SUY NIỆM TIN MỪNG
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH A
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (6:34-44)
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”.37 Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?”38 Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá”.39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
Suy niệm
Phép lạ không là sự kiện quan trọng nhất. Điều đáng quan tâm, trước hết, không phải là ghi nhận con số thống kê như việc chia 5 chiếc bánh và hai con cá cho trên 5.000 người. Đó là việc làm dư thừa, vì nếu chỉ dừng lại con số đó chúng ta chỉ nhìn Đức Ki-tô như một chuyên gia làm phép lạ. Chúa Giê-su không muốn điều đó, Người không muốn biến mình thành con người kỳ diệu bởi các phép lạ Người làm. Phép lạ không là điều kiện tiên quyết cho việc khơi dậy đức tin. Chúa Giê-su thường nói khi thực hiện phép lạ chữa bệnh:
“Đức tin của con đã chữa con”. Trước tiên là Đức tin, rồi mới đến phép lạ.
Chúa Giê-su không là một nghệ nhân ảo thuật hay một phù thủy. Người là một con người với những cấu tố của con người, Người cũng cảm thấy mệt nhọc, cũng cần phải nghỉ ngơi. Thế nhưng, khi nhìn thấy dân chúng đang mải mê tìm Chúa, họ đang cần đến sự cứu giúp, nên Chúa Giê-su không thể thờ ơ trước nhu cầu của con người. Quên mệt nhọc, Người tiếp tục giảng dạy. Dân chúng say mê nghe lời Đức Ki-tô, họ quên cả ăn uống, quên cả thời gian, họ đang cần một người thầy dạy dỗ. Con người ở mọi thời đại đều có nhu cầu được nghe lời chân lý. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta cũng lầm tưởng con người ngày nay chỉ quan tâm đến nhu cầu trần thế, những tiện nghi, sức khỏe, v.v. và vì vậy, chúng ta ngần ngại loan báo Lời Chúa.
“Hãy cho họ ăn”, lệnh truyền này không chỉ dành riêng cho các Tông đồ, nhưng còn dành cho chính từng người Ki-tô hữu chúng ta.
“Hãy cho họ ăn”, hãy cho con người hôm nay được no thoả Lời Chúa, bởi vì còn biết bao người sống trong mê lầm, biết bao người đang đói khát chân lý, bao người đang sống trong thất vọng, khổ đau. Họ có tất cả đấy: tiền bạc, danh vọng, địa vị, v.v. thế nhưng họ vẫn đói khát, vẫn cảm thấy đời trống rỗng, vẫn chán chường sau những cuộc vui. Những viên thuốc lắc, những vũ trường, những quán bia cứ tưởng sẽ mang họ ra khỏi sự trống rỗng của cuộc đời, thế nhưng họ đã thất vọng.
“Hãy cho họ ăn”, có thể chúng ta vẫn còn ngần ngại:
“Lạy Chúa, Chúa biết đó, con yếu hèn, con chẳng có gì”. Hãy mở rộng trái tim và hãy bắt đầu với cái mà chúng ta đang có, nó nhỏ đấy, nó ít đấy, nhưng nó là khởi điểm của một hành động lớn lao. Hãy tín thác vào Chúa, từ cái nhỏ, cái ít của chúng ta, Người sẽ làm ra nhiều. Với lòng tin, chúng ta có thể chuyển núi dời non, Đức Ki-tô đã khẳng định như thế. Hãy bắt đầu với cái nhỏ nhoi, cái ít ỏi mình đang có.
Lạy Chúa, xin giúp con can đảm mở rộng trái tim để làm no thoả cho một thế giới đang dư thừa của cải vật chất, nhưng lại đang túng đói Lời Chân lý. Xin giúp chúng con đừng ngần ngại cho những gì con có, bởi không phải con thực hiện, nhưng chính Chúa thực hiện qua con những thiện ích cho anh chị em của con. Amen.