THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa nhật III Thường niên B

Thứ bảy - 20/01/2018 07:17
Hôm nay, sứ điệp Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Đây quả là một hồng phúc lớn lao cho các môn đệ là những người được Chúa yêu thương chia sẻ và mời gọi cộng tác vào công việc loan báo tình yêu cứu độ của Chúa
Chúa nhật III Thường niên B
 Trang Tin Mừng rất ngắn  mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :« Hãy theo Ta , Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người.» và rồi các môn đệ đã trở thành những nhà truyền giáo tuyệt vời ! Không phải  các ngài học cao hiểu rộng, không phải có bằng cấp này bằng cấp kia! nhưng bằng chính cuộc đời, bằng chính cuộc đời biến đổi đời mình, để đi loan báo Tin Mừng đi loan báo Nước Trời.

    Thánh Phaolô nói:  Tôi đến với anh em không phải bằng những lời nói, những học thuyết cao sâu. Nhưng bằng lời nói rất là bình thường, rất là bình dị và bằng chính cuộc đời của tôi . Tôi tuyên bố với anh em rằng: «Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết và tôi xác tín điều đó» . Thế đấy, sứ mạng của người truyền giáo, sứ mạng của một người đi theo Đức Kitô. Nói lời Đức Kitô không phải người học cao hiểu rộng, nhưng là một người có một tấm lòng và có niềm tin vào Thiên Chúa.  

Và rồi trở về với bài đọc thứ nhất hôm nay, trong sách ngôn sứ Gio-na. Cuộc đời của Giona rất đẹp! Nhưng mà đôi khi chúng ta không dừng lại để mà chúng ta nhìn. Ai nào đó trong chúng ta, đã hơn một lần, đã từng cảm thấy chán ngán về cuộc đời. Chúng ta cảm thấy, cuộc đời này gánh nặng và nhiều lúc chúng ta nghĩ rằng chết phức đi cho rảnh nợ. Nhưng có lẽ đó không phải là tâm trạng của mỗi người chúng ta, của riêng mình. Nhưng mà trong Thánh Kinh, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời;  trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cứu độ. Chúng ta thấy, có những người ao ước được chết đi cho rảnh nợ.  Đó là ai? Đó là Môsê, Elia, ông Gióp và đặc biệt Gio-na.

Nhiều lúc mình cảm thấy cuộc đời mình vô tích sự  mà làm sao mình rao giảng lời Chúa được?

 Xin mời mỗi người chúng ta nhìn lại cuộc đời của Giona . Cuộc đời của Giona nó buồn cười lắm! Thiên Chúa bảo ông thế này, ông lại làm thế kia! Giona không nghe lời, ông không đi lên Ninivê vì ông không thích Ninivê!  

Mà hỏi thử coi làm sao thích được? Vì lúc đó, Ninivê là thành phố lớn của đế quốc Assyria, là kẻ thù truyền kiếp của dân Do Thái. Giona biết Thiên Chúa sẽ không phạt Ninivê nếu mà Ninivê ăn năn sám hối.

Thay vì đi lên Ninivê thì ông về miền Bắc, Giona xuống tàu đi về hướng Tây sang mãi tận Tac-sic , Miền Nam của Tây Ban Nha bây giờ. Ông đi ngược hướng mà Thiên Chúa muốn, và muốn đi càng xa càng tốt. Ông muốn trốn khỏi Thiên Chúa: Trốn xuống tàu chưa đủ, ông còn trốn xuống tận đáy khoan. Ông Giona đã xuống hầm và nằm đó ngủ  thật say. Thiên Chúa đâu có thua Ông Giona, đã trốn như thế thì Thiên Chúa chìu lòng. Và rồi Thiên Chúa đã đẩy ông Giona xuống tận lòng đáy biển. Và một cơn bão nổi lên, tàu đảo điên, muốn chìm, ai cũng sợ, kêu cứu đến thần của mình. Chỉ có một mình Giona nằm đó ngủ say.

Chúng ta nhìn thấy  Giona , xem ra rất là xí xọn, và rất là dí dỏm. Giona như một đứa trẻ muốn ăn vạ vào Thiên Chúa:  bão thì bão,  thuyền chìm cho chết luôn. Đây không sợ bão gì cả ! Mà thật, Giona không có sợ bão ! Khi người ta bốc thăm, nghiên cứu ra « bão», thì lại rơi vào ông. Và ông đã thành thật khai báo lý lịch trích ngang của ông và ông đã nhận luôn cái tội của mình là: «chạy trốn khỏi Nhan Thiên Chúa». Mà ông cho rằng, chính cái «tội» đó mà bão hoành hành. Và rồi ông tự nói rằng là: hãy đem tôi xuống biển đi, thì biển sẽ lặng yên, không đe dọa các ông nữa! Vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp bão.

 Và rồi, sau khi nghe lời đó thì thủy thủ vất Giona xuống dưới biển và sóng yên, biển lặng thôi!

Ông có trốn thì trốn, nhưng mà Thiên Chúa vẫn không có bỏ rơi ông. Đức Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giona và Giona đã ở trong bụng cá, ba ngày ba đêm. Chúa đã không để ông chết chìm. Lẽ ra Chúa để cho ông chìm, nhưng rồi Chúa lại không cho ông chết. Trong hoàn cảnh như thế, Giona vẫn cầu nguyện với Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mà mới oán phạt ông. Ông vẫn âu yếm gọi  Đức Chúa. Từ trong bụng cá Giona cầu nguyện cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông. Có lẽ như thế, mà Đức Chúa bảo con cá nó liền mửa  Giona ra trên đất liền.

Và rồi  sau đó,  không biết bao lâu,  Thiên Chúa lại nói với Giona . Có lời Đức Chúa phán  với Giona, lần thứ hai:  Hãy trỗi dậy đi tới Ninivê , thành phố lớn và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo sẽ truyền cho ngươi.

Lần này thì Giona  không có ngúng nguẩy nữa, Giona không có õng ẽo nữa, và rồi Giona đứng dậy đi tới thành Ninivê như lời Đức Chúa phán . Có chi tiết mà chúng ta quan tâm rằng là:  lần trước Thiên Chúa nói rõ nội dung mà Giona cần thông báo: « Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn và hô cho dân biết rằng: sự gian ác của chúng đã thấu tai TA và sự gian ác của Ninivê đã được vạch rõ.  Lần thứ hai này thì Thiên Chúa úp mở: « Hãy đứng dậy đi đến Ninivê, thành phố lớn và cho dân thành biết lời tuyên cáo sẽ truyền cho ngươi. »

Tuyên cáo cái gì? thì lúc này Thiên Chúa  không nói rõ: Sợ  nói rồi thì Giona trốn nữa  sao! đến lúc vào thành đi được một ngày đường, nghĩa là vào trung tâm thành phố. Giona lên tiếng cảnh cáo: « Còn 40 ngày nữa thì Ninivê sẽ bị phá đổ.» . Giona không hề dùng chữ «tội» trong tuyên báo. Ông không chỉ thẳng vào mặt dân Ninivê  để nói dân này có tội. Ông không hề mở ở một khóa Linh thao hay là cấm phòng, ông chỉ báo trước  tai ương sẽ xảy ra: Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá  đỗ .

Và cái lời cảnh báo đó có nội dung rất tích cực, dân thành Ninivê đã tin vào Chúa và đã công bố lịch ăn chay. Ninivê đã trở lại, không trở lại từng cá nhân mà là hàng loạt, toàn diện và từ người cho đến thú vật.

Có lẽ, chưa bao giờ công cuộc truyền giáo nào lại thành công tốt đẹp như công cuộc truyền giáo mà Giona đã làm !

 Và kết quả là : Thiên Chúa thấy việc họ làm. Họ đã bỏ đường gian ác trở lại. Người hối tiếc về tai họa mà Người đã giáng trên họ, Người không giáng trên họ nữa.

Và đây, cũng là Bài học của ngôn sứ Giona . Chính vì việc Ninivê đã cải tà quy chính mà Giona còn e ngại mọi người đã trở lại thay đổi lối sống, trừ một mình ông thôi!

Ông cảm thấy bực mình và nổi giận. Bực mình và nổi giận rồi, Thiên Chúa hỏi ông: Nổi giận như thế có lý không? Giona   không trả lời.  Mà làm sao trả lời được, Giona  đâm ra hờn Chúa. Và rồi chúng ta thấy, cái hờn cái giận của Giona như con nít : lúc thì Giona bực mình,  lúc thì Giona vui, vui vì cây thầu dầu .

Lần đầu thì Thiên Chúa hỏi ông : Nổi giận của ông có lý không? ông trả lời. Lần sau Ngài hỏi ông : con nổi giận vì cây thầu dầu con có lý không? Và ngài trả lời: Con có lý để nổi giận đến chết được. Và rồi chúng ta thấy cuộc đời của Giona  có 6 lần ông đòi chết "Hãy đem tôi ném xuống biển” (Gn 1, 12)  . “Xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống !" (Gn 4, 3)   “Xin cho mình được chết , ông nói:  thà con chết hơn sống”( Gn 4, 08) hai lần .  "Con có lý để nổi giận đến chết được !" ( Gn 4, 09)  và rồi đến lúc nằm trong bụng cá thì ông lại hai lần cầu cứu Chúa cho mình khỏi chết : “ Lạy Chúa, từ  lòng âm phủ, con cầu cứu.” (Gn 2,3) .  “Khi mạng sống con hầu tàn  con đã nhớ đến Chúa” (Gn 2, 8) .

Để chúng ta thấy rằng,  tâm tình của Giona :  ông làm ngôn sứ, ông biết rằng Thiên Chúa quan tâm tới mỗi người. Và rồi ở trong lòng sâu thẳm của Thiên Chúa, lúc đó ông mới hiểu được Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người. Khi ở trong bụng cá, ngang bướng, nhưng rồi ở trong bụng cá Giona  hối cải , thống hối trước khi thúc giục người khác ăn năn trở lại. Và chúng ta thấy lời kinh của Giona  ở trong bụng cá là bài kinh tuyệt vời , mà cha Kim Long phổ nhạc bài này:

“Trong gian truân tôi đã kêu cầu. Và Chúa đã đáp lời tôi. Từ vực sâu tôi nài van Chúa và Chúa đã nghe tiếng tôi Chúa xô tôi xuống lòng vực thẳm giữa muôn cuồn sóng đại dương. Bao dòng nước cuốn trôi, bao triều phong ba cùng xô lắc tấm thân tôi.”

Và từ lúc đó Giona  nhận ra rằng dù số phận của Assyria, có khác với phận của dân Do Thái thì động lực của Thiên Chúa trong lòng ông vẫn là sự xót thương. Sau ba ngày hồi tâm, con cá mửa ông lên bờ, ông trở về với Ninivê và nói cho họ biết số phận họ đang chờ . Và cuộc hối cải diễn ra và toàn diện hơn là ông tưởng.  Và rồi, vì thế việc chu di Ninivê lại dời đi cả một trăm năm. Ninivê đã thống hối trở lại.  Và rồi, chúng ta thấy lời mời gọi  và cung cách sống  của Giona,  đã sám hối và dân thành Ninivê đã trở lại. Với cái lối truyền giáo, lối cảnh báo rất nhẹ nhàng không hề nói đến tội, đến án phạt, nhưng mà nói : còn 40 ngày nữa !

Như lời của Thánh Phaolô tông đồ gửi trong thư gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe rất ý nghĩa:

Bây giờ tôi nói với anh em điều này:  Thời giờ còn vắn vỏi những ai có vợ hãy ở như không có vợ; những ai đang than khóc, ăn ở như không than khóc; kẻ hân hoan, ăn ở như không hân hoan; người mua sắm hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế giới này qua đi .

Và ngày mỗi ngày trong trần gian, trong cuộc đời chúng ta thấy:  có người sinh, có người tử. Và rồi mỗi ngày cuộc sống qua đi, mỗi ngày qua đi là:  mỗi ngày chúng ta gần tới nấm mồ hơn, gần tới cái chết hơn.

Nếu ai trong chúng ta cảm thấy mình sạch tội. Nếu ai trong chúng ta cảm thấy mình thánh thiện mà không phạm tội, thì không cần phải sám hối. Còn nếu như mỗi người chúng ta nhận ra thân phận của mình để mà sám hối thì chúng ta sẽ như dân thành Ninivê, sám hối để đón nhận được ơn tha thứ.

 Có một người kia tâm sự : Cha ơi, con ra nhà thờ , con thấy người này người kia nói xấu, người này người kia tham gia hội đoàn này, người kia nói xấu người nọ. Nhiều lúc con cũng cảm thấy tức, mà hình như con cũng muốn nghĩ xấu như thế ! Thì con mới nói rằng là:  «Chị ơi, chị bận tâm làm gì chuyện của thiên hạ.» .

Tại nhiều khi mình ồn ào, mình náo nhiệt,  mình không nhìn vào chính cuộc đời của mình. Khi mình nhìn mình là tội nhân, mình dễ sám hối. Còn nếu mình nhìn mình là thánh nhân, thì mình sẽ kiêu ngạo và mình sẽ không bao giờ sám hối. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô khi hỏi : Ngài là ai? Ngài còn nhìn nhận mình là tội nhân, mà tội nhân thì cần phải sám hối để được hưởng ơn tha thứ, được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa .

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta. Đặc biệt ngày hôm nay, chúng ta nghe lời của các môn đệ nói và rồi chúng ta cố gắng nhìn lại cuộc đời chúng ta, để chúng ta ăn năn sám hối, bởi vì cuộc đời chúng ta: nay còn mai mất. Hôm nay chúng ta còn sống đó, nhưng mà liệu rằng ngày mai chúng ta còn sống hay không?

 Và xin cho mỗi người chúng ta, biết ăn năn sám hối để chờ đón ngày Chúa đến với cuộc đời chúng ta: một ngày bất ngờ chúng ta không bao giờ biết. Amen.

Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,605
  • Tổng lượt truy cập15,594,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây