Kính thưa cộng đoàn.
Nếu nói cuộc đời Đức Mẹ là một cuốn Tin Mừng rút gọn thì có phần “hơi lố”. Nhưng nếu nói: cuộc đời Mẹ Maria là họa ảnh tuyệt vời của sứ điệp Tin Mừng thì chính xác hơn. Bởi vì không có thụ tạo nào hay con người trần thế nào có thể sánh ví như Mẹ trong việc sống lời Chúa. Mẹ là Mẹ của Ngôi Lời TC nên sứ mạng đầu tiên của Mẹ không phải là sinh hạ Chúa Con nhưng là sống và suy niệm lời Chúa. Mẹ là “Nữ Vương các Thánh Tông Đồ” nên Mẹ là vị sứ giả đầu tiên “cưu mang” lời Chúa trong lòng, làm cho lời Chúa lớn lên cùng với các nhân đức và loan báo Tin Mừng bằng cả cuộc đời của Mẹ. Nhờ sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ được diễm phúc “vô nhiễm nguyên tội”. Nhờ công sinh thành, dưỡng dục Con Chúa trong suốt 30 năm sống ẩn dật, Mẹ xứng đáng là “Mẹ Thiên Chúa”. Vì cuộc sống trong sạch, không vươn tội lỗi, Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ “trọn đời đồng trinh”. Và hôm nay, nhờ TC Ngôi Hai chịu chết để ban ơn cứu độ cho nhân loại và đã về trời vinh hiển, Mẹ được tưởng thưởng “lên trời cả hồn lẫn xác”. Quả thật, cuộc đời của Mẹ Maria là mẫu gương sống lời Chúa tuyệt hảo.
Hôm nay, nhân ngày lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, chúng ta cùng nhau đọc lại cuộc đời Mẹ Maria trong Tin Mừng theo Thánh Luca, cùng các bài đọc của sách Khải Huyền và thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô, để hiểu hơn về “con người của lời Chúa” trong Mẹ Maria.
Mẹ Maria trong biến cố “thăm viếng bà Êlisabét” của Tin Mừng Thứ Ba nổi bật vài trò của một sứ giả. Sau khi đón nhận hồng ân là Đấng Cứu Thế trong cung lòng mình, sau khi biết tin người chị họ mang thai trong lúc tuổi già, Mẹ “chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi” (Lc 1,39). Hành động chỗi dậy là thái độ dứt khoát để đón nhận cái mới. Mẹ được diễm phúc là người đầu tiên đón lấy Tin Mừng cứu độ. Giống như một que diêm đang cháy và mồi lửa cho một que diêm khác không làm nó mất đi độ sáng hay ánh lửa nhưng nhân đôi nó lên. Mẹ Maria vui mừng vì hồng phúc của Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ. Mẹ không dành riêng cho mình nhưng là “lên đường”, mang niềm vui cho người khác. Vì niềm vui chia sẻ là niềm vui nhân đôi. Mẹ mang Tin Mừng và mang chính Đấng Cứu Thế cho người khác.
Giữa đêm đen của trần gian tội lỗi, không có thứ ánh sáng nào đủ mạnh và niềm vui nào dâng trào cho bằng tin vui của người cưu mang Con Thiên Chúa. Nhờ ánh sáng và niềm vui của Mẹ, bà Êlisabét đã nhận thấy hồng ân cứu thế của Thiên Chúa dành cho bà nên cất tiếng ngợi khen: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tội được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,42-45). Bà Êlisabét là người có phúc vì là người đầu tiên được Mẹ Thiên Chúa và Ngôi Lời đến viếng thăm. Còn cái phúc thật sự nơi Mẹ Maria không phải chỉ là đón nhận Chúa Cứu Thế vào cung lòng mình nhưng là “tin vào lời Chúa phán”. Biến cố Truyền tin là cuộc trao đổi đức tin giữa Thiên Chúa cao cả với niềm tin đáp trả của con người bé mọn là Mẹ Maria. Mẹ tin Chúa qua lời Sứ thần, Mẹ tin chương trình kì diệu của TC trên nhân loại. Mẹ tin và chấp nhận dâng hiến cả con người Mẹ cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, cho dù hiện tại và tương lai, Mẹ sẽ phải đối diện với biết bao khó khăn và thử thách. Mẹ hy sinh tất cả chỉ để Tin Mừng được gieo vào thế gian và phát triển thành cây to lớn và sinh hoa kết quả dồi dào. Mẹ là người có phúc vì đã tin vào lời Chúa.
Ý thức thân phận mỏng dòn, yếu đuối nhưng Chúa lại tuyển chọn Mẹ, Mẹ chỉ biết đáp lại bằng đức tin thành kính của mình. Bài ca Magnificat nói lên tất cả tâm tư của Mẹ. Mẹ ca tụng Chúa vì công trình huyền nhiệm Chúa đang thực hiện nơi Mẹ. “Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Người kính sợ Chúa là người chú tâm lắng nghe lời Chúa và biến lời Chúa thành hành động cụ thể. Không ai khác, người kính sợ Chúa chính là Mẹ Maria. Mẹ không chỉ chuyên tâm suy niệm lời Chúa trong lòng mà còn sống Tin Mừng bằng cung cách, thái độ và mọi hành xử của Mẹ. Vì vậy, Mẹ mới được TC thương xót và ban ơn cứu độ đầu tiên qua người Con yêu dấu của Mẹ.
Quả thật, chỉ với một đoạn ngắn trong Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay, chúng ta học được nơi mẫu gương của Mẹ Maria: một người nữ của lòng tin mạnh mẽ, có lòng kính sợ Chúa, biết lắng nghe, suy niệm lời Chúa và ra đi tung gieo Tin Mừng cứu rỗi cho muôn người. Với tất cả các nhân đức đó, hôm nay, Mẹ được Thiên Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác là điều hợp lý và chính đáng. Hình ảnh Mẹ lên trời được tác giả sách Khải Huyền vẽ lên thật đẹp qua điềm lạ trên trời: “Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Bà đang mang thai và chuyển dạ. Thế nhưng, nỗi đau của Bà không phải là sự đau đớn của việc sinh con nhưng là đối diện với con rồng hung dữ đang chờ chực cướp đi người Con của Bà. Nhiệm vụ của Bà là sinh con và Người Con của Bà sẽ thống trị muôn dân bằng quyền năng riêng của Người mà con rồng hung ác không thể làm gì được. Sau khi hoàn tác mọi sự, Bà được Thiên Chúa dành sẵn cho một nơi tương xứng, an toàn để tưởng thưởng cho công sức của Bà. Quả thật, Mẹ Maria, Mẹ Chúa Con, đã cống hiến tất cả những gì Mẹ có cho công trình cứu thế của Thiên Chúa. Mẹ đã phải đối diện với thế gian hung ác đã tìm giết và đóng đinh Con của Mẹ vào thập giá với lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, cùng với lòng cậy trông vững vàng và đức mến nồng cháy. Để sau khi trải qua đời này, Mẹ được Chúa ban thưởng lên trời cả hồn lẫn xác.
Đây là tín điều Giáo Hội tuyên xưng về Mẹ. Đây là đặc ân Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ nhờ công nghiệp của CGS. Nhờ CGS từ cõi chết phục sinh và thăng thiên thế nào thì con người là hậu duệ của Người cũng sẽ được sống lại và lên trời thế ấy. Mẹ Maria là con người đầu tiên mang vinh dự lên trời cả hồn lẫn xác nhờ đã thông công cùng Con của Mẹ. CGS đã chiến thắng tội lỗi và thần chết thế nào thì CGS cũng ban cho nhân loại, đặc biệt cho Mẹ của Người quyền năng trên sự dữ như thế. Vì nhờ CGS, Mẹ Maria và toàn thể nhân loại đã được giải thoát khỏi ma quỷ và mọi ràng buộc của nó. Để từ đây, toàn thể loài người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Mẹ đã thuộc về Chúa. Còn chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống mầu nhiệm Nước Trời ngay trong cuộc sống hiện tại như Mẹ Maria đã lên trời vậy.
Kính thưa cộng đoàn. Chúa Giêsu đã mở cửa Nước Trời, đón Mẹ Maria về Thiên đàng thế nào thì Người cũng mời gọi chúng ta về với Người như thế. Noi gương Mẹ Maria, mọi người Kitô hữu hôm nay hãy sống đức tin của mình một cách sống động, qua việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm lời Chúa, cùng làm dậy men Tin Mừng qua suy tưởng, lời nói và việc làm hằng ngày của mình. Để nhờ noi gương Mẹ, chúng ta thật sự họa lại sứ điệp Tin Mừng giống như Mẹ, để hòa làm một với Chúa Giêsu, hướng lòng về thực tại Nước Trời ngay trên trần thế này. Ngõ hầu, sau khi trải qua đời tạm này, chúng ta cũng sẽ được Chúa cho vào thiên đàng, hưởng phước đời đời bên cạnh Chúa và Mẹ Maria của chúng ta. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Quốc Cường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn