THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Lên núi với Chúa

Thứ bảy - 24/02/2018 17:22
Tin mừng Mc 9: 2-10: Hành trình hành hương của dân Israel đến miền đất của tự do. Tất cả đó là hình ảnh mà được tiên báo rằng: Dẫu rằng qua những khó khăn của cuộc đời thì THIÊN Chúa vẫn là người dẫn đường. Và chúng ta hành hương bước theo Chúa trong đức tin và trong niềm tin...
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
Lên núi với Chúa
Nếu như tuần trước, chúng ta mặc lấy ý nghĩa chuyến hành hương của Chúa Giêsu, từ Giêrusalem lên Canvê. Thì ngày hôm nay, trong sâu lắng, trong lắng đọng, chúng ta lại được mời gọi suy nghĩ và mặc lấy tâm tình, tâm tư của cuộc biến hình trên núi của Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ.

 Hành trình hành hương của dân Israel đến miền đất của tự do. Tất cả đó là hình ảnh mà được tiên báo rằng: Dẫu rằng qua những khó khăn của cuộc đời thì THIÊN Chúa vẫn là người dẫn đường. Và chúng ta hành hương  bước theo Chúa trong đức tin và trong niềm tin.

 Ngày hôm nay, chúng ta trở lại với khuôn mặt của Ápraham ở trong Thánh Kinh.  Chúng ta nhìn thấy cuộc đời của ông bi đát và cảm thấy tội lắm! Bởi vì cả một cái nghịch lý trong cuộc đời của ông, nghịch lý đến tột cùng .  

Được THIÊN CHÚA hứa rằng là: cha của các dân tộc, dòng dõi của ông đông như sao trên trời như cát bãi biển. Thế nhưng mà, trong thực tế:  gần 100 tuổi, hai ông bà không có con. Niềm tin của hai ông bà coi như đi vào ngõ cụt và là một đêm tối. Thế nhưng, đối diện với đêm tối của cuộc đời, đối diện với đêm tối của Đức Tin, hai ông bà đã có một đứa con trai.

Nhưng rồi cái nghịch lý của đức tin, của cuộc đời ông, lại được đặt ra cho ông. Thử thách về niềm tin quá lớn!

Khi đứa con trai duy nhất của ông 15, 16 tuổi được Đức Chúa bắt hiến tế.  Đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Apraham thực sự ra mà nói:  Chắc cũng do dự lắm chứ ! Bởi vì, ông đã được thử thách đi ra ngoài cái luân thường, đạo lý của con người. Đó là người cha giết người con để tế lễ.  

Đau lắm! nghịch lý mà! đau đớn lắm! Nhưng rồi Apraham , trong niềm tin , ông đã can đảm để mà sát tế con của mình.

Thế nhưng rồi, trên đỉnh núi,  Apraham đã được THIÊN CHÚA thưởng công sau khi THIÊN CHÚA thử thách niềm tin của ông.

Có một họa sĩ vẽ lại cái bức ảnh này rất đẹp, và cảm động.  Khi mà Apraham giơ tay sát tế con của mình, và lúc đó có một thiên thần nắm lại tay của Ápraham để Ápraham không vấy máu con mình. Và rõ ràng rằng chúng ta thấy  Ápraham sống bằng gì  ?  Ápraham đi bằng gì trong cuộc đời của mình ? Xin thưa là   Ápraham. sống bằng sự tín thác cuộc đời của mình vào trong lòng bàn tay của Thiên Chúa. Ápraham mở ngõ cuộc đời của mình để cho CHÚA thi hành thánh ý của Ngài.

Và ngày hôm nay, chúng ta thấy các môn đệ được Chúa Giêsu dẫn lên núi để biến hình. Chúng ta đừng quên rằng cái câu chuyện này nằm ở trong cái khung cảnh rằng :Thầy trò cùng nhau đi từ Giêrusalem và đi đến Canvê và đón nhận con đường Thập Giá.  Và trong cái con đường Thập Giá này CHÚA Giêsu đã hoàn toàn thất bại, đã bị người ta treo lên trên cây thập giá.  Các môn đệ cảm thấy hụt hẫng bởi vì thầy không cứu nổi mình mà làm gì nói rằng là cứu được thế giới. Và chính khi đó niềm tin của các ông lại được thử thách.Và chắc có lẽ các ông cũng cảm thấy bị lung lay.

Thế  nhưng rồi, trên cái con đường đi lên Giêrusalem các môn đệ thân tín được thầy dẫn lên đỉnh núi để biến hình. Nơi đó vinh quang của Thiên Chúa đã bày tỏ nơi cuộc đời của Chúa Giêsu, nơi hình ảnh của Chúa Giêsu. Để rồi, các ông lại bước đi lên đường, lên Giêrusalem bằng đức tin, với Đức tin và trong đức tin.  

Chúng ta cũng vậy, hình ảnh của Chúa Giêsu, giới thiệu cho thế giới con người rằng: một thế giới bình an, một thế giới hạnh phúc khi Chúa đến.  Nhưng rồi chúng ta thấy, chúng ta thấy thật sự thực tại có bình an đâu!

 Hơn 20 thế kỷ qua, người ta vẫn chiến đấu, người ta vẫn tranh giành, người ta vẫn chụp giựt và rồi thế giới không có một phút giây bình an.

 Cái giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu mời gọi , Chúa Giêsu đưa cho con người, và CHÚA Giêsu muốn con người sống cái giá trị TIN MỪNG đó!  Đôi khi còn bị đảo lộn, không chỉ trong xã hội mà ngay cả Giáo Hội nữa! Ngay  trong lòng các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy các môn đệ của Chúa Giêsu và cả Giáo Hội có một thế giới bình an hay chưa?  ngay cả trong nhà tu , có một thế giới bình an hay chưa?

Tới ngày hôm nay, hơn 20 thế kỷ đi qua rồi nhưng trong lòng Giáo Hội và  ngay  trong lòng của những người đi tu, trong các dòng tu, thực tại của sự bình an vẫn là sự xa xỉ. Bởi vì người ta đã không chân nhận Đức Kitô thật sự trong cuộc đời của chúng ta.

Thế giới chúng ta đang sống, tội lỗi thì đã đành, nhưng rồi Giáo Hội có khi đã làm tổn thương thế giới , và chính Đức Giáo Hoàng Phaolô II xin lỗi thế giới vì những sai lầm của Giáo hội.  Giáo hội gọi là Hội Thánh đấy!  nhưng mà tội lỗi đầy mình, bởi vì Giáo hội mang trong mình là những con người như chúng ta, là những con người tội lỗi, những con người yếu đuối; Dẫu rằng chúng ta được mời gọi sống cái niềm tin và diễn tả niềm tin, Nhưng chúng ta đã không diễn tả  đức tin của chúng ta trong đời sống thường ngày. Để rồi hình ảnh của Đức Kitô vẫn mờ nhạt nơi cuộc đời của mỗi Kitô Hữu chúng ta.

 Chúng ta thấy quay lại kinh nghiệm với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta thấy niềm tin của chúng ta vẫn mong manh lắm !  Rồi kinh nghiệm   của đời sống hôn nhân: khi mà hai anh chị dẫn nhau đến nhà thờ  thì luôn luôn hướng   về, nghĩ rằng hôn nhân của mình hạnh phúc. Và họ sống trong hạnh phúc, và họ không nghĩ rằng cái hôn nhân đó thoáng qua mà họ vẫn ước nguyện cái hôn nhân đó lâu bền.

Thật sự ra tính toán để đi đến với nhau quyết định với nhau đi đến hôn nhân bằng sự tính toán của lý trí. Thế nhưng điều quan trọng vẫn là niềm tin, chỉ có khi nào người ta tin người ta mới dám đi với nhau và người ta dẫn nhau đi vào nhà thờ để mà hôn ước với nhau mãi mãi suốt đời.

 Nhớ tới cái bài «tình ca»:  giữ lấy Đức tin bền vững em ơi!  Đó là tâm tình của  người chồng đã nhắn lấy người vợ trong thời chiến tranh,  để rồi anh đi chiến tranh đó nhưng mà em  ở nhà, em hãy đợi anh,  để khi hòa bình lập lại anh với em sẽ nên một với nhau.

Mỗi người chúng ta, ai cũng Ước Mơ sống cái niềm tin đó và ước mơ cho cái niềm tin đó được trọn vẹn. Và đặc biệt khi dừng lại chúng ta thấy xã hội chủ nghĩa với các triết lý Mác Lênin soi đường, thế giới đại đồng.  Người ta mong rằng là khi cộng sản xuất hiện sẽ có một thế giới bình đẳng , làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo các nhu cầu của mỗi người. Và rồi chúng ta nhìn thấy cái ước ao đó thật sự khó thực hiện, bởi vì giữa một cái thế giới vô thần người ta không tin vào Thiên Chúa, người ta không có niềm tin vào thần thánh thì người ta vẫn chỉ là mơ ước, và đó là ước mơ.

Còn người Kitô hữu của chúng ta, là những người ước ao sống một cái thế giới công bằng, yêu thương đó!  Chúng ta cũng suy nghĩ, chúng ta cũng tính toán bằng lý trí của chúng ta,  nhưng trên hết tất cả những suy nghĩ đó là niềm tin, niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa, chủ là của cuộc đời mỗi người chúng ta.

Mỗi người ai cũng có lý luận, để rồi chúng ta chọn lựa và chúng ta tin vào ai, chúng ta tin vào cái gì? Câu trả lời của mỗi người Kitô Hữu là :Chúng ta tin vào Thiên Chúa, và tin vào sự trung tín của Người và  Lời của Người đã hứa.

 Nếu như không bình tĩnh, nếu như  hồ đồ, chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc đời của Apraham nó quá bi đát!  Và chúng ta thấy một Thiên Chúa  thất tín, bất trung và Thiên Chúa ác độc với Apraham!  Thiên Chúa tại sao ác như vậy?

Thế nhưng rồi khi chúng ta nhìn lên cái núi mà  Apraham sát tế con của mình, chúng ta thấy có một bàn tay của Thiên Thần bay ra để đỡ con của mình. Nhưng rồi trên núi Canvê chúng ta thấy Chúa Giêsu cô đơn treo trên thập giá! Bị người ta treo lên, bị người ta đâm thủng cạnh sườn và rồi máu và nước từ cạnh sườn chảy ra. Thế nhưng mà ngay cái giờ phút cô đơn đó chúng ta thấy, có bàn tay nào đưa ra để mà bênh đỡ cho Chúa đâu?

Và khi chúng ta đặt ngược câu hỏi như vậy để chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa . Thiên Chúa đã không đòi hỏi con người làm việc gì quá mức. Thiên Chúa đã hi sinh và Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu đó cho con người trước.

Chính thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2 hôm nay ngài cũng đã xác nhận: Thiên Chúa đã không dung tha cho Người Con duy nhất của Ngài.  Và Thiên Chúa đã trao ban cho Người Con duy nhất đó ân sủng, và chẳng lẽ Thiên Chúa cũng không ban cho mỗi người chúng ta, nếu như chúng ta tin vào sự trung tín của Ngài.  

Tôi tin vào ai thì tôi sống theo lời của người đó.  Hai vợ chồng dẫn nhau đi vào nhà thờ làm đám cưới : Em có tin anh không?  Anh có tin em không ? Và hai người nói với nhau lời thề ước sống với nhau trung tín suốt cuộc đời.

Và nếu như chúng ta, chúng ta tin vào Chúa thì: ngày mỗi ngày, giây mỗi giây, phút mỗi phút chúng ta cũng tin vào Chúa và chúng ta lên đường với Chúa.  Độc đáo của người Kitô giáo là lời Thiên Chúa không còn qua ngôn từ, qua sách vở , nhưng lời Thiên Chúa đã thành xác phàm và ở giữa mỗi người chúng ta.  Lời ấy mang tên Giêsu.

Tin vào Thiên Chúa đồng nghĩa tin vào Đức Giêsu Kitô là Nazarét và nếu khi chúng ta tin vào Người, và chúng ta gắn bó với Người, chúng ta kết hợp với Người thì niềm tin của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra một ý nghĩa lớn. Ở trên núi, khi thử thách, Thiên Chúa đã cho các ông thấy được cái cảnh biến hình, thấy được đau khổ.  Ở đằng sau cái sự đau khổ đó là một cái vinh quang, không phải là ngõ hẹp, không phải là ngõ cụt. Nhưng Chúa mời gọi các môn đệ qua cái ngõ hẹp qua cái ngõ cụt đó để thấy được vinh quang của Ngài, Chúa chứng tỏ cho các ông thấy được: Chúa Giêsu chính là con đường, là sự thật và là sự sống.

 Đời thường của các ông cũng như đời thường của mỗi người chúng ta, luôn gặp những điều khó khăn vất vả thử thách nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa luôn luôn ở gần  bên và Thiên Chúa luôn luôn nâng đỡ chúng ta.

Dẫu rằng, chúng ta không thấy nhưng Thiên Chúa vẫn ở cạnh bên và Thiên Chúa gìn giữ chúng ta. Chúng ta được mời gọi, nâng đỡ nhau khi chúng ta nghi ngờ về Thiên Chúa, nhưng rồi Đấng mà chúng ta tin đó luôn luôn ở lại với chúng ta và che chở chúng ta từng giây từng phút trong cuộc đời .  Chuyện quan trọng rằng : chúng ta có sống trung tín đời của chúng ta với Ngài hay không?   

 Mỗi ngày Chúa nhật và đặc biệt qua các bí tích: chúng ta gặp được Chúa. Và đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Chính bí tích Thánh Thể là núi Chúa nơi mà chúng ta được găp vinh quang của Chúa để chúng ta đón nhận cái vinh quang đó. Để sau khi đón nhận cái vinh quang đó trở về với đời thường, chúng ta vẫn đủ sức vượt qua cái gian lao thử thách của cuộc đời. Khi các môn đệ xuống núi. Các môn đệ đã thấy được cái vinh quang và kết hợp mật thiết với Chúa. Thì tất cả những thử thách, những khổ đau đó chẳng là gì cả!

Ước gì chúng ta cũng học lấy,  mặc lý tâm tình với các môn đệ để chúng ta chịu khó ngày mỗi ngày, giây mỗi giây, phút mỗi phút, giờ mỗi giờ, chúng ta luôn luôn kết hợp mật thiết với Chúa trong vinh quang của Chúa, để rồi chúng ta luôn luôn bình an giữa những sóng xô, những thử thách của cuộc đời .

Bởi vì Chúa luôn luôn ở kề bên ta, Chúa luôn luôn ôm ấp cuộc đời của ta và Chúa luôn luôn nâng đỡ cuộc đời của chúng ta. Amen.
 
Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay4,786
  • Tháng hiện tại193,322
  • Tổng lượt truy cập15,480,212
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây