THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Tỉnh Thức Đợi Chờ

Thứ bảy - 01/12/2018 19:27
Tin mừng Lc 21:25-27.34-36: Chúa Giêsu dùng nhiều kiểu nói : "Hãy coi chừng", "Hãy chú ý", "Hãy cảnh giác", "Hãy ngẩng đầu lên", "Hãy nhìn cho kỹ". Tất cả là thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo thời cứu độ đang đến và có thái độ thích hợp với tình thế đòi hỏi.
Tỉnh Thức Đợi Chờ

 
 

 
Gr 33,14-16 ; 1Tx 3,12-4,2 ; Lc 21:15-28
 
Ít năm trước đây, một tài xế xe buýt đạt kỷ lục tài xế xuất sắc. Trong 23 năm làm tài xế, anh lái xe buýt trên 1.500.000 km không gây một tai nạn nào. Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời đơn giản : "Hãy nhìn đường".

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta một lời khuyên tương tự : "Hãy tỉnh thức". Chúa Giêsu dùng nhiều kiểu nói : "Hãy coi chừng", "Hãy chú ý", "Hãy cảnh giác", "Hãy ngẩng đầu lên", "Hãy nhìn cho kỹ". Tất cả là thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo thời cứu độ đang đến và có thái độ thích hợp với tình thế đòi hỏi.

Tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến : Nếu ngày xưa, dân Do Thái dựa vào lời các Tiên tri loan báo, đã sống những thế kỷ dài chờ đợi Chúa Cứu Thế, thì ngày nay, dựa vào chính lời của Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng đã trải qua 20 thế kỷ chờ đợi Chúa lại đến trong vinh quang. Vì thế, hai cái chờ đợi đó khác nhau. Trong quá khứ, dân Do Thái chờ đợi Chúa Cứu Thế đến lần thứ nhất : Ngài Giáng Sinh làm người. Còn chúng ta ngày nay, dựa trên cơ sở của biến cố Chúa đến lần thứ nhất nầy để vững tin và hy vọng vào biến cố Chúa sẽ lại đến lần thứ hai. Như vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ hồi tưởng hay kỷ niệm quá khứ chờ đợi của dân Do Thái, mà chúng ta còn sống chính cái nỗi niềm chờ đợi của chúng ta. Từ đó, chúng ta mới hiểu lý do tại sao vào đầu năm phụng vụ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng liên quan đến biến cố cuối cùng : Ngày Chúa quang lâm.

Đoạn Tin Mừng này gồm hai phần rõ rệt : Phần I là những hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi : Liệu có thực sự xảy ra như vậy không ? Đây là một lối diễn tả theo thể văn khải huyền. Khó mà giải thích cho được sáng tỏ, khó mà thông hiểu cho rõ ràng. Vũ trụ sẽ thay đổi thế nào, thay đổi lúc nào, xác định việc đó là công việc của khoa học. Còn đối với chúng ta, đây là một cách diễn tả, xuất phát từ một cái nhìn về vũ trụ và con người. Con người và vũ trụ liên kết với nhau rất chặt chẻ. Sự liên đới giữa vũ trụ và con người rất là mật thiết. Trước tiên là hỗn độn, hoang vu. Thiên Chúa can thiệp khi tạo dựng đất trời, sắp xếp đâu vào đấy : Thiên Chúa làm cho cảnh hỗn mang nguyên thủy biến thành vũ trụ diệu kỳ, và giao cho con người làm chủ vũ trụ. Nhưng con người làm đảo lộn vũ trụ bằng sự gian ác của mình. Vì vậy, vũ trụ dường như chìm trở lại trong cảnh hỗn mang nguyên thủy. Bây giờ Thiên Chúa quyết liệt can thiệp, để tái tạo trật tự, để làm cho xuất hiện một trật tự mới với "Trời mới, Đất mới". Vì thế, "các tầng trời rung chuyển" là để trở lại trong trật tự do Thiên Chúa sắp xếp. Ngày cánh chung có hai mặt : mặt tối là sự phán xét, hủy diệt một trật tự đã bị đảo lộn ; còn mặt sáng là sự xuất hiện một trật tự mới, trong đó Dân Chúa được hạnh phúc.

Ngày ấy, Con Người hiện đến trên đám mây, tức là trong vinh quang, để xét xử muôn dân. Đó là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi, nhưng đó là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng. Đó là lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu ở phần II.

Hãy tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng : chúng ta đã nghe quen thuộc về những lời khuyên nhủ này. Việc chúng ta không cần tìm hiểu là ngày tận thế, là cách thay đổi của vũ trụ. Còn việc phải lo là ngày Chúa đến gặp riêng mỗi một người trong chúng ta , vì ngày ấy rất bất ngờ, nên chúng ta cần phải luôn tỉnh thức đón chờ. Chúng ta có giữ mình, kẻo lòng chúng ta ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời không ? Thái độ hưởng thụ làm chúng ta quên ý nghĩa cuộc đời, tất nhiên làm cho chúng ta không sẵn sàng chờ đón ngày Chúa đến. Còn thái độ lo lắng, ích kỷ, hẹp hòi, bon chen làm cho chúng ta hao mòn và tác hại cho xã hội. Tích cực hơn nữa, mỗi người phải luôn cầu nguyện để có sức mạnh vượt thắng gian nan thử thách ngõ hầu kiên vững mà hiện diện trước mặt Con Người để được thẩm định số phận của mình . Không ai biết được ngày đó đến lúc nào, nhưng qua những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại, ngày sau cùng đó chắc chắn sẽ đến.

Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám bệnh cho anh, ông bác sĩ riêng của ông đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử biết : "Tình trạng sức khỏe của anh bi đát lắm ! Chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẩu kéo dài 36 tiếng đồng hồ mới may ra cứu sống anh được". Về sau, chàng tài tử ấy đã thực sự thú nhận : "trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được. Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến, tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám phá ra rằng nhờ những lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân".

Anh chị em thân mến,

Một thoáng nhìn về tương lai không phải chỉ để mà kinh hãi, khiếp sợ như các tín hữu ở Thessalônica thời Thánh Phaolô hoặc chỉ hướng về trời như các người Galilê nhìn theo Chúa về trời (Cv 1,11) ; nhưng càng phải liên kết biến cố Quang Lâm Chúa trong ngày Cánh Chung không những với việc Chúa đã đến lần thứ nhất một cách âm thầm, khiêm tốn, mà còn liên kết với sức sống của ân sủng nơi mỗi người chúng ta trong suốt khoảng thời gian giữa hai lần Chúa đến.

Để sống thực sự chân lý này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống thánh thiện để có thể yên tâm và vui mừng chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của chúng ta. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước anh sáng của công lý, chúng ta không thể che dấu một chi tiết nào.

Cụ thể hơn mà nói : lời cảnh tỉnh trong phần II của Tin Mừng hôm nay không những cần thiết cho mỗi người chúng ta để chuẩn bị sẵn sàng, không bị bắt chợt trong ngày Chúa đến lần thứ hai, mà còn cần thiết ngay trong giây phút hiện tại : chuẩn bị tâm hồn để ân sủng của Chúa đến với tâm hồn chúng ta, đặc biệt trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Chuẩn bị bằng cách giữ mình, đừng để tâm hồn chĩu nặng, mờ ám vì lối sống buông thả, chè chén say sưa và vì những bận tâm quá đáng đến cuộc sống vật chất, trần tục. Muốn được như vậy, mỗi người cần biết dành những giờ phút yên lặng, kiểm điểm lại lối sống, tức là biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, đồng thời luôn hướng về ngày Chúa xuất hiện vinh quang.
 
Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay4,517
  • Tháng hiện tại193,053
  • Tổng lượt truy cập15,479,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây