THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Sống Trọn Niềm Vui

Thứ bảy - 15/12/2018 21:13
Tin mừng Lc 3: 10-18 Niềm vui và sự bình an chân thật không đến từ những ồn ào náo nhiệt bên ngoài của ngày lễ Giáng sinh, nhưng niềm vui phát xuất từ sâu tận bên trong tâm hồn.
Sống Trọn Niềm Vui
Hẳn ta còn nhớ vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp Niềm Vui của Tin Mừng. Trong Thông điệp này, vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội công giáo dành một phần quan trọng để diễn tả niềm vui của người tín hữu. Đức Thánh Cha đã khởi đi từ những chứng từ của Cựu ước và Tân ước để chứng minh niềm vui là sứ điệp căn bản của Kinh Thánh.

Niềm vui cũng là phần thưởng Chúa ban cho những ai tin cậy Ngài. Trong phần mở đầu, Đức Thánh Cha đã viết: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến” (Số 3). Ngài cũng phê phán những tín hữu “sống đời mình như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục sinh” (Số 6).

Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật Gaudete, Chúa Nhật của niềm vui và cũng là Chúa Nhật hồng giữa mùa tím. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui, đạo của mầu hồng tươi sáng. Chúa đến trần gian không phải để thiết lập một tôn giáo như người ta vẫn hay nghĩ tưởng. Hai ngàn năm trước, Ngài đi sâu vào phận người để công bố cho chúng ta một tin vui, đó là tin Thiên Chúa yêu thương con người.

Các bài đọc đều vang vọng lời hiệu triệu: “Hãy vui lên vì Chúa đã gần đến, Đấng thánh Israel đang ở giữa ngươi”. Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là ‘Chúa Nhật hồng giữa mùa tím’ với tâm tình hoan vui này.

Người Kitô hữu sống trong niềm vui, vì có Chúa luôn hiện diện. Ngôn sứ Sôphônia đã ca tụng Chúa với tâm tình hân hoan. Có Đức Chúa hiện diện, không còn chi phải sợ, kể cả tang tóc, tai ương, bạo lực và ngay cả sự chết. Không chỉ vị ngôn sứ, mà Chúa cũng « nhảy mừng » trong ngày lễ hội hân hoan. Cuộc sống này đáng yêu biết bao, vì Chúa hiện diện và chia sẻ niềm vui với con người. Có Chúa là có tất cả, vì Ngài là nguồn hạnh phúc.

Qua ngôn sứ  Sophonia, ta thấy Thiên Chúa còn khẳng định : Khi Thiên Chúa là Đức Vua ở giữa dân Người thì họ không còn phải lo âu, sợ hãi ; không một tai ương từ thiên nhiên hoặc những khủng bố bách hại nào có thể làm cho họ sợ hãi, kinh hoàng, vì Thiên Chúa đang ở giữa họ để bảo vệ, bênh đỡ họ. Ngài không chỉ là Đấng bênh vực chở che, mà Thiên Chúa còn là Vị Cứu Tinh, là nguồn vui cho con người, Ngài lấy tình yêu thương mà đổi mới con người. Vì thế, niềm vui mà chúng ta được mời gọi đón nhận hôm nay là chính Thiên Chúa. Nhưng để có được niềm vui đó, chúng ta phải có một tâm hồn ngay thẳng, một lương tâm trong sáng, một đời sống không gian dối. Nhưng quan trọng hơn nữa là nhận ra mình là kẻ được Thiên Chúa yêu thương.

Qua trang Tin Mừng Thánh Luca thuật lại, ta thấy nhiều người này đã thành tâm hỏi Gioan : Vậy, chúng tôi phải làm gì ? Gioan đã trả lời cho nhiều thành phần khác nhau tìm đến với ông. Với đa số dân chúng, ông nhấn mạnh đến việc thực thi lòng thương xót đối với anh em qua việc chia sẻ tình yêu thương cách cụ thể : Ai có hai áo, chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy. Với lời hướng dẫn này, Gioan muốn đám đông dân chúng hãy làm những việc yêu thương cụ thể, chứ không chỉ là việc khóc lóc hoặc kể cả việc lãnh phép rửa sám hối bên ngoài. Một khi mỗi người biết nghĩ đến nhu cầu người khác, biết sống quan tâm, mỗi ngày đem đến cho nhau một niềm vui nho nhỏ, thì cả thế giới sẽ ngập tràn niềm vui và tình yêu thương.

Đức Giêsu quả thực là niềm vui của con người! Khi được sinh ra tại chuồng chiên cừu nơi làng Bêlem, không ai biết Ngài là nhân vật đặc biệt. Khi sống thời thơ ấu tại Nazarét, cũng chẳng ai biết nguồn gốc thần linh của Ngài ngoại trừ Đức Mẹ và thánh Yuse. Khi Ngài đi rao giảng, Ngài được coi là một tiên tri, là người qua đó Thiên Chúa hiện diện và yêu thương dân Người. Với tư cách là một tiên tri, người của Thiên Chúa, Ngài cũng đã làm cho dân chúng thêm tin tưởng vào Thiên Chúa, làm cho dân chúng vui vì họ cảm nhận Thiên Chúa quan tâm và an ủi dân Người.

Quả thế, để có được niềm vui, chúng ta phải quy hướng trọn vẹn về Chúa. Niềm vui và sự bình an chân thật không đến từ những ồn ào náo nhiệt bên ngoài của ngày lễ Giáng sinh, nhưng niềm vui phát xuất từ sâu tận bên trong tâm hồn. Chúng ta nhìn vào mẫu gương Mẹ Maria. Sau khi thưa lời xin vâng và đón nhận Đức Giêsu đến ẩn cư trong cung lòng mình, Mẹ liền vội vã lên đường với niềm vui tròn đầy. Vừa đến nhà bà chị họ Isave, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi” (Lc 1, 39). Đó là niềm vui sâu xa trong tâm hồn của những ai luôn sống kết hợp với Chúa là Chúa của niềm vui.

Lời kêu gọi của Gioan hôm nay cho thấy, mỗi người đều phải nỗ lực canh tân điều chỉnh lại cuộc sống của mình, sống đúng với vai trò của mình trong xã hội thì mới có được niềm vui trong tâm hồn và đem niềm vui đến cho cộng đoàn. Chính Gioan Tiền Hô đã sống hết mình với nhiệm vụ là một người dọn đường. Dù ông được nhiều người coi như là Đấng Cứu thế, nhưng ông không hề lợi dụng lòng yêu mến và sự ủng hộ của họ để gây uy tín cho mình, trái lại, ông sống và nói thật cho mọi người về bản thân : Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

Hôm nay ta biết rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Ngài luôn luôn hiện diện với tất cả mọi người và với dân Người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Ngài luôn trợ giúp con người vì tất cả đều là con dân của Ngài. Không nhờ Ngài, không gì có thể hiện hữu và thành sự. Thiên Chúa hạnh phúc khi ở với con người. Con người cần Thiên Chúa để sống hạnh phúc, và Thiên Chúa cũng cần con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa đang ở với con người, đó là lý do mọi người cần biết để có thể vui lên.

Đi tìm nguồn vui bên ngoài mà thôi chỉ là một sự chạy trốn thực tại trong tâm hồn và thường thì không bao giờ đạt được kết quả vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Niềm vui chân chính phải bắt nguồn từ một trạng thái của tâm hồn và đặt nền tảng trên sự bình an. Đó là niềm vui đã làm cho thánh Phanxicô trong cảnh nghèo khó tự nguyện hòa tâm hồn mình cùng vạn vật ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Đó là niềm vui mà thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói: "Niềm vui mằm trong cuộc sống con người và con người có thể đạt được nó bất cứ lúc nào và ở đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung hay trong chốn thâm u của ngục tù".

Tin vui hay Tin mừng này khởi đầu từ máng cỏ Belem và đạt đến đỉnh điểm khi Ngài bị treo thân trên Thập giá. Chúa Giêsu đến trần gian và mời gọi chúng ta nên thánh, nhưng như DonBosco đã nói cho các học sinh: “Bí quyết nên thánh là luôn sống vui tươi và chu toàn bổn phận của mình”. Cũng tương tự, Thánh Phanxicô Salê cũng dí dỏm nói rằng: “Một vị thánh buồn là một vị thánh thật đáng buồn”. Chớ gì chúng ta cảm nhận được niềm vui thánh thiện trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới cũng như trong suốt cả ‘mùa vọng lớn’ là chính cuộc lữ hành đức tin chúng ta ngày hôm nay.

Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay3,626
  • Tháng hiện tại192,162
  • Tổng lượt truy cập15,479,052
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây