THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

“Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!”: Sự phục sinh đã bắt đầu"

Thứ bảy - 11/04/2020 21:20
Thánh Phaolô đã gặp Đức Kitô chính xác khi nào? Người ta thường cho rằng biến cố xảy ra vào khoảng năm 35.
“Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!”: Sự phục sinh đã bắt đầu"

St. Gerald Catholic Church



Thánh Phaolô đã gặp Đức Kitô chính xác khi nào? Người ta thường cho rằng biến cố xảy ra vào khoảng năm 35. Có một điều khá ấn tượng là: vào những năm tháng xa xưa này, chỉ 5 năm sau cái chết của Đức Kitô, những cộng đoàn đầu tiên đã cố định một công thức chứa đựng nội dung chính trong đức tin của mình. Đó là bản tuyên xưng đức tin mà Phaolô nói mình đã nhận được khi trở thành môn đệ Đức Kitô. Ngài đã nhắc lại nó trong thư thứ nhất gởi cho cộng đoàn Côrintô: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận” (1 Cr 15,3). Chính khi ấy ngài đã trích dẫn kinh tin kính cổ xưa nhất vẫn còn tồn tại với chúng ta hôm nay, nói lên trọng tâm của đức tin Kitô giáo nguyên thủy. Tất cả gồm tóm trong hai câu song song, mỗi câu gồm ba vế, đã ghi sâu vào trong ký ức:

“Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta,
đúng như lời Kinh Thánh,
rồi Người đã được mai táng.

Ngày thứ ba đã trỗi dậy,
đúng như lời Kinh Thánh,
Người đã hiện ra với ông Kêpha”.

Trong phần tiếp theo, Phaolô chú ý đến vế thứ nhất ở khổ thứ hai: “Đức Kitô đã trỗi dậy”. Trong chương dài dòng này, ngài trả lời cho một vấn nạn mà ta có thể đoán được ở câu 12: “Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?”. Như vậy, trong khi nhìn nhận sự sống lại của Đức Kitô thì những người ở Côrintô không tin vào sự sống lại của các tín hữu. Thánh Phaolô cố chứng minh niềm hy vọng sống lại của chính chúng ta được gắn với niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô, như ngài đã gọn gàng khẳng định ở vài chương trước đó: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6, 14). Đây là xác quyết mà ngài sử dụng lại với những từ tương tự trong thư thứ hai: “Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu” (2 Cr 4, 14)

Từ tương lai đến hiện tại

Điều Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta. Đây là khẳng định cơ bản. Nhưng “sự-sống-lại-với-Đức-Kitô” này, đối với các tín hữu, đó là điều Thiên Chúa dành cho họ sau cái chết. Tuy nhiên, trong chứng từ của Tân Ước cũng như của chính Thánh Phaolô, còn có một vấn đề nữa, đó là sự sống lại không chỉ trong tương lai mà đã đến rồi. “Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô”.

Và khá ngạc nhiên là xác quyết về sự kết hiệp đã được khai mở trong mầu nhiệm của Đức Kitô phục sinh, xác quyết này đã được khẳng định rất sớm, sớm như khẳng định về sự phục sinh trong tương lai. Xác quyết này xuất phát từ hai đoạn thư đặc biệt mà chúng ta sẽ xem xét kỹ càng hơn sau đây.   

“Hãy tỉnh giấc ngủ và trỗi dậy”

Câu thứ nhất được trình bày dưới hình thức thi ca trong thư Êphêsô:

Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!
Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào!
Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!
(Ep 5, 14)

Những hình ảnh và biểu tượng đứng bên nhau và xâu chuỗi lại với nhau: trước hết là ra khỏi giấc ngủ như ta vẫn làm mỗi buổi sáng, rồi đứng dậy, bước ra khỏi giường, rồi tiếp cận với ánh sáng của ngày mới mà chính nó cũng vừa mới trỗi dậy. “Tỉnh giấc đi, trỗi dậy đi”: những động từ này nói lên sự giống nhau giữa giấc ngủ và cái chết, cũng là những động từ mà Tân Ước sử dụng để nói về sự sống lại của Đức Kitô. Nhưng vế thứ ba, “Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!”, dường như không nói đến người nhận thư ở đây mà là với người tín hữu. Vậy thì người này đã tiếp nhận ánh sáng khi nào vậy?

Cách đấy vài câu, đoạn thư Ep 5, 8 đã loan báo: “nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Và, sự biến đổi này là trên bình diện hữu thể, người tín hữu còn phải tỏ lộ nó ra trên bình diện hành động: “Hãy bước đi như con cái sự sáng”. Ta hiểu rằng qua biểu tượng ánh sáng, một kinh nghiệm khác của người tín hữu cũng đã được gợi lên. Trong Ep 5, 14, biểu tượng tỉnh giấc và trỗi dậy nhắc đến một kinh nghiệm trước đó. Kinh nghiệm nào?

Trong tất cả các bản văn Tân Ước, bằng nhiều cách khác nhau, thư Êphêsô chắc hẳn là thư thường đề cập đến phép rửa và kinh nghiệm phép rửa. Từ đầu đến cuối, từ chương 1 đến chương 5, điều này được tìm thấy không dưới 7 lần. Như thế, được đoạn Ep 5, 14 gợi lên bằng những từ có tính biểu tượng, phép rửa được xem là nơi mà các tín hữu đạt được sự sống mới khi được liên kết với sự phục sinh của Đức Kitô.

“Nếu ta cùng chết với Ngài …”

Đoạn thư thứ hai là một trong những đoạn được biết dến nhiều nhất thời nay vì nó luôn được hát lên: “Con hãy nhớ rằng Đức Giêsu Kitô Ngài đã phục sinh từ trong cõi chết”. Đây là đoạn được tìm thấy trong thư thứ hai gởi Timôthê (2 Tm 2, 8). Như trong thư Êphêsô, đoạn thư này nằm trong những thư hậu thời. Thế nhưng đoạn mà chúng ta quan tâm ở đây, cũng như đoạn thư Ep 5, 14, tất cả đều có trước khi bức thư được biên soạn và được trích đăng lại từ một bài thánh ca truyền thống rất thời danh, được hát lên trong các cộng đoàn. Và chính bài thánh ca này cũng được công bố trong khi làm phép rửa. Thật vậy ta đọc thấy rằng: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài” (2 Tm 2, 14). Vì động từ ở thì quá khứ và vì những người có kinh nghiệm này là những người còn đang sống, nên đây không thể nào là cái chết trong tương lai mà là cái chết trong quá khứ và vì thế nó cũng liên quan đến một kinh nghiệm thiêng liêng. Như vậy, điều được diễn tả ở đây là xác quyết rằng khi chịu phép rửa thì các tín hữu được kiên kết với cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chính đây là xác quyết mà Thánh Phaolô đào sâu trong thư của mình: Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Rm 6, 4). Và còn nữa: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người” (Cl 2, 12). Rồi đi xa hơn một chút: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, … » (Cl 3,1).

Các chi thể với Đầu

Đó là xác quyết của Kitô giáo. Khi thời gian đã đến, Thiên Chúa, trong Đức Giêsu, đã hòa nhập vào trong thế giới chúng ta và chia sẻ đời sống, điều kiện và kinh nghiệm của chúng ta. Từ những gì chúng ta đã sống, Ngài thâu nhận tất cả, kể cả thực tại nghiệt ngã là cái chết và thậm chí là cái chết mà ít người trong nhân gian chịu đựng được (Pl 2, 6-8). Khi đã đi vào trong đời sống của chúng ta như thế, Thiên Chúa, trong Đức Giêsu, đã muốn khai thông đời sống ấy vào trong đời sống của Ngài. Qua đức tin, được ghi dấu qua phép rửa, các tín hữu chọn gắn bó mình với Đức Kitô – Thánh Phaolô nói rằng họ sáp nhập mình vào Ngài (Rm 6, 5). Và như thế, là các chi thể của thân thể ngài, họ tin chắc rằng mình đã nối kết với Đầu là Đức Kitô, trưởng tử giữa những người đã chết, trong sự sống của Thiên Chúa. Và thực tại này đã là “phục sinh”, bởi vì trong khi vẫn còn hướng về sự kết hiệp trọn vẹn, nó đã thay đổi dứt khoát những chân trời và cách sống của các Kitô hữu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay12,956
  • Tháng hiện tại223,396
  • Tổng lượt truy cập16,021,518
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây