THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thập giá không nặng hơn sức con

Thứ sáu - 07/04/2017 04:47
Đường lên đồi Golgotha chiều hôm ấy với cây thập giá nặng trĩu đôi vai, Ngài đã đón nhận không một lời than trách! Phải chăng Ngôi Hai đã dùng tất cả quyền năng của một Vị Thiên Chúa để chu toàn thánh ý?
Thập giá không nặng hơn sức con

Đường lên đồi Golgotha chiều hôm ấy với cây thập giá nặng trĩu đôi vai, Ngài đã đón nhận không một lời than trách! Phải chăng Ngôi Hai đã dùng tất cả quyền năng của một Vị Thiên Chúa để chu toàn thánh ý? Hoàn toàn không phải thế! Cái đớn đau của những roi vọt, cái nặng nề của thập giá, cái suy sụp của những lần té ngã, cái khổ hình của mão gai và đinh nhọn; tất cả đều làm cho Ngài chẳng còn là một con người: Hơi sức tàn yếu, chết dần chết mòn và cuối cùng là cái chết thật sự. Đó chẳng phải là thân phận của một con người đó sao? Thân phận phải chịu thay cho tất cả chúng ta để chúng ta không phải nếm trải những cay đắng đó. Thế mà một lúc nào đó trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta được Ngài ban cho diễm phúc được hiểu, được nếm, được trải qua một cái đau khổ nào đó thật nhỏ bé so với cái vô vàn của Ngài; chúng ta đã cảm thấy nặng hơn sức của mình.

Dường như chỉ trong cái nhìn của chính mình, đau khổ của mình luôn là cái lớn nhất. Đau khổ ấy làm cho chúng ta bị dằn vặt, bị xâu xé, bị bế tắc. Chúng ta vẫn thường thắc mắc về sự hiện hữu của đau khổ: Tại sao tôi lại bị tật nguyền? Tại sao tôi lại nghèo khổ? Tại sao tôi không được hạnh phúc?… Những thắc mắc ấy dẫn chúng ta đến một sự so sánh: Thà tôi bị cái này còn hơn cái kia, thà tôi mất cái này hơn mất cái kia…; nghĩa là chỉ có đau khổ của chính mình mới là cái đau khổ nhất. Vậy chúng ta hãy nhìn lại thử xem cái đau khổ của mình có làm cho mình không còn là con người nữa không? Tật nguyền của chúng ta làm cho chúng ta được đón nhận sự yêu mến và cảm thông nhiều hơn; nghèo khổ của chúng ta làm cho chúng ta luôn nhận được sự cho đi của người khác; bất hạnh của chúng ta làm cho chúng ta nhận ra giá trị đích thực của niềm vui và hạnh phúc. Chính trong những khiếm khuyết mà chúng ta cho là đau khổ ấy làm cho chúng ta cảm thấy một sự cần thiết luôn phải có trong cuộc đời mình: Cần ơn Chúa. Ơn Chúa để chúng ta thấy rằng cái đau khổ nhỏ bé ấy làm cho chúng ta thêm nghị lực mà gánh vác. Ơn Chúa để chúng ta hiểu được sự cần thiết của tình người, nhờ đó chúng ta sống yêu thương hơn. Ơn Chúa để chúng ta cảm được rằng con đường thập giá mà Ngài đã trải qua thật là khủng khiếp thế nào. Chúng ta đang đi trên con đường thập giá với Ngài nhưng chúng ta chẳng phải chịu những trận đòn hay những mão gai như Ngài, không bị té ngã hay bị đóng đinh như Ngài, cũng chẳng bị coi là không còn hình dạng như Ngài. Một chút đau khổ ấy làm cho chúng ta mường tượng được khổ hình của Ngài. Một chút đau khổ ấy làm cho chúng ta được quay trở về với tình yêu của Ngài. Và một chút đau khổ ấy làm cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự thông chia kiếp người.

Đau khổ của chúng ta chẳng thể nào so sánh được với thập giá của Ngài. Chúng ta cũng chẳng bao giờ phải chịu đau khổ một mình như Ngài, bởi Ngài đã gánh lấy cho chúng ta. Ngài đã sẵn sàng vâng phục để chiến thắng trong vinh quang. Chúng ta cũng được mời gọi vác lấy đau khổ trong cuộc sống hằng ngày trên con đường lữ hành trần gian. Thái độ vâng phục của chúng ta chắc chắn là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Càng vâng phục, chúng ta càng cảm thấy sự nhẹ nhàng của thập giá. Càng yêu mến thập giá, chúng ta càng hiểu được tình yêu của Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Thập Giá. Càng bước theo thập giá, chúng ta càng cảm được sức mạnh mà Thiên Chúa trao ban nơi đau khổ và bất hạnh của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn luôn trao tặng cho mỗi người chúng con thập giá hằng ngày. Chúng con chẳng bao giờ nghĩ đó là món quà của Chúa, mà chỉ tìm mọi cách từ chối. Xin Chúa giúp chúng con ý thức được những khó khăn của thập giá như là cách để Chúa dạy bảo chúng con và để chúng con được gần Chúa hơn. Xin cho chúng con được thật sự yêu mến thập giá và làm cho thập giá ấy trở nên sự liên kết chặt chẽ tình Chúa và tình con.

 

Therese Trần Thị Kim Thoa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay6,014
  • Tháng hiện tại194,550
  • Tổng lượt truy cập15,481,440
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây