tên gọi quá sức thánh thiêng hoặc phát âm sai tên gọi ấy thì danh xưng Adonai thường được dùng để thay thế cho Yud-Hay-Vav-Hay. Trong Cựu Ước, 4 chữ YHWH này được viết hoa.
Hashem
Giống như Adonai, HaShem là tên gọi phổ thông của Thiên Chúa và có nghĩa là “Tên”
Trong câu chuyện của bà Leah, vợ ông Giacóp, HaShem là tên Chúa dùng để trả lời cho hoàn cảnh của Leah và chúc lành cho con bà. HaShem đã nghe lời cầu nguyện của bà. (Xem sách Sáng Thế chương 29-30)
HaShem đã đáp ứng lời cầu nguyện của Leah nên bà đặt các tên con là: Reuben (nghĩa là Người đã nhìn thấy cảnh khốn cực của tôi), bởi vì HaShem đã nhìn thấy cảnh khốn cực của bà; Simeon (nghĩa là Người đã nghe), vì HaShem đã nghe rằng bà không được thương yêu; Levi (nghĩa là Chồng tôi sẽ gắn bó với tôi), vì bà hy vọng rằng HaShem sẽ làm cho chồng bà kết hợp lại với bà; Judah (nghĩa là Tôi sẽ tán tạ Đức Chúa), vì bà sẽ ngợi khenHaShem.
El-Shaddai
El-Shaddai là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng mời gọi Abram, “bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông.”
El-Shaddai có nghĩa “Toàn Năng”
Thiên Chúa nói rõ với Abram rằng bất cứ điều gì ông xin phép làm, ông sẽ làm với sức mạnh quyền năng của Đấng Toàn Năng ở phía sau ông. Ngay cả trong những hoàn cảnh có điềm chẳng lành, El-Shaddai hứa sẽ ở bên cạnh Abram.
Jehovah-Elyon
Chính tư tế Melchisêđê đã nói Thiên Chúa Toàn Năng thật sự là Jehovah-Elyon: “Thiên Chúa Tối Cao”. Sự nhấn mạnh trên đặc tính tối cao thường được sử dụng trong những trường hợp các dân nước ngoại giáo đem thần thánh của mình ra đấu với thần thánh của quân thù, và thần thánh của ai mạnh hơn hoặc tối cao sẽ là “kẻ thắng”. Khi dùng danh xưng Jehovah-Elyon, thì rõ ràng có ý muốn nói rằng trong những cuộc tranh chấp thường ngày xem “Chúa của ai cao cả hơn” thì Thiên Chúa của Abram là Thiên Chúa Tối Cao, Đấng Sáng Tạo thống trị và là Đấng Điều hành vũ trụ, không có đấng nào khác.
Jehovah-Repheka
Tin Mừng đầy dẫy những trình thuật về sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu.
Tên gọi Jehovah-Repheka của Thiên Chúa nói lên bản tính chữa lành của Ngài. Ngài bộc lộ mối quan tâm và mong muốn chữa lành chúng ta qua qua tên gọi đầy quyền năng này.
Dù chúng ta không bao giờ hiểu cách đầy đủ bản tính của Thiên Chúa, Ngài đã sử dụng nhiều danh xưng để giúp chúng ta hiểu. Ngài là Chúa các đạo binh (Jehovah-Tsebaoth), Đấng luôn hiện diện ở đó (Jehovah-Shamah) và là Đấng công chính (El-Tsaddik).
Ngài là El-De’ot - Thiên Chúa thông biết, là đấng luôn thương cảm (El-Rachum), tử tế dịu dàng (El-Channun), và mạnh mẽ (El-Sali).