Việc rửa tội trẻ nhỏ chỉ trở thành một vấn đề cho những người thuộc thế hệ thứ hai của Kitô giáo, khi giáo hội phải quyết định buộc hay không buộc rửa tội các trẻ sơ sinh. Người ta đã tìm được các bằng chứng về việc rửa tội trẻ nhỏ nơi Giáo Hội phương Đông và phương Tây bắt đầu từ thế kỷ thứ hai. Thế nhưng, có câu hay có chữ nào đó trong Tân Ước có thể đã truyền cảm hứng hay ủng hộ việc thực hành cổ xưa này không?
Mặc dù Tân Ước không đề cập đến phép Rửa Tội cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng không phủ nhận hoặc chỉ trích thực hành này. Thật vậy, Tân Ước đã ghi lại bốn lần “cả nhà" đã được chịu phép rửa. Sách Tông Đồ Công-vụ 16,15 tường trình Phao-lô đã gặp Ly-đi-a ở Philippi và rằng "bà và cả nhà đã chịu phép rửa." Cụm từ này chắc chắn hàm ý rằng ngay cả các đầy tớ và nô lệ cũng được phép Rửa Tội. Nhưng còn trẻ con thì sao? Có trẻ nào trong nhà không? Chúng ta không biết. Tuy nhiên, nếu có, chúng cũng có thể đã chịu phép Rửa Tội, vì bản văn không loại trừ chúng. Sách Tông Đồ Công-vụ 16, 25-34 kể lại câu chuyện về Phao lô và Xi-la trong tù. Sau trận động đất, người bắt giữ hỏi họ phải làm gì để được cứu. Họ trả lời, " Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ. (câu 31). Sau đó, Phao-lô và Xi-la "đã giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy " (câu 32), kết quả là "ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà" (câu 33). Sau đó, người cai ngục đã cung cấp một bữa ăn, "Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa." (câu 34). Chúng ta không biết nếu người cai ngục có con nhỏ, nhưng nếu có, chắc chắn chúng đã không bị loại trừ. Sách Tông Đồ Công Vụ 18, 8 viết rằng " Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà.." Cuối cùng, trong I Cô-rinh-tô 1,16 Thánh Phao-lô nhắc nhở cộng đoàn rằng " À, tôi còn làm phép rửa cho gia đình Tê-pha-na nữa." Trong bốn văn bản này, không có văn bản nào đề cập đến trẻ em hay trẻ sơ sinh, nhưng liệu rằng trong số bốn “nhà” đó chẳng có gia đình nào có trẻ nhỏ cả? Và liệu rằng những đứa trẻ có thể bị bỏ qua khi cả những người hầu và nô lệ được phép Rửa Tội?
Không chắc là thánh Gioan Tẩy Giả hay Chúa Giêsu đã làm phép Rửa Tội cho trẻ sơ sinh (Gioan 1, 26-27; 3, 22-23, 26; 4, 1-2). Tuy nhiên, Chúa Giê-su có ảnh hưởng lớn đến các gia đình có con, và Ngài đã đón tiếp các con trẻ với tấm lòng rất đỗi thương yêu. Khi Chúa Giê-su chữa lành con trai của viên sĩ quan cận vệ nhà vua, "nên ông và cả nhà đều tin" (Gioan 4,53). Gia đình đó có ít nhất một đứa trẻ, và đây chính là cậu bé đã được chữa lành (Gioan 4,49, " Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! ", và Gioan 4,51, "... nói là con ông sống rồi "). Thật vậy, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng nên cho phép trẻ em đến với Người (Máccô 10, 13-16) và các môn đệ của Người phải đối xử với trẻ em như những gương mẫu của họ (Mát-thêu 18, 2-5,10, Mác-cô 9, 36-37; Lu-ca 9, 47-48). Trong Gioan 3, 5 Chúa Giêsu phán "Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí .” “Không ai” ở đây bao hàm thêm ý "ngoại trừ trẻ em hay trẻ sơ sinh".
Mặc dù Tân Ước không đề cập cụ thể đến phép Rửa Tội cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nhưng Kinh Thánh cho thấy rằng Chúa Giêsu đặc biệt thương mến các trẻ em và Giáo hội tiên khởi đã làm phép Rửa Tội cho cả gia đình. Chúa Giê-su cũng tuyên bố rằng tất cả mọi người phải chịu phép Rửa Tội để vào nước Trời. Rất có thể những Kitô hữu tiên khởi cảm thấy những bản văn này đã biện minh cho phép Rửa Tội trẻ nhỏ, mà bởi đó chúng được tham gia vào Hội thánh và lãnh nhận ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Tác giả bài viết: Luke Quang chuyển ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn