THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Gia đình Thánh

Thứ sáu - 29/09/2017 23:52
Sau 28 năm từ trần, Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội phong thánh năm 1925. Hai năm sau, Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997...
Gia đình Thánh
Năm 1925, nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa, Đức Hồng Y Pacelli (sau này là Đức Giáo Hoàng Piô XII) đại diện Tòa Thánh sang Pháp làm phép đền thờ kính Thánh nữ tại Lisieur. Ngài đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”. 

Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: “Đây là vị Thánh lớn nhất thời hiện đại”. 

Chính lòng yêu mến Chúa và con đường nhỏ đã đưa Têrêxa lên thành một vị thánh lớn.                 
1. Bậc Thầy của Giáo Hội.
 
Sau 28 năm từ trần, Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội phong thánh năm 1925. Hai năm sau, Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997. Như vậy, Giáo Hội tuyên phong thánh Têrêxa là bậc thầy trong đời sống đức tin và là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo. 

Tại sao một Nữ Tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường tu viện mà lại được Giáo Hội tôn lên Bậc Thầy như thế? Suốt đời, Têrêxa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Vị Nữ Tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát Minh. Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai, thế mà Giáo Hội tôn phong là Tiến sĩ và Bổn mạng các xứ truyền giáo?

Thánh Têrêxa trở thành Bậc Thầy của Giáo Hội chính là vì Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường thơ ấu thiêng liêng.
2. Yêu mến Chúa
 
Thánh Têrêxa hết lòng yêu mến Chúa. Ngài luôn tâm niệm: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa; vâng, con yêu mến Chúa”. Ngài yêu mến Chúa thiết tha, mãnh liệt và rất tự nhiên, thật đơn sơ. Ngài yêu Chúa như một trẻ thơ yêu cha mẹ, rất hồn nhiên trong sáng. Ngài tâm đắc những lời Chúa Giêsu nói về các trẻ em: “Cứ để mặc trẻ em, đừng ngăn cấm chúng đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14); “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,3).

Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu, các Tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng; nếu không có tình yêu, các vị Tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. “Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc”. Và Ngài còn nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả. 

Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Têrêxa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêxa cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế ". Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để "kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn"; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng “chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em”; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi... Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh Nữ gọi làm những việc như thế là "tung hoa" cho Chúa: "Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó ... Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến... Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa ... rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu.... Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng "hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau'  (Thủ bản Tự Thuật).

Chính tình yêu Chúa đã chắp cánh cho Têrêxa đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. “Tôi muốn sống cả thời gian trên thiên đàng để làm ích cho dưới thế”;“Tôi sẽ làm mưa xuống những trận hoa hồng”;“Sứ mệnh của tôi là mến yêu”.Tình yêu không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Tình yêu không nói bằng lời nhưng bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêxa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêxa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim bằng tình yêu.
3. Con đường thơ ấu thiêng liêng
 
Têrêxa yêu mến Chúa với một tâm hồn trẻ thơ. Suốt cuộc đời, Ngài đã sống như một trẻ thơ và giữ một tâm hồn thơ trẻ đối với Chúa. Chính điều đó đã làm cho Ngài nên cao trọng. 

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội, làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài. Đó là một trong những "trường tu đức" (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. 

Theo thánh Nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ. Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêxa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh. Áp dụng "phương pháp lên trời" hay sử dụng "chiếc thang máy", thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Trẻ thơ hoàn toàn tín thác vào cha mẹ. Trẻ thơ không biết phân biệt thân thù. Người lớn không thể trở nên như trẻ thơ về phương diện thân xác, nhưng có thể trở nên như trẻ thơ về phương diện tinh thần. Đó là điều kiện cần và đủ để được vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “ Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” (Ga 3,3). “Sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” có nghĩa là con người cần phải “lột xác” để trở nên như một trẻ thơ, một người bé mọn. Chúa Giêsu đã từng nói, chỉ có người bé mọn mới nhận được ơn mạc khải chân lý của Thiên Chúa: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Khi các môn đệ hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”, Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mc 18,3-4). Trẻ nhỏ không có những tham vọng danh lợi, quyền bính, dục tình, không có những mưu mô thủ đoạn…Vì thế, trẻ nhỏ không có tội lỗi. Trẻ nhỏ không có tính kiêu ngạo. Trẻ nhỏ đơn sơn thánh thiện. “Người ta càng gần Chúa, càng hóa đơn sơ”.
4. Gia đình Thánh
 
Vào những ngày cuối năm 1872, bà Zélie Guérin chờ đứa con thứ chín của mình ra đời trong lo âu. Vì hiện tại bà chỉ còn 4 cô con gái, do 2 con trai và 2 con gái đã chết lúc còn rất nhỏ. Ngày 2 tháng 1 năm 1873, nỗi lo lắng đã trở thành niềm vui hân hoan, khi con trẻ ra đời mạnh khỏe và xinh xắn, gương mặt thánh thiện. Cả nhà gồm hai vợ chồng và bốn người con gái là Marie, Pauline, Léonie, Céline đứng chung quanh chiếc nôi của em bé vừa mới chào đời, vui sướng vỗ tay. Họ nhất trí đặt tên cho bé là Têrêxa. Hai ngày sau, em bé được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy tại nhà thờ Đức Bà và Marie, người chị cả làm vú đỡ đầu.

Lúc sinh thời, Thánh Têrêxa đã vẽ một họa tiết gồm hai bông hồng và năm cánh huệ, ghép vào Thánh Giá Chúa Kitô trên chiếc áo choàng biếu mẹ Zélie. Hai bông hồng tượng trưng cho song thân là Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin. Năm bông huệ trắng là năm con gái: bốn người là nữ tu Dòng Kín Carmel (Lisieux) và một Dòng Đức Bà Thăm Viếng (Le Mans). Một gia đình thánh thiện tuyệt vời. Để dạy cho các con của mình biết sống đời sống đạo tốt lành và đạo đức, ông Louis Martin và bà Azélie Guérin luôn làm gương sáng.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN hướng dẫn các gia đình: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta.” (số 9).

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc.Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.Từ mái ấm gia đình, cha mẹ con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Nguyện tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau, thì “Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”. Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ. Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên ”dùng gương lành và lời nói,truyền dạy đức tin cho con cái” (Hiến chế tín lý về Giáo hội số 11).Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương,cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở (Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11).Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin.Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.
 
Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường tu đức theo hạnh “trẻ thơ” phù hợp vời hết mọi gia đình Công giáo. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều gia đình đã sống và làm cho mọi thành viên trở nên thánh thiện tốt lành.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay4,053
  • Tháng hiện tại206,422
  • Tổng lượt truy cập15,493,312
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây