Nhìn vào thực tế đời sống xã hội, người ta thường quan niệm việc làm lớn hay trở nên cao trọng luôn gắn liền với quyền bính, chức tước, danh vọng. Như vậy, làm lớn đồng nghĩa với việc được phục vụ, được ca tụng, được ngưỡng mộ. Biết bao người đã xử dụng mọi thời giờ, vận dụng mọi tài sức, chấp nhận mọi hy sinh và lắm khi không từ nan mọi thủ đoạn đê hèn để thực hiện ước muốn đạt được danh vọng, chức tước, quyền bính trong nhiều lãnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, văn nghệ, thể thao...và cả tôn giáo nữa!
Ta bắt gặp Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng làm giá chuộc con người. Ngài trở nên giống con người mọi đàng, Ngài chia sẻ những giới hạn của con người. Có thể nói: ai bị cám dỗ thử thách như thế nào thì Chúa Giêsu ít nhất cũng bị cám dỗ và thử thách như vậy.
Thật thế, quyền hành không quan trọng bằng phục vụ. Nếu chọn giữa chức quyền địa vị và việc phục vụ, thiết tưởng tôi sẽ chọn việc phục vụ, vì phục vụ làm mình lại gần con người, làm mình có "trọng lượng thật" hơn, làm mình có công phúc hơn, làm mình triển nở và hạnh phúc hơn. Quyền hành địa vị so với việc phục vụ, là như tiếng thanh la vang dội, như phù vân giả tạo, như hình bóng so với cái thực. "Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá cứu chuộc nhiều người".
Chúa Giêsu sẵn sàng cho hai môn đệ thân yêu được chia sẻ chén đắng và phép rửa của Ngài, nhưng còn việc ngồi bên tả bên hữu thì lại không thuộc quyền Ngài. Cái nhìn của Chúa Giêsu về quyền hành chức vị khác người đời quan niệm rất nhiều. Với người đời, những người có chức có quyền được người khác phục vụ; còn đối với Chúa Giêsu và cả những người theo Đức Giêsu, những người muốn làm lớn nhất giữa anh em mình, thì phải làm người phục vụ anh em, phải là tôi tớ anh em, phải là người "tùy thuộc" anh em để mưu lợi ích cho anh em mình.
Chúa Giêsu trở thành tôi tớ phục vụ con người! Tại sao Ngài phải sinh trong chuồng chiên cừu nghèo hèn như vậy? Tại sao Ngài phải lang thang rong ruổi hết nơi này nơi kia để rao giảng Tin Mừng? Tại sao Ngài phải bữa đói bữa no? Tại sao Ngài phải ngủ bờ ngủ bụi "chồn cáo có hang chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu"? Tại sao Ngài phải nói sự thật để phải chết? Tại sao bây giờ Ngài vẫn tự hủy nơi bí tích Thánh Thể? Tất cả là để phục vụ con người, để con người biết sự thật về Thiên Chúa, về tình yêu Thiên Chúa đối với con người đến độ nào. Và Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người nhận ra sự thật, được giải phóng và hạnh phúc.
Lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan đã làm các tông đồ khác khó chịu, vì tất cả các ông đều cùng tâm trạng như nhau, dù chưa dám xin Chúa. Cho tới lúc đó chưa ai hiểu được tư tưởng của Chúa. Chúa đã nói về cuộc khổ nạn của Người tới ba lần (Mc 10, 32-34) với những lời lẽ rõ rệt: Con Người sẽ bị bắt nộp, sẽ bị xử tử, bị chế giễu, ngừơi ta khạc nhổ vào mặt, đánh đòn và giết chết...
Trong lúc Chúa Giêsu tự chọn chỗ rốt hết, thì các môn đệ lại mơ màng danh vọng, lại nghĩ tới địa vị cao sang. Một lần nữa Chúa nói lại chủ trương của Chúa trong tổ chức Người. Khác hẳn mọi tổ chức trần gian, ở đây người nào muốn lãnh đạo phải là tôi tớ, ai muốn đứng đầu phải trở thành nô lệ cho mọi người. "Vì Con Người không đến để cho người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân". Đó là căn bản Hiến pháp của Giáo hội Chúa.
Chúa Giêsu đưa ra hai mẫu người làm lớn, người cầm đầu thiên hạ, người thủ lãnh: mẫu người thứ nhất dùng uy quyền để thống trị và cai quản dân, mẫu người thứ hai đối nghịch với mẫu người thứ nhất là phục vụ và là đầy tớ của mọi người:"Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".
Nhìn lại ngôn sứ Isaia, ta thấy ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Đấng sẽ đến, người tôi tớ trung tín và công chính sẽ chịu khổ hình để gánh tội: "Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ" (Is 53, 11).
Làm người ai cũng muốn sống an vui và hạnh phúc, chẳng mấy ai muốn đời mình bị đau khổ. Thực ra, chỉ có đau khổ mới hoá giải được khổ đau. Nếu chúng ta không gặp đau khổ, chúng ta không biết thế nào là vui sướng hạnh phúc. Nếu chúng ta không có đau đớn bệnh hoạn, chúng ta không biết mình đang an khang khoẻ mạnh. Người tôi tớ công chính đã lãnh chịu mọi thống khổ ở đời để biến đổi nó thành hoa trái tốt lành của ơn cứu độ.
Người Tôi Trung của ngôn sứ Isaia là hình ảnh của Đấng Được Xức Dầu, Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã chấp nhận thân phận con người yếu đuối, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chọn con đường thánh giá để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái đã viết: "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội" (Dt 14,15). Con đường Chúa đi là con đường ngược chiều, có nhiều đau thương và chông gai. Thư Do Thái gọi Ngài là Thượng Tế để gắn kết với hy tế mà chính Ngài đã hiến dâng. Hy lễ đền tội cho nhân loại hiến dâng lên Thiên Chúa Cha một lần là đủ.
Các môn đệ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu vì vốn nghĩ Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai và Đấng Thiên Sai đầy quyền bính trong lời nói và hành động. Như thế, chắc hẳn sẽ có ngày Người đạt tới một thứ vinh quang cao trọng nào đó, như Thánh Vương Đavít năm xưa chẳng hạn. Và chắc chắn họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Như để nắm chắc được phần thưởng tương lai, hai anh em con Ông Giêbêđê trong Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn đến bày tỏ với Chúa Giêsu ước muốn thầm kín xưa nay của họ: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy" (Mc 10, 37).
Chúa Giêsu không trách mắng các ông vì sự mê muội của các ông, nhưng Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu nhiệm Thập Giá khi nói các ông: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?" (Mc 10, 38).
Các tông đồ khi theo Chúa Giêsu cũng còn có tham vọng tương tự. Họ có ao ước lớn muốn giải phóng Israel khỏi ách thống trị của người Roma, nhưng cũng ao ước có chức có quyền. Điều này được thấy khi hai anh em Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi bên tả bên hữu thầy khi thầy được vinh quang. Các tông đồ khác tức giận khi biết hai ông xin điều đó; sở dĩ vậy vì các ông cũng ao ước cùng một điều. Gioan và Giacôbê quá khôn nên muốn "qua mặt" các ông.
Ta lại thấy Chúa Giêsu mở con đường phục vụ trong khiêm hạ: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45). Một lời mời gọi phục vụ chân tình đối với tất cả các phẩm trật trong Giáo Hội. Đặc biệt trong các giờ phụng vụ thánh lễ và các nghi lễ, linh mục và các thừa tác viên có những trách nhiệm và bổn phận riêng phải chu toàn. Chúng ta hãy ý thức tôn trọng lẫn nhau, đừng dẫm chân lên nhau, đừng lớn tiếng phàn nàn, đừng tỏ thái độ cau có và xúc phạm danh dự của nhau. Chúng ta cùng đến để phục vụ cộng đoàn, chứ không phải được phục vụ.
Huệ Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn