THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Niềm Vui Giao Hòa - Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay C

Thứ bảy - 30/03/2019 19:00
Giao hòa là trở về đời sống tự do của con cái Chúa để rồi vững tin cho mình và vững tin cho anh chị em, cho dù tất cả đều sống trong tội lỗi nhưng tình yêu Thiên Chúa dư đủ để cứu độ tất cả.
Niềm Vui Giao Hòa - Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay C
SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C

NIỀM VUI GIAO HÒA
 


Gs 5,9a.10-12 ; 2 Cr 5,17-21 ; Lc 15,1-3.11-32
 

Tuần trước Phụng vụ lời Chúa là mời gọi cấp thiết phải hoán cải cuộc sống thì tuần này phụng vụ Lời Chúa lại là lời mời gọi phải giao hòa với Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha nhân lành luôn sẵn sàng chờ đón người con hoang đàng trở về. Luôn tha thứ và phục hồi mọi phẩm gía và quyền lợi cho đứa con hư trở về. Trở về giao hòa với Thiên Chúa là trở về trong vòng tay ấu yếm của Người để nghe được Người nói với chúng ta : Đây là con của Ta.

I. Tìm hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I : Gs 5, 9-12

 
Lễ Vượt Qua Đầu Tiên Tại Đất Thánh

Những Người Do Thái đã đến được miền Đất Hứa. Thời gian dài qua sa mạc đã kết thúc. Lần đầu tiên họ cử hành lễ Vượt Qua trong niềm vui sướng hoan hỉ.

Dưới sự hướng dẫn của Giôsuê, người kế vị Môsê, dân Do Thái đã vượt qua Giođan và tiến vào Canaan, tên cũ của Palestina.

Dân chúng mừng lễ vượt qua để tạ ơn Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ Ai Cập và dẫn đưa họ vào miền đất phì nhiêu. Cuộc sống của họ giờ đây đã được bảo đảm và có hòa bình.

Với Kitô hữu, lễ Vượt Qua hay Phục Sinh luôn mang tính hiện tại. Đây không phải là chuyện đã qua bây giờ ngồi nhớ lại, nhưng với ân sủng bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận, Kitô hữu thực sự đã được giải phóng khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và đi vào Nước Trời, miền Đất Hứa trong tư cách con cái Chúa, để từ đây luôn sống trong hoan lạc và hạnh phúc.

2. Bài đọc II : 2 Cr 5, 17-21

 
Giao Hoà Với Thiên Chúa

Trong đoạn trích thư thứ hai gửi Tín hữu Corintô này, Thánh Phaolô minh chứng sự tốt lành khôn cùng của Thiên Chúa đã muốn giao hòa nhân loại với Người bằng việc hiến dâng chính người Con Một của mình. Đây là sứ điệp của niềm vui, nhân loại được Chúa yêu thương giao hòa, tha thứ và quên đi mọi tội lỗi.

Đúng ra Thiên Chúa không phải giao hòa với thế gian, chính thế gian, chính con người mới phải giao hòa với Thiên Chúa vì con người bội phản lại Ngài. Nhưng với lòng thương xót vô bờ bến, Thiên Chúa đã chấp nhận chủ động giao hòa với nhân loại.

Để thực hiện việc giao hòa này Thiên Chúa đã cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu, Đấng không hề biết tội đến liên đới với tội lỗi nhân loại bằng việc hiến dâng chính mình trên thập giá để cứu chuộc và đền thay tội lỗi nhân loại, làm cho con người được nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Sứ mạng giao hòa này, Đức Giêsu Kitô đã trao phó cho Giáo Hội của Người, cho các vị lãnh đạo, các linh mục, nhưng cũng cho tất cả mọi Kitô hữu. Chúng ta những Kitô hữu hôm nay phải biết quan tâm lo lắng làm sao để anh chị em chung quang cũng được ôm ấp trong lòng thương xót của Thiên Chúa, cùng với mình được giao hòa với Thiên Chúa.

3. Tin mừng : Lc 15, 1-32

 
Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu

Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy ngay trong sự khốn khổ của kẻ tội nhân xuất hiện khuân mặt từ ái của Thiên Chúa : Ngài là một Người Cha giàu lòng thương xót, chỉ biết đón nhận và tha thứ.

Trả lời cho những định kiến sai lầm của những người Biệt phái, Chúa Giêsu trình bày một dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót, đặc biệt lòng thương xót của người cha dành cho đứa con hoang đàng.

Vượt trên sự phản bội và vô ý thức của người tội lỗi, Thiên Chúa cho thấy lòng thương xót đáng kinh ngạc của Người. Luôn luôn sẵn lòng tha thứ tất cả và còn hơn nữa làm cho tọi nhân có cơ hội quay trở lại và nên công chính.

Lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn ưu ái dành cho mỗi người chúng ta. Kitô hữu có biết đón nhận lòng thương xót của Chúa để trở về khi lỗi lầm hay không? Và đồng thời có biết hiệp thông với Chúa với Giáo Hội trong niềm vui khi một người anh em biết quay trở về với bàn tiệc gia đình Thiên Chúa không? Mỗi người có biết tha thứ và trở nên những thừa tác viên của sứ mạng giao hòa không?

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Giao hòa là chân nhận Thiên Chúa là Cha nhân lành : Không biết khi đòi chia gia tài người con thứ ngoài việc thấy cha mình là người giàu có, thương con chiều con có nhận thấy cha mình là người cha thực sự nhân hậu, giàu lòng tha thứ hay không? Nhưng khi anh hết tiền, bị đói thì anh nhớ đến cha, đến sự đối đãi tử tế mà cha anh dành cho những người đầy tớ. Nên anh quyết định về nhà, anh không dám mơ đến việc cha anh sẽ tha thứ cho anh, mà chỉ mong sao được làm đấy tớ trong nhà thôi vì như thế sẽ không còn bị đói nữa. Nhưng chuyện kỳ diệu đã đến với anh! Người cha vẫn luôn mong ngóng anh trở về, không chỉ tha thứ mà còn phục hồi lại phẩm ghía người con cho anh. Với người cha anh như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Tình yêu thương, lòng tha thứ đã bật lên thành niềm vui sướng nơi người cha. Ông là một người cha đầy lòng nhân hậu. Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận biết được Thiên Chúa là Người Cha Nhân Lành. Thiên Chúa là Cha Nhân Lành khi chủ động giao hòa cùng con cái tội lỗi; Người là Cha Nhân Lành khi sẵn lòng tha thứ và làm cho con cái nên công chính hơn. Giao hòa không dừng lại ở việc xin lỗi, sợ bị Thiên Chúa giáng phạt mà giao hòa là phải nhận ra Thiên Chúa quả thực là người Cha Nhân lành hay tha thứ, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung.

2. Giao hòa là biết đón nhận anh chị em : Trong khi người cha vui sướng vì người con hoang đàng trở về thì người anh lại tỏ ra bất bình giận dữ trước niềm vui của cha. Anh không chấp nhận tha thứ và vui đón người em trở về. Anh trở nên so bì với người em, ganh tức với em và oán trách cả cha mình. Quả thật theo tâm lý thường tình thì đa số mọi người sẽ có phản ứng như người anh cả. Tâm lý này thường tình đến độ tất cả đều cho phản ứng ấy là đúng. Có tội thì bị phạt, làm sai thì bị mắng, phung phá thì bị cúp viện trợ là lẽ tất nhiên. Không ai chê trách gì người anh và cũng chẳng ai oán trách người cha nếu như ông từ chối đón nhận đứa con hoang đàng. Thận chí sẽ có người chê ông xử sự như vậy là ngu dại, là làm cớ cho con cái coi thường. Ở đây mới thấy đựơc tình Chúa bao la biết bao. Dụ ngôn này đã giúp khám phá chân dung tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Và tình yêu ấy cũng đòi buộc mọi người phải biết yêu như Ngài. Ngài đã chủ động giao hòa để mọi người chúng ta cũng chủ động giao hòa với những anh chị em xúc phạm đến chúng ta. Không thể coi người anh là người thảo hiếu nếu chỉ biết răm rắp tuân hành ý cha mình mà không biết chia sẻ tình yêu với cha, không biết thương mến tha thứ cho em mình.

Dụ ngôn nhắc nhở Kitô hữu rằng giao hòa không phải chỉ là thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa mà còn là việc cùng với Ngài giao hòa với anh em của mình nhất là khi họ là những tội nhân. Làm sao là con cái Chúa là Cha Nhân Lành khi mà chúng ta khinh thường anh chị em mình, tránh xa những người đang ngụp lặn trong tội lỗi. Nói như Thánh phaolô, chính Kitô hữu được Thiên Chúa trao phó sứ mạng giao hòa; được Thiên Chúa đặt trên môi miệng lời giao hòa. Vì thế, giao hòa là phải biết đón nhận anh chị em mình.

3. Giao hòa là trở về đời sống tự do của con cái Chúa : Dụ ngôn người cha nhân hậu cho chúng ta khám phá ra tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đặc biệt là người tội lỗi. Dù muốn hay không thì tình trạng tội lỗi luôn đẩy con người vào trong thảm trạng của kiếp nô lệ, nô lệ cho dục vọng tội lỗi, nô lệ cho ma quỉ và kết cục là phải chết. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa thậtt lớn lao biết bao khi Ngài đã sai Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ, để giải phóng. Tình yêu của Thiên Chúa đựơc thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Người đã hết lòng chăm lo cho tội nhân, tìm kiếm và mới gọi người tội lỗi trở về. Hơn tất cả Người đã hy sinh mạng sống Người để đền thay tội lỗi nhân loại. Khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta tràn đầy tin tưởng để rồi quyết tâm quay trở về giao hòa với Thiên Chúa. Chúng ta biết rõ thân phậntội lỗi của mình, biết rõ tình trạng nô lệ của bản thân và khao khát đựơc tự do như thế nào. Nhưng chúng ta không bi quan thất vọng vì Thiên Chúa không chê bỏ chúng ta nhưng trái lại còn yêu thương hơn bao giờ hết. Tình yêu ấy thúc bách chúng ta trở về với Ngài, tình yêu ấy giải phóng chúng ta và đưa vào tình trạng tự do của con cái Chúa. Người con hoang đàng trở về chỉ mong được làm gia nhân cho cha để có cái ăn, nghĩa là cách nào đó vẫn thiếu tự do, nhưng người cha đã tha thứ tất cả, đã phục hồi tư cách phẩm giá người con cho anh. Mỗi tội nhân chúng ta cũng vậy đựơc Chúa Cha yêu thương tha thứ qua sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng thực sự trở nên con cái dấu yêu của Chúa Cha, đồng thừa tự với Người.

Giao hòa là trở về đời sống tự do của con cái Chúa để rồi vững tin cho mình và vững tin cho anh chị em, cho dù tất cả đều sống trong tội lỗi nhưng tình yêu Thiên Chúa dư đủ để cứu độ tất cả.

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn yêu thương tha thứ và đón nhận con cái lầm lạc trở về với mình. Tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài chúng ta cùng dầng lời cầu nguyện.

1. Giáo Hội qua các vị chủ chăn được Chúa Giêsu Kitô uỷ thác sứ mạng giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Các Đức Giám mục và các linh mục của chúng ta luôn mang lấy tình yêu mục tử của Chúa Giêsu Kitô để chu toàn sứ mạng hoà giải tội nhân của mình.

2. Trên thế giới ngày nay vẫn còn biết bao đau thương, di họa của chiến tranh và lòng hận thù. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc, các Quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh biết ngồi lại với nhau, hoà giải với nhau để mọi người được vui hưởng nền hòa bình thực sự.

3. Mỗi người chúng ta cách này cách khác đều là những tội nhân, những người con hoang đàng trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết yêu mến bí tích Giao hòa, để thành tâm sám hối trở về với Chúa.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là Cha Nhận hậu, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương tha thứ và chờ đợi chúng con từ bỏ tội lỗi và con đường lầm lạc để trở về với Chúa. Xin gia tăng đức tin, lòng cậy trông và lòng mến Chúa nơi chúng con để chúng con thực sự biết hồi tâm quay trở về nên những người con chí ái của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay26,334
  • Tháng hiện tại269,637
  • Tổng lượt truy cập13,554,011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây