THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

NHÀ IN LÀNG SÔNG TRUNG TÂM TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ VÀ VĂN HỌC QUỐC NGỮ

Thứ năm - 27/07/2017 05:17
Nhà in Làng Sông sau gần một thế kỷ đảm nhiệm vai trò: trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (1868-1953), cơ sở nhà in cùng một số kiến trúc khác của Chủng viện bị phá hủy trong chiến tranh. Vừa qua, Giáo phận Qui Nhơn đã phục dựng lại những hạng mục bị hư hỏng, trong đó có Nhà in Làng Sông…
NHÀ IN LÀNG SÔNG  TRUNG TÂM TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ  VÀ VĂN HỌC QUỐC NGỮ

 

 

          Giáo phận Đàng Trong thiết lập năm 1659, ban đầu từ sông Gianh đến Phan Rang, sau đó mở rộng về phương Nam bao gồm nước Cao Miên. Năm 1844, phần đất phía Nam của Giáo phận Đàng Trong được tách ra lập giáo phận mới - Giáo phận Tây Đàng Trong (bao gồm địa phận Nam Kỳ lục tỉnh và Cao Miên). Đến năm 1850, phần đất từ sông Gianh vào đến đèo Hải Vân lại được tách ra lập Giáo phận Bắc Đàng Trong. Phần còn lại là Giáo phận Đông Đàng Trong, bao gồm từ Đà Nẵng vào đến Phan Thiết và Tây Nguyên, Tòa Giám mục đặt tại Gò Thị (ngày nay thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Nhiệm kỳ Đại diện Tông tòa giáo phận Đông Đàng Trong (1864-1878) của Giám mục Eugène Charbonnier Trí, Tòa Giám mục Đông Đàng Trong từ Gia Hựu (Hoài Châu, Hoài Nhơn) được chuyển về Chủng viện Làng Sông. Theo tư liệu của giáo phận, Tiểu Chủng viện làng Sông được Đức Cha Cuénot Thể thành lập sau Công nghị Giáo phận Đàng Trong (8/1841); và thời điểm năm 1850, Chủng viện Làng Sông và Mương Lở (Cát Tài, Phù Cát) đã có 60 chủng sinh. Như vậy, Chủng viện Làng Sông được thành lập trong khoảng thời gian từ sau năm 1841 và trước năm 1850. Chủng viện Làng Sông được tu sửa nhiều lần, đến năm 1925, Tiểu Chủng viện Làng Sông được khởi công xây cất kiên cố bằng tường xây, mái ngói thay thế những ngôi nhà tranh cũ, theo thiết kế của kiến trúc sư – Linh mục Charles Dorgeville, quản đốc là thầy Hòa thuộc Hội Thầy Giảng. Sau hai năm xây dựng, ngày 21/9/1927 Chủng viện Làng Sông khánh thành, một số kiến trúc chính của Chủng viện tồn tại đến ngày nay như: Nhà nguyện, hai dãy lầu hai bên Nhà nguyện và một số công trình phụ khác.

          Nhà in Làng Sông được Giám mục Eugène Charbonnier Trí, thành lập năm 1868 trong khuôn viên Chủng viện Làng Sông. Năm 1904, Giám mục Damien Grangeon Mẫn tái thiết. Một số Giám đốc điều hành Nhà in tiêu biểu như: Linh mục Paul Maheu (1904-1913 và 1919-1927), Linh mục Charles Dorgeville (1927-1929 và 1935-1937), Linh mục Perreaux (1929-1935).

          Trước khi Linh mục Paul Maheu làm giám đốc điều hành Nhà in Làng Sông, ông có một thời gian nghỉ dưỡng ở Hồng Kông, học nghề in ấn với Linh mục Francois Monnier, giám đốc Nhà in Nazareth. Do vậy, dưới thời Giám đốc Paul Maheu, là thời kỳ cực thịnh của Nhà in Làng Sông. Với người quản lý giỏi kỹ thuật in ấn, hệ thống máy được trang bị mới, khổ in rộng, một số lượng sách báo rất lớn đã được nhà in ấn hành. Theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông/Qui Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in.

          Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de Qui Nhơn hoặc Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn cùng là một ấn quán của Giáo phận Đông Đàng Trong. Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông/Qui Nhơn in tháng 12/1953. Sau non một thế kỷ hoạt động lúc thăng lúc trầm, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

          Thông qua tờ tin của Nhà in Làng Sông, Giáo phận đã rao truyền việc thành lập trường Quốc ngữ, mỗi địa hạt ít nhất một trường, thúc giục các Cha mau mau lập trường và hết lòng dạy dỗ, kêu gọi, khuyến khích tất cả trẻ em trong và ngoài bổn đạo đều đến trường, đối với những nhà nghèo, cho phép Cha sở xuất của công nhu giúp các em đi học.

          Ngoài hệ thống trường công lập của nhà nước, theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 2/1927, địa phận Đông Đàng Trong có tất cả 60 trường Quốc ngữ do giáo phận lập. Riêng Bình Định chiếm hơn một nửa, 31 trường: Bồng Sơn 8 trường, Tây Bình Định 8 trường, Đông Bình Định 15 trường. Học sinh Bình Định chiếm 2/3 tổng số học sinh Đông Đàng Trong (học sinh Công giáo khoảng 1/3). Các môn học gồm có: Tập viết, bài đọc Quốc ngữ, bài đọc thường thức, chính tả, từ vựng, toán số học, đo lường, hình học, thường thức, địa lý, lịch sử, đạo đức, hội họa. Nhà in Làng Sông đáp ứng sách học Quốc ngữ cho hệ thống trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong lúc bấy giờ. Các loại sách học được tái bản nhiều lần nhất (có loại tái bản đến lần thứ 7) như: Con nít học nói cho nhằm lễ nghi: Tiên học lễ, hậu học văn của Simon Chính; Ấu học trưởng thành thân của Pierre Lục, Sách mẹo An Nam tiểu học của Trần Kim, Tiểu học quốc văn ngữ pháp: cho các trường tiểu học theo tiếng Trung kỳ của Pierre Thanh Hương, Toán pháp ấu học: Bốn phép gốc, Tập đánh vần chữ Quốc ngữ cho mau biết coi sách, ...

          Ở lĩnh vực văn học Quốc ngữ, Nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn tác phẩm của các cây bút nổi tiếng Nam bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược ký, Đi săn bắt cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa hài nhi ở thành Nazarét (kịch), Du lịch Xiêm,...

          Số lượng sách Quốc ngữ in tại Nhà in Làng Sông lên đến hàng ngàn bản, theo thống kê của Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hiện đang lưu giữ 241 đầu sách của Nhà in Làng Sông/Qui Nhơn, hầu hết là sách Quốc ngữ, một số ít tiếng Pháp, quyển sớm nhất in năm 1910, quyển muộn nhất in năm 1944, như: Lưu tình(tâm lý tiểu thuyết, 1931, Nguyễn Vân Trai), Thiệt phận thuyền quyên (tiểu thuyết, 1925, Đinh Văn Sắt),Hai chị em lưu lạc (tiểu thuyết trẻ nhỏ, Pierre Lục), Địa dư tỉnh Phú Yên (bản đồ, 1937, Nguyễn Cầm, Trần Sĩ), Địa dư mông học Bình Định (1933, Bùi Văn Lăng),...        

Thời gian và chiến tranh đã làm hư hỏng một số hạng mục của khu Chủng viện Làng Sông, dựa vào hình ảnh chụp vào những năm đầu thế kỷ XX, dấu vết nền móng và đối chiếu những kiến trúc hiện còn, Giáo phận Qui Nhơn vừa phục dựng lại những kiến trúc bị sập đổ như: Tòa Giám mục, Nhà in, Nhà quản lý… Nhà in phục dựng lại hiện được sử dụng làm Nhà trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu liên quan đến nhà in xưa và trưng bày một số ấn phẩm của Nhà in.

Đoạn đường quốc lộ 19 mới, từ cầu Bà Gi xuống cầu Nhơn Hội đang được đấu nối vào Chủng viện Làng Sông đã rút ngắn khoảng cách Quy Nhơn – Làng Sông. Và với những giá trị lịch sử - văn hóa vốn có cùng những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo mang phong cách châu Âu ẩn hiện hài hòa trong không gian cảnh quan tĩnh lặng, quyến rũ của những hàng sao xanh trăm tuổi, Chủng viện Làng Sông là một điểm đến thú vị đối với du khách khi về Bình Định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay5,755
  • Tháng hiện tại194,291
  • Tổng lượt truy cập15,481,181
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây