38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41Quỉ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. 42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. 44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Suy niệm
Chúa Giê-su không đến để loại bỏ đau khổ, nhưng đến để biến đổi đau khổ thành công phúc.
Bài Tin Mừng ngày hôm nay cho thấy quyền năng của Chúa Giê-su khi Người cứu chữa con người khỏi bệnh tật và xua trừ ma quỉ. Trước tiên, Chúa Giê-su chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phê-rô, sau đó là Người chữa các bệnh tật và xua trừ ma quỉ cho dân chúng. Trong hoạt động của Chúa Giê-su, chúng ta thấy: "Ngài đi tới đâu, thì Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10, 38). Chúa Giê-su chữa lành kẻ bệnh tật, an ủi người sầu khổ, cho kẻ đói ăn, chữa lành kẻ câm điếc, mù lòa, phong cùi, quỉ ám và nhiều tật bệnh. Vài lần Người cho kẻ chết sống lại. Những hành động này cho thấy Chúa Giê-su có quyền năng chữa lành đau khổ của con người và chiến thắng quyền lực sự dữ.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su không đến để hủy bỏ đau khổ và sự chết ở thế gian, bởi vì đau khổ và sự chết nằm trong bản tính vốn yếu đuối mỏng dòn của con người. Hơn nữa, đau khổ và sự chết là hậu quả tất yếu của tội lỗi do con người gây ra cho nhau. Chúa Giê-su không đến để loại bỏ, nhưng Nguời đến để biến đổi đau khổ thành công phúc, giúp con người vươn lên trong “tiến trình” đạt đến sự trọn hảo tối hậu. Người không hủy bỏ đau khổ nhưng Người an ủi kẻ đau khổ (x. Mt 5, 5). Người không hủy bỏ nước mắt, nhưng Người lau nước mắt cho người đau khổ (x. Lc 7, 13; 8, 52). Chúa Giê-su đến để mang lại cho đau khổ một giá trị và một ý nghĩa mới. Đó là nhờ đón nhận đau khổ trong niềm tin và tình yêu, con người mới xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang là sự sống muôn đời.
Điều này được thánh Phao-lô minh họa qua hình ảnh người phụ nữ sinh con. Khi sinh con, ý nghĩa sự đau khổ không nằm ở cái đau đớn của thể xác, nhưng nằm ở niềm vui vì một sự sống mới chào đời (x. Rm 8, 18,22). Cũng vậy, ý nghĩa của những đau khổ chúng ta chịu ở trần gian này không nằm ở chỗ đau đớn thể xác và tinh thần, nhưng nằm ở niềm vui, ở niềm hy vọng hồng phúc trong sự sống vĩnh cửu, vì qua đó chúng ta thể hiện được tình yêu của mình đối với Chúa. Đây là điều mà các Tông đồ chỉ có thể cảm nhận được sau khi Chúa phục sinh. Dù các Tông đồ bị bắt bớ, tù đầy, tra tấn, giết hại, nhưng các Tông đồ vẫn vui vì được chịu khổ cho Chúa, được chịu khổ cho người mình yêu. Trong tình yêu, đau khổ cũng trở thành hạnh phúc là vậy!
Lạy Chúa Giê-su, mỗi người chúng con ai cũng có những nỗi đau khổ riêng, chúng con xin kết hiệp những nỗi đau khổ đó với hy tế thập giá của Chúa, nhờ đó, những đau khổ hằng ngày của chúng con sẽ trở thành công phúc cho những người thân của chúng con và cho chính chúng con trong cuộc sống muôn đời. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn