THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Xin Chúa Chữa Mù Cho Ta

Thứ bảy - 27/10/2018 23:37
Tin mừng Mc 10: 46-52: Qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh mù, chúng ta cũng còn thấy được quyết tâm và niềm tin vững mạnh của anh. Anh không muốn bất cứ sự gì ngăn cản anh trong việc đến với Chúa.
Xin Chúa Chữa Mù Cho Ta
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp anh mù ngồi bên vệ đường, ăn xin, sống nhờ lòng thương của con người. Nếu ai đã từng bị sống trong tăm tối hay quan sát người mù, sẽ thấy bị mù cực khổ như thế nào! Phải ăn xin cũng là một nỗi khổ, và hơn nữa phải tùy thuộc người khác trong nhiều lãnh vực: đi lại và những nhu cầu tối thiểu của con người. Không phải chỉ có bệnh mù về thể lý, nhưng còn có mù về thiêng liêng nữa. Mù thể lý ngăn cản người ta thấy những gì là vật chất, còn mù thiêng liêng ngăn cản người ta thấy sự thật. Mù làm khổ mình và khổ cả người khác nữa.

Tình trạng của anh hết sức tồi tệ: rách rưới bẩn thỉu, ngồi ăn xin bên vệ đường, nhưng dường như không ai quan tâm. Khi nghe biết Chúa Giêsu Nazareth đi ngang qua, anh đã kêu lên: Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi. Lời kêu xin này cho thấy con mắt đức tin của anh đã bắt đầu hé mở. Anh gọi Chúa Giêsu là con vua Đavít, tức là anh đã tin Ngài chính là Đấng các tổ phụ các tiên tri đã loan báo, là Đấng cứu thế. Đức tin của anh vừa hé mở thì đã bị bóng tối của những người chung quanh lấn lướt.

Anh đã kêu cầu Đức Giêsu với tước hiệu “con vua Đavít”, là tước hiệu được các ngôn sứ  loan báo và muôn dân mong đợi. Đây vừa là lời van xin, vừa là lời cầu nguyện với tâm tình tín thác cậy trông. Người mù thành Giêricô nài xin lòng thương xót của Chúa, vì anh chắc chắn Chúa Giêsu có quyền năng chữa lành và ban cho anh những điều anh đang mong đợi. Là một người ăn xin, hôm nay, khi gặp Chúa Giêsu, anh không cầu xin tiền bạc như mọi ngày, mà cầu xin được sáng mắt.

Những người đang hiện diện ở đó đòi người mù im lặng, nhưng anh ta lại càng la to hơn. Tại sao những người ở đó đòi anh mù im lặng? Có thể họ nghĩ tiếng kêu của anh mù vô ích, vì chẳng ích lợi gì? Chúa Giêsu làm gì có tiền mà bố thí cho anh mù! Và hơn nữa, làm sao Chúa Giêsu có thể chữa cho anh mù thấy được? Có lẽ không phải họ không thương anh mù cho bằng họ nghĩ Chúa Giêsu chẳng giúp gì được cho anh mù. Anh ta nên im đi thì tốt hơn.

Dù bị ngăn cản và phản đối, anh mù vẫn la, và càng la to hơn. Anh ta hy vọng tiếng kêu của anh ta tới tai Chúa Giêsu và được Ngài thương xót: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”. Anh ta là người tin vào Chúa Giêsu, chờ đợi và hy vọng nơi Đức Giêsu hơn bất cứ ai trong trường hợp này. Và tiếng kêu của anh ta đã lọt vào tai Chúa Giêsu, và Ngài đã bị “đáng động” bởi tiếng kêu này. Chúa Giêsu rung động trước nỗi khổ của con người.

Chúa Giêsu nói với anh : “Anh hãy đi. Lòng tin của anh đã cứu anh”. Như thế, lòng tin làm cho anh thấy được và bước đi, không phải chi thấy được mọi sự như những sự vật để thụ hưởng hay loại bỏ, nhưng như là quà tặng, là kỉ niệm nói lên sự hiện diện của ai đó, là ơn huệ của Thiên Chúa, là dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Lòng tin làm cho anh thấy được, không phải chỉ thấy được những con người ở vẻ bề ngoài và như đối tượng để thỏa mãn nhu cầu của lòng ham muốn, nhưng như là những ngôi vị tự do, như là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, là anh chị em của mình, có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng.

Và lòng tin làm cho anh thấy được, không phải chỉ thấy sự thật trần trụi ở bình diện hành vi, nhưng còn nhìn ra sự thật về ngôi vị, sự thật về một con người bất hạnh đang đau khổ. Bởi vì, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình.

Qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh mù, chúng ta cũng còn thấy được quyết tâm và niềm tin vững mạnh của anh. Anh không muốn bất cứ sự gì ngăn cản anh trong việc đến với Chúa. Khi Chúa Giêsu đứng lại và nói với người ta gọi anh mù đến. Phản ứng của anh mù ra sao? Chúng ta thấy phản ứng của anh rất rõ ràng và quyết liệt: “Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu.” Và khi nghe Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Anh mù đáp không một chút do dự và mạnh mẽ thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.” Tức khắc, anh nhìn thấy được, cũng như nhìn thấy con đường Chúa đang đi, và cũng từ lúc đó, anh quyết định đi theo con đường Chúa đi.

Con đường Chúa Giêsu đi là con đường sự thật và chân lý: Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Anh Bartimê đã bước theo con đường và giáo huấn của Ngài là bước theo sự thật và sống theo cách sống của Ngài, trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Con đường Chúa Giêsu đi là con đường lên Giêrusalem để hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa Cha muốn. Thiên Chúa muốn Ngài yêu thương tới cùng, phục vụ cho tới cùng và đón nhận thập giá với tình yêu mến và vâng phục Chúa Cha trọn vẹn, để quy tụ và đưa mọi người về với Thiên Chúa.

Thiên Chúa vẫn thương cảm trước nỗi khổ của con người. Ngày xưa dân Do Thái khi bị nô lệ cực khổ bên Aicập, họ đã kêu lên Thiên Chúa, và Ngài đã thương giải phóng họ khỏi Aicập. “Những ai vất vả và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11, 28): Chúa Giêsu cũng luôn thương cảm trước nỗi khổ của con người.

Thật thế, nhìn vào thực tại của cuộc đời, ta thấy rằng hầu hết chúng ta đều là những người mù đáng thương về mặt tâm linh. Vì vậy, chúng ta hãy khiêm tốn chạy đến với Chúa để người chữa trị. Người sẽ giúp chúng ta nhìn thấy chân lý toàn vẹn. Người sẽ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mọi người là anh em của ta. Người sẽ giúp ta nhận ra con đường tiến về nhà Cha trên Trời. Con đường đó là con đường Chúa Giêsu đã đi và đã tới đích. Và đó cũng là con đường hẹp, con đường ngược dốc, con đường thập giá nhưng là con đường dẫn đến sự sống vinh quang và vĩnh cửu. 

Noi gương anh Bartimê, xin Chúa mở mắt để mỗi người nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong cuộc đời. Thiên Chúa vẫn hiện diện và chờ đợi chúng ta mở cửa lòng để cho Ngài bước vào. Ngài vẫn kề bên mỗi người để giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn và giúp chúng ta thành công. Vì thế đừng bao giờ tỏ ra vô ơn trước ân huệ của Thiên Chúa.

Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay4,241
  • Tháng hiện tại192,777
  • Tổng lượt truy cập15,479,667
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây