Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ bảy - 16/03/2019 19:00
Tin mừng Lc 9: 28-36: Với trang Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, trong lúc Ngài biến hình thì các ông có lẽ đang ngủ và câu chuyện hình như xảy ra vào ban đêm. Đêm thường là biểu tượng của sự tối tăm khiến chúng ta không còn nhận ra cách trực tiếp những thực tại siêu nhiên.
Với trang Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, trong lúc Ngài biến hình thì các ông có lẽ đang ngủ và câu chuyện hình như xảy ra vào ban đêm. Đêm thường là biểu tượng của sự tối tăm khiến chúng ta không còn nhận ra cách trực tiếp những thực tại siêu nhiên.
Rồi các môn đệ bắt gặp Ngài nói chuyện với Môsê và Elia. Sự hiện diện của hai vị này cũng như câu chuyện trao đổi liên kết một cách mầu nhiệm trong thân phận con người và vinh quang của cuộc đời mai hậu. Điều này chứng tỏ rằng giữa những đau khổ ở đời này, con người sẽ được sống lại và được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
Khi Phêrô đang nói thì có đám mây che các Ngài, và có tiếng từ trời: “đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”. Thiên Chúa muốn con người vâng nghe Đức Giêsu. Thiên Chúa không muốn Con Ngài và những người theo Con Ngài ở hoài trên núi; Ngài muốn họ xuống núi để sống cuộc sống bình thường của họ giữa con người thời đại mình. Giây phút biến hình không biết kéo dài khoảng bao nhiêu phút, nhưng thất bại và thập giá còn hoài trong suốt cuộc sống của Đức Giêsu và các tông đồ, kể cả khi Đức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.
Sau đó tầng trời mở ra và có tiếng nói: Này là con Ta. Cảnh tượng giống như lúc Ngài chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Vì thế, Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là Chúa Giêsu biến hình. Ngài là người đầy tớ thực hiện ý định của Chúa Cha, cho nên chúng ta phải tin tưởng, lắng nghe và thực thi những điều Ngài truyền dạy.
Biến cố Chúa Biến Hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường là Sự Thật là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Ngài.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng để nêu gương cho chúng ta, để chúng ta cũng biết biến đổi hình dạng như thế: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người ; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Với biến cố biến hình nay, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi từng ngày sống của mình không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng câu thánh Phaolô, ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài. Đồng thời ngài rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách khử trừ tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Trong thư gởi giáo đoàn Philipphê 3,17-4,1 thánh nhân khuyến khích mọi người bắt chước ngài và theo gương các anh chị em có lòng tin vững mạnh, sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Chúa. Thánh Phaolô không tự cho mình là người hoàn thiện, vì Ngài cũng đang phải chiến đấu với thân xác yếu hèn của chính mình, với mọi đam mê và chước cám dỗ như tất cả mọi Kitô hữu khác. Cũng như mọi người, ngài đang chạy đua với hết sức lực mình để đạt đích.
Thánh Phaolô cũng không khuyên nhủ tín hữu tôn thờ thần tượng một ai đó trong cộng đoàn. Bởi vì những người này cũng đang chạy đua và cố gắng như mọi người khác, chiến đấu với những thiếu sót bất toàn và tội lỗi của họ, và bởi vì vị thầy duy nhất đáng tôn thờ là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương duy nhất cần phải theo và Tin Mừng của Ngài là kim chỉ nam duy nhất có thể đảm bảo cho con thuyền cuộc đời của người tín hữu đến bến bình an. Khi khuyến khích tín hữu cộng đoàn Philipphê bắt chước mình, thánh Phaolô mời cố gắng chạy, cố gắng chiến đấu như ngài, luôn hướng tấm lòng về tới đích cuộc đời là Thiên Chúa, là hạnh phúc mai sau. Đừng để các thú vui mau qua của đời này níu kéo mà khiến cho họ quên đi mục đích tối hậu của cuộc sống là ơn gọi Kitô.
Nói cách khác, thánh nhân nhắc nhở cho chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là cuộc hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu, là quê trời nơi Thiên Chúa đang chờ đón để ban cho chúng ta cuộc sống thần thiêng vĩnh cửu. Do đó phải luôn biết ý thức và tỉnh thức, đừng để cho các thú vật chất hay bất cứ thứ gì trên đời này trói buộc và cầm chân chúng ta. Ngoài ra, thánh nhân cũng khuyến khích tín hữu cũng noi gương ngài không chạy theo các điều luật, các cấm đoán tỉ mỉ và các hình thức lễ nghi bề ngoài, mà chỉ lấy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm chỉ huy duy nhất và làm bánh lái sống lòng tin mà thôi.
Cuộc đời luôn có khó khăn, nhưng lại luôn mở ra những lối đi để chúng ta vượt qua. Khó khăn nào cũng sẽ qua đi. Sau bóng đêm là ánh bình minh. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm đi vào thử thách với niềm tín thác vào Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Thập giá là nhịp cầu đưa ta tới vinh quang Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã đi trước trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi qua thập giá để tiến vào vinh quang phục sinh. Chính Chúa vẫn đang chờ đợi để trao phần thưởng Nước Trời cho những ai trung tín theo Ngài.
Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang; được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình.
Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người Kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống mà chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập27
Hôm nay3,490
Tháng hiện tại53,304
Tổng lượt truy cập14,871,929
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.