THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Nụ cười của Sarah

Thứ bảy - 12/08/2017 18:44
Sarai là một trong những tổ mẫu của dân Israel, cùng với Rebecca, Rachel và Leah, góp phần khai sinh nên dân tộc Israel và xây dựng nên căn tính cũng như ký ức dân tộc. Lịch sử có tính phụ quyền như được tường thuật trong sách Sáng Thế Ký không chỉ là lịch sử của các tổ phụ mà còn các tổ mẫu nữa, những người thừa hưởng đặc quyền lời hứa của Thiên Chúa.
Nụ cười của Sarah

Chúng ta có được thông tin đầu tiên về Sarai là trong gia phả của Terah, cha của chồng bà: ông Abram. Rồi chúng ta biết được bi kịch làm đau đớn tâm hồn bà: “Bà Sarai hiếm hoi, không có con” (Stk 11,30). Nơi dân Israel cũng như các nền văn hóa thời cổ, son sẻ là điều ô nhục và là dấu hiệu nguyền rủa đối với người đàn bà. Họ cảm thấy bị xã hội ruồng bỏ, đến cả người thân và Thiên Chúa cũng chối bỏ họ. Biết mình không thể làm mẹ, người đàn bà son sẻ bị kết án sống trong ác mộng từ ngày này sang ngày khác. Là tù nhân trong thân xác lẫn tâm hồn, bà mõi mòn sống mà như đã chết.

Sau khi được Thiên Chúa kêu gọi, ông Abram — ở tuổi 75 và cùng với bà vợ son sẻ - kéo theo cả gia đình đi từ Haran đến vùng đất xa lạ, nơi họ đến sau một hành trình dài và gian khổ. Song miền đất này bị nạn đói hoành hành nên  Abram quyết định đi về phía Ai Cập để tránh hạn hán, Thấy mình ở miền đất lạ và lo sợ cho mạng sống mình nên ông bảo vợ nói dối với người Ai Cập rằng bà là em gái của ông. “Bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống” (Stk 12,13). Sarai chẳng nói chẳng rằng. Tác giả làm cho chúng ta tin rằng bà là nạn nhân của một ông chồng ích kỷ chỉ biết quan tâm đến mình. Bà Sarai hy sinh cho ông và bằng lòng lừa dối mà không nghĩ gì về bản thân cũng như mối hiểm nguy chờ chực mình. Thật vậy, bà không lọt khỏi mắt xanh của người Ai Cập, họ bắt và tiến cử bà cho vua pharaoh. Như vậy, vấn đề của ông Abram đã được giải quyết — ông được ban rất nhiều tặng vật — nhưng hiển nhiên đây không phải là trường hợp dành cho bà Sarai, người kết thúc đời mình nơi hậu cung của nhà vua. Bất bình với những điều xảy ra và trên hết là sự hèn nhát mà Abram đối xử với vợ mình, Thiên Chúa đã can thiệp và kết quả là chuyện lừa dối bị bại lộ: Sarai được tự do.

Sau thử thách này, cuộc hành trình vẫn được tiếp tục, thế nhưng Sarai vẫn còn mang trong mình gánh nặng của sự son sẻ dường như đã trở nên quá sức chịu đựng. Ngay cả Abram cũng đau khổ về tình trạng này và muốn nó khác đi. Một ngày kia, dù không nhắc đến tên vợ mình nhưng ông than vãn với Chúa rằng: “Chúa sẽ ban cho con cái gì, vì con vẫn không có con cái” (Stk 15,1-2). Ông nhận được nhiều lời hứa trong suốt 10 năm qua, trong số đó có lời hứa một dòng dõi đông đúc như cát biển sao trời, thế mà ngay cả đứa con đầu vẫn chưa thấy đâu. Sarai cũng mệt mõi vì chờ đợi và than vãn với Chúa. Chính Thiên Chúa có lỗi trong việc này, chính Ngài đã khóa lòng dạ bà lại và dường như đã đánh mất chìa khóa. Hoặc tệ hơn nữa, Ngài có chìa khóa nhưng không muốn dùng nó vì một lý do gì mà bà không biết được. Tuy nhiên, Sarai không cam chịu làm một người đàn bà “không trọn vẹn” nên đã có sáng kiến của riêng mình.

Bà quyết định giải quyết vấn đề và vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã quay lưng lại với mình nên bà tìm đến chồng để xin giúp đỡ. “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con” (Stk 16,2). Lời thỉnh cầu của Sarai nói lên ước muốn cháy bỏng là được làm mẹ và ông Abram chẳng nói một lời, ông bằng lòng ngay để giảm căng thẳng cho vợ mình dù rằng điều đó có nghĩa là tiếp nhận một người đàn bà khác vào trong mối liên hệ vợ chồng của họ. Rachel, người vợ yêu của Jacob, cũng đã bày tỏ cùng một ước muốn. Giống như Sarai, Rachel cầu xin đức ông chồng: “Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!” (Stk 30,1). Và giống như Sarai, Rachel thuyết phục chồng ăn ở với một trong các cô hầu của mình để bà có thể trở thành mẹ. Theo luật của vùng Mesopotamia, người vợ son sẻ có thể tiến cử người hầu của mình cho chồng và xem đứa con ra đời do sự kết hợp này là con mình. Dù vài người cho rằng không thể chứng minh được thực hành này phổ biến trong dân Israel, tác giả vẫn trình bày nó như một giải pháp dành cho những phụ nữ son sẻ. Theo cách này, người đàn bà son sẻ có thể có con chính thức dù rằng chúng không phải là những đứa con ruột thịt.

Kết quả là Hagar, nô tỳ của bà Sarai, đã thụ thai và thay vì là một lý do để vui mừng thì việc mang thai của cô này đã trở nên nỗi đau và chịu đựng cho Sarai, bà không chịu được sư kênh kiệu của cô nữ tỳ đối với bà: “Khi thấy mình có thai, thì nàng coi khinh bà chủ” (Stk 16,4). Từ lúc ấy, cuộc đối đầu giữa hai người đàn bà ngày càng gia tăng khiến cuộc sống gia đình trở nên địa ngục. Hagar huyênh hoang về đứa con của Abram trong bụng mình và Sarai không thôi cư xử tệ bạc đối với cô. Bị bà chủ hành hạ, Hagar đã phải chạy trốn vào sa mạc. Cô gặp Thiên Chúa ở đó, đấng lắng nghe nỗi lòng của cô và khuyên cô trở về nhà. Dù là một nô lệ, cô cũng có một sứ mệnh quan trọng để thi hành. Khi Abram được 86 tuổi, Hagar sinh ra Ishmael, cái tên có nghĩa là “Thiên Chúa lắng nghe” (cf. Stk 16,15-16).

13 năm sau khi đứa con đầu tiên của Abram được sinh ra, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với ông, và từ đó ông được gọi là Abraham, cái tên mang lấy lời hứa của sự sinh sôi nảy nở: “Cha của nhiều dân tộc”. Tên của Sarai cũng được thay đổi. Từ Sarai bà trở thành Sarah, trong tiếng Hípri có nghĩa là bà hoàng. Thay đổi tên họ không chỉ là thay đổi định mệnh nhưng cũng là sự thay đổi thái độ đối với đời sống và tương lai. Mở lòng mình ra với chương trình của Thiên Chúa , hai vợ chồng bắt đầu một chương mới trong đời sống của họ. Song điều quan trọng hơn cả việc thay tên đổi họ chính là lời hứa của Thiên Chúa được lặp lại với Abraham: Sarah sẽ sinh một đứa con trai (cf. Stk 17,16). Ông già Abraham đã 100 tuổi không thể nhịn cười khi nghe những lời này. Sarah cũng có phản ứng tương tự khi nghe vị khách không quen biết nói rằng bà sẽ mang thai: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sarah vợ ông sẽ có một con trai” (Stk 18,10). Sarah cười vì biết rằng khả năng sinh con của bà là bất khả: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!” (Stk 18,12). Vị khách phật lòng vì nụ cười nghi hoặc và mĩa mai của bà nên thách đố bà: “Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA?” (Stk 18,14). Chỉ khi nghe những lời này, Sarah mới vỡ ra nhân thân của người khách lạ. Cuộc chuyện trò ban đầu là giữa ba người khách và ông Abraham, tất cả đều là nam giới, được kết thúc bằng cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Sarah, người cưu mang lời hứa.

Thoạt tiên, có vẻ như Thiên Chúa trách Sarah vì bà đã cười (“Có mà, ngươi đã cười!” - Stk 18,15). Tuy nhiên, nụ cười của Sarah thật sự đã báo trước tên gọi của người con sắp được sinh ra. Nó được gọi là Isaac, nghĩa là “đứa con của nụ cười”. Sau khi sinh được đứa con cầu con khẩn, bà Sarah giải thích bằng lối chơi chữ về kinh nghiệm của mình với Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi. […] Ai dám báo trước cho ông Abraham rằng Sarahsẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già!" (Stk 21,6-7). Cuối cùng, Thiên Chúa đã mở lòng dạ của bà và Sarah đã cười với niềm vui sướng, một niềm vui thật sự vì dù khó tin nhưng giấc mơ của bà đã thành hiện thực. Điều bất khả đã xảy ra. Bà đã làm mẹ và là một người đàn bà trọn vẹn, không còn phải xấu hổ trước mặt ai. Sarah như đã sống lại.

Isaac ra đời là kết thúc sự chờ đợi lâu dài và nặng gánh, chấm dứt sự nghi ngờ và cay đắng trong suốt cuộc hành trình gian nan và kéo dài đã xé nát đôi bàn chân nhưng đặc biệt là tâm hồn của hai bậc sinh thành. Mọi chuyện dường như đi đến một kết thúc có hậu, nhưng rủi thay lại không được như vậy. Hạnh phúc không bao giờ viên mãn nơi ải trần gian này.  Niềm vui của Sarah bất chợt bị nghiền nát ngay khi Isaac cai sữa, vì đứa bé chơi thân với Ishmael, đứa con của nàng hầu Hagar. Trong bữa tiệc lớn mà Abraham tổ chức để tôn vinh người mẹ của con mình, khi thấy Isaac “cười” với Ishmael, bà Sarah lập tức nhận ra rằng đứa con mình sẽ không phải là người thừa kế chính thức. Ishmael biết rằng mình là đứa con đầu và như thế nó thấy mình có quyền trên em mình. Theo luật sinh trước, quyền thừa kế thuộc về đứa con sinh trước dù nó không phải là đứa con do người vợ yêu quý như trong trường hợp này (cf. Đnl 21,17).  Vì ghen tuông,  Sarah đòi buộc ông Abraham đuổi “cô hầu và đứa con của ả đi” như để nói rằng Ishmael không còn là con của ông nữa. Đó là tối hậu thư của bà. Bà không thèm gọi tên của họ ra, bà không muốn nhìn thấy mặt họ nữa, không thèm nói chuyện với họ nữa. Họ sẽ phải vĩnh viễn biến mất khỏi đời bà, có thế thì Isaac mới là người thừa kế duy nhất. Abraham không bằng lòng với đòi hỏi của vợ, nhưng theo lời khuyên của Thiên Chúa, ông đã bằng lòng. Và như vậy Sarah đã thành công khi đuổi được Hagar và Ishmael lần thứ hai.

Trong khi ở lần đầu bà làm cho Hagar phải trốn đi với đứa con trong bụng thì lần này bà đuổi họ cách công khai và không đắn đo. Mẹ và con bị bỏ rơi trong hoang mạc Beersheba và phó mặc cho thần chết. Nước trong bầu da mà ông Abraham trao cho Hagar đã cạn, đứa bé bên bờ vực cái chết và mẹ nó kêu lên trong tuyệt vọng. Chúa đã nghe thấy tiếng kêu than vì khát nước và đã tỏ lòng thương cảm. Ngài đưa họ đến nguồn nước và nói với Hagar, “Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn” (Stk 21,18). Ishmael không phải là người thừa tự lời đã được hứa song cũng được Thiên Chúa hứa. Từ khi đó, bà Sarah biến mất khỏi sân khấu. Chúng ta không biết được rằng bà sống ra sao mà không có Ishmael hay bà hối hận vì hành vi của mình, hoặc thậm chí có đi tìm lại đứa con của mình không. Tất cả đều chỉ là giả thuyết. Đề cập cuối cùng về bà là cái chết của bà ở Hebron khi được 127 tuổi. Ông Abraham chôn cất và than khóc bà (Stk 23, 1-2).

Tác giả nói rằng ông Abraham xin người Hittites được một cái hang trong cánh đồng làm chổ chôn cất bà Sarah. Sau khi thỏa thuận cách hợp pháp, ông Abraham chôn vợ mình “trong hang của cánh đồng Machpelah, đối diện với Mamre, tức là Hebron, tại đất Canaan” (Stk 23,19). Điều này có nghĩa là mảnh đất đầu tiên mà ông Abraham sở hữu trong miền này chính là ngôi mộ của bà Sarah. Rachel và Leah (Stk 49,31) cũng được chôn cất tại đây. Sarah là tổ mẫu đầu tiên và được nhắc đến nhiều trong Tân Ước, người phụ nữ kiên cường, đã chiến đấu và chịu khổ nhọc để làm người mang lấy sự sống trong một hoàn cảnh gần như bất khả thể. Bà không cam chịu khi đối mặt với khó khăn, ngay cả khi cách phấn đấu của bà không phải luôn được đánh giá cao. Bà là người phụ nữ nghi ngờ Chúa trong tối tăm nhưng nhận ra quyền bính của Ngài lúc thuận tiện. Ta có thể nói rằng bà là một phụ nữ ở giữa ánh sáng và bóng tối, như tất cả chúng ta, những người đi vào trong lịch sử như là những người mang lấy lời hứa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,859
  • Tổng lượt truy cập15,594,522
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây