Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Hỏi : Trong Phúc âm Thánh Matthêu ,chương 25, qua dụ ngôn “Ngày phán xét chung” Chúa thưởng công cho những người khi còn sống có lòng bác ái, và phạt những người không có lòng bác ái. Như vậy có phải chỉ cần làm việc bác ái là được cứu rỗi hay sao ?
Trả lời :
Mến Chúa và yêu người là hai điều răn quan trọng nhất mà Thiên Chúa truyền cho con người phải tuân giữ để được chúc phúc từ thời Cựu Ước đến thời Tân Ước như lời Chúa Giêsu đã nói với một kinh sư kia như sau:
“ Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hởi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : ngươi phải yêu mến người lân cận ( neighbors) như chính mình. Chẳng còn điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” ( Mc 12: 29- 31; Mt 22 : 38-39)
Nghĩa là mến Chúa phải đi đôi với yêu người. Mà yêu người thì không phải chỉ yêu người về phe với mình, ca tụng mình, có lợi cho mình mà còn phải yêu cả kẻ thù của mình như Chúa đã dạy các môn đệ xưa:
“ anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” ( Mt 5: 43-44)
Chúa không những dạy mà còn làm gương yêu kẻ thù cho chúng ta, khi Chúa bị treo trên thập giá và Người đã cầu xin cùng Chúa Cha cho những kẻ đã đóng đanh Người như sau:
“ Lậy Cha , xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” ( Lc 23 : 34)
Như thể đủ cho chúng ta thấy là phải yêu người khác như thế nào để xứng đáng được “ trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên Trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. “ ( Mt 5: 45)
Nhưng mến Chúa và yêu người thì không thể nói lý thuyết suông được, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể để chứng minh, vì nếu chỉ nói mà không làm thì không thuyết phục được ai. Và cũng không có giá trị gì cả.
Thực vây, trước hết, nói về yêu mến Chúa, thì phải thực sự yêu mến từ trong lòng, từ nội tâm ra đến hành động bên ngoài. Nếu không, thì hãy nghe Chúa Giêsu mượn lời ngôn sứ I-saia để nói về bọn Biệt phái và Luật sĩ xưa như sau :
“ Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng
Còn lòng chúng thì lại xa Ta
Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích
Vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân,” ( Mt 15: 8-9)
Nếu thực tâm yêu mến Chúa thì trước hết phải tuân giữ các thánh chỉ hay điều răn của Chúa như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa:
“ Ai có và giữ các điều răn của Thầy
Người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy
Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.
Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” ( Ga 14: 21)
Nói khác đi, không thể nói tin Chúa, yêu Chúa mà lại làm những điều trái nghịch với tình thương, công bằng và thánh thiện của Chúa, như oán thù, nghen ghét, giết người, giết thai nhi, bất công và bóc lột người khác, thay vợ đổi chồng, dâm ô trác táng, tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo.
Lại nữa, cũng không thể yêu Chúa mà không yêu mến Giáo Hội và những bí tích tối cần cho ơn cứu độ như Thánh Thể và Hòa giải để siêng năng tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc quanh năm; cũng như năng chạy đến với Chúa trong bí tích hòa giải để được tha thứ mọi tội lỗi vì yếu đuối con người- nhất là vì ma quỷ cám dỗ và gương xấu của môi trường sống.
Thứ đến là yêu mến người khác. Tình yêu này cũng phải được thể hiện bằng hành động cụ thế, chứ không thể nói suông ngoài môi miệng như Thánh Gia-cô- bê Tông đồ đã dạy như sau :
“ Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần , thì nào có ích gì ?” ( Gc 2: 14-16)
Nói rõ hơn, bác ái phải được minh chứng bằng hành động cụ thể thì mới có giá trị thuyết phục.
Bác ái đích thực cũng là thước đo đức tin sống động và là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cũng vì yêu thương bác ái đích thực mà tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.”( Mt 20: 28) cũng chỉ vì muốn cụ thể hóa tình yêu của Chúa đối với tất cả mọi người chúng ta như Chúa đã nói với các môn đệ trước giờ Người bị trao nộp:
“ Không có tình thương nào cao cả
Hơn tình thường của người đã hy sinh tính mạng
Vì bạn hữu của mình.” ( Ga 15: 13)
Trên đây là lời cáo biệt sau hết của Chúa với 12 Tông Đồ.Nhân dịp này Chúa đã gọi họ - và qua họ, tất cả chúng ta- là “ bạn hữu” của Người. Và Chúa đã minh chứng tình yêu của Người cho chúng ta bằng cách “ hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 : 28)
Chính trong tinh thần này mà dụ ngôn Ngày Phán xét chung trong Tin Mừng Thánh Matthêu là một thí dụ cụ thể về mến Chúa và yêu người cách đích thực.
Thật vậy, qua dụ ngôn trên, Chúa muốn chúng ta cụ thể lòng tin yêu Chúa bằng việc bác ai, thiết thực là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm nom người đau yếu và kẻ bị tù đầy.Như thế những việc bác ái này là bằng chứng nói lên lòng tin yêu Chúa cách nồng nàn nhất – và do đó- có giá trị cứu rỗi cho những ai muốn chứng mình đức tin và đức mến của mình dựa trên lời dạy sau đây của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ:
“ Bạn, bạn có đức tin; còn tôi ,tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động. Còn tôi tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin…Ông Ap-raham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ac trên bàn thờ đó sao ? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo…Anh em thấy đó: nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” ( Gc 2: 17-18, 21, 24)
Nói cách khác, nhờ đức tin, ta tin có Chúa là Cha cực tốt cực lành. Đức tin dạy ta phải mến Chúa và yêu người cách cụ thể, sống động chứ không lý thuyết suông bằng môi miệng.Do đó, đức ái nồng nàn là thể hiện đức tin sâu đậm. Nghĩa là nếu không có đức tin là động lực chính thúc đẩy thì hành động không thể mang giá trị bác ái được.
Cụ thể, người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu đôla để giúp người nghèo nhưng vẫn không có giá trị bác ái, nếu chỉ làm để khoe khoang, để được tiếng hảo tâm, rộng lượng, hoặc để được an tâm che dấu những cách làm tiền thiếu công bình, đạo đức của mình. Ngược lại, chỉ cho ai một đồng bạc, một chén cơm, một ly nước lã. Nhưng với lòng mến Chúa và tin có Chúa hiện diện nơi những người nghèo đói nên muốn chia sẻ với họ theo khả năng của mình, thì vẫn có giá trị bác ái hơn người cho cả triệu đồng để giúp trẻ mồ côi, giúp xậy nhà thương, nhà thờ nhà chùa, chỉ vì muốn khoe khoang hay muốn che mắt người đời về những cách làm giầu tội lỗi của mình như buôn bán gian lận, mở sòng bài bạc, sản xuất phim ảnh, sách báo dâm ô đồi trụy- và nhất là- buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm, ấu dâm ( child prostitution) vô cùng khốn nạn như nhiều người đang làm hiện nay.
Tiền bạc của họ bỏ ra cho ai, nhờ cách kiếm tiền tội lỗi nói trên thì chắc chắn không thể biện minh cho việc làm vô luân vô đạo của họ được , và nhất là không giúp ích gì cho phần rỗi của họ sau này. Một chuyện có thật, đáng chú ý là cách nay 9 năm , một nhà thờ Tin lành ở Houston, Texas đã từ chối không nhân hai triệu đôla của một người đã trúng lôtô dâng cúng. Vị mục sư coi sóc nhà thờ ở đây đã không nhận số tiền trên vì cho rằng tiền đó là do cờ bạc đem lại chứ không phải do công khó làm ra !
Trong nhãn giới này, không ai có thể mua Nước Trời, mua ơn cứu rỗi bằng tiền bạc được.Nghĩa là không thể bỏ hàng triệu bạc ra xin “ lễ đời đời” hay “mua hậu” của những nơi buôn thần bán thánh để khoán trắng phần rỗi của mình cho người khác làm thay mà không cần có nỗ lực mến Chúa yêu người thực sự đi kèm. Nói rõ hơn, chỉ có sống đức tin đích thực là yêu mến Chúa hơn yêu tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo song song với đức ái nồng nàn, thì đó mới là phương thế hữu hiệu cho ta được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Giê-su Kitô mà thôi.
Ước mong giải đáp trên thỏa mãn phần nào câu hỏi được đặt ra.