THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Buộc xưng tội trong mùa Chay không?

Thứ hai - 27/03/2017 00:46
Chúng ta đang sống mùa Chay thánh, mới đây con nghe nói rằng ai không xưng tội trong mùa Chay thì mắc tội trọng. Thưa cha, điều này có đúng không?

 

 

xungtoi.jpg  

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Chúng ta đang sống mùa Chay thánh, mới đây con nghe nói rằng ai không xưng tội trong mùa Chay thì mắc tội trọng. Thưa cha, điều này có đúng không? - J. B., Ocala, Florida, Mỹ.



Đáp: Câu trả lời nhanh cho câu hỏi này là không. Tuy nhiên, câu trả lời nhanh là không hề đơn giản, vì có một số điểm cần lưu ý.

Theo Giáo luật:

"Điều 987 

Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.

"Điều 988

§1. Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần xưng tội riêng.

§2. Khuyên các Kitô hữu cũng xưng cả những tội nhẹ nữa (CIS 901-902).

"Điều 989 

Mọi tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, buộc phải xưng các tội trọng của mình một cách trung thực, một năm ít là một lần (CIS 906 ; CIO 719) (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Tuy nhiên, Giáo Luật cũng nói như sau về việc Rước lễ:

"Điều 920

§l. Sau khi đã rước lễ lần đầu, tất cả mọi tín hữu buộc phải rước lễ mỗi năm ít là một lần.

§2. Phải chu toàn mệnh lệnh này trong mùa Phục Sinh, trừ khi phải chu toàn vào một thời gian khác trong năm vì một lý do chính đáng (CIS 859 ; CIS 860 ; CIO 708)” (Bản dịch, như trên).

Các luật này bắt nguồn từ Hiến chế 21 của Công đồng Latêranô thứ IV năm 1215. Xin đọc:

"Tất cả các tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, phải xưng tất cả tội lỗi của mình một cách chân thành với linh mục của mình ít nhất một năm một lần, và chăm chỉ làm việc đền tội do linh mục đưa ra cho mình. Họ hãy cung kính Rước Thánh Thể ít nhất vào lễ Phục sinh, trừ khi họ nghĩ rằng, vì một lý do chính đáng và theo lời khuyên của vị linh mục, họ nên tránh rước lễ trong một thời gian. Nếu không, họ sẽ bị cấm không được bước vào một nhà thờ trong suốt cuộc đời của họ, và họ sẽ bị từ chối chôn cất theo nghi thức Công Giáo sau khi qua đời. Xin công bố thường xuyên sắc lệnh cứu độ này trong các nhà thờ, để không ai có thể tìm ra cái cớ cho việc không hiểu biết của mình. Nếu bất kỳ người nào muốn, vì các lý do tốt, xưng tội với một linh mục khác, người ấy phải hỏi ý kiến của linh mục của mình và xin phép ngài; nếu không, linh mục ấy sẽ không có quyền tha hoặc ràng buộc họ. Linh mục cần phải sáng suốt và thận trọng, để cho giống như một bác sĩ lành nghề, ngài có thể đổ rượu và dầu trên các vết thương của người bị thương. Linh mục cần cẩn thận hỏi về hoàn cảnh của hối nhân và tội, để ngài thận trọng phân định lời khuyên cần thiết và nên áp dụng sự chữa trị nào, sử dụng các phương thế khác nhau để chữa lành người bệnh. Tuy nhiên, linh mục cần chăm sóc tối đa, không phản bội tội nhân bằng lời nói, cử chỉ, hoặc bất kỳ cách nào khác. Nếu linh mục cần lời khuyên khôn ngoan, ngài cứ thận trọng tìm kiếm, nhưng không đề cập đến người có liên quan. Vì nếu ai giả định tiết lộ một tội lỗi mà mình đã biết khi ngồi tòa giải tội, chúng tôi tuyên sắc rằng ngài không chỉ bị đình chỉ tác vụ linh mục của mình, mà còn phải ở trong một tu viện kín để làm việc đền tội vĩnh viễn nữa".

Các nguyên tắc này cũng được nêu ra trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo:

"1389. Giáo Hội buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng (x. OE 15) rước lễ mỗi năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (x. CIC, khoản 920), trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Giao Hòa. Giáo Hội hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hay thường xuyên hơn nữa, rước lễ hằng ngày” (Bản dịch Việt ngữ của Ban giáo lý, Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Và sau đó:

"Các điều răn của Giáo Hội

"2041. Các điều răn Giáo Hội nhằm nâng đỡ một đời sống luân lý gắn liền với đời sống phụng vụ và được đời sống này nuôi dưỡng. Tính cách bó buộc của các luật thiết định do các mục tử ban hành này có mục đích bảo đảm cho các tín hữu mức cần thiết phải có trong tinh thần cầu nguyện, trong cố gắng sống hợp với luân lý, trong sự gia tăng lòng mến Chúa yêu người.

“2042. Ðiều răn thứ nhất (vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và không làm những công việc nô dịch) đòi các tín hữu thánh hóa ngày mừng Chúa Phục Sinh, cũng như những lễ phụng vụ chính để tôn kính các mầu nhiệm của Chúa, của Ðức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, của các thánh, trước hết bằng việc tham dự cử hành Bí Tích Thánh Thể, là bí tích qui tụ cộng đoàn, và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy (x. CIC, 1246-1248; CCEO 880, 3; 881).

“Ðiều răn thứ hai: (mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần) bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy (x. CIC, 989, CCEO, 719)

“Ðiều răn thứ ba: (mọi tín hữu buộc phải rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh) bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình Máu Chúa Giêsu. Ðiều răn này phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, vì lễ Phục Sinh là nguồn gốc và là trung tâm của phụng vụ Ki-tô giáo (x. CIC, 920, CCEO, 708-881).

“2043. Ðiều răn thứ tư: (vào những ngày sám hối do Hội Thánh ấn định, các tín hữu buộc phải kiêng thịt và giữ chay) bảo đảm thời gian tu luyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ phụng vụ. Chay tịnh và hãm mình góp phần giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới tự do nội tâm (x. CIC, 1246, CCEO, 881,1,4; 880,3)).

“Ðiều răn thứ năm (các tín hữu buộc phải đóng góp cho các nhu cầu của Giáo Hội) dạy các tín hữu có bổn phận chu cấp cho những nhu cầu vật chất của Giáo Hội, tùy theo khả năng mỗi người (x. CIC, 222; CCEO 25)” (Bản dịch, như trên).

Từ các tài liệu này, chúng ta có thể suy luận rằng nghĩa vụ trước tiên là Rước lễ ít nhất một năm một lần, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh. Nghĩa vụ phải đi xưng tội trước khi Rước lễ là liên quan đến nghĩa vụ Rước lễ vào mùa Phục Sinh, để chắc chắn rằng người ấy ở trong tình trạng ân sủng. Mặc dù đây là một suy luận theo luận lý học từ quan điểm thiêng liêng, nhưng phải nhận xét rằng Giáo luật điều 920 §2 qui định xưng tội mỗi năm một lần và không nói về mùa nào cả.

Bộ Giáo luật hiện tại tạo điều kiện dễ dàng cho việc xưng tội, so với Bộ Giáo luật cũ, chẳng hạn loại bỏ yêu cầu phải xưng tội với chính cha xứ của mình để chu toàn nghĩa vụ.

Thời gian để hoàn thành nghĩa vụ mùa Phục Sinh, như đôi khi nó được gọi, có thể khác nhau giữa các nước. Tại Mỹ, thời gian này là từ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay đến hết ngày Lễ Chúa Ba Ngôi; ở các nước khác, mùa có thể bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên.

Tất nhiên, nghĩa vụ mùa Phục Sinh là một yêu cầu tối thiểu để động viên mọi người nhận lãnh các bí tích. Lý tưởng nhất, một người Công Giáo Rước lễ mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Một người Công Giáo cũng nên đi xưng tội bất cứ khi nào mình nhận thức đã phạm tội trọng, và việc xưng tội thường xuyên là rất được khuyến khích, thậm chí nếu chỉ có tội nhẹ. Như Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta, điều răn này nói: "bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy”.

Nếu các đề nghị này được tuân theo, mặc dù nghĩa vụ rước lễ trong mùa Phục Sinh vẫn còn, việc một người ta cần đi xưng tội trong Mùa Chay, hoặc ít nhất vào thời điểm nào đó trước khi Rước lễ vào mùa Phục sinh, sẽ không còn tồn tại, trừ khi người ấy có tội trọng.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 23-2-2016)


Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay6,189
  • Tháng hiện tại194,725
  • Tổng lượt truy cập15,481,615
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây