SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY B
NGÀY 21 - 03 - 2021
Càng tiến đến gần thời điểm được gọi là “Giờ của Chúa”, chúng ta càng thấy nhiều đề tài xúc tích được nêu lên trong phụng vụ Mùa Chay. Trước kia, trong thời các tổ phụ và các ngôn sứ, Thiên Chúa đã kết ước với dân Ngài qua hình thức hiến tế chiên bò, qua hòm bia thánh, qua mười giới răn, trong đền thờ do con người làm ra; nhưng giờ đây, chính Ngài thân hành đến giữa trần gian, đích thân chấm dứt giao ước cũ và khai mào một giao ước mới, không phải bằng máu chiên bò, mà là máu của Ngài khi tự hiến trên thập giá, một giao ước được ghi khắc vào tận đáy lòng và dạy chúng ta tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.
Trong Tin Mừng Gioan hôm nay (12, 20-33), tác giả đào sâu đề tài trên, nhân cơ hội một nhóm người Hy Lạp dự lễ Vượt qua tại Giêrusalem muốn được gặp Chúa. Qua dụ ngôn hạt lúa gieo vào lòng đất phải mục nát đi, Chúa Giêsu giải thích cuộc tử nạn của Người một cách sâu sắc. Chúa không trực tiếp trả lời câu hỏi của nhóm người Hy Lạp, nhưng cách gián tiếp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.
Nhóm người Hy Lạp là những người ngoại, họ ao ước gặp Chúa Giêsu không phải vì thắc mắc, tò mò, nhưng vì chân thành muốn được biết Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu quả quyết: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, thì nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Chết là điều kiện tiên quyết cho hạt giống được nẩy nở. Chúa áp dụng nguyên tắc này vào chính bản thân Người, nếu Người không tuân lệnh Chúa Cha, nếu Người không thực thi cuộc tử nạn trên thập giá, thì sẽ không có việc cứu chuộc con người.
Áp dụng vào đời sống Kitô hữu: ai chỉ biết sống thụ hưởng, mà không biết sống cho Thiên Chúa, không biết đem ánh sáng cứu độ đến cho người khác, thì quả là một mất mát lớn lao. Trái lại, ai biết hy sinh theo Chúa và biết lo đến phần rỗi của người khác, thì sẽ đạt được sự sống vĩnh cửu.
Diễn biến về hạt lúa mục nát đi trong sự chết để rồi nẩy nở trong sự sống lại, được thánh Gioan kiện toàn nơi chính Chúa Giêsu bằng lời quả quyết: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đây cũng chính là lời tha thiết của Chúa Giêsu: “Xin hãy làm vinh danh Cha”. Và tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã làm vinh danh Ta và còn làm vinh danh nữa”. Vinh danh không những trong sự kiện Chúa Kitô triệt để vâng phục Chúa Cha đến hy sinh mạng sống mình, mà còn vinh danh ở chính Chúa Cha trong cái chết của Chúa Kitô, đã thực hiện một công cuộc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, là giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi và khai thông cho nhân loại con đường toàn thắng sự chết. Người Kitô hữu từ đây không còn nhìn sự chết như một chướng ngại, một nguy cơ, nhưng như một giải thoát với ý thức rằng rồi mình cũng sẽ được phục sinh trong Chúa: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống muôn đời”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn