THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Khám phá câu chuyện Giáng Sinh

Chủ nhật - 17/12/2017 22:17
Giáng Sinh là ngày lễ duy nhất trong năm phụng vụ có đến 4 thánh lễ khác nhau (với 4 bộ bài đọc sách thánh).
Khám phá câu chuyện Giáng Sinh

Felix Just, SJ

Nhưng vì một ghi chú trong Sách Bài Đọc cho phép dùng bất kỳ bộ bài đọc nào trong các bài đọc này vào bất kỳ thánh lễ (Giáng Sinh) nào “tùy theo nhu cầu mục vụ của mỗi cộng đoàn”, nên nhiều giáo xứ chọn các bản văn quen thuộc từ Tin Mừng Luca hơn là là Matthêô và Gioan.

Bài viết này chủ ý khuyến khích sử dụng Tin Mừng Matthêô và Gioan hơn là câu chuyện được mặc định của Luca về các thiên thần và mục đồng.

Matthêô và Luca có nhiều yếu tố chung nhưng cũng có những khác biệt có ý nghĩa về nguồn gốc và sự sinh hạ của Chúa Giêsu, trong khi chủ đề “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” của Gioan lại khá là đặc trưng. Như vậy, trước hết hãy nhìn vào hai trình thuật nhất lãm, và rồi đến Tin Mừng Gioan và suy tư về ảnh hưởng của chúng trong Mùa Vọng và Giáng Sinh.

Những tương đồng trong các trình thuật Nhất Lãm.

Câu chuyện thời thơ ấu trong Matthêô và Luca đều có 3 nhân vật chính là Maria, Giuse và Chúa Giêsu, và vài nhân vật phụ như các thiên sứ, Chúa Thánh Thần. Matthêô và Luca cũng đồng ý về sự kế thừa vương quyền vua Do Thái của Chúa Giêsu: Ngài là dòng dõi Abraham và thuộc “Nhà Đavít”. Cả hai đều gán cùng những tước hiệu cho Chúa Giêsu mới hạ sinh: “Đức Kitô” và “Con vua Đavít”; có cùng một thời gian lịch sử là cuối vương triều của vua Hêrôđê, cùng đề cập đến hai vùng địa lý là Nazarét ở Galilê và Bêlem ở Giuđêa, dù rằng có cái nhìn khác nhau về việc khi nào và tại sao mà thánh gia lại ở tại những địa điểm này. Đây là những điểm giống nhau. Thế nhưng cũng còn có nhiều điểm khác biệt về nội dung và chi tiết trong hai trình thuật thời thơ ấu mà ta cần xem xét.

Những điểm khác nhau trong Matthêô và Luca

Điểm khác biệt hiển nhiên là độ dài của mỗi trình thuật. Trình thuật của Luca dài gấp ba lần trình thuật của Matthêô. Tại sao? Lý do là vì Luca không chỉ kể về sự trinh thai và sinh hạ của Chúa Giêsu, nhưng còn những câu chuyện song song về nguồn gốc của Gioan làm phép rửa.

Dù có sự khác biệt, song chúng ta cũng đừng phân tâm về những câu hỏi có tính lịch sử như “điều gì thật sự đã xảy ra”: Chính xác Chúa Giêsu sinh ra khi nào và ở đâu? Chúng ta thật sự biết gì về cuộc kiểm tra dân số, về ngôi sao lạ, các đạo sĩ hoặc mục đồng? Dù đây là những câu hỏi chính đáng thế nhưng có rất ít câu trả lời đúng được các học giả đồng thuận. Quan trọng hơn hết là đừng để cho các vấn đề về lịch sử này phân hóa chúng ta khỏi những sứ điệp thần học mà các tác giả tin mừng muốn chuyển tải. Thay vì xào xáo lại các luận chứng về các chi tiết lịch sử, chúng ta hãy nhắm vào các câu chuyện được kể như thế nào trong Matthêô và Luca (và trong Tựa Ngôn của Gioan).

Trình thuật Matthêô: Chúa Giêsu là Vua dân Do Thái

Đặc điểm đáng chú ý của câu chuyện thời thơ ấu trong Tin Mừng Matthêô là hoạt động liên quan đến các nhân vật nam, còn phụ nữ thì ít được đề cập đến. Trong Matthêô, chính Giuse nhận được sứ điệp của Thiên Chúa và hành động, trong khi ít nói về Maria: bà chỉ sinh con, chào đón các đạo sĩ và rồi để cho Giuse bảo vệ mình và con trẻ. Các nhân vật khác trong Matthêô là những người đàn ông, rất giàu có và quyền lực (vua Đavít, các đạo sĩ từ phương Đông), những người hầu cận (các tư tế và luật sĩ cố vấn cho vua Hêrôđê; những binh sĩ giết hại các anh hài). Ngoài Maria và 4 phụ nữ được liệt kê trong gia phả, chỉ một phụ nữ khác được đề cập đến là “Rakhen than khóc con mình” (Mt 2,18).

Tông màu của trình thuật Matthêô phản ánh sự sợ hãi và nguy hiểm, xung đột và âm mưu, đấu đá chính trị và cả giết người! Vua Hêrôđê thấy mình bị đe dọa vì nghe nói về “Vua dân Do Thái mới hạ sinh” nên ông tính toán và hành động để loại bỏ mối nguy cơ. Song tất cả đều có liên quan đến một sứ điệp chính của Matthêô: Đức Giêsu vừa hạ sinh mới chính là “Vua dân Do Thái”, đấng cứu thế “Con vua Đavít”, tương phản với các nhà cầm quyền hiện thời (nhưng bất hợp pháp theo ý kiến của phần đông dân chúng): Vua Hêrôđê vào thời Chúa Giêsu sinh ra, và các con của Hêrôđê vào thời Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai và bị đóng đinh. Không chỉ dùng các nhân vật trong câu chuyện để khẳng định vương quyền thuộc dòng vua Đavít của Chúa Giêsu mà tác giả tin mừng còn hỗ trợ khẳng định này trong những tước hiệu được hiển nhiên gán cho Chúa Giêsu cũng như mặc nhiên trong các chi tiết của trình thuật như bản gia phả chẳng hạn.

Vì gia phả của Chúa Giêsu là bản danh sách dài những cái tên khó đọc, nên bài đọc ngắn thường được chọn cho lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,18-25). Bản này bỏ qua gia phả Chúa Giêsu và chú trọng đến giấc mơ của Giuse. Điều này thật đáng tiếc vì có vài điều trong bản gia phả rất là quan trọng. Trước hết, ta hãy xem xét bản tóm trong câu kết của bản gia phả (Mt 1,17). Tại sao phân ra làm ba giai đoạn mà mỗi giai đoạn là 14 đời? Là để khẳng định Chúa Giêsu là Con vua Đavít! Thuật gematria của người Do Thái (mà đối với chúng ta chỉ là trò chơi xếp số nhưng đối với họ là những biểu tượng để giải thích sách thánh), những con số tương đương với từ “Đavít” (mà tiếng Híppri đọc với nguyên âm là Dalet-Vav-Dalet) là các số 4+6+4.  Ba mẫu tự cộng lại thành 14; ba giai đoạn gồm 14 đời! Cũng hãy chú ý chúng được phân chia như thế nào: Giai đoạn thứ nhất là từ nhà sáng lập dân tộc Do Thái (Abraham) cho đến vị vua vĩ đại của họ (Đavít), giai đoạn thứ hai gồm tất cả các vua của Giuđa cho đến thời lưu đày Babylon (chấm dứt nền quân chủ Đavít), và giai đoạn thứ ba chấm dứt với lời loan báo về Đấng Cứu Thế (phục hồi triều đại Đavít)!

Còn các phụ nữ trong bản gia phả thì sao? Để hiểu rõ tại sao họ được Matthêô đưa vào gia phả, cần phải đọc lại câu chuyện của họ: bà Tama, một chuyện loạn luân (xem Stk 38,1-30); bà Rakháp, một cô điếm thành Giêricô (Gs 2,1-21; 6,17-25); bà Rút, một góa phụ ngoại quốc ở Môáp (R 1,1—4,22); và “vợ của Urigia,” bà Bátsêva (2 Sm 11,1—12:25). Hãy lưu ý rằng tất cả các bà này đều xuất hiện trong dòng tổ tiên của các vua Đavít và Salomôn chứ không phải trong các thế hệ trước Chúa Giêsu. Khi đề cập đến các bà này, Matthêô tinh tế biện luận chống lại những ý kiến cho rằng Chúa Giêsu không thể là đấng cứu thế vì có những đồn thổi chung quanh sự hạ sinh của ngài. Cơ bản Matthêô muốn nói rằng “Có sao đâu chứ?”, Thiên Chúa có thể thực hiện qua bất kỳ ai, dù họ có bất toàn thế nào đi chăng nữa. Nếu không ai tra vấn về tính đúng đắn của các vua Đavít và Salômôn, dù biết rõ tổ tiên họ như thế nào, thì tại sao lại băn khoăn về tính hợp pháp của Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Thế vương giả chứ?

Để chống lại lời tuyên bố cho rằng Chúa Giêsu là ngoại tộc, Matthêô nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là người con hợp pháp của dòng dõi Đavít. Dù Giuse không phải là người cha sinh học – vì Chúa Giêsu được thụ thai “qua quyền phép Chúa Thánh Thần”  (Mt 1,18.20) — nhưng Giuse không chỉ nhận Maria làm vợ mình (1,24), mà còn thực hiện vai trò làm cha qua việc đặt tên cho con trẻ (1,25b). Theo văn hóa thời ấy, nếu Giuse chỉ cần nói: “Đây không phải con tôi!”, thì lập tức con trẻ sẽ là con bất hợp pháp. Nhưng với việc đặt tên, thánh Giuse đã công khai nhận đứa trẻ là con của mình, như vậy là “cha hợp pháp” của Chúa Giêsu.

Suốt Tin Mừng Matthêô, tác giả đã trích dẫn Sách Thánh Do Thái (Cựu Ước). Chủ đề “Ứng nghiệm lời Sách Thánh” đầy dẫy trong trình thuật thời thơ ấu khi các bản văn sách thánh (Cựu Ước) được trích dẫn trực tiếp ít nhất là 5 lần (Mt 1,22-23; 2,5-6.15.17-18.23). Vài trích dẫn Cựu Ước này cũng xuất hiện trong các bài đọc thứ nhất mùa Vọng và Giáng Sinh, nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ giữa Cựu Ước và các Tin Mừng.

Trình thuật Luca: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ Thế Gian

Đọc trình thuật thời ấu trong Luca, ta dễ dàng thấy những đoạn mới không có trong Matthêô, đặc biệt là câu chuyện thụ thai, sinh hạ và đặt tên cho Gioan làm phép rửa, cũng như chuyện Maria thăm viếng bà Êlizabét, các thiên sứ và mục đồng, lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ và cuối cùng là cuộc hành hương của cả gia đình Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc ngài tròn 12 tuổi.

Trong trình thuật của Luca, hành động tập trung vào Đức Maria hơn là Thánh Giuse, và các nhân vật nam chính khác lại không giàu có hay quyền lực như trong Matthêô, nhưng các bà như Elizabét và Anna thì khác. Các ông xuất hiện trong Luca hầu hết đều nghèo nàn (các mục đồng) hoặc già lão (Zacharia và Simêon). Tuy nhiên, các bà trong Luca thường đóng vai trò quan trọng như các ông. Chẳng hạn, khi cắt bì cho Gioan, thì chính bà Elizabét đã tiếm quyền chồng khi đặt tên cho con (mặc dù lời bà đã được ông chồng câm xác nhận). Tương tự, khi con trẻ Giêsu được dâng trong Đền Thờ, có hai người được gặp gỡ ngài. Dù Luca không ghi lại lời nói của bà Anna mà chỉ có lời của Simêôn, nhưng thật ý nghĩ khi bà Anna được gọi là ngôn sứ và là người công khai nói với mọi người chung quanh về con trẻ, trong khi ông Simêôn chỉ nói riêng tư với cha mẹ Chúa Giêsu và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Ngoài các đoạn văn mới và những vai trò của các nhân vật trong Luca, ta cũng chú ý đến một tông màu tổng thể khác của Luca. Trái với sự sợ hãi, mâu thuẫn, âm mưu chính trị và sát nhân trong Matthêô, Luca nhấn mạnh đến niềm vui và hòa bình, ánh sáng và vinh quang, ngợi khen Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại, không chỉ cho dân Israel mà cho hết thảy các dân tộc. Dù cho câu chuyện của Luca bao gồm cả chủ đề nghèo khó và khiêm hạ (“không có chỗ cho họ trong phòng trọ”; các mục đồng ở ngoài đồng trong đêm; con trẻ “nằm trong máng cỏ”) nhưng trọng tâm nhấn mạnh đến sự an bình, niềm vui, ngợi ca và vinh danh Thiên Chúa.

Cũng xin nhắc lại rằng chỉ có Luca mới cho chúng ta các bản văn kinh nguyện và thánh ca ngợi khen rất quan trọng trong kinh nguyện của Giáo Hội: Bài Magnificat của Đức Maria (1,46-55), bài Benedictus của Zacharia (1,68-79), bài Gloria (Vinh danh) của các thiên sứ (2:14), và bài Nunc Dimittis của Simêôn (2,29-32). Thêm vào đó, nửa phần đầu của kinh “Kính mừng Maria” kết hợp vài lời của thiên sứ Gabriel nói với Đức Maria (1,28) và lời của bà chị họ Elizabét (1,42).

Một đặc điểm nữa trong trình thuật thời thơ ấu của Tin Mừng Luca là vai trò nổi bật của Chúa Thánh Thần, cũng như trong phần còn lại của Tin Mừng này, đặc biệt là lúc bắt đầu và kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu trên trần gian. Ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần đã dàn xếp mọi hoạt động trong Tin Mừng Luca, đặc biệt là trong trình thuật thời hơ ấu, khi Chúa Thánh Thần được nói đến ít nhất là 7 lần.

Một nhận xét cuối cùng là Luca thuật lại cả sự sinh hạ của Gioan làm phép rửa và Chúa Giêsu. Trong khi sự sinh hạ của Gioan được nói rất ngắn, chỉ trong 2 câu  (1,57-58), thì lễ cắt bì và đặt tên cho ông khá dài (1,59-80). Trường hợp Chúa Giêsu thì ngược lại. Những gì xảy ra trước và trong đêm Chúa Giêsu sinh ra thì khá dài (2,1-20) so với lễ cắt bì và đặt tên chỉ trong 1 câu (2,21). Sự tương phản này cho thấy cách tinh tế sự khác nhau giữa Gioan, một ngôn sứ của thời Cựu Ước (nhấn mạnh đến cắt bì) và Chúa Giêsu, đấng cứu thế được cả thiên sứ lẫn con người thờ lạy (nhấn mạnh đến sự hạ sinh).

Tựa Ngôn của Gioan: Ngôi Lời đã thành xác thịt

Tin Mừng thứ tư không nói gì về sự sinh hạ của Chúa Giêsu dù có vài tranh luận về Chúa Giêsu. (Ngài là người Giuđêa hay Galilê? Từ Bêlem hay Nazarét? Là con của Giuse hay Con Thiên Chúa? Con người hay Thiên Chúa?) Song chứng từ trực tiếp về nguồn gốc Chúa Giêsu đã có trong Tựa Ngôn Tin Mừng Gioan mà sách Bài Đọc lựa chọn cho các thánh lễ ban ngày Giáng Sinh và ngày 31 tháng 12.

Vì Tựa Ngôn của Gioan được đọc trong mùa Giáng Sinh nên người ta cho rằng điểm nổi bật của bản văn đầy tính thần học và thi ca này chính là sự nhập thể của Chúa Giêsu: “Và Ngôi Lời trở thành xác phàm và ngự giữa chúng ta” (1,14). Ấn tượng này được củng cố khi dùng bài đọc ngắn kết thúc với câu 14. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng cả Tựa Ngôn thì Nhập Thể chỉ là một nửa sứ điệp. Theo cấu trúc văn chương “song đối chéo” (chiasms) — thường được sử dụng trong thời cổ Hy Lạp và đặc biệt thường được dùng trong Tin Mừng Gioan – thì ý tưởng chính không nằm ở cuối mà là ở giữa bản văn. Nửa phần thứ nhất và thứ hai của bản văn song đối chéo thì cân đối với nhau.

Xem cẩn thận Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan, ta thấy Chúa Giêsu đến thế gian không chỉ được đề cập đến trong câu 14 nhưng đã có ở câu 9 rồi: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Như vậy, đỉnh điểm hay sứ điệp chính đã được tìm thấy ở giữa Tựa Ngôn rồi phải không? Nó không ở câu 14 nhưng trong các câu 11-13, và đặc biệt là câu 12: “11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”

Nói cách khác, Tin Mừng này không chi loan báo Chúa Giêsu đến thế gian (như ánh sáng thật và Lời của Thiên Chúa) nhưng còn thách đố chúng ta, những độc giả thính giả của bản văn này, về một lựa chọn cơ bản được khẳng định trong Tựa Ngôn và thường xuyên lập lại trong suốt Tin Mừng Gioan: Chúng ta từ chối hay chấp nhận sứ điệp này? Chúng ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hoặc bất cần biết đến lời khẳng định của Ngài?

Cử hành Lễ Giáng Sinh hằng năm là một dịp để Kitô hữu chúng ta không chỉ suy tư bay bỗng lãng mạn về sự sinh hạ của con trẻ nơi máng cỏ Bêlem nhưng còn về sự nhập thể của Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa đến trong thế gian, thách thức chúng ta một lần nữa về sự lựa chọn cơ bản: chấp nhận và tin vào Lời Thiên Chúa, nhìn nhận và loan báo Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống chúng ta!

Đôi điều về hang đá Giáng Sinh

Các đạo sĩ và mục đồng có gặp nhau không? Chắc chắn là không có trình thuật nào trong Kinh Thánh nói về điều này. Vì thế, nên theo một truyền thống được thực hiện trong vài nhà thờ nào đó là di chuyển các nhân vật tùy này theo diễn tiến của mùa Giáng Sinh. Vào ngày vọng và chính ngày Giáng Sinh thì chỉ có các mục đồng ở gần Máng Cỏ, trong khi các đạo sĩ vẫn còn ở xa đâu đó. Nhưng khi đến ngày lễ Hiển Linh (Ba Vua), khi các đạo sĩ cuối cùng cũng đã đến nơi, thì các mục đồng cũng đã quay trở về với những cánh đồng của họ ở bên ngoài Bêlem. Sự thay đổi trực quan này nơi Máng Cỏ có thể sẽ giúp mọi người lưu ý đến những khác biệt trong các trình thuật thời thơ ấu của Tin Mừng.

Nhưng quan trọng hơn hết là đừng chú trọng đến các vấn đề lịch sử hay phiếm luận có liên quan đến câu chuyện Giáng Sinh, vì chẳng có câu trả lời nào là thỏa đáng đâu. Tốt hơn hết là nên biết về các điểm nhấn thần học và những chủ đề khác nhau của mỗi Tin Mừng, tập chú vào Chúa Giêsu theo nhiều cách khác nhau, hoặc Ngài là “Vua dân Do Thái” (Matthêô), hay là “Đấng cứu độ thế gian” (Luca), hoặc là “Ngôi Lời đã hóa thân” (Gioan).

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,585
  • Tổng lượt truy cập15,594,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây