THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng A

Chủ nhật - 22/12/2019 17:00
Tin mừng Lc 1: 57-66 Hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta sống trong tâm tình đợi chờ của Mùa Vọng, để ngày mai, chúng ta sẽ vui mừng lễ Chúa Giáng Sinh trong thánh lễ đêm.
Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng A

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG A

 


Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Luca (Lc 1: 57-66)
 
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an”.61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả”.62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

SUY NIỆM
 

Hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta sống trong tâm tình đợi chờ của Mùa Vọng, để ngày mai, chúng ta sẽ vui mừng lễ Chúa Giáng Sinh trong thánh lễ đêm. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta chú ý đến một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử cứu độ, đó là Gioan Tẩy Giả. Ông xuất hiện như là vị tiên tri cuối cùng để làm chiếc cầu nối giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy, thánh sử Luca quan tâm rất chi tiết đến câu chuyện đặt tên cho hài nhi mới sinh. Vì lẽ, theo truyền thống Do Thái, một gia đình tư tế phải có tập truyền, tức là phải lấy tên của người cha mà đặt cho con trai mình, để tỏ dấu chứng đó là người nối dõi tông đường. Vậy mà bà Êlisabet đã nhất quyết từ chối việc lấy tên chồng để đặt cho con, nhưng thay vào đó, bà lại đặt tên cho con trẻ là Gioan. Quả nhiên, khi biết “không ai trong họ hàng bà có tên đó”, người ta liền hỏi ý kiến ông Dacaria, thì ông cũng trả lời tương tự như vợ mình. Và kỳ lạ thay, khi cả hai ông bà đều đồng lòng đặt tên cho con trẻ là Gioan, đúng theo lời thiên sứ đã báo trước, tức khắc “lưỡi ông mở ra và ông liền chúc tụng Chúa”.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy, mỗi khi Thiên Chúa đặt tên cho ai thì Ngài đã chuẩn bị sẵn cho người đó một sứ mạng đặc biệt rồi. Chẳng hạn như khi Ngài đổi tên Abram thành Abraham, Giacop thành Israel, Simon thành Phêrô, Saolê thành Phaolô, v.v. thì mỗi cái tên được đặt cho sẽ gắn liền với một ý nghĩa nào đó trong cuộc đời của chính các ngài.

Đối với Gioan cũng vậy. Trong tiếng Do Thái, Gioan là từ viết tắt của John-hannah, có nghĩa là quà tặng của Thiên Chúa, hoặc là Thiên Chúa thi ân. Ý nghĩa này thật đúng với hoàn cảnh của hai ông bà Dacaria và Êlisabet; bởi chưng, Gioan thật đúng là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho gia đình ông bà. Qua Gioan, Thiên Chúa cất đi nỗi tủi nhục khi để cho bà sinh con trong lúc tuổi già. Nhưng đặc biệt hơn, tên Gioan còn mang ý nghĩa tiên báo về một thời kỳ mà Thiên Chúa sẽ thi ân giáng phúc cho dân Ngài. Vì thế, Gioan sau này sẽ lãnh lấy sứ mạng làm tiền hô, qua việc ông kêu gọi người ta ăn năn sám hối, chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Đấng Cứu Thế đến.

Chúng ta tin rằng, khi một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế, và ông đã chu toàn sứ mạng đó cách tốt đẹp, cho dù có phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Cũng thế, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta đã mang vào mình sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa. Vậy, chúng ta đã thực sự sống hết mình và hết tình để làm chứng cho Chúa chưa?

Lạy Chúa, giữa một thế giới đang ngủ mê trong sự tục hóa và trong nền văn minh hưởng thụ, biết bao linh hồn đang dần tàn úa vì đánh mất hy vọng và ý nghĩa cuộc sống, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa, dám mạnh dạn đến với họ và cùng với họ thắp lên một ngọn lửa hy vọng, để cùng nhau đợi chờ ngày Chúa đến giải thoát chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay6,103
  • Tháng hiện tại85,771
  • Tổng lượt truy cập15,086,367
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây