THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật IV Thường Niên B

Thứ bảy - 27/01/2018 19:06
Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta một sự so sánh khá rõ: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.
Chúa Nhật IV Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 1: 21-28)

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!"26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!"28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

SUY NIỆM

Anh chị em thân mến,

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta một sự so sánh khá rõ: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. 

Ta thấy dọc dài theo các Tin Mừng, nét đặc trưng nơi hoạt động giảng dạy của Chúa Giêsu là hiệu qua lời giảng dạy của Người. Hiệu quả đó chúng ta biết được là nhờ những người nghe Người giảng cảm nhận và họ nói ra: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (c.22a). Họ bị đánh động sâu xa và rất ngạc nhiên. Có thể nói nơi Chúa Giêsu, tất cả những tiêu chí để đánh giá về một lời giảng dạy đều không còn giá trị nữa. Một kiến thức uyên thâm cho những lời giảng dạy, một sự chuyên nghiệp cho những lời giảng dạy đều không còn giá trị.

Nơi Chúa Giêsu có một cái gì đó thực sự mới mẻ đã xuất hiện, gây nên một sự sửng sốt trong đám đông dân chúng. Nói cách khác, những lời giảng dạy của Chúa Giêsu có sức mạnh đặc biệt, giống như những hành động quyền năng của Người. Cuối bài Tin Mừng, tác giả còn nói rõ hơn về phản ứng của dân chúng: “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê” (cc.27-28).

Đó là bối cảnh lúc bấy giờ mà trang Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết. Còn chúng ta, chúng ta thấy thế nào giữa việc giảng dạy của Chúa Giêsu và của người Kinh sư. Tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy, và rồi để lời giảng dạy của Chúa Giêsu lại đánh động người nghe và rồi họ phải sửng sốt trước lời giảng của Ngài?

Chúng ta có thể trả lời các câu hỏi trên theo hoàn cảnh hiện nay của chính chúng ta hôm nay và theo chính niềm xác tín của chính chúng ta.

Rất rõ ràng, lời giảng dạy của Chúa Giêsu gần gũi, thực tế và khiêm nhường hơn những người Kinh sư. Sự khác biệt lớn nhất đó là người Kinh sư họ giảng dạy Lời Chúa dựa trên sự hiểu biết, kiến thức mà họ có, rồi sau đó họ bắt người khác thi hành nhưng chính họ thì lại không mảy may thi hành hay sống Lời Chúa: “Các luật sĩ và Pharisêu nói mà không làm: họ đặt những gánh nặng lên vai những người khác trong khi họ không muốn đụng ngón tay vào”  (Mt 23,3-4). Gánh nặng đó chính là những luật lệ hà khắc mà họ luôn soi mói xem có ai phạm luật không để họ mang ra xét xử. Có lẽ gánh nặng của cuộc sống bộn bề đã mệt rồi mà họ còn chất lên dân chúng những luật lệ tôn giáo một cách quá đáng, khiến cho người ta có cảm tưởng sợ hãi và không thể tuân giữ những giới răn, mà nếu có tuân giữ thì chỉ là làm theo luật định, nhưng cái hồn của việc tuân giữ đó thì không hề có. Điều đó gây ra cảm tưởng rằng chúng ta đang bị tước đi mất tự do và niềm vui khi chúng ta sống niềm tin. Vậy thì, nếu như thế thì người khác sẽ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi khi đến với Thiên Chúa. Nên điều đó làm cho dân chúng không thể cảm thấy sự uy quyền và thuyết phục trong lời giảng dạy của họ.

Còn đối với Chúa Giêsu thì sao? Điểm đặc biệt đầu tiên nơi Chúa Giêsu chính là: Ngài giảng dạy về Lời Chúa nhưng chính Ngài là Lời. Thế nên Lời đó sẽ là Lời sống động chứ không phải là Lời được giải thích lại: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi …” (Dt 4, 12). Cái khác biệt rất rõ ràng, các người Kinh sư và Pharisêu họ công bố Lời Chúa, họ giảng dạy dựa trên kiến thức hiểu biết của họ về Lời, nên sẽ không chính xác, không xác quyết trên chính Lời mà họ đang nói; còn Chúa Giêsu Ngài không những công bố Lời Chúa nhưng Ngài chính là Lời Chúa hiện diện một cách sống động ngay tại đời sống của dân chúng. Thế nên Lời của Ngài sẽ có uy quyền của chính Lời và có sức cảm hóa từ chính trái tim chia sẻ và yêu thương của Ngài.

Lời giảng dạy mà Chúa Giêsu công bố đó không chỉ bị giới hạn nơi hội đường, nhưng còn lan rộng ra bên ngoài hội đường. Lời giảng dạy đó có hiệu quả và tầm ảnh hưởng lan rộng ra theo từng bước chân của Chúa Giêsu và được thể hiện ngay trong chính cuộc sống hoạt động công khai của Ngài. Chẳng hạn, khi nói về yêu thương, thì ngài không chỉ nói mà Ngài đã sống và thực hiện điều đó qua việc ngài luôn chạnh lòng thương đối với tất cả mọi người “Thấy đám đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, Đức Giêsu chạnh lòng thương”(Mc 9, 36). Khi nói về tha thứ thì Ngài đã tha thứ cho những kẻ đánh Ngài, sỉ vả Ngài, giết Ngài…. “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Khi nói về khiêm nhường và phục vụ, Ngài không chỉ nói xuống, nhưng Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14)…..Như thế, uy quyền và hiệu quả của Lời giảng dạy nơi Chúa Giêsu phát xuất từ chính Ngài, từ chính trái tim yêu thương của Ngài chứ không phải từ những suy luận hay những kiến thức được tìm hiểu và nghiên cứu. Uy quyền và hiệu quả đó phát xuất từ chính con người và cuộc sống của Chúa Giêsu được thể hiện ra và dân chúng đã cảm nhận được điều đó.

Đó chính là sự khác biệt lớn giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và những người Kinh sư. Sự khác biệt đó được biểu hiện ra nơi những người lắng nghe. Họ đã đón nhận, đã được cảm hóa và cảm thấy sự bình an. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến cùng Ta, hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi và gánh nặng”. Nghĩa là, khi đến với Chúa chúng ta sẽ có cảm giác của an bình và thoải mái chứ không gò bó, không bị soi mói, rình rập để tìm cách bắt bẻ. Đến với Chúa ta có cảm giác bình an, tha thứ và được chữa trị

Anh chị em thân mến,

Mỗi người chúng ta, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đều lãnh nhận sứ mạng rao giảng và giảng dạy cho nhiều người để họ được biết về Chúa Giêsu. 

Tuy nhiên, một thực tế đã và đang xảy ra, đôi khi chúng ta rao giảng như cách của người Kinh sư chứ không theo cách của Chúa Giêsu, nghĩa là bắt người khác làm mà chính chúng ta không làm.

Cha mẹ bắt con cái phải sống thật thà, ngay thẳng, nhưng chính cha mẹ lại đi hối lộ để tìm danh vọng, địa vị. Thầy cô giáo bắt học trò phải đi học đúng giờ, nhưng chính thầy cô giáo lại luôn đi trễ giờ lớp… Chúng ta dạy con cái phải chấp hành luật giáo thông, nhưng đôi khi chúng ta vẫn vượt đèn đỏ, lấn lane đường. Chúng ta dạy con em của mình không được nhậu nhẹt, nhưng chính chúng ta lại nhậu nhẹt bê bết. Chúng ta dạy con cái phải sống có tình cảm và lễ phép, nhưng chính chúng ta lại hay chửi mắng người hàng xóm láng giềng. Chúng ta dạy con em chúng ta phải biết quan tâm đến anh chị em của mình, nhưng chính chúng ta sáng đi làm, tối về lại ôm cái điện thoại, cái máy vi tính để tiếp tục kinh doanh, mà lại không hề dành chút ít thời gian quan tâm đến con em mình …….

Đặc biệt, trong thời gian này, thời gian mà cả đất nước Việt Nam đang sôi động lên vì đội tuyển U23 Việt Nam vào chung kết giải U23 Châu Á. Sự vui mừng cho thành quả có được là điều tốt, nhưng chúng ta lại quá khích thể hiện niềm vui đó bằng hành động cởi quần cởi áo chạy lung tung trên đường thì điều đó là tốt hay xấu? Đó không phải là cách ăn mừng chiến thắng. Nhưng đó là dấu chứng để tất cả mọi người nhìn vào những con người đó như là kẻ rất kém về văn hoá. Chúng ta dạy con em chúng ta phải biết sống văn hoá, nhưng chính chúng ta lại như thế thì lời dạy của chúng ta liệu có ai phục mà nghe theo.

 VÂNG, đó là cách dạy, cách rao giảng như của Kinh sư, và chúng ta vẫn đang mắc phải, không ít thì nhiều. Thế nên, trong gia đình vẫn có những đứa con chưa tốt, không hoàn toàn do trách nhiệm của chính đứa con đó, nhưng 1 phần do chính những người có trách nhiệm, bởi vì lời dạy của chúng ta chưa thực sự có thẩm quyền, có hiểu quả vì lời giảng dạy của chúng ta không phát xuất từ chính trái tim của chúng ta, chúng ta không bắt chước gương Chúa Giêsu, đó là giảng dạy bằng chính cuộc sống của chúng ta. Chỉ khi ta giảng dạy bằng chính đời sống của chúng ta thì lời giảng dạy đó mới đủ uy lực, thẩm quyền và hiệu quả để thuyết phục người khác nghe mình.
Có lẽ Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chính chúng ta, và chúng ta hãy xét lại mình. Amen.

Cao Nhất Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay5,579
  • Tháng hiện tại194,115
  • Tổng lượt truy cập15,481,005
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây