Ngay từ thời Chúa Giêsu, người ta đã sống thực dụng, sa sút về luân lý. Chúa Giêsu chào thua những người cứng lòng tin, luôn đòi những dấu lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ; đồng thời, còn để thoả mãn chính cái tôi vị kỷ của mình. Chúa Giêsu đối diện với những con người như thế, Ngài đành chấp nhận nói sự thật, dù họ không muốn nghe. Chúa Giêsu luôn quảng đại với họ, dù họ thờ ơ với sự sống đời đời Chúa thông ban.
Chính vì không bỏ qua được tính tự cao, tự đại nên dân Do Thái bị tụt hậu về niềm tin. Chúa Giêsu cố trích dẫn những sứ điệp niềm tin, sự sám hối và canh tân do các ngôn sứ tuyên báo cho họ, theo một chương trình cứu độ được thực hiện bởi Chúa Cha. Chúa Giêsu sẽ hoàn tất hành trình này bằng cái chết trên thập giá, sau đó, Ngài sống lại và lên trời. Dân Chúa được mời gọi học lấy sự khiêm nhường và hiền lành, để vượt qua chính những rào cản truyền thống niềm tin, đạo đức và lề luật để đón nhận hồng ân cứu độ Chúa Giêsu Kitô mang đến.
Sự thông thái của người Do Thái chẳng giúp họ thoát khỏi cảnh luôn bị áp bức và thống trị của các đế quốc. Thay vì, dùng sự khôn ngoan đó để tìm kiếm chân lý đức tin, chân lý cứu độ họ lại chỉ biết tập chú vào phép lạ, dấu lạ và lấy kinh nghiệm của cha ông ứng dụng cho việc hiểu biết Thiên Chúa. Chính vì thế, họ luôn giới hạn và không thể vượt qua chính mình, để hướng đến một trời mới, đất mới do Chúa Giêsu thiết lập.
Ước chi, mỗi Kitô hữu luôn khôn ngoan, sáng suốt lắng nghe và thực hành lời Chúa, để có khả năng đón nhận hồng ân cứu độ Chúa ban. Cũng ước chi, từng Kitô hữu khôn ngoan hơn trong việc nhìn ngắm các dấu lạ, để không bị cuốn hút vào mê tín dị đoan và ảo tưởng về niềm tin của mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn