Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Chủ nhật - 28/05/2017 05:20
Thật thú vị khi các nhà khảo cổ hiện nay đã có thể làm sáng tỏ nơi an nghỉ của các tông đồ.
Thomas Craughwell Chúng ta nghe nhiều về các tông đồ trong các bài đọc Tin Mừng mùa Phục Sinh. Họ là những chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Họ thấy Ngài, nói chuyện, cùng ăn uống với Ngài. Thánh Tôma còn chạm vào thân thể vinh quang của Ngài nữa. Và rồi Đức Kitô sai các tông đồ ra khỏi miền đất Israel và Giuđa quen thuộc để vào trong thế giới giảng dạy muôn dân. Như vậy, 12 tông đồ, biết tìm đâu bây giờ?
Phêrô, Phaolô và Gioan
Trong suốt 100 năm cuối cùng vừa qua, các nhà khảo cổ hầu như chỉ xác định về mộ phần của các Thánh Phêrô, Phaolô và Gioan. (cần phải rào đón một chút là không giống như những ngành khoa học khác, khảo cổ học hiếm khi khẳng định 100 phần trăm về bất kỳ khám phá nào).
Khoảng năm 64, Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược đầu tại Hí trường Nêrô trên đồi Vatican. Các Kitô hữu đem xác ông chôn tại một nghĩ trang gần đó. Khoảng năm 326, Hoàng đế Constantine san bằng di tích còn lại của hí trường và cả ngọn đồi, rồi xây dựng một vương cung thánh đường thật to với bàn thờ lớn ngay trên mộ của Thánh Phêrô. Nhưng sau nhiều thế kỷ tái xây dựng và trùng tu, vị trí ngôi mộ bị lạc mất. Truyền thống vẫn luôn quả quyết rằng xương cốt của Thánh Phêrô nằm bên dưới bàn thờ lớn trong vương cung thánh đường, nhưng chẳng ai được nhìn thấy nó trong suốt nhiều thế kỷ.
Vào năm 1939, khi các công nhân đào mộ cho Đức Giáo Hoàng Piô XI thì một công nhân thấy xẻng của mình đào trúng một khoảng trống chứ không phải đất đá. Chiếu đèn qua khe hở, họ thấy nội thất của một lăng tẩm vào thế kỷ thứ II. Khi đào bới thêm đã lộ ra cả một nghĩa trang của người Rôma mà Constantine đã cho lấp đi và do đó vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Bên dưới bàn thờ lớn, người ta tìm thấy một ngôi mộ đơn sơ chứa hài cốt của một người lớn tuổi, vạm vỡ. Rải rác trên vách là vô số lời kinh và lời cầu xin Thánh Phêrô cũng như một tấm bảng bằng tiếng Hy Lạp ghi là: “Phêrô ở bên trong”. Sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo Hoàng Phaolô VI công bố vào năm 1968 rằng hài cốt bên trong mộ là của Thánh Phêrô.
Theo truyền thống, Thánh Phaolô bị chém đầu cùng ngày với Thánh Phêrô bị đóng đinh. Hoàng đế Constantine cũng không quên Thánh Phaolô – ông xây một vương cung thánh đường trên mộ của thánh nhân nằm trên đường (Via) Ostia. Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói rằng các nhà khảo cổ Vatican khá tự tin khi cho rằng hài cốt trong chiếc quách bằng đá nằm bên dưới bàn thờ cao của vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành tại Rôma thật sự là di hài của Thánh Phaolô. Đức Giáo Hoàng nói: “Những mảnh xương nhỏ được định niên đại bằng carbon do các chuyên gia không hay biết gì về nguồn gốc của chúng và kết quả cho thấy chúng thuộc về một người sống giữa thế kỷ thứ I và II. Điều này dường đã khẳng định một truyền thống đồng nhất và không thể phản bác rằng chúng là di hài của Thánh Phaolô”.
Một truyền thống cổ xưa nói rằng Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng, đã chết vào năm 100 ở Êphêsô mà ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thế kỷ thứ IV, sau khi Constantine chấm dứt cuộc bách hại Giáo Hội, các Kitô hữu ở Êphêsô xây dựng một ngôi nhà nguyện trên mộ của thánh tông đồ. Vào thế kỷ thứ V, Hoàng đế Justinian thay ngôi nhà nguyện bằng một vương cung thánh đường to lớn. Sau khi vùng đất này bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục, ngôi vương cung thánh đường đã bị biến thánh đền thờ Hồi giáo, và rồi bị Tamerlane tàn phá vào năm 1402. Vào thập niên 1920, các nhóm khảo cổ từ Hy Lạp và Áo đã khai quật di tích của vương cung thánh đường và tìm thấy ngôi mộ của Thánh Gioan ở bên trong. Ngôi mộ trống rỗng và không ai biết gì về hài cốt của Thánh Gioan.
Anrê và hai Giacôbê
Thánh Anrê, người đầu tiên được Đức Kitô kêu gọi làm tông đồ, là anh của Thánh Phêrô. Anrê và Phêrô, cùng với các bạn của họ là anh em Giacôbê và Gioan, là những bạn nghề ngư nghiệp trên biển hồ Galilê.
Người ta cho rằng sau khi Đức Kitô lên trời, Thánh Anrê đem tin mừng đến miền đất mà ngày nay là Nga và Ukraine. Và khi đã về già, thánh nhân đã đến Hy Lạp và tử đạo tại thành phố Patras. Các Kitô hữu địa phương đã chôn cất ngài ở đó, nhưng vào năm 357 nhiều phần hài cốt của ngài được chuyển đến Constantinople. Vào năm 1204, Thập Tự Quân Ý đã phá mộ thánh Anrê và đem hài cốt của ngài đến Amalfi cho đến ngày nay.
Vào năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trả lại một phần hài cốt của Thánh Anrê cho Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp để cất giữ trong ngôi vương cung thánh đường được xây dựng trên nơi mà người ta tin rằng đó là phần mộ nguyên thủy của thánh tông đồ.
Vào năm 44, Thánh Giacôbê Tiền, anh của Thánh Gioan, đã tử đạo tại Giêrusalem – vị tông đồ đầu tiên đã hiến mạng sống mình vì đức tin Công giáo. Theo truyền thống, thân xác của ngài được di chuyển cách lạ lùng đến miền bắc Tây Ban Nha và được chôn cất trong một nghĩa trang Kitô giáo (người Tây Ban Nha tin rằng trong những chuyến đi truyền giáo của Thánh Giacôbê quanh vùng Địa Trung Hải, thánh nhân đã rao giảng tin mừng tại Tây Ban Nha).
Một truyền thuyết dân gian cho rằng hài cốt của thánh tông đồ nằm ở đấy, bị lãng quên mãi cho đến năm 814, một vị ẩn tu tên là Pelayo đã đi theo ánh sao ra ngoài một bãi đất trống và khám phá ra hài cốt của thánh tông đồ. Ngày nay, hài cốt được lưu giữ tại Nhà thờ chính tòa Thánh Giacôbê ở Santiago de Compostela. Thật thú vị khi các nhà khảo cổ đã khám phá ra một nghĩa trang Kitô giáo của thế kỷ thứ I ở bên dưới nhà thờ này.
Thánh Giacôbê Hậu là giám mục đầu tiên của Giêrusalem và chịu tử đạo ở đó: ngài bị ném từ mái Đền Thờ xuống, nhưng vì vẫn còn sống nên đã bị đánh đập và ném đá cho đến chết. Theo truyền thống, Giacôbê được chôn cất trên núi Cây Dầu, nhìn về phía thành Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ VI, Hoàng đế Justinian II chuyển hài cốt của ngài về Constantinople. Vào một thời điểm nào đó, một phần hay toàn bộ hài cốt của Thánh Giacôbê được đưa về Nhà thờ 12 Thánh Tông Đồ ở Rôma, nơi có di tích của vị tông đồ bạn là Thánh Philipphê.
Philípphê
Tháng Bảy 2011, các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ công bố rằng họ đã khám phá ra nơi mà họ tin rằng là ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Philípphê. Một chiếc quách đá của người Rôma vào thế kỷ thứ I đã được tìm thấy trong di tích của ngôi nhà thờ có vào thế kỷ thứ IV hoặc V được cung hiến cho vị tông đồ này. Theo một truyền thống ghi lại trong tài liệu có vào thế kỷ V được biết dưới tên gọi Công vụ Thánh Philípphê, ngài bị bắt tại Hieropolis vào năm 80, bị đóng đinh vào chân treo ngược đầu lên một thân cây và cuối cùng bị chặt đầu.
Mộ của Thánh Philípphê trở thành điểm đến cho khách hành hương Kitô hữu, và các nhà khảo cổ còn tìm thấy một tấm bảng chỉ đường đếnMartyrium, hay đền thờ của thánh tử đạo. Ngôi đền thờ này bị phá hủy bởi một trận động đất dữ dội và hỏa hoạn vào thế kỷ thứ VII, sau đó thánh tích của Philípphê được đưa về Constantinople, và từ đó đến Rôma và được giữ tại Nhà thờ 12 Thánh Tông Đồ cùng với thánh tích của Thánh Giacôbê Hậu. Di cốt của Thánh Philípphê và Giacôbê vẫn còn được tôn kính tại hầm mộ của Nhà thờ 12 Thánh Tông Đồ tại Rôma.
Tôma, Bartôlômêô, Matthêô, Simon và Giuđa, Matthia
Một truyền thống cổ xưa nói rằng Thánh Tôma đã đi xa hơn bất kỳ tông đồ nào khác, ngài giảng đạo ở Ấn Độ và chịu tử đạo ở đấy vì bị một tu sĩ Ấn giáo phóng lao xuyên qua người. Ngày nay, một phần hài cốt của Thánh Tôma được tôn kính tại Vương cung thánh đường Thánh Tôma ở Chennai, Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn thánh tích của Thánh Tôma được chuyển đến Edessa ở Mesopotamia. Vào năm 1258, những thánh tích này lại được đưa về Ortona, nước Ý, được giữ trong chiếc tráp bằng vàng nằm bên trong bàn thờ bằng cẩm thạch trắng tại Vương cung thánh đường Thánh Tôma Tông Đồ.
Người ta nói rằng sau lễ Hiện Xuống, Thánh Bartôlômêô (cũng được gọi là Nathaniel) đã đem Kitô giáo đến đất nước Armenia, nơi ngài tử đạo bằng cách bị lột da sống. Năm 809, thánh tích của Thánh Bartôlômêô được đưa khỏi mộ ở Armenia đến Lipari và rồi vào năm 838 được đưa đến Benevento ở miền bắc Ý. Năm 983, Hoàng đế Roma là Otto III đã dựng ở Rôma một ngôi nhà thờ trên đảo nhỏ nằm trên sông Tiber; ông cung hiến nhà thờ cho Thánh Bartôlômêô và lưu giữ thánh tích của ngài ở đấy. Như vậy, cả Rôma và Benevento đều là những đền thờ chính của Thánh Bartôlômêô.
Người thu thuế trở thành tác giả tin mừng Matthêô được cho là đi giảng đạo tại Ethiopia, nơi nggài tử đạo khi đang dâng Thánh Lễ. Năm 954, thánh tích của Thánh Matthêô được chuyển từ mộ của ngài ở Ethiopia đến thành phố Salerno, nước Ý. Ngày nay, thánh tích vẫn được tôn kính tại hầm mộ Nhà thờ chính tòa Thánh Matthêô của Salerno.
Mỗi năm, hành triệu du khách đến thăm viếng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và đi ngang qua bàn thờ lưu giữ thánh tích của Thánh Giuđa và Thánh Simon. Truyền thống cho rằng cả hai tông đồ này cùng nhau giảng đạo Persia, và chịu tử đạo ở đó: Giuđa bị đánh bằng gậy cho đến chết, và Simon bị cưa làm hai. Không rõ thánh tích của họ được chuyển đến Rôma khi nào.
11 tông đồ đã chọn Thánh Matthia để thay thế cho Giuđa bội phản. Người ta nói rằng vào năm 326, Thánh nữ hoàng Helena đã tìm thấy ngôi mộ của Thánh Matthia ở Giêrusalem và chuyển thánh tích của ngài đến cho các Kitô hữu ở Trier, Đức Quốc, và được tôn kính ở đó cho đến ngày nay.
Chúng ta phải dựa vào truyền thống truyền khẩu hơn là các dữ kiện được tài liệu hóa để biết về nơi chôn cất của các tông đồ. Điều này có thể hiểu được bởi vì: dù cho các tông đồ rất lừng danh đối với chúng ta, nhưng ở thời kỳ xa xưa ấy của các ngài, các ngài chỉ là những người nghèo khổ, không tiếng tăm, phần lớn đều bị nhà cầm quyền xem là những kẻ gây rối nếu không phải là tội phạm. Vì thế, thật là thú vị khi các nhà khảo cổ có thể làm sáng tỏ nơi an nghỉ hiện thời của một vị tông đồ nào đấy, như trường hợp của các Thánh Phêrô, Phaolô, Gioan và Philípphê.
Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, Roma
Nhà thờ chính tòa Thánh Anrê, Amalfi, Italia
Nhà thờ chính tòa Thánh Giacôbê ở Santiago de Compostela, Tây Ban Nha
Vương cung thánh đường 12 Thánh Tông Đồ, Roma
Vương cung thánh đường Thánh Tôma ở Chennai, Ấn Độ
Vương cung thánh đường Thánh Tôma, Ortona, Italia
Nhà thờ chính tòa Thánh Matthêô, Palerno, Italia
Vương cung thánh đường Thánh Bartôlômêô, trên sông Tiber, Italia
Vương cung thánh đường Thánh Matthia, Trier, Đức Quốc
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập61
Máy chủ tìm kiếm1
Khách viếng thăm60
Hôm nay4,592
Tháng hiện tại193,128
Tổng lượt truy cập15,480,018
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.