THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Các lần Đức Mẹ hiện ra

Thứ bảy - 01/04/2017 06:20

Các lần Đức Mẹ hiện ra

Trong các tháng qua chúng ta đã tìm hiểu các lần Thiên Chúa tự tỏ hiện ra cho con người trong thời Cựu Ước và trong thời Tân Ước. Chúa Giêsu Kitô cũng đã hiện ra với Đoàn Tông Đồ và các môn đệ. Riêng đối với thánh Phaolô Chúa Giêsu đã hiện diện và đồng hành với thánh nhân cho tới cuộc tử đạo tại Roma vào năm 67 dưới thời hoàng đế Neron.
Trong các tháng qua chúng ta đã tìm hiểu các lần Thiên Chúa tự tỏ hiện ra cho con người trong thời Cựu Ước và trong thời Tân Ước. Chúa Giêsu Kitô cũng đã hiện ra với Đoàn Tông Đồ và các môn đệ. Riêng đối với thánh Phaolô Chúa Giêsu đã hiện diện và đồng hành với thánh nhân cho tới cuộc tử đạo tại Roma vào năm 67 dưới thời hoàng đế Neron.

 

holymary.jpg

 

Thánh nhân đã bị chặt đầu và được các kitô hữu chôn cất trong nghĩa trang trên đường Ostiense, nơi có đền thờ xây trên mộ thánh nhân là đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

 

Các vụ hiện ra tiếp tục trong Giáo Hội cho tới ngày nay, với nhiều cách thế khác nhau. Chúng là các kinh nghiệm liên quan tới các thực tại tôn giáo, thiên linh và siêu hình trong cuộc sống con người, và thường  vuợt ngoài khả năng  kiểm thực của các khoa học thực nghiệm.

 

Liên quan tới các lần hiện ra của Đức Mẹ trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo, chúng ta biết Đức Maria đã hiện ra với các vị như: Gregorio Người chữa bệnh, qua đời năm 270, Teofilo, với Maria người Ai Cập. Vào thế kỷ thứ VIII Đức Mẹ đã làm phép lạ trả lại cho thánh Gioan Damasceno bàn tay bị vua Damasco chặt đứt vv. Trong thế giới latinh các vụ Đức Mẹ hiện ra cũng được gán cho nhiều thánh và các vị có ơn thần bí, đặc biệt là cho các vị thánh sáng lập các dòng tu. Nhưng các câu chuyện này thường được truyền tụng tới thời chúng ta một cách không chắc chắn và ít rõ ràng. Khó mà phân biệt được điều thuộc một kinh nghiệm ngoại thường và điều thuộc biểu tượng của nó. Trong thời tân tiến sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Guadalupe bên Mêhicô, có tầm quan trọng rất lớn, vì nó liên quan tới nơi thành lập Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Sự kiện Đức Mẹ đã chọn một thổ dân là anh Juan Diego tại một địa điểm có thổ dân sinh sống để hiện ra, cũng như sứ điệp và các lệnh truyền mà Đức Mẹ sai anh chuyển tới cho Đức Giám Mục, tất cả đã tạo ra cả một sự thẩm thấu, một sự thắng vượt cảnh xung đột giữa các thổ dân bị áp bức với các người thực dân, việc nảy sinh ra một nền văn hóa mới trên đại lục mới được khám phá, nhưng mang dấu vết sự thống trị của Tây Âu. Tính cách lịch sử của biến cố hiện ra đã bị thảo luận trong các thập niên đầu tiên vì thiếu các tài liệu. Nhưng sau đó đã có nỗ lực lịch sử quan trọng nhằm hoà giải đức tin và lịch sử.

 

** Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe  là Đền Thánh chính của Mêxicô và là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới hàng năm có tới 20 triệu tín hữu và du  khách hành hương kính viếng. Đền thánh được xây trên nơi Đức Mẹ đã hiện ra 5 lần với thổ dân Juan Diego, trong các ngày từ mùng 9 tới 12 tháng 12 năm 1531. Cùng với người bác là Juan Bernardino Juan Diego là một trong những thổ dân đầu tiên theo Kitô giáo năm 1525. Tên gọi Guadalupe phát xuất từ việc đọc sai từ “Coatlaxopeuh” trong tiếng thổ dân có nghĩa là “Người nữ chiến thắng con rắn”. Đức Mẹ Guadalupe đã được tuyên bố là Bổn Mạng nước Mêhicô năm 1737, Bổn Mạng và Hoàng Hậu châu Mỹ năm 1910, và của Philippines năm 1935. Vì thế trước đền thờ có treo 24 cờ của các nước châu Mỹ và của Philippines.

 

Vương cung thánh đường cũ đưọc xây năm 1709, nhưng bị hư hại nhiều sau nhiều vụ động đất. Do đó ngay từ thập niên 1940 HĐGM Mêxicô đã quyết định xây đền thờ mới. Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành ngày 12 tháng 12 năm 1974. Vì nền đất bên dưới yếu nên các cột trụ có đường kính rộng tới 102 mét, sâu 32 mét. Có 344 cột trụ khác chống đỡ đền thờ nặng 50 tấn. Nhìn từ bên ngoài, vương cung thánh đường giống một chiếc lều hình tròn dựng trong sa mạc, như Lều Hội Ngộ mà Giavê Thiên Chúa đã truyền cho ông Môshê dựng lên dưới chân núi Sinai xưa kia. Mái đền thờ được lợp bằng 8.000 mét vuông đồng mầu xanh nước biển, là mầu áo của Đức Mẹ. Trên đỉnh đền thờ có thánh giá và một đế hình chữ M là chữ đầu tên của Mẹ Maria và cũng là chữ đầu tên nước Mehicô. Bên trong mái đền thánh được lợp bằng 6.000 mét vuông gỗ thông được biến chế chống lửa do nước Canada dâng tặng. Từ trên trần treo lủng lẳng 164 ngọn đèn bát giác, 7 trong số đó có gắn các loa phóng thanh và ống kính truyền hình. Nền đền thờ được lát bằng 8.000 mét vuông đá cẩm thạch Mêhicô. Cột trụ chính giữa đền thờ bọc gỗ trắc bá, được trang hoàng với các lá bằng vàng có hình Đức Bà Guadalupe. Đế hình có thể quay tròn cho phép tín hữu đứng ở đâu trong đền thờ cũng có thể trông thấy Đức Mẹ, kể cả trong nhà nguyện phòng thánh sau bàn thờ chính. Để giúp làn sóng tín hữu tuốn tới đây mỗi ngày rất đông có 4 cầu thang lưu động giúp mọi người có thể chiêm ngắm cách hình Đức Mẹ 6 mét. Vương cung thánh đường có thể chứa được 12.000 tín hữu, và quảng trường phía trước có chỗ cho 30.000 người. Đền thánh Đức Bà Guadalupe cũng bao gồm một viện bảo tàng, nhà nguyện “Pocito” thuộc thế kỷ XVIII, nhà thờ và dòng Capucino, nhà nguyện “Hoa hồng” thuộc thế kỷ XVI, đài tưởng niệm “Cánh buồm của các thuỷ thủ”, nghĩa trang của thổ dân Teyepac. Và cũng có một hầm đậu xe có chỗ cho 1.850 chiếc xe.

 

** Trong đền thánh có hình phép lạ Đức Mẹ được vẽ trên một áo choàng làm bằng sợi cây xương rồng Maguey, bình thường không kéo dài được hơn 20 năm. Hình Đức Mẹ cao 1,45 mét và được vẽ với các mầu rất sống động, với nhiều biểu tượng ý nghĩa. Mẹ Maria xem ra được biến đổi bởi mặt trời, Mẹ đang mang thai và từ cung lòng Mẹ phát ra ánh sáng và các ngọn lửa. Đó là Mẹ của Hài Nhi Mặt Trời. Các nét trên gương mặt của Đức Mẹ không phải là của phụ nữ Tây Ban Nha, cũng không phải của các thổ dân, nhưng là người lai giống. Chân Mẹ đạp mặt trăng, chân trái hơi nhún xuống, ám chỉ bước đường hành hương và điệu vũ trong lễ hội của các nền văn hóa tiền Colombiano. Áo choàng của Đức Mẹ mầu hồng với các hoa lạ gắn bên trên, trong đó có thể nhận ra một bông hoa nhỏ bốn cánh trên bụng của Mẹ. Nó có ý nghĩa  rất lớn, vì trong các nền văn hóa thổ dân nó biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là nguồn mạch sự sống. Bên trên áo choàng ở trên cổ có một hình thập giá. Trong các nền văn hóa thổ dân mesoamericano, nó mang cùng ý nghĩa như bông hoa bốn cánh: diễn tả sự tràn đầy và bất tử. Đối với kitô hữu đó là dấu chỉ của ơn cứu rỗi. Áo choàng mầu xanh da trời đầy sao là mầu của ngọc và ngọc lam, biểu tượng cho vương quyền và sự đồng trinh. Các chòm sao là bản đồ bầu trời mùa đông năm 1531, khi Đức Mẹ hiện ra với thổ dân Juan Diego. Hình Đức Mẹ được cất giữ trong một nhà nguyện  nhỏ có trước, sau đó được lưu giữ trong nhiều nhà thờ khác nhau. Năm 1895 hình được ĐGH Leo XIII đội triều thiên, và được rước vào Vương cung thánh đường mới ngày 12 tháng 10 năm 1976 với sự hiện diện của phái đoàn các nước Mỹ châu, Philippines, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia.

 

Chính tại đây Đức Gioan Phaolô II đã đồng tế thánh lễ với các Giám Mục trong dịp khai mạc hội nghị lần thứ ba của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh ngày 27 tháng giêng năm 1979; tiếp đến là trong lễ phong chân phước cho ông Juan Diego, ba vị tử đạo thổ dân Tlaxcala là Cristobal, Juan và Antonio và linh mục José Maria de Yermo y Parres ngày mùng 6 tháng 5 năm 1990; và trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Juan Diego ngày 31 tháng 7 năm 2002.

 

** Ngoài ra bên Âu châu đã có rất nhiều vụ Đức Mẹ hiện ra bắt đầu từ thế kỷ XIX. Điển hình là ba lần Đức Mẹ hiện ra với nữ tu Catarina Labouré tại nhà dòng các Nữ tử Bác Ái ở đường Dubac trong thủ đô Paris năm 1830 trong thời gian chị làm nhà Tập. Chị Catarina sinh năm 1806 trong vùng Bourgogne bên Pháp, và là con thứ 9 trong gia đình có 11 người con. Biến cố mẹ mất năm lên 10 tuổi khiến cho cô bé Catarina gia tăng lòng sùng mộ Mẹ Maria và coi như là mẹ mình. Sau khi chị cả nhập dòng Nữ Tử Bác Ái, Catarina thay chị giúp cha và chăm sóc các em nhỏ. Tuy bận nhiều việc nhưng chị vẫn tìm ra giờ đến cầu nguyện tại nhà nguyện nhỏ cạnh nhà và vun trồng lòng sùng kính Đức Mẹ và chị ước ao gia nhập dòng Nữ Tử Bác Ái do thánh Vinh Sơn de Paoli thành lập. Tuy bị cha tìm hết cách ngăn cản nhưng sau cùng chị thành công gia nhập dòng. Không lâu sau ngày mùng 6 tháng 6 năm 1830 Chúa Giêsu hiện ra với chị trong thánh lễ. Và trong suốt thời gian làm nhà Tập chị được ơn trông thấy Chúa Giêsu mỗi khi vào nhà nguyện. Ơn này kéo dài suốt 9 tháng liên tiếp.Trong đêm 18 rạng ngày 19 tháng 7 năm ấy, và trong các tháng tiếp theo Đức Mẹ đã hiện ra với chị và tín thác cho chị sứ mệnh phổ biến Mề dai phép lạ. Hai lần hiện ra sau đã là lý do làm nảy sinh ra ảnh “Mề đai phép lạ” là mề đai được phổ biến nhất trong mọi thời đại có đến hàng tỷ ảnh Mề đai được phân phát khắp nơi trên thế giới. Cũng giống như tại Guadalupe, ở đây Đức Mẹ cũng là phụ nữ mình mặc áo mặt trời, như được miêu tả trong chương 12 sách Khải Huyền. Hai cánh tay Mẹ tỏa giãi ơn thánh và ánh sáng của Chúa Kitô, là mặt trời công chính.

 

Vâng lời cha linh hướng chị đã giữ kín không thổ lộ với ai các lần Đức Mẹ hiện ra và các mạc khải nhận được. Trong các năm đó đã có một triệu ảnh mề đai Đức Mẹ đưọc phổ biến và tín hữu nhận được rất nhiều ơn hoán cải và lành bệnh. Chỉ sau khi chị qua đời các chị em trong dòng mới biết chị đã trông thấy Đức Mẹ và nhận được Mề đai phép lạ. Chị Catarina Labouré đã luôn sống trong thinh lặng và khiêm tốn và trong vòng 46 năm chị đã phục vụ người nghèo trong viện tế bần Enghien ở Paris. Chị qua đời ngày 31 tháng 12 năm 1876, được ĐGH Pio IX phong chân phước ngày 28 tháng 3 năm 1933 và năm 1947 được ĐGH Pio XII tôn phong hiển thánh.

 

Vì chị Catarina Labouré đã từ chối không làm chứng nên các vụ hiện ra đã không bao giờ được chính thức thừa nhận, nhưng được giáo quyền Giáo Hội chấp nhận một cách ngấm ngầm và một cách thuận tiện. Các Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI và Pio IX đã dùng Mề đai phép lạ Đức Mẹ. Sau khi qua đời chị được chôn dưới hầm nhà nguyện. Năm 1933 khi được cải táng, xác chị vẫn còn nguyên không hư nát và hiện được trưng bầy trong nhà nguyện nơi chị đã được Đức Mẹ hiện ra, không xa hòm đựng tim của thánh Vinh Sơn de Paoli.

 

TMH 517

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 19.03.2017)


Nguồn tin: conggiao.info

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay6,009
  • Tháng hiện tại194,545
  • Tổng lượt truy cập15,481,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây