Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ bảy - 27/10/2018 18:35
Tin mừng Mc 10: 46-52: khi Chúa Giêsu và đám đông dân chúng đi theo Ngài qua thành Giêricô tiến lên Giêrusalem. Một thế giới huyên náo, sinh động đang diễn ra trước mặt anh mù, nhưng anh vẫn ngồi đó, không thấy gì, ngoài những tiếng ồn ào vọng đến tai anh và cát bụi tung bay vào mặt anh.
Ngày 15 tháng 10 hằng năm được gọi là "ngày cây gậy trắng". "Cây gậy trắng" là dấu hiệu của người mù. "Cây gậy trắng" giúp người mù dò đường đi. "Ngày cây gậy trắng" hằng năm được lập ra để nhắc mọi người nhớ đến những người mù đang sống trong thế giới loài người, nhưng lại xa cách và chìm sâu trong một thế giới tăm tối, không ánh sáng, cô độc và ngừng trệ, không ai ngó ngàng tới…
Đó cũng là tình cảnh của anh mù có tên là Bartimê, ngồi ăn xin bên vệ đường, khi Chúa Giêsu và đám đông dân chúng đi theo Ngài qua thành Giêricô tiến lên Giêrusalem. Một thế giới huyên náo, sinh động đang diễn ra trước mặt anh mù, nhưng anh vẫn ngồi đó, không thấy gì, ngoài những tiếng ồn ào vọng đến tai anh và cát bụi tung bay vào mặt anh.
Nhưng cảnh tượng tương phản đó đã chấm dứt và bị đảo ngược nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Ngài đã dừng lại trước tiếng kêu thống thiết của anh mù. Ngài đã khơi lên một niềm tin kiên vững và sáng suốt nơi anh mù, đảo ngược vị trí giữa anh mù và đám đông kể cả các môn đệ đi theo Ngài. Thật vậy, đám đông chạy theo Ngài ồn ào bên ngoài, nhưng bên trong họ lại rất hờ hững, xa lạ với Chúa. Họ chỉ là những người nhập bọn chạy theo người khác. Thấy người ta đông đảo thì cũng hùa theo chứ không hiểu hiện tượng gì đang xảy ra và cũng chẳng cần quan tâm tìm hiểu điều gì sâu xa đằng sau hiện tượng đó. Cả một đám đông, tuy sáng mắt nhưng tâm hồn lại mù tối hơn cái mù của người hành khất ngồi thu mình bên vệ đường, mất hút giữa dòng người rầm rộ bước đi. Còn người hành khất, tuy mù mắt nhưng tâm hồn lại sáng suốt. Anh lắng nghe đám đông và biết được có ông Giêsu, người Nagiarét đi ngang qua, anh liền kêu lớn át tiếng ồn ào của đám đông : "Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi !"Đám đông vô tâm với Chúa lại vô tình với anh. Họ quát mắng anh câm mồm. Họ muốn bịt miệng anh lại. Nhưng bất chấp, anh càng kêu to hơn : "Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi !". Chúa Giêsu dừng lại và bảo người ta gọi anh lại. Lúc đó đám đông mới chú ý đến anh. Vừa nghe được Chúa gọi, anh vui mừng đứng dậy, vứt bỏ tấm áo choàng dùng để nhận của bố thí, chạy nhào đến với Chúa. Thấy vậy, Chúa Giêsu hỏi anh : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh mù liền đáp : "Thưa Thầy, xin cho con được thấy". Chúa Giêsu nói với anh : "Cứ về đi, lòng tin của anh đã cứu anh !" Tức khắc, anh thấy được và theo Chúa lên đường.
Thưa anh chị em,
Qua lối diễn tả ngắn gọn và linh động, Thánh sử Marcô đã cho chúng ta thấy một biến chuyển lớn lao diễn ra trong tâm hồn anh mù. Từ tình trạng mù tối, ngồi ăn xin bên vệ đường, đến hạnh phúc được nhìn thấy và đi theo Chúa lên Giêrusalem. Đám đông sáng mắt háo hức theo Chúa nhưng lại tối lòng, chẳng nhận ra Chúa là ai. Trái lại, anh mù thì lại sáng mắt và sáng cả lòng. Trước kia anh chẳng thấy gì, đành chịu ngồi nép bên vệ đường. Khi nghe người ta kháo láo với nhau về Chúa Giêsu, anh liền nhận ra Ngài là Con Vua Đavít, Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Mãi cho đến khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, đám đông mới tung hô Ngài với danh hiệu "Con Vua Đavít", Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng muôn dân trông đợi.
Người ta kể lại rằng : Năm 1945, tại nhà ga Verona ở Italia, dân chúng đang náo nức chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Một người lính trẻ hai mắt đã mù lòa, đang lần mò từng bước trên sân ga tiến về chỗ một bà già đang đứng dõi mắt trông chờ. Anh la lên : "Mẹ !" và hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Bà mẹ xót xa hỏi : "Làm sao một người mù lòa như con mà vẫn tìm về được với mẹ ?" Người lính trả lời : "Con không nhìn thấy mẹ bằng mắt, nhưng trái tim đã hướng dẫn con".
Người mù thành Giêricô cũng đã tìm đến với Chúa Giêsu bằng trái tim. Anh không được nhìn thấy Chúa, nhưng đức tin của anh đã dẫn anh đến với Ngài. Và Chúa đã chữa anh bằng một lời khen ngợi : "Lòng tin của anh đã cứu anh !". Đức tin quả là giác quan thứ sáu để người kitô hữu có thể tiếp xúc với thế giới siêu nhiên vô hình. Cặp mắt đức tin được coi như một thứ giác quan thứ sáu, nó cho chúng ta thấy được chiều kích siêu nhiên của cuộc sống con người ở trần gian mà những người không có đức tin không thể thấy được. Người kitô hữu là người đã được Chúa Giêsu mở mắt, được nhìn thấy ánh sáng chân lý, đọc được ý nghĩa của cuộc sống con người. Do đó, người kitô hữu tự nhận lãnh sứ mạng soi đường dẫn lối cho những người anh em "chưa trông thấy", những người còn "ngồi trong bóng tối", những anh mù Bartimê hôm nay. Chính anh mù khi được Chúa cho trông thấy đã đem cho đám đông ánh sáng của anh, ánh sáng của lòng tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ.
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại câu chuyện về một người đàn ông phong cùi, sống trơ trọi trong túp lều tăm tối, xa tránh và hận thù xã hội cũng như mọi người. Một ngày nọ mẹ đến thăm và đưa ông ra khỏi túp lều tăm tối. Vừa đến bên cạnh cửa, nơi ánh sáng mặt trời chiếu qua, người đàn ông đã có một thái độ mà mẹ không bao giờ quên được : ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông ta đã kêu lớn tiếng : "Tôi thấy, tôi đã thấy". Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ập xuống trên cuộc đời, thì hôm nay thật sự là lần đầu tiên ông ta cảm nghiệm được có ánh sáng trong cuộc đời.
Anh chị em thân mến,
Có những người tự giam mình trong bóng tối, có những người bị giam hãm trong phòng tối. Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy biết bao người vào trong bóng tối. Một cuộc sống không muốn làm chứng tá, một khước từ giúp đỡ, đó có thể là hành động xô đẩy người khác vào bóng tối cô đơn của thất vọng, và dĩ nhiên khi xô đẩy người khác vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối, hay ít ra cũng giảm bớt ánh sáng nơi chúng ta.
"Anh em là ánh sáng thế gian". Người kitô hữu chỉ là kitô hữu khi họ là ánh sáng cho người khác. Ánh sáng sẽ trở thành tăm tối khi không còn khả năng chiếu sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lời nói khích lệ, một nụ cười thông cảm, một đường hướng đưa ra để đồng hành, đó là những việc làm của ánh sáng mà những người chung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta, và chúng ta cũng tin rằng một ánh lửa càng được chia sẻ thì càng được đốt sáng lên.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa như anh mù đã xin : "Lạy Chúa, xin cho con được thấy". Xin cho con được thấy hình ảnh Chúa nơi những anh em nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, đui mù chung quanh con, để con biết yêu thương và nâng đỡ. Xin tha thứ cho con, vì biết bao lần, vô tình hay hữu ý, con đã xô đẩy người khác vào bóng tối cô đơn và tội lỗi. Xin cho con luôn biết chia sẻ ánh sáng của Chúa trong mọi người. Xin cho con niềm vui vì được biết rằng mỗi lần thực thi một nghĩa cử cho người anh em là chúng con được lớn lên trong ánh sáng của Chúa. Amen.
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập63
Máy chủ tìm kiếm3
Khách viếng thăm60
Hôm nay7,301
Tháng hiện tại195,837
Tổng lượt truy cập15,482,727
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.