Mặc dầu, mỗi người được kêu gọi khác nhau và cách họ đáp trả cũng khác, nhưng họ đều tham phần vào kế hoạch của Chúa trong việc giải cứu dân Israel. Mô-sê là bạn của Chúa, người đã được gọi để dẫn dân Do Thái thoát ách nô lệ. A-ha-ron là một nhà lãnh đạo tôn giáo. Còn Mi-ri-am là một tiên tri và một phụ nữ chuyên cần cầu nguyện. Cả ba theo sự lãnh đạo của Chúa, và A-ha-ron cùng Mi-ri-am cũng theo sự dẫn dắt của Mô-sê. Cả ba cùng làm việc để phục vụ Chúa và dân Chúa.
Mô-sê: Bạn của Chúa
Vào lúc trẻ, Mô-sê phải chạy trốn vào hoang mạc. Nơi đó, Chúa tỏ mình ra cho Mô-sê, nói cho ông biết Danh Thánh của Thiên Chúa. Mô-sê được chọn là tác nhân cho kế họach của Chúa nhằm cứu dân Người thóat ách nô lệ nơi đất Ai cập và dẫn đưa dân tới nơi Đất Hứa (Xh, 3-4). Mô-sê đáp lại lời Chúa kêu gọi, thưa rằng ông không có tài ăn nói: "Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi." (Xh 4, 10). Vì rằng A-ha-ron, anh của Mô-sê, được tiếng là khéo ăn khéo nói, nên Chúa đã chọn A-ha-ron như một phát ngôn viên của Mô-sê để cùng đi với ông.
Dầu cho hành trình tới Đất Hứa dài đăng đẳng và lắm chông gai, nhưng dân Do Thái không bao giờ cô độc. “ĐỨC CHÚA đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm”(Xh 13, 21). Mô-sê đã gặp nhiều khó khăn đến nỗi ông có đôi lần muốn bỏ cuộc (Xh 6, 12: 32,32: Ds 11,10-15). Tuy Mô-sê không thể thấy được Chúa mặt đối mặt, nhưng mặt ông sáng lên sau khi gặp Chúa (Xh 34, 29). Sự thánh thiện của Chúa tỏ bày nơi gương mặt Mô-sê. Đối với dân, Mô-sê giới thiệu Thiên Chúa, Đấng họ không thể nhìn thấy.
Lòng tin sâu thẳm của Mô-sê nơi Chúa đã khiến ông mạnh dạn nói chuyện với Chúa. Không biết bao nhiêu lần Ông đã cầu bầu cùng Chúa cho dân (Xh 32, 31,32…) và đã hai lần ông thành công xin Chúa đổi ý không tiêu diệt dân Ít-ra-en (Ds 14,11-12). Vào những lúc đó, Chúa muốn tiêu diệt dân vì họ nổi lọan và Chúa nói đến việc xóa bàn làm lại, tạo dựng hậu duệ của Mô-sê thành một dân tộc lớn, nhưng Mô-sê đã bênh đỡ cho dân Do Thái.
Mô-sê nắm giữ nhiều trọng trách trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa. Ông là người trung gian giữa T. Chúa và dân Người, giúp cho hai bên ký kết Giao Ước (Xh 24,8). Mô-sê đã tiếp nhận lề luật Chúa và thông truyền cho dân Chúa biết (Xh 34, 10;27). Ông cũng được gọi là “người của Thiên Chúa” (Dnl 33,1) và một “tôi trung của Chúa” (Xh 14, 31). Mô-sê được coi như một người Cha của dân tộc Ít-ra-en. Ông chăm sóc dân và lo lắng cho sự an nguy của họ. Ông đã cầu bầu Chúa ban thực phẩm và nước uống cho dân. Cùng lúc, ông cũng là một thẩm phán cho dân, ông lắng nghe nguyện vọng và những lời phàn nàn của họ (Xh 15, 2-5). Dầu cho Kinh Thánh đã diễn tả Mô-sê như một tôi trung của Chúa, nhưng chúng ta biết rằng ông đã không vào được Đất Hứa vì có lần ông đã bất tuân lệnh Chúa (Ds 20,10-13).
A-ha-ron: Phát Ngôn Viên của Mô-sê
Là anh của Mô-sê (Dnl 32, 50; 1Sb) và em của Mi-ri-am (Xh 15, 20), A-ha-ron là người phát ngôn cho Mô-sê (Xh 4, 14-17). Chính A-ha-ron tháp tùng Mô-sê khi Mô-sê loan báo lệnh Chúa về dịch ung nhọt (Xh 9, 8-10), khi Mô-sê gặp vua Pharaoh (Xh 5, 1-5) và nói chuyện với dân Do Thái. (Xh 4, 27-31). A-ha-ron đã đóng một vai trò quan trọng giúp em mình là Mô-sê khi Mô-sê cầu nguyện nơi trận chiến với Amalekites. Nhờ vào sự kiên trì của A-ha-ron và Hur cùng lời cầu nguyện của Mô-sê mà dân Do Thái đã chiến thắng. (Xh 17, 10-15)
Mô-sê không chỉ là người anh em duy nhất được Chúa kêu gọi. A-ha-ron và các con của ông cũng đã được Chúa chọn từ những người Israel để trở thành các tư tế phục vụ Chúa (Xh 28,1). Chúa đã bảo cho Mô-sê biết về vai trò của A-ha-ron và Chúa cũng chỉ dẫn Mô-sê coi việc may phẩm phục cho A-ha-ron trong nghi thức truyền chức tư tế cho ông này. (Xh 27, 21). A-ha-ron và các con của ông chịu trách nhiệm trông coi Lều Hội Ngộ, phục vụ Chúa trong vai trò tư tế (Xh 28, 1) và được ủy nhiệm để dâng của lễ giúp cho dân (1Sb 6,49). Vinh quang Chúa đã tỏ hiện để xác nhận nhiệm vụ của ông và cây gậy ông đã nở hoa để minh chứng rằng chi tộc Lêvi với A-ha-ron là người trưởng tộc đã được chọn lo việc tế tự.
Trong khi A-ha-ron phục vụ Chúa như một tư tế lãnh đạo việc phụng tự, thì Mô-sê là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người – bao gồm cả A-ha-ron. Thật vậy khi Chúa đang truyền dạy Mô-sê trên đỉnh núi về vai trò của A-ha-ron (Xh19,31) thì A-ha-ron lại bận làm bò vàng với dân (Xh 32). Chẳng lạ gì mà A-ha-ron vẫn được tại chức nhưng phải phục quyền Mô-sê.
Chuyện A-ha-ron chịu quyền lãnh đạo của Mô-sê là điều đáng cho chúng ta để ý. Thật vậy, việc người em được coi trọng hơn người anh là một chủ đề xuất hiện nhiều lần trong sách Xuất Hành. A-ha-ron là anh của Mô-sê, và A-ha-ron được chọn phục vụ Chúa. Những người con ông sau đó cũng được kế tục vai trò tư tế của ông. Trong khi đó người em của A-ha-ron là Mô-sê được chọn để loan báo sứ điệp của Chúa và để lãnh đạo dân Người. Điều đáng lưu ý là trong khi Mô-sê có mối liên hệ thân cận với Chúa nhưng các con ông lại không được kế tục vai trò lãnh đạo của ông.
Hơn một lần A-ha-ron đã thoát được án phạt vì những lỡ lầm của ông. Ông đã nổi loạn chống lại Mô-sê và trông coi việc tạc tượng bò vàng (Xh 32), nhưng không giống như dân, ông đã không bị phạt. Cũng thế, khi ông cùng với Mi-ri-am chỉ trích Mô-sê lấy vợ người Cút, ông nói rằng Thiên Chúa phán bảo không chỉ với Mô-sê mà còn cả với họ nữa (Ds 12,1-2). Chúa đã trả lời rõ ràng rằng: Mô-sê là người được chọn để làm người phát ngôn cho Chúa. Chỉ một mình Mi-ri-am chịu phạt bị phong hủi (còn A-ha-ron không bị phạt), và bà được chữa lành sau khi A-ha-ron xin Mô-sê cầu khẩn Chúa tha cho bà. (Ds 12,10-12). A-ha-ron cũng đứng bên Mô-sê khi Mô-sê kém tin lấy gậy đập vào đá hai lần để nước chảy ra (Ds 20, 1-21); chính vì thế mà cả hai đã không được vào Đất Hứa (Ds 20,22-29).
Dầu cho A-ha-ron không có được sự thân mật mà Mô-sê có với Chúa, nhưng ông được cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa khi phục vụ Chúa trong vai trò của một tư tế và khi đại diện dân dâng của tế lễ. Sách Dân Số chép rằng A-ha-ron chết ở núi Hor. Con của ông là Eleazaar nhận lấy phẩm phục của ông và tiếp tục vai trò tư tế của cha (Ds 20,23-29).
Mi-ri-am: Người Đàn Bà Can Đảm
Chúa không chỉ chọn những người có liên hệ anh em làm khí cụ cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Mi-ri-am, đứa con gái vô danh tiểu tốt, cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong truyện Xuất Hành bằng cách cứu em mình là Mô-sê thoát chết tại sông Nile (Xh 2,4;7-9) và kế đến là cả dân tộc Do Thái. Nhưng tên của Mi-ri-am đã không được nhắc đến khi sự kiện xảy ra, mãi cho tới khi dân Do Thái vượt Biển Reed tên của bà mới được kể.
Mi-ri-am hướng dẫn cộng đồng hát khúc ca chiến thắng, nhảy múa với tay cầm tambourine ca tụng Thiên Chúa. "Hãy hát mừng ĐỨC CHÚA, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương." (Xh 15, 21). Hành động can đảm của Mi-ri-am trên bờ sông Nile cứu em mình. Giờ đây, khi vượt qua Biển Reed, câu chúc tụng ngợi khen của bà đánh dấu giây phút dân được giải phóng. Biến cố Xuất Hành bắt đầu với việc Mi-ri-am đóng một vai trò trọng yếu trong việc cứu thoát người lãnh đạo tương lai, và kết thúc với việc Mi-ri-am dâng lời chúc tụng Chúa đã làm những điều kỳ diệu giải cứu dân Người. Trong cùng một đoạn, Mi-ri-am đã được gọi là một tiên tri, đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh mà từ “tiên tri” được dùng cho một người phụ nữ.
Mi-ri-am được xác định là chị của A-ha-ron (Xh 15,20). Trước đó Xh 6, 20 đã nhắc đến Jochebed và Amram là cha mẹ của A-ha-ron và Mô-sê, nhưng đã không đề cập gì đến Mi-ri-am như chị em với họ. Tuy nhiên, hai phả hệ trong sách Ds 26, 59 và 1Bs 6,3 đã ghi tên Mi-ri-am là một trong những người con của Amram (cùng với Mô-sê và A-ha-ron). Sau đó, một lần nữa trong sách tiên tri Mikha, Mi-ri-am được nhắc đến như một người lãnh đạo cùng với Mô-sê và A-ha-ron (Xh 6,4).
Như được đề cập ở phần trước, Mi-ri-am và A-ha-ron lên tiếng chống lại Mô-sê (Ds 12,1-16) vì Mô-sê đã cưới vợ người xứ Cút, và họ cũng thách thức vai thẩm quyền tiên tri của ông (Ds 12, 2). Cả hai A-ha-ron và Mi-ri-am đều lớn tuổi hơn Mô-sê (Xh 7,7). Bởi đó, họ cho rằng thẩm quyền phải dành cho người nào cao tuổi nhất, như tục lệ bao đời. Chúa đã quở trách cả hai Mi-ri-am và A-ha-ron, nhưng chỉ Mi-ri-am bị phạt với bệnh phong cùi, khiến bà phải ở ngoài lán trại trong 7 ngày (Ds 12, 14). Bà chỉ được chữa lành khi A-ha-ron năn nỉ Mô-sê cầu nguyện cho bà. A-ha-ron nói với Mô-sê “thưa ngài, xin đừng phạt A-ha-ron và Mi-ri-am”, dầu chỉ Mi-ri-am là bị phạt. Có lẽ vì A-ha-ron là tư tế nên ông thoát án phạt vì nếu bị phong cùi, ông sẽ không được phép đứng trước Thiên Chúa và dâng của lễ toàn thiêu. Như vậy án phạt trên Mi-ri-am có lẽ được dùng như một hình mẫu cho những ai dám thách thức thẩm quyền của Mô-sê. Chương 12 là chương cuối cùng chúng ta nghe kể về Mi-ri-am cho tới khi chúng ta được biết rằng bà chết và được chôn tại Kadesh (Ds 20,1).
Mi-ri-am là người đàn bà can đảm. Bà đã cứu em mình khỏi chết. Là người chị, bà biết bổn phận của mình với gia đình. Bà đã liều mạng sống mình và của mẹ bà để lần theo cái giỏ có Mô-sê nằm trong để bảo đảm Mô-sê được an toàn (Xh 2,4). Bà đã nói khéo để mẹ mình trở thành bà vú nuôi cho em Mô-sê và nhờ đó mà em bà được thoát chết. (Xh 2,7). Bà cũng là người biết cầu nguyện khi bà hướng dẫn các bà khác nhảy múa ca khen những việc kỳ diệu Chúa làm. Bà là một tiên tri và người trung gian giữa Chúa và dân Người. Vai trò của Mi-ri-am được coi là trọng yếu trong việc tạo hình tương lai cho gia đình và dân tộc của bà.
KẾT LUẬN
Cuộc sống của ba chị em này cho thấy lòng quyết tâm phục vụ Chúa và dân Người bằng những vai trò độc đáo – như người trung gian, bạn hữu của Chúa, tư tế, và tiên tri. Họ làm việc như một nhóm, hỗ trợ lẫn nhau. Mi-ri-am cứu em mình là Mô-sê khỏi chết. A-ha-ron, như phát ngôn viên của Mô-sê, giúp loan báo sứ điệp của Chúa cho Pharaoh và dân Do Thái. Mô-sê phục vụ như người trung gian của Chúa và lãnh đạo hai anh chị của mình. Cũng như nhiều anh chị em khác, họ không luôn hòa thuận trong việc sống và làm việc chung, nhưng họ hiểu được sứ điệp của Chúa và đã dẫn dắt dân Người.
Luke Quang chuyển ngữ
----------------------------------------------
Mi-ri-am là chị hay em của A-ha-ron? Thánh kinh không nói rõ về điều đó.
Theo sách Dân số 26, 59 vợ chồng ông Amram và bà Jochebed có ba người con, một gái hai trai là Mi-ri-am, A-ha-ron và Mô-sê.
A-ha-ron là anh và hơn Mô-sê 3 tuổi: “Ông Mô-sê được tám mươi tuổi, còn ông A-ha-ron tám mươi ba, khi các ông đến nói với Pha-ra-ô” (Xh 7,7).
Trong sách Xuất hành 2, 4; 7-9 khi Mô-sê được bỏ trôi sông và được công chúa Ai-cập cứu, có kể rằng “Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó.” Theo Catholic Encyclopedia và Dictinonary of the Bible của John L. McKenzie, S.J. (mục từ Moses) cũng như bài viết của Sơ Khudher trên, “Chị đứa bé” ở đây hầu chắc chính là Mi-ri-am. Với cách ăn nói và xử sự như được tường thuật, Mi-ri-am không là em của A-ha-ron nhưng phải là chị của cả A-ha-ron và Mô-sê. Cũng nên biết rằng, theo các sách chú giải Ngũ Thư Torah có từ trước thế kỷ thứ II của Do Thái giáo, Mi-ri-am hơn A-ha-ron 3 tuổi và hơn Mô-sê 6 tuổi ((Ex. Raba 1:13).
Thế nhưng, từ אֲח֧וֹת (Hebrew)/ ἀδελφὴ (Greek) / soror (Latinh)/ sister (Anh/ soeur (Pháp) trong sách Xuất hành 15, 20 có nghĩa là chị hay em gái, được nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh dịch là “Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron” và Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch từ đó là “Mi-ri-am nữ tiên tri, em gái của Aharôn”.
Tác giả bài viết: Luca Quang chuyển ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn