THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên

Thứ tư - 16/08/2017 18:57
Tin mừng Mt 18: 21-19: : Ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18, 21) hàm nghĩa sự viên mãn, tròn đầy....
Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 18: 21-19: 1)

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu chuyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình". Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Suy niệm

Tiếp nối sự tế nhị mà Chúa hướng dẫn chúng ta về việc sửa lỗi cho nhau, hôm nay Chúa Giêsu lại bày cho chúng ta cách học biết tha thứ cho nhau qua lời Chúa dạy ông Phêrô phải tha thứ cho người khác “đến bảy mươi lần bảy” (Mt 19,1).

Trước hết, trong văn hóa Do Thái, con số 7 tượng trưng cho sự thành toàn, hoàn hảo nên kiểu nói 70 lần 7 trong bối cảnh ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18, 21) hàm nghĩa sự viên mãn, tròn đầy. Do đó, khi Chúa Giêsu khuyên môn đệ Phêrô khi xưa và mỗi người chúng ta hôm nay hãy tha thứ “bảy mươi lần bảy”, tức là luôn luôn và tất cả, tha thứ hoài, tha thứ không tính toán, tha thứ không điều kiện, giới hạn hay biên độ. Nói chung sự tha thứ là vô bến vô bờ, vô biên.

Trong khi đó, đối với người Việt chúng ta hay quan niệm và nhắc nhau kinh nghiệm sống ở đời: "sự bất quá tam", ý muốn nói phàm ở đời, việc gì cũng không nên quá nhiều lần. Nhiều lắm là 3 lần trở lại. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha ba lần, nếu vẫn còn tái phạm, thì lần thứ tư phải trách phạt. Thất bại trong công việc gì, lần thứ tư phải cố mà thành công. Đã ba lần chết vợ, không nên tục huyền nữa...

So với chúng ta, ông Phêrô sẵn lòng tha thứ cho anh em khi họ xúc phạm ông đến 7 lần, nếu tính ra ông Phêrô đã ứng xử rộng lượng và quảng đại trong tha thứ cho người khác hơn gấp đôi lối suy nghĩ ứng xử của chúng ta. Thế nhưng, sự tha thứ theo lối nghĩ của Phêrô không còn có thể mang so sánh với sự tha thứ mà Chúa mời gọi người môn đệ của Chúa dành cho nhau. Tha thứ “đến bảy mươi lần bảy” không còn dừng lại nhớ xem là tha thứ đến lần thứ bao nhiêu, mà là luôn luôn tha thứ, không còn nhớ và kể những lần tha thứ trước nữa.

Trong cuộc sống hằng ngày, là Kitô hữu, chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi sống yêu thương tha thứ. Bởi tình yêu thương và sự tha thứ không thể tách rời nhau được, nên sự tha thứ không chỉ giải thoát cho người được tha thứ mà còn làm tăng trưởng đời sống thuộc linh của người ra quyết định tha thứ. Vì thế, tha thứ không chỉ là cách chúng ta đem đến một cơ hội mới, một khởi đầu mới cho người đã phạm lỗi lầm với chúng ta, mà quan trọng hơn, đó chính là cách để chúng ta được giải phóng, tự do. Thật thế, chỉ khi quyết định tha thứ hoàn toàn, chúng ta mới có thể trở nên hoàn toàn tự do khỏi mọi sự buồn giận và thù oán. Đừng cầm giữ, hãy trao mọi gánh nặng của mình cho Chúa, và nhận lấy một đời sống tự do, tràn đầy vui mừng, bình an và sức sống từ nơi Chúa.

Như lời kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.  Sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đòi buộc chúng ta phải tha thứ cho người khác. Chân phước Maurice Tornay nhấn mạnh: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay22,948
  • Tháng hiện tại370,789
  • Tổng lượt truy cập13,655,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây