Thánh vịnh 22, thánh vịnh đáp ca Chúa Nhật Lễ Lá, diễn tả thống khổ khi bị Thiên Chúa bỏ rơi mở đầu cho tiếng kêu của Chúa Giêsu bị đóng đinh trong trình thuật Khổ Nạn sau đó. Hai thánh vịnh rất khác nhau song đã đóng vai trò chủ yếu trong hành trình Mùa Chay.
Các học giả quan tâm đến các thể loại thánh vịnh cổ xưa đã xếp thánh vịnh 51 là “thánh vịnh thống hối”, một thể loại mà trong đó ý thức về tội lỗi đã chiếm lĩnh toàn bộ thánh vịnh. Đáng chú ý là tương đối có ít thánh vịnh đáp ứng được tiêu chuẩn này và nhiều người cho rằng thánh vịnh 51 là thánh vịnh mẫu duy nhất trong sách Thánh Vịnh. Các thánh vịnh khác, như các thánh vịnh than vãn chẳng hạn, thường có sự xưng thú tội lỗi, song chỉ là một phần trong nỗ lực thuyết phục Thiên Chúa can thiệp cho chính thánh vịnh gia đang đau khổ. Trái lại, trong thánh vịnh 51, ý thức sâu sắc về tội lỗi hiện diện khắp thánh vịnh, và thánh vịnh gia thật tình nhìn nhận tội lỗi mình:
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. (cc. 5-7)
Và liên tục cầu xin lòng thương xót và thứ tha của Chúa
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. (cc. 3-4 và 9.11-14).
Trái lại, Thánh vịnh 22 là mẫu thánh vịnh than vãn. Câu hỏi mở đầu: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” đã không có được câu trả lời dễ dàng, đặc biệt là khi trong phần còn lại của thánh vịnh thì thánh vịnh gia đã chẳng bao giờ nhận mình tội lỗi mà lại còn cho mình là người trông cậy vào Chúa: "Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!" (Tv 22,9). Các học giả gọi đoạn mở đầu này là “câu hỏi cáo buộc” (accusatory question), vì thánh vịnh gia dường như tố cáo Thiên Chúa đã không tiếp tục những hành vi ân sủng trong quá khứ (được diễn tả trong các câu 5-6 và 10-11). Tiếp theo đó là phác họa về hiện trạng của thánh vịnh gia, người đang chịu đau khổ trong thân xác (15-16), bị tấn công bởi các thù địch được diễn tả qua hình ảnh những con trâu con bò (13.22), sư tử (14.22) và chó (17.21).
Đối với người Israel cổ, đây là tình trạng xâm lăng của cõi chết trên thế giới của người sống, sự xâm lăng mà ít nhất Thiên Chúa đã cho phép hay ngay cả ngài đã đặt để: “chốn tử vong Chúa đặt để vào” (Tv 22,16). Trước tình trạng nguy khốn này, thánh vịnh gia vẫn trông mong ngài cứu giúp. Thật vậy, đoạn cuối thánh vịnh (cc. 23-32) tiếp tục xin Chúa cứu giúp và ngợi khen Thiên Chúa vì các hành động cứu rỗi sắp đến, cho cả thánh vịnh gia (c. 25) và tất cả những ai đang cần đến (c. 27).
Tại sao Giáo Hội đề nghị với chúng ta cùng cầu nguyện với các thánh vịnh này vào lúc bắt đầu và kết thúc Mùa Chay? Theo Thánh Athanasiô trong bức thư gởi Marcellinô, điểm đặc biệt của các thánh vịnh này là chúng giúp chúng ta cầu nguyện như bằng “chính lời lẽ của chúng ta”. Hơn thế nữa, đối với Thánh Athanasiô, các thánh vịnh có năng lực hình thành những người cầu nguyện thành một loại người đặc biệt mà Thiên Chúa mong muốn họ trở thành. Nếu Thánh Athanasiô đúng và chúng ta thật sự trở thành như điều chúng ta cầu nguyện thì chúng ta cần phải xem xét các thánh vịnh này muốn chúng ta như thế nào trong suốt Mùa Chay.
Thánh vịnh 51 và thứ Tư lễ tro: mở lòng ra với Thiên Chúa.
Thánh vịnh 51 cho chúng ta một chân dung chi tiết phải là một người như thế nào khi bắt đầu Mùa Chay. Thánh vịnh được gán cho vua Đavít với phụ đề “khi Ngôn sứ Nathan đến gặp vua vì vua đã đến với bà Bát Seva”. Vua Đavít trong đoạn này (xem 2 Sm 11-12) là ví dụ cho một người tội lỗi nặng nề đã bất kể một số điều trong Mười Điều Răn và những luật lệ khác. Tuy nhiên, đặc biệt được miêu tả qua ngôn ngữ thiết tha của thánh vịnh, ông Đavít này cũng là mẫu gương cho một người thống hối ăn năn ý thức được tội lỗi kinh khủng của mình. Khi cầu nguyện với thánh vịnh này, người ta thấy mình giống với Đavít trong con người phàm trần tội lỗi và đồng cảm với tinh thần thống hối sâu sắc của ông.
Trong thứ Tư lễ tro, bài đọc thứ I trích từ sách ngôn sứ Giôen (Ge 2, 12-18) kêu gọi ăn chay và thống hối. Giôen kêu gọi phải thống hối tận tâm hồn chứ không phải bên ngoài. Tâm hồn phải hết lòng về với Chúa (c. 12) và xé lòng vì tội lỗi mình (c. 13). Thánh vịnh 51 đáp ứng được lời hiệu triệu này, cả những đòi hỏi về tâm hồn con người:
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. (c.12)
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. (c.19)
Cầu nguyện cùng với thánh vịnh này là một con người ý thức về sự hiện diện của tội lỗi trong đời sống mình và ao ước nó được tẩy xóa đi. Sự thay đổi như thế chẳng phải là điều dễ dàng hay một điều gì đó mà tự sức mình có thể làm được. Trong tiến trình thanh tẩy này, thánh vịnh 51 dùng ngôn ngữ kết hợp cả việc tẩy sạch quần áo nhơ bẩn và nghi thức thanh tẩy của căn bệnh truyền nhiễm (Tv 51, 3-4; xem Lv 13-14). Chỉ nhờ lòng thương xót, nhân lành (hay sự trung thành với giao ước) và lòng thương cảm của Thiên Chúa thì mới có chút hy vọng về sự biến đổi (Tv 51, 3-4; xem Xh 34, 6). Chính Thiên Chúa phải hành động thì thánh vịnh gia mới trở nên “tinh tuyền”:
Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. (Tv 51, 9).
Sự cần thiết Thiên Chúa phải hành động đã trở nên hiển nhiên trong lời cầu của thánh vịnh gia xin được tạo nên một tấm lòng trong trắng (Tv 51, 12). Động từ trong nguyên bản tiếng Hípri được dùng ở đây cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể là chủ từ. Điều này hàm ý rằng thánh vịnh gia tìm kiếm một điều gì đó hoàn toàn mới, không phải đơn thuần chỉ là sự tha thứ của Thiên Chúa về những tội lỗi đã phạm trong quá khứ. Hơn thế nữa, thánh vịnh gia đã dám cầu xin Thiên Chúa một điều gì đó tương tự với điều mà ta có thể tìm thấy trong các sấm ngôn của Giêrêmia và Êdêkien, nói rằng Thiên Chúa sẽ thay đổi trái tim sỏi đá, cứng cỏi của con người thành trái tim mới để nhận biết, kính sợ và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
Cầu nguyện với thánh vịnh 51 là cầu xin Thiên Chúa biển đổi mình thành người có thể sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và kết hiệp với Thần khí Thiên Chúa:
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. (Tv 51, 13).
Đối với những ai xem trọng Thánh vịnh 51 thì Mùa Chay không phải là một loạt những bổn phận phải thi hành mà đúng hơn là sự mở lòng ra với Thiên Chúa để Ngài tái tạo những cái tôi cơ bản nhất của chúng ta. Trong bối cảnh này, những luật buộc truyền thống của Mùa Chay – cầu nguyện, ăn chay, và bố thí – chỉ là để dọn mình cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Chỉ những người có “tâm hồn tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò” (c. 19) thì mới có thể mở lòng mình ra với Thiên Chúa để Ngài tái tạo cho một trái tim mới (c. 12).
Đây chính là ý nghĩa của câu: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng”. Vào ngày thứ Tư lễ tro, chúng ta được kêu gọi quay lưng lại với những chú tâm đến cái tôi hiện tại của chúng ta để trở thành những con người (hay thành một dân tộc) mà Thiên Chúa muốn. Một sự thống hối như thế phải là sự thách đố liên lỉ suốt Mùa Chay vì ta sẽ thấy Thánh vịnh 51 xuất hiện hầu như hàng tuần trong phụng vụ Mùa Chay.
Thánh vịnh 22 và cuộc Khổ Nạn: kết hiệp với Đức Giêsu
Thánh vịnh 22 ở một đầu khác của Mùa Chay, đây là lời cáo buộc Thiên Chúa vì bị ngài bỏ rơi. Chắc chắn có một ý nghĩa thần học rất sâu xa khi mà Thánh Matthêô và Marcô thuật lại rằng Chúa Giêsu đã kêu lên một phần trích trong thánh vịnh than vãn này khi cô đơn trên thập giá (xem Mt 27,46; Mc 15,34). Khi dùng lại thánh vịnh này, Chúa Giêsu than van về sự đau khổ, bị xã hội từ chối và sự thất vọng tinh thần khi thấy mình như bị Thiên Chúa bỏ rơi.
Những ai đã kinh nghiệm được sự đau khổ như thế này – những người nghèo, những người hèn kém, những người bị bách hại – cũng có thể dễ dàng cầu nguyện với những lời của Thánh vịnh 22 như “lời của chính mình”. Đối với họ, sự kiện Chúa Giêsu đọc lên những lời mở đầu của thánh vịnh này trên thập giá là bảo đảm rằng Chúa Giêsu đã “biết” và chia sẻ sự đau khổ của họ (xem Xh 3,7) và họ ở trong số những người “được chúc phúc” trong Nước Trời.
Đối với những ai có được hoàn cảnh thuận lợi hơn thì phụng vụ nhấn mạnh rằng Thánh vịnh 22 trong Chúa Nhật lễ lá không nói về tình trạng hiện thời của họ nhưng đúng hơn đó là sự thách đố nghiêm túc. Hiển nhiên, cùng ở với Chúa Giêsu trên thập giá là điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của ngài như là một yếu tố chính yếu để theo ngài. Thế nhưng đối với hầu hết các môn đệ, đây không phải là điều dễ làm. Cũng giống như các môn đệ này, khi đối mặt với thập giá, chúng ta thường có khuynh hướng chối từ Chúa Giêsu và chạy … mất dép!
Sự mâu thuẫn của Kitô giáo chính là Thiên Chúa được tìm thấy ở nơi mà ngài dường như vắng mặt nhiều nhất: trên thập giá và trong phần sâu thẳm của đau khổ nhân sinh. Như trong bài đọc thứ II của Lễ Lá trích thư Philipphê 2,6-11, chính vì Đức Giêsu tự gội bỏ chính mình và chấp nhận thập giá nên ngài mới được tôn vinh. Chúa Giêsu là mẫu gương cho mọi Kitô hữu về điều này, như Thánh Phaolô đã khẳng định với người Philipphê trong câu ngay trước đoạn văn này: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”. Hiển nhiên là chỉ khi nào chúng ta “được dìm vào trong cái chết của Người qua bí tích rửa tội … thì cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).
Các Thánh Vịnh trong Mùa Chay
Mùa Chay là sự đi qua giữa hai thánh vịnh này. Hành trình này bắt đầu vào thứ Tư lễ tro với Thánh vịnh 51, nhìn nhận tội lỗi và cầu xin Thiên Chúa biến đổi. Nó kết thúc ở đầu Tuần Thánh với Thánh vịnh 22, sự than vãn mà qua đó người cầu nguyện mượn lấy lời đã nói lên sự đau khổ kiếp nhân sinh cũng như đi vào trong cái chết của Chúa chúng ta – và qua cái chết đó cũng đi vào sự phục sinh của ngài.
Theo quan điểm này, Mùa Chay là thời gian dành để lớn mạnh trong tư cách trọn vẹn của người môn đệ Chúa, một điều chỉ có thể đạt được qua ân sủng Chúa. Ít ra, ân sủng này được ban cho chúng ta qua các thánh vịnh này mà phụng vụ muốn chúng ta nhận lấy như là “lời lẽ của chính mình”. Thánh vịnh 51 là sự mở ra tận căn với Thiên Chúa dẫn đưa đến sự hiệp thông với Chúa Giêsu chịu đóng đinh của Thánh vịnh 22. Đừng ai cho rằng Mùa Chay và các thánh vịnh chỉ làm cho tâm hồn thêm yếu đuối.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn