THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thời đại dịch: Chúng ta thuộc về Thiên Chúa

Thứ ba - 07/04/2020 21:50
“Chúng sẽ là dân của Ta;

còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37,23).
Thời đại dịch: Chúng ta thuộc về Thiên Chúa

 

“Chúng sẽ là dân của Ta;

còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37,23).

 

Lời Chúa ở trên được trích từ sách tiên tri Ê-dê-ki-en. Trong chương 37, tiên tri Ê-dê-ki-en diễn tả hình ảnh Thiên Chúa đã làm cho dân tộc Do-thái hồi sinh và đã cứu thoát họ khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon, nghĩa là cứu họ thoát khỏi cảnh lầm tham như sống trong huyệt mồ, và Thiên Chúa đặt thần khí của Ngài vào trong dân Do-thái và dân này được hồi sinh. Hơn nữa, Thiên Chúa còn cho dân Do-thái định cư trên đất của họ. Trên mảnh đất họ sống, dân Do-thái lắng nghe lời của Thiên Chúa nói qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”.

 

Lời của Thiên Chúa diễn tả một giao ước của tình yêu. Cụ thể qua cách nói thuộc về “dân của Ta” và “Thiên Chúa của chúng”. Thật vậy, tình yêu luôn được diễn tả qua sự thuộc về nhau, “của nhau”.

 

Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở dân tộc Do-thái, mà qua Chúa Giê-su lịch sử cứu độ được trải dài cho đến tận cùng thế giới, nghĩa là lời của Thiên Chúa nói dân Do-thái ngày xưa cũng được gởi đến tất cả chúng ta: “Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”.

 

Vâng, tất cả chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương, Đấng đã đưa chúng ta vào cuộc đời và chính Ngài là lẽ sống của chúng ta lúc này, dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh đầy đau thương, và Ngài cũng là cùng đích của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu trung thành và luôn hiện diện ở bên và gần gũi với chúng ta, như vị mục tử nhân lành ở bên đàn chiên và canh giữ đàn chiên.

 

Chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Đó là một ân phúc thật lớn lao. Ôi phúc thay những ai được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và đỡ nâng. Cuộc sống trần gian này có giá trị gì và ý nghĩa gì, nếu con người không được sống trong tình yêu tuyệt vời và nhưng không của Thiên Chúa?

 

Trong bối cảnh cả nhân loại và mỗi người đang loay hoay để “trốn tránh” virus, để tìm cách chống trả và loại trừ virus, chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, không bao giờ bỏ rơi nhân loại, những con người Ngài đã cho phép vào đời, dù cho rất nhiều phận người đã sống trong tội lỗi và xúc phạm đến Chúa.

 

Thiên Chúa là Chúa của chúng ta và chúng ta là con cái của Chúa. Điều này được diễn tả thật sống động qua hình ảnh của một buổi chiều thứ sáu Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện, chầu Thánh Thể và ban phúc lành Urbi et Orbi cho dân thành Rô-ma và toàn thể nhân loại.

Chúng ta chiêm ngắm lại bức hình Đức Thánh Cha cầu nguyện trước Chúa Giê-su chịu đóng đanh trên Thánh Giá ở quảng trường Thánh Phê-rô.

Trong khoảng không tĩnh lặng và dưới trời mưa, Đức Thánh Cha một mình bước lên các bậc thang hướng về đền thờ thánh Phê-rô. Bình thường là biết bao ngàn người hiện diện tại quảng trường này, khi vị Cha chung xuất hiện. Nhưng chiều hôm đó chỉ có Vị Cha chung đã cao niên cùng một vài bóng dáng của những người giúp đỡ tổ chức buổi cầu nguyện. Tiếng cầu kinh, lời giảng huấn của Đức Thánh Cha vang lên, đi vào khoảng không tĩnh lặng. Không có một tiếng vỗ tay, cũng chẳng có một lời thưa đáp. Rồi thật lặng lẽ Người đã đến với Mẹ Maria, đến trước Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Người âm thầm cầu nguyện trong buổi chiều tàn thật sâu lặng, chỉ có những hạt mưa đang đồng hành với vị Cha chung.

 

Tưởng rằng, vị Cha chung cô đơn lẻ loi, nhưng không!

Toàn thể các tín hữu trên trái đất thật lớn nhưng cũng thật nhỏ bé này đang đồng hành với Đức Thánh Cha qua màn hình. Tất cả đều hiệp thông cầu nguyện với ngài. Tất cả đều bước đi với ngài, tất cả cùng lắng nghe ngài. Tất cả cùng tiến đến Mẹ Maria với ngài. Tất cả cùng với vị Cha chung lặng lẽ tiến đến trước Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá.

 

Tất cả chúng ta đều nên một với vị Cha chung trong lúc này. Giữa sự khốn đốn của toàn thể nhân loại, cùng với Đức Thánh Cha tất cả các tín hữu đã khám phá sống động lời kinh của Chúa Giê-su dâng lên Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

 

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết trên Thánh Giá, Chúa chết không chỉ thay cho dân Do-thái mà thôi, nhưng còn để quy tụ chúng con, là con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết trên Thánh Giá. Cái chết của Chúa có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (x.Ga 10, 16), kể cả những ai chưa tin vào Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết trên Thánh Giá. Cái chết của Chúa có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (x.Ga 12, 32).

 

Mẹ Tê-rê-sa đã nhắc nhớ chúng con lời Chúa đã thốt lên trên Thánh Giá: “Ta khát” ! Đó là tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ngài không khát nước mà khát Tình yêu. Điều mà chúng tôi phải thực hiện là giải khát cho Ngài”.

 

Chúa khát tình yêu, Chúa khát ơn cứu độ từng người chúng con trên thế giới.

Trong tâm điểm của đại dịch này, xin Chúa cho tất cả mọi người nhận ra Chúa đang khao khát họ, Chúa đang muốn đưa lại cho họ ơn cứu độ qua chính cái chết của Chúa trên Thánh Giá.

Chúa ơi, xin cho chúng con và cho tất cả mọi người nhận ra rằng: “Chúa chính là Chúa của chúng con và chúng con chính là con cái của Chúa. Và xin Chúa quy tụ tất cả chúng con, dù là tín hữu hay dân ngoại, về một mối, về với chính đôi tay giàu lòng thương xót của Chúa. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Để kết thúc vài tâm tình đơn sơ, chúng ta xin Chúa ban phúc lành cho mọi người:

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, quyền năng và giàu lòng thương xót ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 Tags: thiên chúa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay12,956
  • Tháng hiện tại223,353
  • Tổng lượt truy cập16,021,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây