THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật XXII Thường Niên C

Thứ bảy - 31/08/2019 18:00
Tin mừng Lc 14: 1.7-11: Tính háo danh luôn là một thách đố lớn đối với con người. Nó không xảy ra trong một giai đoạn của lịch sử nhân loại nhưng nó luôn hiện diện trong mọi nơi, mọi lúc...
Chúa Nhật XXII Thường Niên C

SUY NIỆM CHÚA NHẬT


CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C


NGÀY 01/09/2019

 


Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 14: 1.7-14)
 

1Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này: 8“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. 12Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. 

Suy niệm 

Tính háo danh luôn là một thách đố lớn đối với con người. Nó không xảy ra trong một giai đoạn của lịch sử nhân loại nhưng nó luôn hiện diện trong mọi nơi, mọi lúc. Ngay từ buổi đầu của sự hiện diện, con người đã để cho tính háo danh làm hỏng công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Adam, Eva vì muốn bằng Thiên Chúa nên đã giơ tay hái trái cấm, chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa, để rồi nhận lấy hậu quả khủng khiếp, đó là phải chịu cảnh khổ đau trầm luân và nhất là phải chết. 

Tính háo danh đó đặc biệt phát triển cách mạnh mẽ trong thời đại văn minh hôm nay, để rồi xã hội phải chứng kiến những màn dối trá lừa lọc. Chẳng hạn ở Việt Nam có rất nhiều cái nhất, như nhiều tiến sĩ nhất thế giới, nhưng lại là một đất nước nghèo. Cô giáo Trần Thị Lam đã chua xót về thói háo danh trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”: 

"Đất nước mình lạ quá phải không anh 

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ 

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ 

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...”
 

Tính háo danh đã làm cho con người trở nên trơ trẽn, và sẵn sãng đạp đổ người khác bằng đủ các phương tiện để đạt được cái danh cho mình. Bởi “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nên người ta sẵn sàng tìm mọi cách để kiếm cho được “miếng giữa làng”. Đó là nguyên nhân gây ra bao mối bất hoà, hận thù và ganh ghét. Bởi tính háo danh xuất phát từ tính cao ngạo, đề cao mình cách quá đáng và thường coi kinh người khác, để rồi không bao giờ biết lắng nghe. 

Và cũng vì háo danh mà bao nhiêu chuyện bất công xảy ra trong đời sống xã hội: không ít người giàu có, thích khoe khoang qua những bữa tiệc thịnh soạn, của ngon vật lạ được bầy ra đầy dẫy trên bàn tiệc, và khách mời của họ cũng là những người lắm bạc nhiều của. Một hố ngăn cách được dựng lên giữa người giàu và người nghèo tạo nên một bức tranh ảm đạm về thảm trạng của một thế giới đầy bất công. 

Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra lời mời gọi hãy kiến tạo một cuộc sống công bằng, yêu thương trong xã hội. Chúa đề nghị: “khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc”. Lời đề nghị này không chỉ là hành vi yêu thương, nhưng còn là sự công bằng - công bằng trong việc tôn trọng phẩm giá của những người nghèo, tuy họ không dư tiền thừa bạc, nhưng họ có đầy đủ phẩm giá của một con người, họ cũng cần được tôn trọng. Lời đề nghị của Chúa trước tiên như một chỉ dẫn để hoán cải trong mối tương giao với tha nhân, hoán cải để nhận ra đúng con người của mình, từ đó tránh được thói háo danh, tự hào. Lời đề nghị của Chúa cũng là một lời mời gọi người Ki-tô hữu chúng ta phải đưa ra những sáng kiến phục vụ cho người nghèo. Sáng kiến phục vụ nhằm khẳng định: thế giới này là mái nhà chung của mọi người, và tất cả đều có quyền dự phần vào những gì thuộc về của mình. 

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết tôn trọng phẩm giá của từng người, vì tất cả đều là công trình do tay Chúa tạo thành. Xin dạy chúng con biết mở rộng con tim để sẵn sàng đón nhận những người nghèo khó, những người đang cần sự trợ giúp của chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay34,412
  • Tháng hiện tại307,162
  • Tổng lượt truy cập13,591,536
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây