Hôn nhân là một thực tại có chiều kích Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh đòi buộc các tín hữu của mình phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh (x. GLHTCG, số 1630-1631).
Một trong những lý do để giải thích quy định này là: “Bởi vì hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, nên cần phải có sự chắc chắn về hôn nhân (vì vậy bắt buộc phải có các nhân chứng)” (x. GLHTCG, số 1631).
Đồng ý là đôi tân hôn mới là thừa tác viên của bí tích Hôn Phối, nhưng không phải bất cứ linh mục nào chứng hôn cũng được.
Điều 1108 §1 của Bộ Giáo Luật hiện hành quy định như sau:
“Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền, và trước mặt hai nhân chứng…”
1- Vị chứng hôn có năng quyền
Vị chứng hôn là người hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ấy (Điều 1108 §2). Theo Giáo Luật, hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn:
- Đấng Bản Quyền địa phương (Giám mục Giáo phận, Tổng Đại diện, Đại diện Giám mục), hay cha sở (hoặc được đồng hóa với cha sở).
- Hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền.
Điều 1111 quy định về việc ủy quyền chứng hôn:
“§1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình.
§2. Để được hữu hiệu, việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự uỷ quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản”.
Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở đang thi hành chức vụ cách thành sự đều có thể ủy quyền cho bất cứ linh mục hoặc phó tế nào để chứng hôn trong phạm vi địa hạt của mình.
Quyền ủy có thể được ủy quyền tổng quát cho mọi trường hợp hoặc riêng biệt từng đôi hôn phối (Điều 137 §1).
Sự ủy quyền tổng quát phải được cấp bằng giấy tờ mới có giá trị pháp lý.
Quyền ủy tổng quát có thể được tái ủy cho từng việc riêng biệt, nhưng quyền ủy cho từng đám hôn phối riêng biệt không được tái ủy nếu không có phép rõ ràng của vị ủy quyền (Điều 137 §3). Không một quyền nào đã được tái ủy, lại có thể tái ủy lần nữa (tái tái ủy), trừ khi vị ủy quyền minh nhiên cho phép (Điều 137 §4).
Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn phải hội đủ những điều kiện như sau:
1/. Sự ủy quyền phải được minh nhiên ban cho những người nhất định
- Một linh mục hay phó tế phải được chỉ định rõ rệt : tên hay chức vụ.
- Ủy quyền bằng điện thoại hay bằng miệng cũng được . Trực tiếp với vị đó hay gián tiếp nhờ người khác cũng được.
- Có thể ủy quyền cho nhiều vị chứng hôn trong cùng một hôn phối, miễn là mỗi vị được xác định tên và chức vị rõ ràng. Trong trường hợp thừa ủy cách liên đới này, ai hành động trước thì được ưu tiên: “Khi nhiều người đã được thừa uỷ theo cách liên đới để làm cùng một công việc, người nào đã khởi sự làm trước, thì sẽ loại trừ những người khác khỏi công việc đó, trừ khi sau đó người ấy bị cản trở hoặc không muốn tiếp tục làm nữa” (Điều 140 §1). Vì thế, để tránh lộn xộn xảy ra, tốt nhất cần nói rõ danh tánh và thứ tự.
2/. Hôn phối phải được xác định rõ ràng.
Phải nói rõ tên của đôi bạn hoặc ngày giờ hay nơi cử hành, miễn sao đừng có nguy cơ lẫn lộn với đám khác .
Trong trường hợp ủy quyền riêng biệt, vẫn có thể ủy quyền cho một linh mục hay phó tế chứng hôn nhiều đôi hôn phối, miễn là mỗi đôi được chỉ định rõ rệt.
3/. Sự ủy quyền phải rõ ràng
Phải xác định rõ ràng bằng lời nói hay bằng giấy tờ, hoặc bằng dấu hiệu hay hành vi nào khác. Một sự ủy quyền ngầm hay phỏng đoán thì không hữu hiệu .
4/. Hôn phối phải được cử hành trong địa hạt của cha sở ủy quyền
Cha sở không thể chứng hôn thành sự cho những người thuộc quyền ở ngoài địa hạt của mình (x. Điều 1109), vì thế cũng không thể nào ủy quyền cho người khác chứng hôn ở ngoài địa hạt của mình được.
2- Hai nhân chứng
Nghi thức Hôn nhân Công giáo thường được cử hành trước mặt ba người: vị chứng hôn và hai người làm chứng (x. Điều 1108 §1).
Hai người làm chứng phải hiện diện cách thể lý và cùng một lúc với với vị chứng hôn. Nếu thiếu vắng một hay hai nhân chứng này, sự cử hành kết hôn vô hiệu.
Khác với vị chứng hôn là người không bị ngăn trở về giáo luật (không bị mắc vạ, theo như Điều 1109) và có thẩm quyền “để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo Hội chấp nhận sự biểu lộ ấy” (Điều 1108 §2), hai người làm chứng chỉ cần thuần túy hiện diện và chứng kiến lúc đôi hôn nhân trao đổi sự ưng thuận.
Vì thế, chỉ cần hai người làm chứng này biết sử dụng trí khôn, nghĩa là họ có khả năng hiểu biết một hôn phối đang được ký kết qua lời trao đổi ưng thuận của đôi hôn nhân. Bất cứ người nào có năng cách để làm chứng theo luật tự nhiên thì đều có thể làm nhân chứng hợp pháp cho Hôn nhân Công giáo, không kể họ là nam hay nữ; có đạo Công giáo hay là lương dân; giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, thậm chí đang bị vạ tuyệt thông cũng được.
Giáo luật không quy định số tuổi tối thiểu của người làm chứng Hôn phối, chỉ đòi hỏi họ biết sử dụng trí khôn. Và Giáo luật giả định rằng trẻ em đã được bảy tuổi trọn thì đã biết sử dụng trí khôn (x. Điều 11). Nhưng tốt hơn hết là nên chọn những người từ mười bốn tuổi trở lên, vì chưng Giáo luật cũng quy định không được nhận làm nhân chứng những người vị thành niên dưới mười bốn tuổi trong các tố tụng theo giáo luật (x. Điều 1550 §1).
Kết luận
Hôn nhân chỉ thành sự khi được ký kết trước mặt vị chứng hôn có năng quyền (Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở), hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền, trước mặt hai nhân chứng, và trong giới hạn địa hạt thẩm quyền của mình. Đây chỉ mới là trường hợp kết hôn theo thể thức thông thường. Trường hợp thể thức kết hôn ngoại thường sẽ được trả lời trong lần sau.
Tác giả bài viết: Lm LG Huỳnh Phước Lâm
Nguồn tin: www.gplongxuyen.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn