Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ sáu - 14/04/2017 11:49
Bầu khí của ngày Thứ sáu Tuần thánh hôm nay cho chúng ta cảm giác u buồn sâu lắng. Sức mạnh, quyền lực của ma quỷ và của sự ác dường như lên ngôi; sự thật, chân lý, lẽ phải dường như bị vùi giập dưới sự xảo quyệt và bất công của con người; kẻ gian ác thì được bênh vực, còn người công chính thì bị loại trừ. Dường như sự ác và sự bất công này vẫn còn kéo dài trong xã hội hôm nay, người vô tội bị cáo buộc thành kẻ có tội, còn kẻ gây ra tội ác lại được tôn vinh, được bênh vực.
Cứ theo cái nhìn của người đời thì cuộc đời của Chúa Giêsu quả là thất bại, cái chết của Ngài quả là kinh khủng. Nhưng trong cái nhìn của đức tin, chúng ta nhận ra quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã khéo biến sự gian ác của con người thành cơ hội bày tỏ tình yêu thương của Ngài và biến cái chết của Chúa Giêsu thành khởi đầu của sự sống mới cho nhân loại.
Thoạt nghe bài thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu như một nạn nhân, như một trái bóng bị đá qua đá lại trong chân của các Thượng tế, quan Philatô và vua Hêrôdê, mỗi người thỏa sức hành hạ Người. Dân do Thái như đám khán giả quá khích và độc ác, họ cổ vũ và cộng tác hết mình với những hành động của những người có chức quyền. Nhưng suy gẫm bài thương khó, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu hết sức sáng suốt và chủ động để đối diện với những sự ác mà con người đặt trên Ngài và khiến họ phải suy nghĩ về hành động của mình.
Giuđa và các tông đồ tuy không phải là những người hành hạ Chúa Giêsu, nhưng lại là những người gây tổn thương tâm hồn Chúa Giêsu nhiều hơn hết, vì họ là những người được Chúa yêu thương tuyển chọn. Không nỗi đau nào hơn nỗi đau bị tổn thương, phản bội bởi những người mình yêu thương. Có thể nói, các tông đồ mỗi người mỗi cách, đều phản bội lại Chúa Giêsu. Giuđa là người trực tiếp thỏa thuận với các Thượng tế để trao nộp Người. Anh đã mang một bộ mặt giả dối, dẫn người đến bắt Chúa Giêsu và còn dùng cái hôn để làm dấu chỉ cho sự phản bội của mình. Simon Phêrô và các tông đồ trước đây đã từng thề sống thề chết trung thành với Thầy, thế mà, chỉ với thử thách ban đầu, kẻ thì công khai chối bỏ tình nghĩa và sự liên quan với Thầy, kẻ thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi. Chúa Giêsu không vì thế mà oán trách các môn đệ, Ngài vẫn yêu thương các ông như những đứa con bẻ nhỏ dại khờ và vẫn luôn tin tưởng, tín nhiệm các ông. Khi các Thượng tế tra hỏi, Chúa Giêsu trả lời: Tôi đã giảng dạy công khai nơi đền thờ, nơi có nhiều người tụ họp. Tôi không nói gì lén lút, các ông cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.
Các thầy Thượng tế và Kỳ lão trong dân dường như hả hê vì đã thực hiện được ý đồ của mình là tìm cách loại trừ Chúa Giêsu. Họ thỏa mãn như những con thú vồ được mồi. Khi đã đạt được mục đích là bắt Chúa Giêsu, họ cũng không quan tâm đến sự hối hận của Giuđa. Trong ý đồ của các Thượng tế, Chúa Giêsu sẽ phải chết. Thượng tế Anna đã quả quyết: Thà một người chết thay cho dân thì hơn. Tại dinh Thượng tế Anna, trước sự ngạo mạn và sự hung hăng của các Thượng tế và binh lính, Chúa Giêsu vẫn chủ động giải thích cho họ về những giáo lý Ngài đã giảng dạy và công khai khẳng định về nguồn gốc và địa vị của Ngài. Khi Thượng tế hỏi: Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không ? Chúa Giêsu Trà lời: Chính ông vừa nói. Các ông sẽ còn thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng.
Nếu như trước mặt các Thượng tế, Chúa Giêsu xác định vị thế của mình là Đấng Cứu Thế, thì trước mặt Philatô, một tổng trấn dân ngoại, Chúa Giêsu đã khẳng định và giải thích địa vị làm vua của Ngài: Phải, tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Chúa Giêsu cho Philatô thấy Ngài không phải là người hoạt động chính trị, cũng không tìm kiếm quyền lực của thế gian, nhưng Ngài là vua trong tâm hồn của mỗi người, làm chủ cuộc đời mỗi người. Chúa Giêsu cũng cho Philatô thấy, Ngài là vua của sự thật, sứ mạng của Ngài là rao giảng và làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật mới có thể nghe được tiếng của Ngài. Chắc chắn Philatô đã nghe những lời cáo buộc của các Thượng tế, đã chịu áp lực bởi những lời gào thét của đám đông đang đòi giết Giêsu và lương tâm của ông cũng đang giằng co, buộc ông phải lên tiếng. Philatô đã không thuận theo tiếng nhắc bảo của lương tâm, không chấp nhận Đấng là Sự thật đang đứng trước mặt ông, Philatô đã hỏi Chúa Giêsu: Sự thật là gì?
Philatô là quan tổng trấn, đang lẽ ông phải đứng về phía công lý và sự thật, nhưng ông lại nghiêng chiều về phía sự ác và sự gian dối của người Do Thái, ông chỉ phản ứng một cách yếu ớt với những đòi hỏi của lương tâm. Philatô đã tham gia vào việc gây đau khổ cho Chúa Giêsu khi ra lệnh đánh đòn Ngài. Những tên lính Rôma đã để cho thú tính của chúng nổi dậy, khi chúng trút xuống trên Chúa Giêsu những cơn mưa roi, xé nát da thịt Chúa. Chúng hả hê cười đùa trên sự đau đớn của Người và còn tìm cách nhạo báng Người. Cuối cùng, Philatô đã chấp nhận chiều theo sự ác của người Do Thái, trao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh. Chúa Giêsu đã im lặng đón lấy tất cả sự bất công, sự gian ác và những cơn mưa đòn chỉ vì yêu thương nhân loại như những đứa con dại khờ của Người.
Các Thượng tế và những Kỳ lão đã đạt được ý đồ gian ác của họ, muốn mượn tay của Philatô để loại trừ Chúa Giêsu, giờ đây, họ đã toại nguyện. Trên đường lên núi sọ, với cây thập giá trên vai, Chúa Giêsu tiếp tục chịu sự hành hạ của những tên lính, sự nhạo báng của các Thượng tế và sự dửng dưng vô cảm của đám đông dân chúng. Mới mấy ngày trước đây, cũng đám dân này đã tung hô Chúa Giêsu là Con vua Đavít, chính họ đã chứng kiến các phép lạ, đã từng ăn bánh no nê, vậy mà, họ lại xin tha Baraba và đòi giết Giêsu. Trước mặt Philatô, những người Do Thái đã công khai từ chối vua Giêsu và nhận mình chỉ tôn thờ một hoàng đế La mã là Cesare.
Bị đóng đinh trên cây thập giá, Chúa Giêsu đau đớn đến tột cùng và cảm thấy cô đơn lẻ loi vô hạn. Cái ác và sự dữ bao trùm, ánh sáng và vinh quang của Thiên Chúa như bị lu mờ. Trong đau đớn tột cùng, Chúa Giêsu vẫn cầu xin cùng Thiên Chúa: Lạy Cha, xin tha cho chúng!”. Và còn biện minh, “vì chúng lầm không biết”. Chúa Giêsu trong thân phận một người tôi tớ của Thiên Chúa, hết lòng trung thành, yêu mến và vâng phục thánh ý của Chúa Cha; có lúc Ngài thoáng cảm thấy như chính Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình, Ngài đã kêu lên: Lạy Cha sao cha nỡ bỏ rơi con? Nhưng trong tin tưởng và yêu mến, Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: Thế là đã hoàn tất, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.
Chính những lời cuối cùng này của Chúa Giêsu đã là ánh sáng chiếu vào những mảng tối do cái ác và do con người gây ra, giúp chúng ta hiểu: Tại sao Con Thiên Chúa, Đấng Cứu thế lại phải chịu đau khổ, gian ác bất công và phải chết nhục nhã đau đớn như thế? Chỉ có thể trả lời được rằng: Vì yêu mà Thiên Chúa đã chấp nhận tất cả mọi đau khổ cực hình. Tình yêu có sức mạnh vượt trên tất cả, chiến thắng mọi hận thù, hòa giải con người với Thiên Chúa và hòa giải con người với nhau.
Xin cho chúng ta khi suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu cũng ý thức rằng, mỗi người có liên đới và phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa; đồng thời, xin cho chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu thương cao cả Chúa dành cho ta và xin cho chúng ta cũng dám chấp nhận những khó khăn thử thách trong cuộc sống vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh chị em. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập91
Máy chủ tìm kiếm2
Khách viếng thăm89
Hôm nay6,014
Tháng hiện tại194,550
Tổng lượt truy cập15,481,440
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.